dinsdag 30 april 2013

30 tháng Tư trong thế giới mạng

30 tháng Tư trong thế giới mạng


Cập nhật: 15:19 GMT - thứ hai, 29 tháng 4, 2013

Sự kiện 30/04 được chính quyền nói đế́n nhiều trên phương tiện truyền thông nhà nước và cũng là chủ đề bảo chí tiếng Việt tại hải ngoại khai thác, nhưng gần đây có thêm sự tham gia nhiều và mạnh hơn của cư dân mạng.
Là trang thu hút hàng chục triệu người Việt trong nước và ở nước ngoài sử dụng, Facebook, mạng xã hội từng bị chặn tại Việt Nam, đang xuất hiện các thông điệp tương đối trái chiều để đánh dấu sự kiện 30/04.
Tờ Bấm Dân Trí có bài mô tả rằng “các bạn trẻ treo trên tường nhà cùng với việc thay avatar hình lá cờ đỏ sao vàng Việt Nam”.
“Cộng đồng mạng còn hạ quyết tâm “nhuộm đỏ” Facebook với sự xuất hiện của quốc kì, đó không chỉ là trào lưu mà là hành động thiết thực thể hiện tình yêu với quê hương đất nước,” bài báo của Dân Trí viết.
Trong khi đó Bấm Đốp Catherine có bài ‘30/4 - anh hỏi em nghĩ gì?’ trên Facebook được khá nhiều người tán thưởng.
Tác giả bình luận “Những ngày này em lên facebook, những avatar cờ vàng ba sọc đỏ xen lẫn với avatar cờ đỏ sao vàng. Những ngày này, người ta đang tranh cãi nhau nên gọi nó là ngày gì: giải phóng hay quốc hận".
'Giải phóng'
Biểu tình "Ngày Quốc Hận" chiều 27/04/13 tại Place du Trocadéro, Paris.
“Em đã đọc về Sài Gòn trước 75, em đã thấy những hình ảnh của một Sài Gòn phồn thịnh, tự do nên em không thể coi đó là ngày giải phóng.
“Em sinh sau đẻ muộn, em biết chuyện hàng ngàn người bỏ mạng ngoài biển khơi, em hiểu nỗi đau của những người còn sống sót và đến được bến bờ tự do nhưng em không muốn mang chữ hận thù bên cạnh mình.
“Em sẽ gọi nó là ngày tang thương, dù thực ra, cuộc tang thương của đất nước mình bắt đầu trước đó cả ba mươi năm”, tác giả viết.
Trong khi đó từ Đại học Harvard, nhà báo Huy Đức, tác giả cuốn "Bên Thắng Cuộc” dẫn lời Thủ tướng Thái Lan nói "Chúng tôi tự hào vì không phải đánh nhau với đế quốc to nào cả" khi đáp lại câu “Chúng tôi tự hào đã đánh thắng ba đế quốc to" của cố Thủ tướng Việt Nam Võ Văn Kiệt khi ông thăm nước này vào năm 1991.
Trong một entry ngắn trên Facebook, Bấm Huy Đức dẫn lời cố Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: "Nước độc lập mà dân không có tự do, hạnh phúc, thì độc lập đó cũng không có ý nghĩa".
"Nếu những người cộng sản tin những gì mình đã làm là cao cả thì nên chiểu theo "lời dạy của Hồ Chí Minh", thấy cái gì dân chưa có tự do thì trả tự do cho dân, thấy cái gì dân chưa hạnh phúc thì để cho dân mưu cầu hạnh phúc"
Nhà báo Huy Đức
Nhà báo có nhiều người hâm mộ trên Facebook viết tiếp “Ngày 30-4-1975, cũng có thể coi là ngày chiến thắng nhưng nó chỉ mới là chiến thắng của những người cộng sản”.
“Cho dù đã sau 38 năm, theo tôi, vẫn có thể tạm gác lại chuyện đánh giá bản chất của cuộc chiến tranh.
"Nếu những người cộng sản tin những gì mình đã làm là cao cả thì nên chiểu theo "lời dạy của Hồ Chí Minh", thấy cái gì dân chưa có tự do thì trả tự do cho dân, thấy cái gì dân chưa hạnh phúc thì để cho dân mưu cầu hạnh phúc.
“Cái ngày mà đảng cộng sản Việt Nam làm được điều đó xin cứ gọi là ngày giải phóng và chắc chắn sẽ có không ít người dân cũng coi đó là ngày chiến thắng”, nhà báo Huy Đức bình luận trên Facebook của mình.
Con em 'chế độ cũ'
“38 năm- Nhà nước của một nửa” của Bấm Ngô Minh là bài viết được phát tán khá nhiều khác trên mạng.
Tác giả mở bài nói “Cứ nghĩ đến đất nước từ sau năm 1975 đến nay, đã 38 năm gọi là “thống nhất” nhưng thực tế lòng người chưa về một mối”.
Người dân tại cả hai bên chiến tuyến đều chịu thiệt hại về người và của trong Cuộc chiến Việt Nam.
“Thực tế vẫn tồn tại hai loại người: Người phe của cách mạng và người thuộc phe “ngụy quân ngụy quyền”. Hai “loại người” cùng sống trong một làng, ấp, xã này khác biệt nhau từ ý thức hệ đến những chế độ chính sách cụ thể hàng ngày.
"Những phân biệt đối xử như vậy khiến người dân liên quan đến “ngụy quân ngụy quyền” cứ nghĩ: Nhà nước này là nhà nước của những người cách mạng, không phải nhà nước của mình. Nghĩa là nhà nước của một nửa,” tác giả viết.
Bài viết mô tả về sự phân biệt đối xử với “con em ngụy quân ngụy quyền, những người làm việc dưới chế độ cũ” và cáo buộc điều tác giả gọi là có một loại “nhà nuớc một nửa khác”.
“Đó là nhà nước ra tay ủng hộ bọn cướp đất của dân, điều động cảnh sát , quân đội trấn áp nhân dân để cho bọn cướp đất làm giàu như ở Tiên Lãng, Văn Giang. Ở Tiên Lãng, người nông dân bị hại đứng lên chống lại bọn cướp thì bị xử tù nặng hơn bọn cướp. Nghĩa là nhà nước là nhà nước một nửa, nhà nước của quan chức tham nhũng”, tác giả nhận xét.
Phải nói thẳng rằng, 38 năm qua, nhà nước cầm quyền đã không có được một chính sách xã hội thích đáng để hàn gắn vết thương lòng của dân tộc, tạo nên sự hòa họp, hòa giải dân tộc, mà nhiều khi còn làm cho tình trạng bất hòa tăng lên.
"Tôi tin chả có thế lực thù địch nào bên ngoài, nguy hiểm bằng chính sự tha hóa ở bên trong đang làm mục ruỗng đất nước mình"
Phương Bích
Tôi cứ nghĩ, nếu cứ tiếp tục quản lý đất nước theo ý thức hệ “địch–ta” như thế này thì đến trăm năm nữa người Việt cũng không hòa giải dân tộc được.
Còn công dân mạng k‎ý tên Phương Bích thì lấy nguồn cảm hứng từ bài thơ “Đất nước, những năm tháng thật buồn” của ông Nguyễn Khoa Điềm, Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương (2001-2006) để viết bài “Hòa giải dân tộc cũng là chuyện của người Việt trong nước” vì điều tác giả gọi là ông Điềm đã “nói hộ tâm tư của không ít người, trong đó có cả tôi”.
“Ít nhất đã có nhiều người ở cả hai phía của cuộc chiến trước đây, giờ trở thành bạn bè thân thiết qua mạng. Họ đều có chung một khao khát cho đất nước, sau ngần ấy năm đau khổ vì chiến tranh và ly tán, nay phải được bình yên và hạnh phúc.
“Tôi tin chả có thế lực thù địch nào bên ngoài, nguy hiểm bằng chính sự tha hóa ở bên trong đang làm mục ruỗng đất nước mình,...
“Chuyện hòa giải không còn là của riêng người Việt trong nước và người Việt tha phương, mà chính người Việt trong nước cũng cần hòa giải với nhau. Nếu không cố gắng tìm tiếng nói chung, vô hình chung chúng ta càng đẩy mình ra xa nhau,” tác giả Phương Bích viết.


