vrijdag 30 september 2011

Chân dung người Mỹ gốc Việt qua Census 2010

September 20, 2011

image


Tài liệu chính thức của Census 2010, vừa được công bố, cho thấy một cộng đồng gốc Việt năng động, trẻ hơn tuổi trung bình toàn quốc, và lớn hàng thứ tư trong số di dân gốc Á tại Hoa Kỳ. Mặc dầu tốc độ gia tăng dân số gốc Việt chậm lại trong 10 năm qua, cộng đồng chúng ta “nói tiếng Việt ở nhà” nhiều hơn các sắc dân khác. Trong 10 năm, dân số gốc Việt tăng gần nửa triệu người, và ngay tại thời điểm này, tổng số người mang họ Việt Nam tại Hoa Kỳ là: 1,548,449

WESTMINSTER -Cộng đồng Việt Nam tại Hoa Kỳ có tổng cộng 1,548,449 người, theo công bố chính thức của thống kê dân số 2010 (Census 2010).



image



10 quận có cộng đồng gốc Việt lớn nhất Hoa Kỳ, theo thống kê dân số Census 2010. Cả 3 quận đứng đầu đều thuộc về tiểu bang California.
Như vậy, trong vòng một thập niên, từ năm 2000 đến 2010, cộng đồng gốc Việt tại Hoa Kỳ tăng thêm 425,921 người, tương đương 38%. Và cộng đồng chúng ta trở thành sắc dân châu Á đông thứ tư tại Hoa Kỳ, sau Trung Quốc (gần 3.5 triệu), Ấn Ðộ (gần 3 triệu) và Philippines (2.5 triệu).




Dân Số Gốc Á tại Hoa Kỳ
Trung Quốc: 3,347,229
Ấn Ðộ: 2,843,391
Philippines: 2,555,923
Việt Nam: 1,548,449
Hàn Quốc: 1,423,784
Nhật Bản: 763,325
Các sắc dân Á Châu khác: 2,192,151



Khoảng 3/4 người Mỹ gốc Việt tập trung ở 10 tiểu bang; với tiểu bang đông nhất là California. Ðứng thứ nhì là Texas, thứ ba là tiểu bang Washington.



image

Di dân gốc Việt chiếm hơn 9% tổng di dân gốc Á tại Hoa Kỳ.


Mười tiểu bang đông dân gốc Việt nhất bao gồm: California (581,000); Texas (210,000); Washington (67,000); Florida (58,000); Virginia (54,000); Georgia (45,000); Massachusetts (43,000); Pennsylvania (39,000); New York (29,000); và Louisiana (28,000).



Cộng Ðồng Gốc Việt, 2000-2010
Năm 2000: 1,122,528 người
Năm 2010: 1,548,449 người
Tăng: 425,921 người (37.9%)


Tính theo các khu vực đô thị (metropolitan area), vùng Los Angeles - Long Beach - Santa Ana đông dân Việt Nam nhất, với 271,000 người. Kế đến là vùng San Jose - Sunnyvale - Santa Clara với 126,000 người; vùng Houston - Sugar Land - Baytown với 104,000 người; Dallas - Fort Worth - Arlington với 72,000 người; và Washington DC - Arlington - Alexandria 59,000 người.




image

Trong 10 năm, từ 2000 đến 2010, cộng đồng gốc Việt tăng 37.9% dân số, thấp hơn các sắc dân gốc Á khác.


Xếp theo thành phố, và theo con số tuyệt đối, các thành phố đông dân gốc Việt nhất bao gồm: San Jose 59,000 người; Garden Grove 47,000 người; Westminster 36,000 người; Houston 35,000 người; và San Diego 33,000.
Tuy nhiên, xếp theo tỷ lệ gốc Việt so với cư dân toàn thành phố, “vương miện” được trao cho thị trấn Midway, California, với 41% cư dân gốc Việt (Tuy nhiên, thị trấn Midway không có quy chế thành phố, và vì thế không có cơ cấu chính quyền riêng).


10 Tiểu Bang Ðông Người Việt Nhất

California: 581,946 (tăng 30% trong 10 năm)
Texas: 210,913 (tăng 56% trong 10 năm)
Washington: 66,575 (tăng 44% trong 10 năm)
Florida: 58,470 (tăng 76% trong 10 năm)
Virginia: 53,529 (tăng 43% trong 10 năm)
Georgia: 45,263 (tăng 56% trong 10 năm)
Massachusetts: 42,915 (tăng 26% trong 10 năm)
Pennsylvania: 39,008 (tăng 30% trong 10 năm)
New York: 28,764 (tăng 21% trong 10 năm)
Louisiana: 28,352 (tăng 16% trong 10 năm)


Ðứng sau thị trấn Midway là các thành phố khác, cũng thuộc California: Westminster (40%); Garden Grove (27.7%); Fountain Valley (21%).
Thành phố Morrow City, thuộc tiểu bang Georgia, có tỷ lệ gốc Việt khá cao: 20%.




image



Cứ 100 người gốc Việt tại Mỹ, có 12 người sống ở mức nghèo khó. Theo tiêu chuẩn này, cộng đồng gốc Việt chỉ “giàu” hơn 2 cộng đồng gốc Á khác, là Hmong và Cambodia.


