vrijdag 28 februari 2014

Âm nhạc có tác động tích cực cho não bộ

Âm nhạc có tác động tích cực cho não bộ
Trên hồ sơ khoa học, báo le Monde hôm nay công bố kết quả nghiên cứu đáng chú ý. Đó là âm nhạc kích thích một hình thức ghi nhớ ở một số bệnh nhân mắc bệnh mất trí (Alzheimer). Âm nhạc mở ra những cánh cửa mới cho hoạt động não bộ.
Những bệnh nhân Alzheimer có thể ghi nhớ được những câu hát lặp đi lặp lại, những người đang hôn mê có thể tỉnh giấc nhờ bài hát mà họ yêu thích, người bị bệnh parkinson bớt loạng choạng hơn nhờ nghe những điệu nhạc đều đặn… Âm nhạc có tác động tích cực cho não bộ.
Tại sao một giai điệu có thể làm cho bạn cảm động, làm cho bạn vui, khóc, nhảy hay làm bạn bực bội ? Theo nghiên cứu đăng trên báo Le Monde, nhờ vào âm nhạc mà một số người mắc bệnh vô cảm bắt đầu ca hát, cười đùa và giao tiếp.
Ngoài ra, âm nhạc còn có một sức mạnh « kích thích » khả năng nhận thức và não bộ. Các nghiên cứu còn cho thấy những trẻ chơi âm nhạc có thành tích học tập được cải thiện hơn.
tags: Châu Á - Môi trường - Ô nhiễm - Trung Quốc - Điểm báo
 
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20140226-o-nhiem-khong-khi-thach-thuc-chinh-tri-cho-bac-kinh

Ấn Độ : Hệ thống trường công tồi tệ đe dọa tương lai hàng triệu trẻ em

Ấn Độ : Hệ thống trường công tồi tệ đe dọa tương lai hàng triệu trẻ em
Nhìn sang Ấn Độ, nhật báo Le Monde quan tâm đến tình trạng giáo dục tại Ấn Độ qua bài viết : « Thất bại của các trường công lập Ấn Độ đe dọa tương lai hàng triệu trẻ em ».
Ngày càng đông người Ấn Độ, giàu cũng như nghèo, chấp nhận đóng tiền để đi học ở trường tư. Tỷ lệ trẻ em đi học ở trường tư tăng từ 27,8% lên 33% trong vòng 3 năm và tỷ lệ này tăng từ 16,3% lên 29% ở nông thôn, trong vòng 8 năm nay. Báo Le Monde thuật lại, trường tư mọc lên tuy trong những căn phòng nhỏ, thậm chí ngoài đường nhưng vẫn tốt hơn so với lớp học trường công mà thầy cô vắng mặt, trung bình một ngày trên năm ngày.
Thống kê này minh họa cho một trong những khủng hoảng giáo dục, hiện nay đang gây nguy hại đến sự phát triển của quốc gia này mà một nửa dân số dưới 25 tuổi, theo nhận định của nhiều nhà nghiên cứu.
Cuộc điều tra mang tên ASER do Tổ chức phi chính phủ Ấn Độ Pratham tiến hành tại các vùng nông thôn cho biết, nếu như có đến 96% trẻ em Ấn Độ ghi danh học tại trường công thì số trẻ này chẳng học được là mấy. Sau 3 năm học, 60% trẻ không biết đọc, ngoại trừ có thể là tên của mình, trong khi con số này chỉ là 54% cách đây 4 năm.
Một « luật về quyền được giáo dục » được thông qua vào năm 2010, bắt buộc mỗi trẻ em trong độ tuổi từ 6-14 tuổi đến trường nhưng luật này không thực sự quan tâm đến việc trẻ em học gì ở trường.
Thông tín viên báo Le Monde miêu tả, tại một ngôi trường trống rỗng, chỉ có vài con chó và thú nuôi, giáo viên nằm phơi nắng, đọc báo, trong lúc có vài học sinh phục vụ trà cho giáo viên. Ali Ahmad, một trợ giáo, cho biết là công việc của anh là giữ trẻ chứ không phải dạy học, nhưng vì giáo viên chính thường xuyên vắng mặt, nên anh cũng phải dạy trẻ.
Tại bang Uttar Pradesh của Ấn Độ, phụ huynh chấp nhận trả 70 roupi/tháng (0,90 euro) để gửi con vào trường tư đang mọc lên như nấm. Lúc đầu, 5 hay 6 trẻ đến nhà một bà giáo hưu trí để học dưới một gốc cây. Chỉ trong vòng vài năm, số lượng đã tăng lên 158 trẻ và giờ đây được ngồi học trong nhà ngói. Vì các phụ huynh đa số mù chữ nên không biết con em mình học hành ra sao, vì thế mà trường tư như một giải pháp đảm bảo cho sự thành công, theo nhận định của phụ huynh.
Kiev chờ đợi một chính phủ mới
Ukraina vẫn tiếp tục là đề tài được các nhật báo ra ngày hôm nay quan tâm bình luận. Nhật báo Le Figaro có bài : « Ukraina : Châu Âu sẽ không trả nợ giúp ». Nhật báo Libération thì nhận định, chuyện làm ăn của Nga không còn thuận buồm xuôi gió ở Ukraina.
Theo tờ báo, sau khi « con rối Ianoukovitch » trốn biệt và sau chiến thắng của đối lập tại quảng trường Maidan, Mátxcơva không còn nắm lấy được nữa quốc gia chư hầu này. Để gây áp lực lên Châu Âu, Nga sử dụng luận điệu vẫn thường dùng là không can thiệp vào nội bộ Ukraina, một lập luận mà Nga đã từng làm để duy trì chế độ Bachar al-Assad tại Syria.
Riêng nhật báo Les Echos quan tâm đến các gương mặt ứng cử viên tổng thống cho lần bầu cử sắp tới vào tháng Năm qua bài viết đề tựa : « Kiev chờ đợi chính phủ và kỳ tranh cử tổng thống ». Theo tờ báo, việc công bố hai ứng cử viên cho chiếc ghế tổng thống vào hôm qua đánh dấu một bước mới trong quá trình chuyển tiếp tại Ukraina.
Nhân vật thứ nhất không mấy gây ngạc nhiên là cựu vô địch quyền anh Vitali Klitschko, thủ lãnh của một trong ba đảng đối lập. Thế nhưng, nhân vật thứ hai mới đáng chú ý hơn, đó là Mikhaïl Dobkine, thống đốc thành phố Kharkiv, lãnh địa của phe thân với Nga. Trong khi đó, hôm thứ Hai vừa qua (24/02/2014), Mátxcơva khẳng định không thừa nhận tính chính đáng của chính quyền lâm thời. Trong khi đó, đại diện ngoại giao Châu Âu, bà Catherine Ashton khẳng định : « Chúng tôi ủng hộ Kiev nhưng không can thiệp vào chuyện nội bộ » và « Nga với tư cách là láng giềng của Ukraina, cần phải ủng hộ nước này trong quá trình chuyển tiếp ».
Thâm hụt ngân sách, tăng trưởng, thất nghiệp : Pháp vẫn làm Châu Âu lo lắng
Chủ đề cũng được khá nhiều nhật báo Pháp quan tâm là vấn đề về thâm hụt ngân sách, tăng trưởng và thất nghiệp của Pháp vẫn gây lo ngại cho Châu Âu. Đó cũng chính là tựa lớn trên trang nhất báo Le Figaro. Theo đó, Ủy ban Châu Âu không tin tưởng vào sự cam kết của Pháp trong việc giảm thâm hụt ngân sách từ nay đến năm 2015. Trang nhất phụ lục kinh tế báo Le Figaro chạy tựa : « Thâm hụt ngân sách : Bruxelles lên án những dự báo của Paris ».
Trang nhất nhật báo Les Echos cũng báo động : « Pháp cần phải tiết kiệm nhiều hơn ». Trang bên trong tờ báo đăng bài viết: « Bruxelles cảnh cáo Pháp ». Theo đó, thâm hụt ngân sách công của Pháp vẫn đạt ở mức 4% tổng sản phẩm quốc nội GDP vào năm 2014. Để đạt được mục tiêu đưa con số thâm hụt chỉ còn 3% vào năm 2015, Pháp cần phải tiết kiệm đáng kể.
Tuổi trẻ Pháp cảm thấy bị coi thường và muốn nổi dậy
Vẫn liên quan đến Pháp nhưng trên hồ sơ xã hội, trong bối cảnh kinh tế u ám, thanh niên Pháp chỉ thấy một màu đen trong cuộc sống, nhật báo Le Monde chạy tựa trên trang nhất : « Tuổi trẻ Pháp cảm thấy bị coi thường và muốn nổi dậy ».
Nhật báo Le Monde đăng kết quả điều tra trên 210 000 thanh niên và họ vẽ ra một bức họa về một thế hệ « thất bại » và không hội nhập. Thành phần tham gia trả lời 143 câu hỏi trên mạng do France Télévision điều tra ở độ tuổi từ 18-34 tuổi. Họ vẽ ra bức tự họa tăm tối, một thế hệ được giáo dục nhưng lại vô cùng ấm ức vì những cánh cửa tương lai trước mặt đều đóng chặt.
Gần 3/4 (70%) trong số đó cảm thấy xã hội Pháp không cho họ có những phương tiện để chứng tỏ bản thân. Trong công việc, thanh niên có cảm giác rằng tài năng và nỗ lực của họ không được bù đắp. 60% cho rằng họ được trả lương không xứng với năng lực của mình. Từ đó, 3/4 người được hỏi cho rằng, nếu có cơ hội sẽ bỏ Pháp ra nước ngoài sinh sống. Họ không còn tin tưởng vào các đảng phái chính trị có thể cải thiện được cuộc sống hiện tại.
Đối với câu hỏi : Sắp tới, bạn có sẽ tham gia vào một phong trào nổi dậy như dạng Mai 68 không ? 61% trả lời là có. Nguyên nhân gây ra sự bùng nổ này ở thanh niên là do họ không có chỗ đứng trong xã hội, không được xã hội công nhận, không công ăn việc làm, nhà ở, công việc không phù hợp với học thức, lo ngại cho tương lai.