Thêm về tin này

Còn một vĩ tuyến 17 trong tâm thức?

Còn một vĩ tuyến 17 trong tâm thức?



Cập nhật: 04:08 GMT - thứ ba, 30 tháng 4, 2013

Chuẩn bị kỷ niệm 30/4 tại Hà Nội
Đâu là sự khác nhau khi viết những tác phẩm về chiến tranh ngày hôm qua và những cuộc chiến mới xảy ra hôm nay? Và nhân tố hoà bình sẽ nằm ở đâu trong những tác phẩm ấy? Đến khi nào những câu chuyện hôm qua trở nên chán ngắt?
Chúng tôi vẫn hỏi nhau như vậy, khi bàn chuyện viết.
Lê Quý Dương, đạo diễn sân khấu thế hệ 6x từng chia sẻ một ám ảnh: năm anh 4 tuổi, B52 dội xuống Khâm Thiên, sát nhà anh có bà già câm điếc sống một mình. mỗi khi có còi báo động thì phải chạy qua gọi cụ. Lần ấy Dương bận lo cho mấy đứa em vì bố mẹ đi vắng, không kịp chạy sang, khi còi báo yên anh trồi lên cũng là lúc chứng kiến căn nhà của bà cụ chỉ còn là đống gạch vụn.
Món nợ ấy chuyển thành sự câm lặng nơi anh mỗi khi hồi ức chiến tranh trào lên. Anh mang sự câm lặng ấy vào tác phẩm, những vở kịch không lời thời anh du học Úc từng khiến khán giả bản xứ lặng đi giây lát.
Sau Dương vài năm, tôi sinh ra ngay miệng hố bom, giây phút chào đời của tôi đánh dấu bằng tiếng còi báo động. Mẹ tôi vẫn hay nửa đùa nửa thật kể rằng khi ấy, tất cả xuống hầm hết, lũ trẻ sơ sinh, vài đứa chưa được đánh số ở một hầm khác.
Khi lên, họ phát cho mỗi bà mẹ một đứa như phát bánh mì. Mẹ tôi chẳng có thời gian lẫn điều kiện để kiểm tra xem tôi có thực là con ruột của bà không.
Một buổi trưa, mẹ tôi từ nhà máy về, chạy ào vào nhà, làm đổ kềnh cả cái xe đạp vừa dựng. Bà ôm lấy chúng tôi khóc òa: Hòa bình rồi! Đó là ngày 30 tháng 4 năm 1975.
Có hàng ngàn đứa trẻ sinh ra trong năm này mang cái tên Hòa Bình, chúng không còn phải biết đến đạn bom và hầm trú ẩn.

30 tháng 4 màu gì?

"Khi nơi họ sống chính là chiến trường thì chiến tranh là bất đắc dĩ, là phi nhân, rất đáng kinh sợ."
Năm 1995, tôi có dịp đến Quảng Trị -Thừa Thiên. Ngay sau chuyến đến thăm nghĩa trang Trường Sơn, tôi gặp một bà mẹ anh hùng trong một ngôi làng bờ bắc sông Bến Hải mà số liệt sĩ gần bằng số hộ dân đang cư trú.
Bà mẹ liệt sĩ đã mất chồng và hai con cho hai cuộc chiến, côi cút trong căn chòi ọp ẹp với một con heo ốm nhom.
Cát trắng không một chút màu mỡ nhưng giấu bên dưới nhiều phế liệu, nguồn thu nhập chính của dân trong vùng. Lâu lâu, một tiếng nổ vang trời lấy đi sinh mạng hay một phần cơ thể, một đứa trẻ ở độ tuổi đi học.
Trong ý thức của tôi, cuộc chiến đã thêm màu trắng, của cát, của hàng trăm ngàn bia mộ trong nghĩa trang Trường Sơn và trên mái đầu bạc, trong ánh mắt đục thủy tinh thể của những người mẹ già không còn xúc cảm kia.
Từ 1996, tôi chuyển vào Sài Gòn. Những người bạn trí thức miền Nam dần dần pha thêm cho cuộc chiến trong tôi một màu sắc khác: màu tối của những nòng súng chúc xuống đất, những bộ quân phục cởi vội vứt bên vệ đường và những đôi mắt khép của bên thất trận. Và tôi biết với họ, nó chưa bao giờ kết thúc.
Công bằng mà nói, đối với nhiều người miền Nam, ngày 30 tháng 4, vừa là nỗi đau nhưng cũng vứa chan chứa niềm vui kết thúc chiến tranh, kết thúc cảnh "đại bác đêm đêm dội về thành phố", kết thúc cảnh các cô gái đi làm, đi học đều mang vài trái chanh trong túi để đối phó với hơi lựu đạn cay của cảnh sát đi giải tán những cuộc biểu tình phản chiến diễn ra như cơm bữa trên đường phố.
Khi nơi họ sống chính là chiến trường thì chiến tranh là bất đắc dĩ, là phi nhân, rất đáng kinh sợ.
Xe tăng Bắc Việt tiến vào Dinh Độc lập 30/4/1975
Xe tăng Bắc Việt tiến vào Dinh Độc lập 30/4/1975
Bà ngoại tôi là Phật tử tại gia, khi cậu tôi bỏ dở đại học Bách khoa Hà Nội để vào chiến trường miền Nam, bà tôi chỉ nhất tâm cầu nguyện không có viên đạn nào từ súng của con mình bắn ra làm phương hại đến một ai. Ông chú ruột có mặt trong đoàn quân giải phóng, sau 30/4 được giữ lại trường sĩ quan Thủ Đức làm công tác đào tạo nhưng ông nội tôi nhất quyết phản đối. Ông bảo: “đã bảo là đánh đuổi đế quốc, Mỹ cút rồi thì về nhà, giao lại cho người dân, thế mới là chính nghĩa!”
Men say chiến thắng của cậu và chú tôi không kéo dài bao lâu vì sau đó họ đều phải tập trung học nốt chương trình đại học và lo toan mưu sinh. 30 tháng 4 hằng năm họ tụ tập bạn bè lại uống vài vại bia với lạc rang, ôn lại mấy lần chết hụt.
30 tháng 4 của 4x, và 5x màu ly bia hơi sủi bọt.
Giới công chức bạn bè 6x, 7x, 8x của tôi nhiều năm nay đều xem 30/4 với 1/5 là chuỗi nghỉ dài, họ tranh thủ về quê, đi picnic, xông xênh hơn thì đi du lịch nước ngoài.
30 tháng 4 của họ mang màu những tấm vé.

Còn một vĩ tuyến 17 trong tâm thức?

Nhưng dường như vẫn có một dòng Bến Hải chảy trong tâm thức chúng ta, giữa công chức miền Nam và miền Bắc, giữa những người làm cho công ty nước ngoài hoặc doanh nghiệp tư nhân so với các công chức nhà nước.
Vừa rồi trên mạng rộ lên một phong trào nhuộm đỏ Facebook được sự hưởng ứng nhiệt tình của nhiều công chức lề phải ở tuổi trung niên, đưa đến những cuộc tranh cãi bất phân thắng bại giữa hai bên, khiến dòng Bến Hải năm xưa lại sôi sùng sục.
Vì sao chiến thắng 30 tháng 4 vẫn khiến những người ở bờ Bắc phấn khích đến thế? Câu hỏi đặt ra là nếu họ có đầy đủ thông tin, họ có ứng xử khác đi không?
Vì sao họ có thể bắt tay làm ăn với người Mỹ mà 38 năm rồi vẫn không quên được “tội ác của Mỹ-Ngụy”? Vì sao họ khao khát “làm bạn với các nước”, mong mỏi xóa bỏ cấm vận, đổ ra đường chào đón Tổng thống Mỹ mà lại ngồi mãi trên yên cương với vòng hoa chiến thắng để khoét sâu thêm nỗi đau và khoảng cách khó xóa với chính đồng bào mình - những kẻ ngã ngựa, dù chiến tranh đã kết thúc lâu lắm rồi?
Mảnh máy bay B-52 ở Hà Nội
Chiến tranh Việt Nam kết thúc đã gần 40 năm
Trí não con người có một chức năng quái quỷ là hoàn toàn đóng chặt cửa với tất cả những gì nó không muốn. Trong trường hợp này, phải chăng họ cần cảm giác chiến thắng để vực dậy niềm tin cho một cuộc chiến khác, cuộc chiến chống lại sự tụt hậu, suy thoái trong kinh tế - văn hóa - giáo dục – đạo đức mà họ đang dự phần và đang trào dâng dự cảm thua cuộc?
Tôi cũng có một câu chuyện để kể với bên không thắng cuộc:
Có một người lính miền Bắc, sau chiến tranh tiếp quản một căn biệt thự của một sĩ quan VNCH, chiến lợi phẩm của anh là chiếc bàn viết bằng sắt. Không ai biết trong đó đã được gài lại một món quà cho bên thắng cuộc mà chỉ cần mở ngăn kéo ra là phát nổ.
Nhưng người nhận món quà đó không phải người lính giải phóng mà là đứa con gái nhỏ lẫm chẫm biết đi. Vụ nổ không đủ sức cướp đi sinh mạng cô bé nhưng biến em thành người tàn phế, mù hai mắt, cụt hai tay. Tuyết – một nữ sinh giỏi, đầy nghị lực, niềm tự hào của trường khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu Sài Gòn đã “quyết toán” món nợ của hai bên như thế.
Đây là câu chuyện có thật về một cô gái hiện sống bên Mỹ với một người chồng Mỹ sau một đám cưới cổ tích tốn không ít giấy mực của cánh báo chí. Nếu bạn muốn biết thực hư cứ đến giở lại hồ sơ của trường này.
Tôi cũng muốn hỏi những người bờ Nam con sông: như vậy đã đủ chưa, để khép lại một mối cừu thù?
Khi một phóng viên Mỹ hỏi về thái độ đối với người Mỹ sau hai quả bom nguyên tử ném xuống Hiroshima và Nagasaki, nhiều người Nhật lớn tuổi đã đáp lại anh ta: "Cám ơn các anh đã buộc chúng tôi dừng lại."
Thống tướng Douglas MacArthur – người đã cầm quân đánh bại quân Nhật và chỉ huy lực lượng chiếm đóng nước Nhật hậu chiến – chính là một trong những người được nhân dân Nhật ghi ơn cho đến ngày nay vì đã giúp họ cải cách ruộng đất, soạn Hiến pháp, thành lập một nền dân chủ để họ trở thành một quốc gia siêu cường.
"Cá nhân tôi nhìn nhận: một đại gia đình trải qua 38 năm dằng dặc mà huynh đệ vẫn còn chưa dứt chuyện thắng thua, thì đó là một gia đình có vấn đề về nhận thức."
Phạm Tường Vân
Sau Thế chiến II, một số người dân Nhật đã tôn kính treo hình ông – người từng đánh bại họ.
Nghĩa trang Quốc gia Arlington của Hoa Kỳ là nơi an nghỉ của hàng ngàn binh sĩ thuộc cả hai phe Nam Bắc đã tử trận trong cuộc Nội chiến 1865.
Cách đây vài năm, một cuộc khảo sát của Đại học Hebrew Jerusalem cho thấy 61% người Do Thái 'hài lòng' (satisfied) với thái độ nhận trách nhiệm của người Đức về cuộc diệt chủng năm xưa, 80% dân Israel cảm thấy quan hệ giữa hai nước là hoàn toàn bình thường.
Người Việt nghĩ gì về thái độ của những dân tộc ấy đối với cựu thù trong chiến tranh của họ?
Cá nhân tôi nhìn nhận: một đại gia đình trải qua 38 năm dằng dặc mà huynh đệ vẫn còn chưa dứt chuyện thắng thua, thì đó là một gia đình có vấn đề về nhận thức.
Một dân tộc đau yếu khiến người ta không khỏi hoài nghi khả năng thích ứng của nó trong kỷ nguyên tiếp theo. Liệu chúng ta có đủ năng lực để cạnh tranh và phát triển trong thời đại mới, sẵn sàng đối đầu với những cuộc chiến của kỷ nguyên số và siêu vi trùng ngàn lần phức tạp hơn?
38 năm đủ để những đứa trẻ mang tên Hòa Bình hay Thống Nhất năm xưa sinh ra những đứa con tuổi teen hôm nay, biết tư duy như một công dân toàn cầu, giỏi công nghệ, chiếm lĩnh các mạng xã hội để đặt cho người lớn những câu hỏi nhức nhối.
Và với chúng, câu chuyện hôm qua nhất thiết phải được kể theo lối mới.
Bài viết phản ánh quan điểm của tác giả, một nhà văn, nhà báo sống tại TP Hồ Chí Minh.