http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20140226-o-nhiem-khong-khi-thach-thuc-chinh-tri-cho-bac-kinh

Trung Quốc : Ô nhiễm không khí : Thách thức chính trị cho Bắc Kinh

Thứ tư 26 Tháng Hai 2014

Ô nhiễm không khí : Thách thức chính trị cho Bắc Kinh

Một ngày mù mịt ở Bắc Kinh. Ảnh 26/02/2014.
Một ngày mù mịt ở Bắc Kinh. Ảnh 26/02/2014.
Reuters

Lê Vy
Phía Bắc Trung Quốc lại một lần nữa bị một lớp sương mù dày đặc bao trùm mà nguyên nhân chính là nạn ô nhiễm nghiêm trọng do các hoạt động kinh tế, công nghiệp gây nên. Chính quyền địa phương đã không có cách nào chống chọi được với vấn nạn này. Nhật báo Les Echos phản ánh tình trạng này qua bài viết : « Bắc Kinh đối mặt với thách thức chính trị của nạn ô nhiễm không khí ».


Thông tín viên báo Les Echos từ Bắc Kinh tường thuật có nhiều trường hợp đau đầu do các nguyên nhân không rõ ràng, bệnh viện tràn ngập bệnh nhân với những hội chứng khó thở…, và mắt bệnh nhân vàng xám. Ai nấy đều đeo khẩu trang và hạn chế ra ngoài. Trong nhà, nếu hộ nào có điều kiện tài chính thì đều mua máy lọc không khí và cho chạy hết công suất trong nhà.
Ngày hôm qua, lần đầu tiên, một công dân Trung Quốc kiện chính quyền địa phương do đã không đưa ra được những biện pháp giảm thiểu ô nhiễm. Chuyên viên tư vấn chính phủ Lý Tuấn Phong đã đánh giá mức độ ô nhiễm vượt « mức độ cho phép », giống như tình trạng một « người hút thuốc lá cần phải dừng hút thuốc ngay lập tức, nếu không sẽ có nguy cơ bị ung thư ».
Theo Les Echos, trước thách thức chưa từng thấy này, chính quyền đóng cửa các xí nghiệp xung quanh thủ đô, hạn chế lưu thông xe hơi và gửi những nhóm chuyên viên đi kiểm tra việc áp dụng những biện pháp khẩn cấp. Thế nhưng, theo một luật sư cho biết, « trên truyền thông, đề tài về môi trường lại một lần nữa bị kiểm duyệt gắt gao » bởi vì đề tài này vô cùng sâu sắc, liên quan đến nền kinh tế Trung Quốc, đến trọng lượng đầu tư trong ngành công nghiệp nặng và thiếu một đối trọng đối với những chính quyền địa phương có quyền lực tuyệt đối. Ngoài đề tài về môi trường còn là vấn đề về khả năng của chính quyền tiến hành cải cách.
Trả lời phỏng vấn Les Echos, ông Mã Quân, Giám đốc Viện các vấn đề công cộng và môi trường cho biết, trong một thập niên nay, tâm lý người dân đã thay đổi thực sự. Nếu như cách đây 10 năm, bạn hỏi một người qua đường rằng điều gì là quan trọng nhất, họ sẽ trả lời là « phát triển kinh tế ». Ngày nay, câu trả lời sẽ là chất lượng không khí, nước, an toàn thực phẩm. Lý do của sự thay đổi trong cách suy nghĩ này vô cùng dễ hiểu. Đó là người dân đã thấy rõ tác hại của ô nhiễm không khí, ô nhiễm nước tại nhiều nơi.
Vẫn theo chuyên gia này thì vấn đề sinh thái khẩn cấp nhất cần được chú trọng là nạn ô nhiễm không khí vì hai lý do sau. Thứ nhất, đó là một vấn nạn mà toàn dân Trung Quốc đều quan ngại. Nếu như bạn giàu, bạn có thể mua nước khoáng đóng chai để uống, mua thức ăn bio, nhưng lại phải hít chung một khí trời khi bước ra khỏi nhà. Sau đó, ô nhiễm không khí này sẽ rơi xuống đất và gây nên những hậu quả về lâu dài trên chất lượng đất nông nghiệp hay thậm chí là chất lượng nước.
Vấn đề thật sự ở đây là các cơ quan chức trách vẫn thiếu nhiệt tình trong việc giải quyết. Những tác nhân gây ô nhiễm không cảm thấy bị đe dọa, họ thích nộp phạt hơn và tiếp tục thải ra chất độc. Chính quyền địa phương thì vẫn tiếp tục ưu tiên tăng trưởng trong mỗi quyết định của họ. Theo ông, nếu ngày nào công chúng chưa được phép tham gia và giám sát thì vẫn không thể giải quyết được nạn ô nhiễm.

http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20140226-o-nhiem-khong-khi-thach-thuc-chinh-tri-cho-bac-kinh

Việt Nam bị Trung Quốc đe dọa tại Lào và Cam Bốt ?

Thứ năm 27 Tháng Hai 2014
Việt Nam bị Trung Quốc đe dọa tại Lào và Cam Bốt ?
Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào (T) và Thủ tướng Cam Bốt Hun Sen (P) chứng kiến lễ ký thỏa thuận hợp tác song phương tại Phnom Penh ngày 31/03/2012.
Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào (T) và Thủ tướng Cam Bốt Hun Sen (P) chứng kiến lễ ký thỏa thuận hợp tác song phương tại Phnom Penh ngày 31/03/2012.
Reuters
Trọng Nghĩa
Vào lúc Trung Quốc ngày càng lộ rõ tham vọng đặt toàn bộ Biển Đông dưới quyền khống chế của Bắc Kinh, phớt lờ chủ quyền được tuyên bố của Việt Nam đối với hai vùng quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, trên đất liền cũng diễn ra một tình hình đáng ngại khác cho Việt Nam : Trung Quốc càng lúc càng tăng cường thế lực tại Lào và Cam Bốt, hai nước láng giềng cho đến nay là đồng minh truyền thống, nằm trong vòng ảnh hưởng của Việt Nam.
Câu hỏi đặt ra là uy thế ngày càng lớn của Trung Quốc tại Lào và Cam Bốt phải chăng đang trở thành một mối đe dọa cho Việt Nam, đặc biệt trong lãnh vực an ninh, vì nếu Lào và Cam Bốt thực sự rơi vào quỹ đạo của Bắc Kinh, thì rõ ràng là Việt Nam đã lọt vào trong gọng kềm của Trung Quốc.
Phải nói là trong thời gian qua, Trung Quốc không ngừng gia tăng các khoản viện trợ và đầu tư vào Lào và Cam Bốt. Các khoản trợ giúp của Bắc Kinh cho Phnom Penh đã từng được nêu bật cách nay hai năm sau khi Cam Bốt không ngần ngại chiều theo quan điểm của Trung Quốc và đối kháng với Việt Nam và Philippines trong hồ sơ Biển Đông. Riêng những khoản đầu tư của Trung Quốc vào Lào ít được nói tới dù rất đáng kể.
Cuối 2013, Trung Quốc vượt qua Việt Nam để thành nhà đầu tư số một ở Lào
Tuy nhiên, ngày 30/01/2014, Đại sứ Trung Quốc tại Lào Quan Hòa Bình (Guan Huaping) cho biết là tổng trị giá đầu tư của Trung Quốc tại Lào vào cuối năm 2013 đã đạt mức 5,1 tỷ đô la, qua mặt Việt Nam trong tư cách là nhà đầu tư lớn nhất tại Lào.
Cho đến giữa năm 2013, Việt Nam còn là nhà đầu tư số một tại Lào với khoảng 5 tỷ đô la, theo sau là Thái Lan với 4,8 tỷ, còn Trung Quốc chỉ đứng thứ ba với 4 tỷ.
Việc Trung Quốc vượt qua Việt Nam trong vai trò nhà đầu tư lớn nhất tại Lào không phải là điều đáng ngạc nhiên trong bối cảnh từ hơn một chục năm nay Bắc Kinh không ngừng nỗ lực dùng lá bài kinh tế để chiêu dụ các nước Đông Nam Á nói chung, và hai nước Lào và Cam Bốt nói riêng.
Trong một công trinh nghiên cứu về quan hệ giữa Trung Quốc với Lào và Cam Bốt vừa được Viện Thống nhất Quốc gia của Hàn Quốc tại Seoul công bố (Carlyle A. Thayer, “China’s Relations with Laos and Cambodia", in Jung Ho Bae and Jae H. Ku, eds., China’s Internal and External Relations and Lessons for Korea and Asia), Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia kỳ cựu về châu Á tại Học viện Quốc phòng Úc đã nêu bật một số lý do chính thúc đẩy Bắc Kinh tăng cường đầu tư vào hai nước Đông Nam Á này cả kinh tế lẫn chính trị :
« Trung Quốc đã làm như vậy chủ yếu vì lý do kinh tế : Họ tìm cách tiếp cận vào các sản phẩm nông nghiệp và nguồn tài nguyên thiên nhiên rất cần cho nền kinh tế đang phát triển nhanh của họ, đồng thời tìm cách phát triển một thị trường cho hàng hóa và dịch vụ của Trung Quốc. Đa phần viện trợ phát triển và đầu tư của Trung Quốc được hướng vào lãnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông vận tải, năng lượng và công nghiệp khai khoáng ở cả Lào lẫn Cam Bốt ».
Mặt khác, theo giáo sư Thayer, Trung Quốc cũng muốn tỉnh Vân Nam của họ hội nhập được vào khu vực Đông Nam Á lục địa, do đó, đầu tư và viện trợ của Bắc Kinh cũng tập trung vào việc thành lập một mạng lưới giao thông từ miền Nam Trung Quốc tỏa xuống vùng Đông Nam Á.
Động cơ chính trị : Thông qua Lào và Cam Bốt để tác động lên ASEAN
Bên cạnh quyền lợi kinh tế, theo giáo sư Thayer, Bắc Kinh cũng có động cơ chính trị. Ông giải thích :
« Trung Quốc tìm cách phát triển mối quan hệ thân thiện với Lào và Campuchia để thu hút sự ủng hộ cho một loạt chính sách quan trọng của Bắc Kinh. Ví dụ, tất cả các thỏa thuận hợp tác song phương dài hạn mà Trung Quốc đã ký kết với các thành viên ASEAN trong những năm 1999-2000 đều có điều khoản liên quan đến chính sách Một nước Trung Quốc duy nhất.
ASEAN đóng vai trò quan trọng trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Yếu tố đó đã nâng cao tầm quan trọng của Lào và Cam Bốt trong một khuôn khổ đa phương. Lợi ích của Trung Quốc là làm sao có được quan hệ tốt với Lào và Cam Bốt (và với tất cả các thành viên ASEAN khác) để họ làm cầu nối cho ảnh hưởng chính trị và kinh tế của Trung Quốc.
Trong năm 2012 chẳng hạn, khi Cam Bốt làm chủ tịch ASEAN, Trung Quốc đã sử dụng ảnh hưởng của mình trên chính quyền Phnom Penh để tác động đến cuộc thảo luận về Biển Đông trong khối ASEAN. Cam Bốt đã được khen thưởng vì đã hợp tác. Sắp tới đây, vào năm 2016, đến lượt Lào lên làm chủ tịch ASEAN ».
Đối với Giáo sư Thayer, dù rất hữu hảo với Trung Quốc để tranh thủ các quyền lợi về kinh tế, nhưng Lào và Cam Bốt vẫn cố gắng duy trì quyền độc lập tự chủ của mình. Trong lãnh vực này, Lào có vẻ thành công hơn Cam Bốt. Giáo sư Thayer phân tích :
« Lào dường như đã thành công hơn Cam Bốt trong việc duy trì quyền tự chủ của mình nhờ sự hiện diện mạnh mẽ về kinh tế của Thái Lan và Việt Nam… Cam Bốt thì gặp khó khăn nhiều hơn vì quan hệ với Thái Lan thì bị các tranh chấp biên giới khuấy động, trong lúc bang giao với Việt Nam thì lại là một vấn đề chính trị gây tranh cãi trong nước. Chính quyền của đảng Nhân dân Cam Bốt của ông Hun Sen đã không theo đuổi được một chính sách cân bằng mà đã trở thành phụ thuộc vào Trung Quốc. »
Ảnh hưởng không ngừng gia tăng của Trung Quốc tại hai láng giềng phía Tây và Tây Nam Việt Nam phải chăng là một mối đe dọa cho nền an ninh của Việt Nam ? Trả lời phỏng vấn của RFI bằng thư điện tử, Giáo sư Thayer cho rằng trong lãnh vực an ninh thuần túy, xu thế đó không phải là điều đáng ngại đối với Việt Nam.
Sau đây là toàn văn bài phỏng vấn :
RFI : Giáo sư có nghĩ rằng việc quan hệ được tăng cường giữa Trung Quốc với Cam Bốt và Lào đang là (hoặc sẽ là) một mối đe dọa đến an ninh của Việt Nam hay không ?