Thêm về tin này

Cựu chủ tịch FIFA từ chức vì tội hối lộ

Cựu chủ tịch FIFA từ chức vì tội hối lộ


Cập nhật: 18:03 GMT - thứ ba, 30 tháng 4, 2013

Chủ tịch danh dự của FIFA, ông Joao Havelange
Chủ tịch danh dự của FIFA, ông Joao Havelange vì nhận 'hối lộ'
Chủ tịch danh dự của FIFA, ông Joao Havelange, vừa từ chức sau khi bị nêu tên trong một bản phúc trình là ông đã nhận hối lộ.
Bản phúc trình của Chủ tịch ủy ban về đạo đức nghề nghiệp của FIFA, ông Hans-Joachim Eckert, cũng nêu tên ông Nicolas Leoz đã nhận tiền lại quả từ Cơ quan tiếp thị thể thao và giải trí quốc tế về bản quyền Cúp bóng đá thế giới.
Ông Leoz đã từ chức khỏi Ủy ban điều hành của FIFA vào tuần trước.
Ông bị cáo buộc trong bản phúc trình là đã "không hoàn toàn thẳng thắn" trong giải thích của ông về vụ việc này.
Tuy nhiên trong khi bản phúc trình viết rằng các khoản thanh toán cho ông Havelenge, 96 tuổi, ông Leoz, 84 tuổi, và cựu giám đốc FIFA Ricardo Teixeira, 65 tuổi, đủ điều kiện để bị coi là các khoản hối lộ nhưng tại thời điểm đó chúng lại không bị quy là phạm tội.
FIFA đã cho công ty ISL quyền granted ISL exclusive rights to market World Cup tournaments to some of the world's biggest brands and ISL received millions more from negotiating television broadcast rights.
Vụ vệc theo sau một tường thuật của BBC, chương trình Panorama, năm 2010. Chương trình này cáo buộc ba quan chức cấp cao FIFA nhận hối lộ từ công ty ISL có trụ sở tại Thụy Sĩ vào những năm 1990.
Chủ tịch FIFA, ông Sepp Blatter, tuyên bố hồi vào tháng 7 năm 2012 rằng Ủy ban mới về đạo đức nghề nghiệp của FIFA sẽ xem xét trước các cáo buộc hối lộ này. Kết quả của cuộc điều tra đó là bản phúc trình được công bố hôm nay, thứ Ba.

'Lượng tiền đáng kể'

"Chắc chắn là một lượng tiền đáng kể đã được chuyển cho cựu chủ tịch FIFA, ông Havelange, và con rể ông là Ricardo Teixeira (trái)"
Phúc trình về tham nhũng của Fifa
Bản phúc trình viết: "Chắc chắn là một lượng tiền đáng kể đã được chuyển cho cựu chủ tịch FIFA, ông Havelange, và con rể ông là Ricardo Teixeira cũng như tới Tiến sĩ Nicolas Leoz, mà không có dấu hiệu nào rằng những người này đã cung cấp bất kỳ một hình thức dịch vụ nào để đổi lại cho những khoản tiền đó.
"Các khoản thanh toán dường như được thực hiện thông qua các công ty được sử dụng để ra mặt thay cho người sự thật nhận số tiền đó và những khoản tiền này bị coi là 'tiền hoa hồng', mà ngày nay bị xem là "các khoản hối lộ".
Các câu hỏi về hành xử của chủ tịch FIFA, ông Sepp Blatter, cũng đã được nêu ra trong quá khứ nhưng bản phúc trnfh này nói rằng không có bằng chứng ông Blatter đã nhận tiền từ công ty ISL mà nay đã không còn hoạt động.
Nhưng nó đặt ra câu hỏi về việc liệu ông Blatter đang lẽ phải biết về những hối lộ cho các viên chức trong ban điều hành và người ta coicách ông Blatter giải quyết các khía cạnh của vụ việc này là "vụng về".
Phản ứng trước việc bản phúc trình được công bố ông Blatter nói:
"Tôi không có nghi ngờ gì là FIFA, nhờ vào quá trình cải cách quản lý mà tôi đề xuất, nay đã có các cơ chế và phương tiện để đảm bảo rằng một vấn đề đã gây ra thiệt hại không thể kể xiết tới danh tiếng của tổ chức của chúng tôi như vậy sẽ không lặp lại.


Thêm về tin này

BBC : 'Sài Gòn, thành phố của tôi'

'Sài Gòn, thành phố của tôi'


Cập nhật: 09:56 GMT - thứ hai, 29 tháng 4, 2013
Bạn cần mở JavaScript lên và cài phần mềm Flash Player mới nhất để nghe/xem.
BBC giới thiệu đô thị năng động và đông dân nhất Việt Nam trong loạt chương trình 'My City' trên toàn cầu.
Bạn cần mở JavaScript lên và cài phần mềm Flash Player mới nhất để nghe/xem.

BBC giới thiệu đoạn phim về thành phố Sài Gòn của hàng triệu xe máy đi lại mỗi ngày, của những khu chợ tấp nập từ nửa đêm, của những ai thích phóng khoáng, yêu tự do và là nơi sức sống trẻ ngập tràn.
Đây là một trong tám bài đầu của loạt chương trình 'My City' đã chiếu trên kênh tiếng Anh, BBC World TV và các kênh ngôn ngữ Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ả Rập, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ của World Service.
Quý vị muốn gửi hình ảnh hay video tới BBC Tiếng Việt làm ơn thực hiện theo hướng dẫn của đường link sau: http://www.bbc.co.uk/vietnamese/institutional/2011/07/000001_ugc.shtml.