Thayer : Quan hệ song phương của Trung Quốc với Cam Bốt và Lào không tạo nên một mối đe dọa an ninh trực tiếp nào đối với Việt Nam hiện nay, và trong tương lai, tình hình hoàn toàn có thể sẽ cũng như vậy.
Cả Cam Bốt lẫn Lào đều tìm cách bảo đảm cho mình một quyền tự do hành động nhất định. Quan hệ giữa Cam Bốt và Lào với Trung Quốc, trong một chừng mực nào đó, cũng sẽ được điều hòa thông qua khối ASEAN mà cả hai nước này đều là thành viên.
Hai mục tiêu của Bắc Kinh tại Cam Bốt và Lào
Trung Quốc tìm kiếm lợi ích kinh tế tại Cam Bốt và Lào. Riêng tại Lào, Trung Quốc phải cạnh tranh với Thái Lan và Việt Nam.
Bắc Kinh cũng hy vọng là không nước nào đề ra một chính sách đối ngoại thiếu thân thiện và chống lại lợi ích của Trung Quốc. Cho đến giờ không có bằng chứng nào cho thấy là Bắc Kinh đã gây áp lực để buộc Phnom Penh hay Vientiane phải chọn lựa giữa Bắc Kinh và Hà Nội.
Quan hệ quân sự của Trung Quốc với Cam Bốt và Lào rất hạn chế, do đó không tạo thành một mối đe dọa cho Việt Nam. Sĩ quan quân đội Trung Quốc có mặt trên cả lãnh thổ Cam Bốt lẫn Lào để quản lý các chương trình hợp tác quốc phòng. Số lượng của của họ không đông lắm, nên không có gì là đáng ngại cho Việt Nam.
Trong thực tế, Việt Nam có mối quan hệ hợp tác quốc phòng tương đối mạnh mẽ với cả hai nước Lào và Cam Bốt trong lãnh vực đào tạo sĩ quan.
Lào giữ một vị trí đặc biệt trong mối quan hệ an ninh với Trung Quốc bỏi vì hai bên chia sẻ một đường biên giới chung và đều phải đối phó với các mối đe dọa xuyên quốc gia. Tuy nhiên, đấy cũng là tình hình giữa Lào và Việt Nam.
Cam Bốt đang hướng trở lại Việt Nam
Ngoại trừ thời kỳ cách nay hai năm, khi Cam Bốt - trong tư cách là Chủ tịch ASEAN - đã tìm cách ngăn không cho nhắc đến vấn đề Biển Đông trong Thông cáo chung của các Ngoại trưởng ASEAN, Cam Bốt không còn bị Trung Quốc sử dụng như một con tốt chính trị nhằm gây thiệt hại cho Việt Nam.
Có những dấu hiệu cho thấy là Trung Quốc bắt đầu giữ khoảng cách với Thủ tướng Hun Sen do kết quả kém cỏi của Đảng Nhân dân Cam Bốt trong cuộc bầu cử Quốc hội mới đây. Bắc Kinh không muốn là tình trạng bất ổn định tại Cam Bốt lan rộng và đe dọa các lợi ích kinh tế của Trung Quốc.
Bắc Kinh như đang kín đáo điều chỉnh sách lược để giảm thiểu rủi ro trong trường hợp đảng Nhân dân Cam Bốt bỏ rơi ông Hun Sen, hay trong trường hợp lãnh tụ đối lập Sam Rainsy lật đổ chế độ của đảng Nhân dân Cam Bốt.
Thủ tướng Hun Sen dường như đã nhận thấy sự thay đổi đó, và đã chuyển hướng quay sang tìm kiếm một quan hệ đối tác chiến lược với Nhật Bản và tăng cường trở lại quan hệ với Việt Nam.
RFI : Nhiều người cho rằng Trung Quốc hiện đang áp dụng một chính sách ép Việt Nam từ hai phía, trên biển là từ Biển Đông, còn trên bộ là củng cố thế lực tại hai nước sát cạnh Việt Nam là Lào và Cam Bốt. Ý kiến của giáo sư ra sao ?
Thayer : Vấn đề thực sự nghiêm trọng giữa Việt Nam và Trung Quốc là tranh chấp lãnh thổ giữa hai bên tại vùng Biển Đông. Không thấy có dấu hiệu là Trung Quốc đang tìm cách kềm chế Việt Nam, trái lại, Bắc Kinh còn đẩy mạnh thêm quan hệ với Hà Nội. Trung Quốc thường tìm cách làm dịu các chính sách hay hành động nào của Việt Nam mà có thể ảnh hưởng tiêu cực đến lợi ích của họ.
Mục tiêu lớn của Bắc Kinh là làm sao kết nối các tỉnh miền Nam Trung Quốc với vùng lục địa Đông Nam Á. Trung Quốc lợi dụng sức mạnh kinh tế của mình và mong muốn phát triển của cả ba nước Lào, Cam Bốt và Việt Nam để thực hiện mục tiêu trên.
Tuy nhiên, trong phương trình đó, lại có sự tồn tại của Mỹ trong tư cách là thị trường xuất khẩu lớn nhất cho Việt Nam và Cam Bốt.
Phản ứng bất bình của người dân trước cung cách làm ăn của Trung Quốc
RFI : Giáo sư đánh giá thế nào về phản ứng của Việt Nam trước đà vươn lên của Trung Quốc tại Lào và Cam Bốt ? Bởi vì Hà Nội tất nhiên là đã thấy rõ sự gia tăng nhanh chóng của ảnh hưởng của Bắc Kinh tại Lào và Cam Bốt ?
Thayer : Việt Nam nhận thức rất rõ về ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc tại Cam Bốt và Lào. Thế nhưng, ảnh hưởng của Trung Quốc cũng gia tăng khắp nơi, và Việt Nam hiểu rõ xu thế đó.
Đối với Lào, Việt Nam có duy trì các mối quan hệ hữu hảo giữa hai đảng cầm quyền. Các tầng lớp chính trị Lào cũng tìm cách duy trì mối quan hệ lịch sử với Việt Nam. Cho dù trong Đảng Nhân dân Cách mạng Lào có một số quan điểm cho rằng đất nước này sẽ có lợi nhiều hơn nếu đứng hẳn về phía Trung Quốc, nhưng các thành phần này đã không thắng được phía chủ trương tìm kiếm một sự cân bằng trong mối quan hệ với Trung Quốc, Thái Lan và Việt Nam.
Cũng cần phải lưu ý rằng hiện đang có một làn sóng ngầm - hoặc một phản ứng ngược - của một bộ phận quan trọng trong dân chúng ở cả Lào lẫn Cam Bốt, chống lại công việc kinh doanh của người Trung Quốc tại hai quốc gia này.
Nguyên nhân bắt nguồn từ cung cách làm ăn thô bạo của các doanh nghiệp Trung Quốc, trong đó có việc lấy đất của người dân, và đưa lao động Trung Quốc đến làm việc ở các nước đó.
Việt Nam có vai trò đối trọng với thế lực Trung Quốc tại Lào và Cam Bốt
RFI : Tầm mức quan trọng hiện nay của Việt Nam tại hai nước láng giềng Lào và Cam Bốt là như thế nào ?
Thayer : Việt Nam rất quan trọng đối với Lào và Cam Bốt về phương diện kinh tế, vì lẽ Việt Nam là một tác nhân kinh tế lớn trong khu vực. Gần đây, lượng hàng hóa Việt Nam đổ vào Cam Bốt đã tăng vọt nhờ vào khủng hoảng biên giới giữa Cam Bốt và Thái Lan.
Việt Nam cũng rất quan trọng đối với hai láng giềng trên bình diện an ninh do các hoạt động tội phạm xuyên quốc gia dọc theo đường biên giới chung giữa hai bên.
Sau cùng, Việt Nam quan trọng đối với Lào và Cam Bốt trong vai trò một đối trọng tiềm tàng cho hai nước này trước Trung Quốc.
Suy cho cùng, cả ba nước đều là thành viên của ASEAN và đã xây dựng một kiểu liên minh đặc biệt (bao gồm cả Miến Điện) để vận động toàn khối dành cho họ một cách đối xử đặc biệt trong tư các là các nước kém phát triển của ASEAN.
Cả ba nước đều chia sẻ một quan tâm chung đến tình trạng tốt của vùng hạ nguồn sông Mêkông và sự phát triển của khu vực được gọi là Đại Tiểu vùng sông Mêkông.
 