7 triệu bông tulip trong vườn hoa lớn nhất thế giới Keukenhof, Hà Lan.

Thứ ba, 30/4/2013, 19:12 GMT+7
Twitter
Facebook

7 triệu bông tulip trong vườn hoa lớn nhất thế giới

Khu vườn mùa xuân lớn nhất thế giới ở Hà Lan với những bông hoa tulip, thủy tiên rực rỡ sắc màu là điểm tham quan lý tưởng thu hút hàng nghìn du khách tháng 5 này.

7 triệu bông hoa tulip, thủy tiên, hoa lục bình dệt nên một bức tranh rực rỡ cho khu vườn Keukenhof, Hà Lan.
Có diện tích lên đến hơn 300 km2, nơi đây được mô tả là một trong những khu vườn lớn nhất và đẹp nhất trên thế giới.
Những màu sắc tím, hồng, trắng đan xen tạo nên bức tranh hoa tươi rực rỡ.
Khu vườn được thành lập từ năm 1949 để những người trồng hoa ở khắp Hà Lan và châu Âu giới thiệu những bông hoa đẹp nhất của mình.
Hà Lan nổi tiếng với cối xay gió, hoa tulip và là nước xuất khẩu hoa nhiều nhất trên thế giới.
Khu vườn nhìn từ trên cao với thảm hoa được tỉa tót đẹp mắt.
Một góc công viên.
Hồ nước và không gian thơ mộng trong vườn hoa sặc sỡ.
Vũ Hà (Ảnh: Caters News)
 
Thứ ba, 30/4/2013, 19:12 GMT+7
Twitter
Facebook

7 triệu bông tulip trong vườn hoa lớn nhất thế giới (2)

Với 32 hecta đất trồng hoa, khu vườn có 30 triển lãm hoa mùa xuân, 7 khu vườn độc đáo và hơn 100 tác phẩm nghệ thuật tuyệt vời.
Khu vườn nằm ở gần thị trấn Lisse, phía nam Hà Lan.
Tulip, hay còn gọi là uất kim hương, là loài hoa có nguồn gốc từ Trung Đông. Hiện tulip được trồng ở khắp nơi trên thế giới nhưng Hà Lan nổi tiếng là nước xuất khẩu nhiều và có những cánh đồng hoa tulip tuyệt đẹp.
Những cây hoa được chăm sóc nở đều đặn và tươi tắn trong những ngày xuân.
Không chỉ có hoa tulip, khu vườn Keukenhof cũng có nhiều loại hoa khác không kém phần rực rỡ.
Du khách cũng có thể đi thuyền thưởng ngoạn tận chân những cánh đồng hoa tulip.
Dừng chân và tận hưởng cảnh sắc tươi đẹp của mùa xuân.
Vũ Hà (Ảnh: Caters News)
 
 

Đảng viên CSVN cấu kết thành 'nhóm lợi ích' để trục lợi

Đảng viên CSVN cấu kết thành 'nhóm lợi ích' để trục lợi Monday, April 29, 2013 3:47:54 PM






HÀ NỘI (NV) - Ủy ban Kiểm tra của Ban chấp hành Trung ương Đảng CSVN (UBKT TƯ Đảng CSVN) vừa công bố kết quả nghiên cứu về các “nhóm lợi ích” trong guồng máy đảng và nhà nước.
Cổng vào dinh thự của Nguyễn Trường Tô – cựu Chủ tịch tỉnh Hà Giang (nhân vật chính trong oan án liên quan tới hai nữ sinh trường trung học Vị Xuyên bị cáo buộc “môi giới mãi dâm”) đã khiến dư luận bị sốc vì nó tương phản gay gắt với cuộc sống của đa số dân chúng đang sống dưới ngưỡng đói nghèo ở Hà Giang. Chưa ai buộc cựu Chủ tịch tỉnh Hà Giang trả lời tiền từ đâu để xây dinh thự như vậy (?). (Hình: Khám Phá.vn)
Đây là lần đầu tiên, cơ quan chuyên trách về thanh tra trong nội bộ Đảng CSVN thực hiện và công bố một nghiên cứu về đề tài này.

“Nhóm lợi ích” thường được dùng để chỉ những cá nhân có cùng mong muốn, cùng nỗ lực để đạt đến mục tiêu nào đó, quen gọi là “lợi ích nhóm”. “Nhóm lợi ích” có thể có quy mô rất lớn hoặc rất nhỏ và “lợi ích nhóm” có thể rất tích cực hoặc rất tiêu cực.

Riêng tại Việt Nam, trong vài năm vừa qua, do đặc điểm của một xã hội cộng sản, cụm từ “nhóm lợi ích” thường được dùng để chỉ những nhóm viên chức câu kết với nhau hoặc câu kết với các cá nhân bên ngoài hệ thống chính quyền nhằm trục lợi và “lợi ích nhóm” luôn luôn được hiểu theo nghĩa tiêu cực.
Trần nhà, kèo cột toàn căn nhà hai tầng lầu đều bằng gỗ quý và trạm trổ tinh vi. (Hình: Khampha.vn)
Kết quả nghiên cứu từ UBKT TƯ Đảng CSVN, nhận định: “Hiện tượng giàu lên rất nhanh, có nhiều nhà đất và có khối lượng lớn về tài sản, tiền bạc của một số cán bộ có chức, có quyền trong một số cơ quan nhà nước, cơ quan Đảng càng làm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân không khỏi nghi ngại là có việc làm ăn, có lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm”.