 

Nhật kín đáo trở lại thị trường vũ khí

Thứ năm 27 Tháng Hai 2014

Nhật kín đáo trở lại thị trường vũ khí

Quân đội Nhật triển khai hệ thống phòng không Patriot Advanced Capability-3 săn sàng bắn hạ tên lửa Bắc Triều Tiên (Ảnh chụp 30/03/2012)
Quân đội Nhật triển khai hệ thống phòng không Patriot Advanced Capability-3 săn sàng bắn hạ tên lửa Bắc Triều Tiên (Ảnh chụp 30/03/2012)
REUTERS/Kyodo

Thanh Phương
Vào lúc căng thẳng khu vực gia tăng, Nhật Bản đang kín đáo quay trở lại thị trường vũ khí và thiết bị quân sự, một thị trường mà từ năm 1967, với tư cách quốc gia chiến bại, Nhật đã không được tham gia.


Theo hãng tin Kyodo hôm qua, 26/02/2014, đảng Tự do Dân chủ đang cầm quyền đang có ý định nới lỏng lệnh cấm Nhật Bản xuất khẩu vũ khí hay tham gia các chương trình phát triển vũ khí.
Kyodo cho biết Thủ tướng Shinzo Abe muốn chính phủ Tokyo vào tháng Ba tới thông qua một luật cho phép Nhật Bản xuất khẩu thiết bị quân sự sang những quốc gia nằm dọc theo những con đường hàng hải vận chuyển dầu khí nhập khẩu rất thiết yếu cho Nhật.
Đó có thể là những nước như Indonesia, Việt Nam hay Philippines, những quốc gia trên vùng Biển Đông, mà cũng giống như Nhật, đang ngày càng lo ngại trước những tham vọng chủ quyền biển đảo của Trung Quốc. Tokyo cũng muốn bán cho những nước này các chiến hạm cũ.
Tuy nhiên, theo những quy định mới mà chính phủ sẽ thông qua, Nhật Bản sẽ vẫn không được phép xuất khẩu những vũ khí có thể đe dọa đến hòa bình và an ninh thế giới. Trước khi bán vũ khí cho một nước nào, Tokyo cũng sẽ phải bảo đảm không có nguy cơ tái xuất các vũ khí này sang một nước thứ ba.
Hiện giờ, Nhật Bản sản xuất chủ yếu là đạn dược, súng trường tấn công, xe tăng, chiến hạm, máy bay tiêm kích-oanh tạc F2, thủy phi cơ bốn động cơ US-2 (mà Nhật muốn bán cho những nước như Ấn Độ).
Vào năm 1967, Nhật Bản đã quyết định tự cấm xuất khẩu vũ khí sang các nước Cộng sản, những nước đang bị Liên Hiệp Quốc cấm vận vũ khí, và những nước có liên hệ hoặc có thể sẽ có liên hệ với những xung đột quốc tế. Đến năm 1976, Nhật Bản tự cấm hoàn toàn xuất khẩu vũ khí.
Khi ra quyết định năm 1967 tự cấm xuất khẩu vũ khí, Nhật Bản đã theo đúng tinh thần bản Hiến pháp hòa bình năm 1947 do Hoa Kỳ áp đặt, với nội dung chính là Nhật Bản từ bỏ « vĩnh viễn » chiến tranh. Điều 9 của Hiến pháp hiện hành quy định là Lực lượng Phòng Vệ Nhật Bản không được làm gì khác ngoài việc bảo vệ lãnh thổ quốc gia.
Là một chính khách theo xu hướng dân tộc chủ nghĩa, Thủ tướng Shinzo Abe muốn cải tổ Hiến pháp hiện hành và nhất là sửa đổi điều 9 nói trên. Ông Abe chủ trương là, nhân danh nguyên tắc « tự phòng thủ tập thể », Nhật sẽ có thể ứng cứu các đồng minh đang gặp khó khăn, mà đầu tiên là đồng minh Hoa Kỳ.
Ngay từ cuối năm 2011, Tokyo đã giảm nhẹ phần nào lệnh tự cấm nói trên, với việc thông qua những quy định cho phép các công ty Nhật tham gia những dự án vũ khí với nước ngoài. Với những quy định này, Nhật đã hợp tác phát triển và sản xuất vũ khí với Hoa Kỳ (như oanh tạc cơ tàng hình F-35) và với các nước Châu Âu, đồng thời xuất khẩu các thiết bị quân sự vì mục đích hòa bình và nhân đạo, trong khuôn khổ các chiến dịch duy trì hòa bình của Liên Hiệp Quốc.
Có điều, hiện giờ, xuất khẩu vũ khí vẫn còn là một vấn đề nhạy cảm ở Nhật. Kết quả một cuộc thăm dò do hãng tin Kyodo thực hiện gần đây cho thấy là gần 67% dân Nhật chống việc xuất khẩu vũ khí. Nói chung, đa số dân Nhật vẫn muốn duy trì bản Hiến pháp hòa bình hiện nay.
tags: Châu Á - Nhật Bản - Phân tích - Quân sự - Quốc phòng - Vũ khí
 
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20140227-nhat-kin-dao-tro-lai-thi-truong-vu-khi

Philippines kêu gọi Việt Nam cùng đưa Trung Quốc ra tòa quốc tế

Thứ sáu, 28/02/2014




Tin tức / Việt Nam

Philippines kêu gọi Việt Nam cùng đưa TQ ra tòa quốc tế

CỠ CHỮ- +
Philippines hôm 27/2 đã kêu gọi Hà Nội và các nước khác cùng Manila tham gia vụ kiện chống lại việc nhận chủ quyền phần lớn diện tích biển Đông của Trung Quốc.

Tháng Giêng năm ngoái, giới chức Philippines đã đưa Trung Quốc ra tòa trọng tài quốc tế liên quan tới vụ tranh chấp ở vùng biển được cho là có trữ lượng dầu khí lớn.

Trung Quốc từng tuyên bố rằng nước này chấp nhận vụ kiện mà Bắc Kinh cho là mưu toan của Philippines nhằm hợp thức hóa việc chiếm đóng các đảo của Trung Quốc ở biển Đông.

Tuy nhiên, tòa án vẫn tiến hành vụ xử và đã yêu cầu Philippines đệ trình các bằng chứng và lý lẽ pháp lý trước ngày 30/3.

Trưởng đoàn luật sư Philippines Francis Jardeleza đã kêu gọi Việt Nam và Malaysia hoặc cùng tham gia với Manila hoặc nộp đơn kiện riêng chống lại Trung Quốc.

Theo ông Jardeleza, các nước nhỏ chỉ có một cơ hội về mặt pháp lý để bảo vệ lãnh thổ của mình một cách hòa bình trước siêu cường của châu Á.

Luật sư này nói rằng Philippines muốn dùng pháp quyền để chứng minh rằng mọi hành động và tuyên bố nhận chủ quyền của Trung Quốc là vô giá trị.

Ngoài Philippines, Trung Quốc và Việt Nam, Brunei, Malaysia và Đài Loan cũng có các tuyên bố chủ quyền ở biển Đông.

Trong một diễn biến khác, hôm 28/2, Tổng thống Philippines Benigno Aquino nói rằng ông và Thủ tướng Malaysia Najeeb Abdul Razak đã đồng ý hậu thuẫn giải pháp hòa bình cho cuộc tranh chấp ở biển Đông.

Hà Nội chưa lên tiếng về lời kêu gọi của Manila, nhưng trong chuyến thăm Hoa Kỳ năm ngoái, khi được hỏi về việc Manila đưa Bắc Kinh ra tòa, Chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang nói rằng đó là ‘thẩm quyền của Philippines’ và rằng Việt Nam ‘tôn trọng Philippines”.

Trong khi đó, ông Paul Reichler, luật sư đại diện của chính quyền Manila trước tòa trọng tài quốc tế, từng nói với VOA Việt Ngữ rằng quyền lợi của Việt Nam ‘hoàn toàn giống với hai điểm chính mà Philippines mang ra tòa’.

Nguồn: Reuters, AP, VOA

Thứ sáu 28 Tháng Hai 2014

Philippines mời Việt Nam và Malaysia cùng kiện Trung Quốc về Biển Đông

Người dân Philippines biểu tình phản đối Bắc Kinh chiếm bãi Scarborough trước Lãnh sự quán Trung Quốc tại  Manila.
Người dân Philippines biểu tình phản đối Bắc Kinh chiếm bãi Scarborough trước Lãnh sự quán Trung Quốc tại Manila.
Reuters

Trọng Nghĩa
Trên nguyên tắc, ngày 30/03/2014 là hạn chót để Philippines đệ trình trước Tòa án Trọng tài Liên Hiệp Quốc các luận chứng pháp lý và bằng chứng trong vụ kiện đường lưỡi bò Trung Quốc trên Biển Đông.


Vào hôm qua, 27/02/2014, Trưởng nhóm luật gia của Philippines đã đích danh kêu gọi Việt Nam và Malaysia cùng với một số nước có tranh chấp khác góp sức với Philippines trong vụ kiện các đòi hỏi chủ quyền rộng khắp củaTrung Quốc tại Biển Đông.
Nhân một diễn đàn về tranh chấp Biển Đông tổ chức tại Manila, Trưởng nhóm luật sư của Philippines, ông Francis Jardeleza thẩm định rằng Malaysia, Việt Nam và hai nước khác có thể cùng với Philippines tham gia vụ kiện chống lại Trung Quốc, hoặc nộp những đơn kiện riêng. Đối với người đứng đầu các luật sư Philippines, chỉ có trên đấu trường pháp lý quốc tế mà các nước nhỏ mới có cơ hội để bảo vệ lãnh thổ của mình một cách hòa bình, chống lại siêu cường châu Á là Trung Quốc.
Xin nhắc lại là trong một động thái được xem là táo bạo, vào tháng Giêng năm 2013, Philippines chính thức đưa vụ tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc tại Biển Đông ra trước Tòa án Trọng tài Liên Hiệp Quốc về Luật Biển. Vụ kiện được khởi động vài tháng sau khi Bắc Kinh dùng sức mạnh mặc nhiên chiếm bãi Scarborough nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines nhưng bị Trung Quốc đòi chủ quyền.
Philippines yêu cầu Tòa án Trọng tài phán xét về đòi hỏi chủ quyền rộng lớn của Trung Quốc trên khoảng 80 phần trăm diện tích Biển Đông, dựa theo tấm bản đồ hình lưỡi bò do chính Trung Quốc vẽ ra. Bắc Kinh dĩ nhiên đã không chấp nhận vụ kiện, nhưng các thủ tục tố tụng vẫn được tiến hành, đúng theo luật lệ quốc tế.
Đòi hỏi chủ quyền quá đáng của Trung Quốc trên Biển Đông không chỉ phương hại cho Philippines mà còn đụng chạm đến cả Việt Nam, Malaysia, Brunei. Thậm chí một phần lãnh hải của Indonesia vùng Natuna cũng bị đường lưỡi bò của Trung Quốc gặm nhắm.
Phát biểu với các phóng viên báo chí, ông Jardeleza thừa nhận rằng ông không biết là Bộ Ngoại giao Philippines đã có chính thức mời Việt Nam và Malaysia cùng tham gia vụ kiện hay không, nhưng bản thân ông và Bộ Ngoại giao Philippines đều hết sức hoan nghênh việc hai láng giềng thân hữu này cùng tiến bước với Philippines.
Về phần mình, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines Raul Hernandez không xác nhận hay phủ nhận việc mời Malaysia và Việt Nam tham gia vụ kiện Trung Quốc. Khi được hỏi, ông Hernandez chỉ nói rằng : « Các nước sẽ có quyết định trên vấn đề này tùy theo quyền lợi của quốc gia họ, và Philippines sẽ tôn trọng mọi quyết định của họ ».
Khi được hỏi về tác động khi được Việt Nam và Malaysia cùng tham gia vào vụ kiện, ông Jardeleza xác nhận rằng việc đó sẽ « rất hữu ích » Đối với ông, « không phải là tai họa nếu hai nước này vắng mặt, nhưng nếu có thêm bạn bè cùng đi kiện với mình thì điều đó sẽ hữu ích ».
Đây là lần đầu tiên mà vị Luật sư trưởng của Philippines công khai nói đến vụ kiện đường lưỡi bò Trung Quốc. Cho đến nay, chỉ một mình Philippines là dám kiện Trung Quốc. Theo Bộ Ngoại giao Philippines, Việt Nam, qua lời Ngoại trưởng Phạm Bình Minh, từng lên tiếng ủng hộ vụ kiện này vào tháng 08/2013.
Mới đây, Manila đã được hậu thuẫn công khai của các quan chức đầu ngành ngoại giao Mỹ như Ngoại trưởng Kerry hay Trợ lý Ngoại trưởng đặc trách châu Á Thái Bình Dương Daniel Russel.
tags: Biển Đông - Châu Á - Malaysia - Phân tích - Philippines - Việt Nam
 
http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20140228-philippines-moi-viet-nam-va-malaysia-cung-kien-trung-quoc-ve-bien-dong