Nghiên cứu thừa nhận: “Trong khi mặt bằng kinh tế chung còn thấp mà trong xã hội có một số người chơi ngông, xài sang hơn cả ở các nước phát triển thì đó là điều khó chấp nhận, đa phần là những người có được nhiều tiền nhờ sự kiếm chác một cách khuất tất, mờ ám… Thói hưởng lạc, sống gấp, hợm hĩnh, vênh vang về đồng tiền có được của không ít người là nhờ các mối quan hệ không bình thường với cán bộ, đảng viên có chức, quyền trong các cơ quan công quyền, hoặc có thể là do tham nhũng, ăn cắp, nhận hối lộ”.
Sân sau nhà ông Tô có hồ thủy tạ với giả sơn, các loại cây cảnh hiếm quý mang sưu tầm từ khắp nơi mang về. (Hình: Khampha.vn)

Trong nghiên cứu, UBKT TƯ Đảng CSVN xác nhận, từ khi “đổi mới” (năm 1986) đến nay, tham nhũng tăng lên rất nhanh, khoảng 32% liên quan đến doanh nghiệp. Tình trạng viên chức thông đồng với doanh nghiệp để trục lợi ngày càng nhiều, có dấu hiệu trầm trọng hơn trong tất cả các lĩnh vực. Cơ quan này liệt kê một loạt hình thức câu kết mà dư luận đã từng hệ thống trước đó:

Nhóm thân hữu: Tuy không có bằng chứng pháp lý nào về “nhóm thân hữu” nhưng trong thực tế, xung quanh một số nhân vật chủ chốt có vai trò quan trọng trong các chính sách về kinh tế, UBKT TƯ Đảng CSVN xác nhận “thấp thoáng sự hiện diện của các doanh nhân”.

Những “nhóm thân hữu” này có quan hệ hai chiều trong việc viên chức dàn xếp để doanh nghiệp nhận được ưu đãi. Ngược lại, doanh nghiệp hoặc là đóng góp vào sự phát triển của địa phương để làm nổi bật thành tích của viên chức, hoặc là cung cấp cho viên chức phương tiện để leo cao hơn, để lo lót khi doanh nghiệp phạm sai lầm.

Chưa kể doanh nghiệp còn lo cung phụng cho những người thân thiết của viên chức. Hiện tượng doanh nghiệp chu cấp cho một số viên chức các dịch vụ như chơi golf, du học, du lịch... được xem là khá phổ biến.

Nhóm chung lợi ích: Khoảng 40% doanh nghiệp được phỏng vấn thừa nhận có sử dụng quan hệ với quan chức để trục lợi. Khoảng 20% thừa nhận, sử dụng hối lộ để đạt mục đích. Ủy ban Nhân dân các cấp, cán bộ quản lý ngành là những đối tượng nằm trong nhóm này.

Nhóm lợi ích cục bộ: Gồm những viên chức sử dụng quyền lực của nhóm để ăn chia với doanh nghiệp. Chẳng hạn, vụ tham nhũng xảy ra tại trạm kiểm soát liên ngành Đồng Bành, Lạng Sơn.

Tại đó, một nhóm cán bộ đã câu kết với doanh nhân bớt xén tiền thuế để chia chác. Rồi dùng tiền đó hối lộ cấp trên để được thăng chức và trụ lại trạm lâu hơn. Không ít cán bộ của trạm đã trở thành trạm trưởng, trạm phó, phó phòng nghiệp vụ của Cục Thuế tỉnh. Một số cán bộ của Cục Thuế tỉnh giữ quyền ăn chia bằng cách đề xuất với tỉnh luân chuyển cán bộ tại trạm ba tháng một lần.
Một biếm họa về “nhóm lợi ích” của VN Economy.

Viên chức sử dụng doanh nghiệp nhà nước để trục lợi: Vì doanh nghiệp nhà nước có vị trí đặc biệt, quản lý khối tài sản khổng lồ nhưng ít phải giải trình về trách nhiệm nên UBKT TƯ Đảng CSVN cho rằng “khu vực kinh tế này là đầu mối để nhiều viên chức thiết lập các đường dây trục lợi”.

Tình trạng viên chức bổ nhiệm những người thân tín vào các vị trí chủ chốt là phổ biến. Khi cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, nhiều doanh nghiệp đã chuyển cho một số viên chức các cổ phần béo bở, đứng tên những người tin cẩn của viên chức.

Viên chức nhờ người khác đứng tên, kết hợp với giới quản lý doanh nghiệp nhà nước để lập các công ty tư nhân hoặc liên doanh, sau đó chuyển các hợp đồng béo bở cho doanh nghiệp của họ. Viên chức che chắn để giới quản lý doanh nghiệp làm sai quy định như mua bán tài sản không minh bạch để nhận hối lộ của bên cung cấp rồi chia nhau, tài trợ cho viên chức đi nước ngoài bằng…

Vụ lợi cá nhân: Nghiên cứu của UBKT TƯ Đảng CSVN nhìn nhận, “nhiều viên chức đã chủ động đòi hối lộ để giải quyết công việc, hoặc thực hiện sai chính sách để đòi hối lộ”.

Một cuộc khảo sát năm 2012 của Thanh tra Chính phủ xác định, khoảng 15% viên chức thừa nhận đã từng thấy viên chức khác gọi điện, gửi thư can thiệp nhằm mưu lợi cho thân nhân. Khoảng 20% viên chức thừa nhận đã từng thấy viên chức khác cố tình gây khó khăn để đòi hối lộ.
Gây phiền hà cho doanh nghiệp để đòi hối lộ: Khoảng 5% doanh nghiệp cho biết họ từng nhận được đề nghị bán hay cho thuê tài sản giá rẻ, 5% từng nhận được đề nghị tài trợ tham quan hay chi tiêu cá nhân, 8% từng nhận được đề nghị tuyển dụng họ hàng của viên chức, 15% từng nhận được đề nghị tặng quà.

Bảo kê cho các hoạt động phi pháp: Viên chức bảo kê cho doanh nghiệp buôn lậu, buôn bán má túy, hoạt động mại dâm. Kể cả bảo kê sử dụng đất công để giữ xe, làm dịch vụ.

Ngoài ra, còn có cả tình trạng viên chức hưởng hoa hồng quá mức quy định công khai trong hợp đồng, lợi dụng thông tin công vụ (quy hoạch đất, xây dựng hay cải tạo đường sá, đô thị, đầu tư công) để trục lợi.

Cũng UBKT TƯ Đảng CSVN nhìn nhận, một số doanh nghiệp đã thành lập một nhóm mà nhiệm vụ là mở rộng quan hệ với chính quyền và viên chức.

Nghiên cứu của UBKT TƯ Đảng CSVN, viết thêm rằng, bản chất mối quan hệ không bình thường giữa viên chức với doanh nghiệp để trục lợi là một dạng tham nhũng đặc biệt, dẫn đến tình trạng “lợi ích nhóm” chi phối cả nền kinh tế, thậm chí là chính trị. (G.Đ)

 

« Trở về trang trước

CÁC TIN KHÁC   »
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=165553&zoneid=2#.UYBWFvnCS71
 

Về thăm Đài Tưởng Niệm Thuyền Nhân trên đảo Kuku

Về thăm Đài Tưởng Niệm Thuyền Nhân trên đảo Kuku Monday, April 29, 2013 8:39:59 PM







Hà Giang/Người Việt


INDONESIA (NV) - Từ Letung, chiếc thuyền rẽ sóng lướt đi phăng phăng được gần một giờ đồng hồ thì chị Carina Hoàng chỉ tay vào hòn đảo nhỏ trước mặt “KuKu kia rồi.”

Mọi người nhìn đăm đăm vào cánh rừng. Tiếng nói cười ồn ào đột nhiên lắng xuống.

Mạnh, chàng thanh niên trẻ tuổi nhất đoàn, người cười nhiều nhất và có tiếng cười huyên náo nhất, đứng phắt dậy, ôm chầm lấy Carina, bật khóc không thành tiếng, chỉ thấy đôi vai run lên từng hồi.
 
 Tượng đài tưởng niệm thuyền nhân đã chết trên quần đảo Anambas,
Nam Dương, được bắt đầu xây ở đảo Kuku cuối năm 2011,
khánh thành vào tháng Tư năm 2013. (Hình: Hà Giang/Người Việt)

Mạnh vượt biên với cha khi mới hơn 10 tuổi. Vài năm sau khi hai cha con định cư ở Úc, mẹ Mạnh một mình vượt biên đến được một đảo nhỏ ở Nam Dương và qua đời trên con thuyền đưa người Việt tị nạn đến đảo Galang. Viên chức người Nam Dương thấy hoàn cảnh đáng thương nên cho thuyền dừng lại và chôn bà ở đảo Kuku. Sau nhiều dự định tháp tùng các phái đoàn đi tìm mộ mẹ không thành, cuối cùng Mạnh sắp toại nguyện. 

Đã 34 năm rồi, nhưng không ngại hành trình gian nan vất vả, và nguy cơ có thể gặp gió bão bất ngờ, phái đoàn 11 người chúng tôi, do chị Carina hướng dẫn, người thì đi tìm mộ, xây mộ cho người thân, người đi tìm quá khứ, người khác muốn đi tìm dấu vết của thuyền nhân Việt Nam ở những hòn đảo nhỏ bé tại Indonesia. 

Dù khởi hành từ Mỹ, Úc hay Âu châu, chúng tôi ai cũng phải đáp ít nhất hai chuyến máy bay và bốn, năm chuyến thuyền mới đến được vùng đảo Jameja, thuộc Anambas region.
 
 Thím Liên cùng chồng là ông Tăng Phú trên đường lên bãi
Kuku tìm mộ thân phụ ông Tăng. Ông bà xúc động
khi nhận ra nơi ở cũ trên đảo Kuku. (Hình: Hà Giang/Người Việt)

Đường đi vất vả mà vui. Nhưng khi đến được đây rồi, thì quang cảnh dọc theo bờ những đảo như Berhala, Tucai, Air Raya, hay Kuku đâu đâu cũng na ná giống nhau khiến không chỉ riêng Mạnh xúc động, vì hình ảnh những ngày thương đau, tưởng đã chìm sâu trong ký ức giờ sống lại, rõ mồn một từng hình ảnh, từng cảm giác.

Thuyền đến gần bờ, đài tưởng niệm có dáng một chiếc thuyền lớn một nửa chìm xuống cát, nửa kia hướng ra biển, ngày càng rõ nét. Đến gần hơn, mọi người đọc được những chữ “VT075” màu đen ngang bụng thuyền. 

Một người chỉ tay: “Đài tưởng niệm kia rồi phải không?”

“Không ngờ ba mươi mấy năm nay giờ lại thấy được hàng chữ này, ngay trên bãi ngày xưa.” Anh Hoàng Long nói nhỏ như chỉ cho mình mình nghe, nét đăm chiêu chiếm lấy khuôn mặt tươi cười cố hữu.

Chị Vân, vợ anh, ngồi gần nhìn anh xót xa, rồi quay ra người bên cạnh phân bua: “Anh ấy mấy ngày nay ban ngày bình tĩnh nhưng đêm đến lục sục đâu có ngủ được.”

Anh Long, chị Carina, và thím Liên và chú Tăng Phú là bốn trong số hơn 370 thuyền nhân đã vượt biên từ Vũng Tàu trên con thuyền mang tên VT075 đến đảo Kuku. Trong đoàn chúng tôi, anh Long và chị Carina gần gũi với cái chết nhất. Anh làm việc trong khu y tế từ cuối tháng Sáu đến trung tuần tháng Chín tại lều y tế tại đảo Kuku cùng với bác sĩ Trần Duy Tân, và hàng ngày chứng kiến không biết bao nhiêu cái chết.

Anh kể: “Ban ngày tôi làm y tá, ban đêm Carina và một người nữa và tôi có bổn phận canh lều bệnh nhân. Chúng tôi lúc đó ở đây trong tình trạng không thực phẩm, không thuốc men trong khoảng thời gian ba tháng, trước khi Cao Ủy Tị Nạn tìm đến. Hàng ngày nhìn bệnh nhân chúng tôi có thể đoán được người nào đêm nay không qua khỏi, nhưng bó tay không thể làm gì giúp cho họ được.”

Anh Long may mắn không có thân nhân bỏ mình trên đảo này, nhưng đưa vợ đi để tìm về quá khứ, một quá khứ anh không biết mình đã quên hay vẫn còn bị ám ảnh.

Quá khứ bây giờ hiển hiện trước mắt.

Bên này là biển mênh mông ngút ngàn, bên kia là rừng núi chập chùng, cỏ cao vượt mặt. Đây là bãi tắm, kia là nhà thờ, kia là nghĩa địa, đó là từng hàng chòi được dựng lên làm nơi trú ngụ, trước mặt là văn phòng Cao Ủy Tị Nạn, và xa xa trên cao kia nữa cũng là nghĩa địa. Nghĩa địa khắp nơi.

Chỉ khác là bây giờ ngay trên bãi xưa, một tượng đài sừng sững đánh dấu giai đoạn hãi hùng của đoàn người tị nạn, của nơi đói khát, bệnh tật đã cướp đi mạng sống của không biết bao người. 

Thuyền cập bến!
Mọi người kéo nhau xuống bãi cát, hướng về phía đài tưởng niệm mà đi dưới nắng chói chang.

Đi một quãng, thím Liên níu lấy tay chồng, hốt hoảng: “Hồi đó mình ở chỗ này nè!”
Chồng bà, chú Tăng Phú thẫn thờ. “Biết có tìm thấy mộ ổng không đây.”
 