Việt Nam ‘thu hồi giấy phép’ của báo Sài Gòn Tiếp Thị

Thứ sáu, 28/02/2014



Tin tức / Việt Nam

Việt Nam ‘thu hồi giấy phép’ của báo Sài Gòn Tiếp Thị

CỠ CHỮ- +
Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam hôm 26/2 đã ra một quyết định về việc ‘thu hồi giấy phép hoạt động báo chí và giấy phép hoạt động báo điện tử trên Internet của Báo Sài Gòn Tiếp thị’.

Bộ này cho biết thu hồi giấy phép hoạt động mà Bộ này cấp cho tờ báo do ‘cơ quan chủ quản báo đề nghị cho phép ngừng hoạt động vì không đủ điều kiện về tài chính”.

Trên trang web của mình hôm 28/2, tờ Sài Gòn Tiếp Thị đã cho đăng tải những chia sẻ của bạn đọc về việc tờ báo này đình bản.

Tờ báo viết: “Từ 6 giờ sáng, phòng bạn đọc báo Sài Gòn Tiếp thị đã tới tấp nhận các cuộc gọi từ bạn đọc để chia sẻ, bày tỏ sự tiếc nuối đối với việc một trong số ít “tờ báo tử tế” phải đình bản”.

Trước đó, tin tức từ trong nước cho hay, các nhà báo Sài Gòn Tiếp Thị đã gửi đơn kêu cứu lên Bí thư TP HCM với kiến nghị ‘cho tờ báo Sài Gòn Tiếp Thị được tồn tại độc lập’.
Việc báo Sài Gòn Tiếp Thị đình bản cũng đã gây ra những nuối tiếc trên các diễn đàn dành cho những người làm báo tại Việt Nam.

Một người viết: “Giết một tờ báo mạnh thì dễ, xây dựng một tờ báo mạnh mới khó”.

Trên trang Facebook cá nhân, blogger Osin, tức nhà báo Huy Đức, người từng làm việc cho báo Sài Gòn Tiếp Thị viết rằng tờ báo ‘chưa bao giờ sống bằng ngân sách và nếu được phép sẽ sống mà không cần ngân sách’.

Hồi năm 2009, Báo Sài Gòn Tiếp Thị đã ‘ngừng hợp đồng’ với blogger này sau khi ông cho đăng bài viết ‘Bức tường Berlin’ được cho là ‘trái quan điểm chính thống’ trên trang blog của mình.

Nguồn: Sài Gòn Tiếp Thị / Thanh Nien

Gián điệp Anh thâu hình lén các cuộc đàm thoại Webcam trên Yahoo

Thứ sáu, 28/02/2014



Tin tức / Thế giới / Châu Âu

Gián điệp Anh thâu hình lén các cuộc đàm thoại Webcam trên Yahoo

CỠ CHỮ- +
Một phúc trình mới công bố nói rằng một bộ phận của cơ quan tình báo Anh chuyên về liên lạc thông tin đã thâu lén và lưu trữ hình ảnh của hàng trăm ngàn cuộc đối thoại bằng webcam. Nguồn tin này nói hoạt động kéo dài nhiều năm này đã thu thập một kho hình ảnh riêng tư của những người sử dụng webcam, không hề biết mình bị theo dõi.

Tờ The Guardian nói cơ quan này, gọi tắt là GCHQ, đã thu lén những cuộc đối thoại dùng webcam của 1,8 triệu người sử dụng trong một thời gian 6 tháng vào năm 2008, chương trình này vẫn còn hoạt động trong năm 2012. Phúc trình này nói dự án có mật hiệu là “Thần kinh Thị giác” nhắm vào những mẫu đối thoại video tương tự như được cung cấp qua dịch vụ Yahoo Messenger.

Bài báo trên tờ Guardian dựa vào những dữ kiện do cựu nhân viên hợp đồng của cơ quan Anh ninh Quốc gia Mỹ, Edward Snowden tiết lộ.

Trong một thông cáo hôm qua, Yahoo nói đây bài báo này tiêu biểu cho “một sự vi phạm quyền riêng tư của người sử dụng ở một mức độ hoàn toàn mới.”

Công ty Yahoo, có trụ sở ở California, nói họ không hề hay biết về các vụ thu thập thông tin lén này, và không bao giờ tha thứ hành động này.
 

Nữ Việt kiều Úc chết vì giấu heroin trong ‘chỗ kín’

Nữ Việt kiều Úc chết vì giấu heroin trong ‘chỗ kín’ Thursday, February 27, 2014 2:21:16 PM









SÀI GÒN (NV)
- Một nữ Việt kiều Úc được cho là thiệt mạng vì giấu ba bọc heroin ở “chỗ kín” hôm 25 tháng 2, 2014 tại bệnh viện Chợ Rẫy. Nạn nhân này tên được báo Lao Ðộng viết tắt là H.M.H.P, 50 tuổi, công dân Úc, định cư tại Sydney.
Người thân của bà H.M.H.P cho cơ quan điều tra biết là đã phát giác bà nằm bất tỉnh tại phòng khách sạn tọa lạc tại khu Trung Sơn, huyện Bình Chánh, Sài Gòn khoảng 8 giờ đêm 24 tháng 2, 2014.


Tệ nạn hút chích ma túy lan tràn tại Việt Nam. (Hình minh họa: thainguyen.edu.vn)

Bà được đưa đi cứu cấp liền lúc đó, được các bác sĩ bệnh viện Chợ Rẫy chẩn đoán bị “sốc phản vệ” và tìm cách giúp bà hồi sức. Tuy nhiên, đến trưa ngày 25 tháng 2, bà HMHP tắt thở trên giường bệnh.
Các bác sĩ bệnh viện Chợ Rẫy nói rằng, hình ảnh siêu âm chẩn đoán cho thấy có ba bọc chứa chất bột trắng trong trực tràng và âm đạo của nạn nhân. Báo Lao Ðộng cho biết, kết quả này được chuyển đến công an Sài Gòn để mở cuộc điều tra.
Cuộc giảo nghiệm và mổ tử thi bà H.M.H.P sau đó dẫn đến kết luận rằng ba bọc lạ thấy trong trực tràng và âm đạo của bà HMHP là ba gói chứa ma túy hình ống, dài 14cm và có đường kính 5cm. Trọng lượng của ba gói heroin này lên tới 1 kg.
Vẫn theo phúc trình của công an Sài Gòn, bà H.P thường xuyên về thăm quê ở huyện Càng Long, tỉnh Vĩnh Long vì còn người thân nơi đây. Lần này, bà đã về quê từ trước Tết Nguyên Ðán 2014 để vui Tết, và đang chuẩn bị lên máy bay trở về nước khoảng 9 giờ đêm 24 tháng 2.
Vì lý do này, bà và một người cháu đến thuê khách sạn ở huyện Bình Chánh để tạm ngụ. Cuối cùng thì bi kịch xảy ra tại đây khiến bà thiệt mạng. (PL)

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=183539&zoneid=2#.UxERIflgXL8
 

Toàn cảnh khủng hoảng Ukraine

Thứ sáu, 28/2/2014 15:45 GMT+7

Toàn cảnh khủng hoảng Ukraine

Ukraine trải qua ba tháng đầy biến động với đỉnh điểm là bạo động đẫm máu dẫn đến sự ra đi của cựu tổng thống Viktor Yanukovych. Các diễn biến đang ngày càng phức tạp do có lợi ích của các cường quốc đan xen tại quốc gia này.

Hàng trăm nghìn người đòi tổng thống từ chức
Từ cuối tháng 11/2013, hàng trăm nghìn người Ukraine bắt đầu đổ ra đường để yêu cầu tổng thống Viktor Yanukovych từ chức sau khi ông quyết định không ký kết một thỏa thuận thương mại với Liên minh châu Âu. 


(Video: Youtube)
Khói lửa bao trùm Kiev
Đầu tháng 1, hàng chục người bị thương trong các cuộc biểu tình đẫm máu giữa cảnh sát và phe chống chính phủ ở Kiev. 200.000 người biểu tình tấn công lực lượng an ninh bằng đá và lựu đạn gây choáng để phản đối những quy định hạn chế đối với phong trào biểu tình.


(Video: Reuters)
Bạo lực bùng nổ
Từ biểu tình hòa bình, phong trào chống chính phủ Ukraine trở thành bạo lực vào ngày 18/2 khi cảnh sát chống bạo động tấn công thành lũy của người biểu tình ở quảng trường Độc lập. Hàng trăm nghìn người dùng gạch đá, pháo hoa và bom xăng để đáp trả lực lượng an ninh. 
 
(Video: RT)
Lệnh ngừng bắn bị phá vỡ
Ngày 20/2, người biểu tình tấn công cảnh sát ở Kiev, phá vỡ một thỏa thuận ngừng bắn mà tổng thống Viktor Yanukovych cùng phe đối lập và các nước trung gian hòa giải đưa ra, và tái chiếm quảng trường Độc lập. Phe biểu tình tố cáo lực lượng an ninh nã đạn vào họ. Một số video xuất hiện cho thấy các tay súng bắn tỉa bịt mặt không rõ bên nào bắn vào đám đông. Thông tin từ Nga cho hay nhiều công sở và cơ quan chính quyền ở các thành phố phía  tây Ukraine bị người biểu tình chiếm đóng. 60 cho đến 75 người bị bắn chết chỉ riêng trong ngày này.
(Video: RT)
Viktor Yanukovych tháo chạy
Hình ảnh được ghi lại hôm 21/2 qua camera an ninh, nhưng chưa được xác thực, cho thấy ông Yanukovych cùng các cố vấn tháo chạy khỏi dinh thự tổng thống bằng trực thăng. Người biểu tình sau đó tràn vào dinh tự để tận mắt chứng kiến lối sống của tổng thống, tuy nhiên tình trạng cướp bóc và hôi của không xảy ra.
Ngày 22/2, Quốc hội Ukraine bỏ phiếu nhất trí phế truất tổng thống Yanukovych và quyết định sẽ bầu cử sớm vào ngày 25/5.
(Video: BBC)
Nữ hoàng khí đốt Ukraine được trả tự do
Ngày 22/2, lãnh đạo hàng đầu của phe đối lập, bà Yulia Tymoshenko, người chịu án tù 7 năm vì tội lạm quyền, được trả tự do. 
Bà Tymoshenko nhận được sự chào đón nồng nhiệt khi xuất hiện trên quảng trường Độc lập. Bà ca ngợi người biểu tình chống tổng thống Viktor Yanukovych là những anh hùng vì đã triệt tiêu "bệnh ung thư của chế độ độc tài".


(Video: SkyNews)
Cảnh sát quỳ gối xin lỗi người dân
Ngày 24/2, cảnh sát chống bạo động Ukraine quỳ gối xin lỗi người dân ở thành phố Lviv vì đồng nghiệp của họ đã đánh đập và nổ súng vào người biểu tình trong những cuộc đụng độ xảy ra ở quảng trường Độc lập tại Kiev. Xuất hiện các vụ trả thù lẻ tẻ ở một số nơi nhằm vào những người ủng hộ chính phủ cũ.


(Video: Reuters)
Kiev tưởng niệm những người thiệt mạng
Người dân ở thủ đô Kiev đặt hoa và nến bên cạnh những thành lũy ngổn ngang ở quảng trường Độc lập để tưởng nhớ hơn 100 người đã thiệt mạng trong hơn ba tháng diễn ra cuộc biểu tình chống chính phủ. 
(Video: Telegraph)
Bạo lực bùng phát ở miền nam Ukraine
Khi bạo lực ở Kiev vừa lắng xuống, đụng độ lại nổ ra ở nước cộng hòa tự trị Crimea, phía nam Ukraine. Ít nhất một người đã thiệt mạng và 20 người bị thương khi những người ủng hộ chính sách thân Nga đụng độ với phe theo chính quyền mới. Với sự phân hóa rõ rệt cả về lợi ích kinh tế, văn hóa và ngôn ngữ giữa đông và tây Ukraine, nhiều người lo ngại nguy cơ nước này bị tách ra làm đôi trong cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay.
Bán đảo Crimea có ý nghĩa quan trọng với Nga, hầu hết dân số ở đây nói tiếng Nga và thậm chí còn trông vào Moscow như điểm tựa về chính trị. Nga đặt căn cứ của Hạm đội Biển Đen tại khu vực này theo hợp đồng thuê đến năm 2042.


(Video: RT)
Trụ sở chính quyền phía nam Ukraine bị chiếm
Một nhóm tay súng hôm 26/2 xông vào tòa nhà quốc hội và tòa nhà chính quyền ở nước cộng hòa tự trị Crimea và cắm cờ Nga, khiến lực lượng an ninh Ukraine đặt trong tình trạng báo động. Một ngày sau đó, sân bay chính của thủ phủ Crimea bị một số tay súng kiểm soát. Sân bay quân sự gần căn cứ hải quân mà Nga thuê của Ukraine tại Sevastopol, trên bán đảo Crimea, cũng đã lọt vào tay của khoảng 110 người có vũ trang không biết thuộc phe phái nào.


(Video: Reuters)
Nga tập trận gần biên giới Ukraine
150.000 binh sĩ cùng 90 máy bay, hơn 120 trực thăng, hơn 880 xe quân sự và 80 tàu chiến của Nga tham gia cuộc tập trận bất ngờ ở sát biên giới Ukraine.
Mỹ và Ukraine cảnh báo Nga tránh can thiệp quân sự vào nước láng giềng, trong khi giới chức Nga khẳng định hoạt động quân sự này chỉ nhằm kiểm tra khả năng sẵn sàng chiến đấu của binh sĩ.
(Video: BBC)
Anh Ngọc