 Anh Long Hoàng, một thuyền nhân đến Nam Dương từ thuyền VT075 nén xúc động
khi đứng bên bãi Kuku, nơi anh trú ngụ năm 1979 và chứng kiến
biết bao nạn nhân qua đời vì thiếu thực phẩm và thuốc men. (Hình: Hà Giang/Người Việt)

“Hồi đó” là khoảng trung tuần tháng Sáu năm 1979. Đoàn người vượt biên trên con thuyền mang tên VT075, sau khi bị Malaysia từ khước được đưa vào LeTung, Air Raya, rồi trôi dạt đến đây. Thân phụ của chú Tăng Phú bị bệnh chết sau đó một tháng. Chú Tăng cho biết chỉ nhớ mang máng đã mai táng cha ở mảnh đất gần con suối nhỏ, nhờ người chất đầy đá trên mộ và khắc tên cha vào một tấm bia, hứa với lòng một ngày nào sẽ về xây mộ cho cha, làm tròn chữ hiếu.

Năm 2009, phái đoàn đi tảo mộ đảo Kuku do chị Carina Hoàng hướng dẫn tìm thấy ngôi mộ của thân phụ ông, chụp hình rồi bỏ lên website. Tình cờ gặp được người quen cho biết website này, chú nhờ con gái vào xem, và đã khóc ròng khi thấy tấm bia do chính tay mình khắc. Chờ thêm hai năm nữa hai vợ chồng mới có điều kiện tháp tùng đoàn người đi thăm Kuku.

Đến gần bờ, thấy tôi tần ngần nhìn những miếng đá phủ đầy rêu lên gần đến lùm cỏ dại, người thông dịch viên đi cùng đoàn bước đến gần. 

“Tại sao lại có đá ở đây?” Tôi hỏi.

“No, no rock, Vietnam boat.” Người thông dịch nói.

Ồ đúng rồi, không phải đá mà là gỗ, mà là thuyền, xác thuyền. 

Nhìn kỹ hơn, thấy dọc theo bãi biển gần bờ rải rác bao xác thuyền, giờ chỉ còn trơ lại cái khung như bộ xương lấp lánh dưới làn nước trong xanh.

Và bước lên bờ, chỉ leo vài đoạn núi thôi, mọi người biết sẽ thấy rải rác nhiều nấm mồ, trong đó có mộ của thân mẫu Mạnh và của thân phụ chú Tăng, và biết còn của ai nữa. Đã bao nhiêu người Việt Nam đi tìm tự do bỏ mình ở đây, 500 hay 2,000? Cho đến giờ, không ai có con số chính xác. 

Đứng chờ chúng tôi tại trước tượng đài là đại diện các viên chức địa phương của quần đảo Jemajah. Sau một bài diễn văn ngắn của người bản xứ, Carina thay mặt cho phía chúng tôi cắt băng khánh thành tượng đài.

“Chúng tôi dựng tượng đài này để đánh dấu một giai đoạn lịch sử, để tưởng niệm những thuyền nhân Việt Nam đã bỏ mình trên Anambas region.”

Đại diện của quần đảo Jemajah cho biết sở dĩ hàng chữ VT075 được vinh hạnh viết lên đài tưởng niệm là vì Carina, người tị nạn đầu tiên trở về quần đảo Nam Dương tìm mộ người thân, là người đến Nam Dương trên chiếc thuyền mang tên VT075.

Với việc xây dựng tượng đài, bảo vệ một di tích lịch sử, chính quyền Anambas cho biết cũng mong nhiều người Việt Nam ở khắp nơi sẽ về đây, tìm mộ người thân, thăm lại nơi đã cưu mang họ trên đường đi tìm quê hương thứ hai.

Lịch sử không phải chỉ được ghi lại ở đài kỷ niệm mà còn khắc ghi trong lòng nhiều người, cả người Việt Nam lẫn người bản xứ.
 
 Đoàn người đến thăm đảo Kuku chuẩn bị đốt nhang trước đài tưởng niệm. (Hình: Uly/Indonesia)

Trong một ngày đi sâu với một thông dịch viên vào thị trấn Letung, chúng tôi gặp nhiều người dân Indonesia cho biết còn nhớ rất rõ thời gian hàng ngàn người tị nạn Việt Nam ùa vào thị trấn nhỏ bé của họ.

Ông Anwal, một dân cư Letung cho biết, vào năm 1979, ông mới 12 tuổi, và nhớ đột nhiên sáng nào đi học cũng thấy người Việt Nam khắp nơi, trên bãi cỏ, dưới gầm nhà sàn, ngoài bờ suối. Cậu bé Anwal lúc đó thật xúc động khi thấy những người tị nạn đói rách, thẫn thờ. Họ xây nhà bằng tất cả những vật liệu nào có thể kiếm được, và ăn bất cứ thức ăn gì có thể tìm được. Ông nhớ những chiếc xe cứu thương chở bệnh nhân và chở xác người tị nạn lên núi.

Awal khoe còn biết hát quốc ca Việt Nam nữa.
“Quốc ca Việt Nam?” Mọi người hỏi.

Ừ quốc ca Việt Nam. Ông nói, rồi bập bẹ cất tiếng hát, rất đúng nốt, đúng nhịp dù lời bị trọ trẹ: “Việt Nam Việt Nam nghe tự vào đời, Việt Nam hai câu nói bên vành nôi, Việt Nam nước tôi...”

Không phải quốc ca Việt Nam đâu. Nhưng điều ấy không quan trọng.

Tiếng hát được cất lên từ khuôn mặt ngoại quốc xa lạ như luồng điện ở đâu được truyền vào người.

Làm sao ông học được bài hát này? Đã 34 năm rồi sao ông còn nhớ? Cố ngăn nước mắt, tôi dồn dập những câu hỏi.

Anwal bảo làm sao không nhớ được khi trong nhiều tháng trời, mỗi sáng đi học ông đều thấy từng đoàn người Việt Nam ở mọi ngõ ngách của thị trấn nhỏ bé, đồng loạt đứng lên, mặt buồn rầu rầu, mắt đăm đăm nhìn về hướng biển, và cùng nhau hát bài hát đó.

Mai này chúng tôi sẽ lên đường, trả lại sự bình lặng cho những người dân Nam Dương hiền lành mộc mạc và tốt bụng, cho nơi đầy dẫy dấu tích đoàn người Việt tị nạn. 

Nắng sẽ vẫn chói chang trên bãi Kuku khi thuyền chúng tôi rời bến, nhưng lòng người ở, kẻ đi, sẽ rất khác.

___

Liên lạc tác giả: hagiang@nguoi-viet.com

« Trở về trang trước

CÁC TIN KHÁC   »
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=165581&zoneid=310#.UYBRNfnCS70