Từ thập niên 1970s đến thập niên 1990s, dân số gốc Việt tại Hoa Kỳ tăng nhanh đáng kể, một phần do làn sóng di dân cao. Kể từ năm 2000, nhịp gia tăng dân số gốc Việt bắt đầu chậm lại, ở mức 38%.
Census 2010 trích dẫn thống kê của American Community Survey (ACS) phổ biến năm 2007, cho biết, so với các cộng đồng khác, di dân gốc Việt có tỷ lệ “sử dụng tiếng mẹ đẻ ở nhà” tăng mạnh nhất (511%), tính từ năm 1980 đến 2007.
Về tuổi tác, ACS cho biết tuổi trung vị của cộng đồng gốc Việt là 35.4, so với 35.7 của các sắc dân Á Châu, và 36.8 của toàn quốc Hoa Kỳ.


10 Thành Phố Ðông Người Việt Nhất


San Jose, California: 100,486
Garden Grove, California: 47,331
Westminster, California: 36,058
Houston, Texas: 34,838
San Diego, California: 33,149
Santa Ana, California: 23,167
Los Angeles, California: 19,969
Anaheim, California: 14,706
Philadelphia, Pennsylvania: 14,431
New York city, New York: 13,387


Trong tổng số gần 1.6 triệu người Việt hiện đang ở Mỹ, giới trẻ 17 tuổi trở xuống chiếm 26%, so với 44% của cộng đồng người Hmong, 28% của người Cam Bốt, và 27% của người Lào, và so với 20% của toàn quốc.
Người gốc Việt trên 65 tuổi tại Hoa Kỳ chiếm 8% so với cộng đồng già nhất là Nhật Bản (22%) và so với 13% trên toàn quốc.
Về gia cảnh, 57% người gốc Việt có gia đình, 31% chưa bao giờ lập gia đình, khoảng 7% ly dị, 1% ly thân, và 4% góa vợ (hoặc chồng).




image

22% người Mỹ gốc Việt được sinh ra tại Mỹ; số còn lại sinh ra bên ngoài nước Mỹ


Về mặt kinh tế, số gia đình gốc Việt sống dưới mức nghèo khó chiếm 12%, so với 25% của người Hmong (nghèo nhất), và 10% của toàn quốc. Mức nghèo khó năm 2011 do chính quyền liên bang ấn định cho một gia đình 4 người là lợi tức dưới $22,350 một năm.
Gia đình trung bình của người Việt có 4 người và lợi tức trung bình $59,000 một năm so với $47,000 của người Hmong (thấp nhất), $99,000 của người Ấn Ðộ (cao nhất), và $62,000 của toàn quốc.

Tỷ lệ người gốc Việt trên 16 tuổi có công ăn việc làm là 67%, đứng hàng thứ Tư trong cộng đồng di dân Á Châu, vào nhỉnh hơn tỷ lệ toàn quốc, 65%.
Khoảng 65% gia đình gốc Việt làm chủ căn nhà mình đang ở, (ngang với cộng đồng người Philippines) so với 48% của người Hmong và 66% của toàn quốc.
Census 2010 trích dẫn bản tường trình của Survey of Business Owners (SOB) công bố năm 2007 cho biết số cơ sở thương mại do người Việt làm chủ tăng 56% từ năm 2002 đến nay so với 40% của các sắc dân Á Châu khác.
Cũng theo bản tường trình năm 2007 của SOB, số cơ sở thương mại của người gốc Việt lên tới 229,000, tương đương 15% của toàn bộ di dân gốc Á, với doanh thu $28.8 tỷ một năm.

Gần 30,000 trong số những cơ sở thương mại này là các công ty tạo ra công ăn việc làm, mướn tổng cộng 166,000 nhân viên, với doanh thu $21 tỷ trong năm 2007, tăng 82% so với năm 2002.
Gần 67% cơ sở thương mại của người gốc Việt thuộc ngành bảo trì, sửa chữa, dịch vụ cá nhân, giặt giũ và bán lẻ, chiếm con số cao nhất trong nhóm di dân Á Châu.

Về việc thực thi quyền công dân, nhìn chung người Mỹ gốc Á ghi danh đi bầu và thực sự đi bầu ít hơn người dân bản xứ.
Census 2010 trích thống kê của Current Population Survey (CPS) công bố năm 2008 cho thấy tỷ lệ di dân gốc Á ở tuổi đi bầu khá thấp, ở mức 55% so với 71% của toàn quốc.

Ðã thế, chỉ có 48% người ở tuổi này ghi danh đi bầu, so với 64% của toàn quốc.
Cũng theo tài liệu của CPS, người nhập tịch Hoa Kỳ gốc Á ghi danh đi bầu đông hơn những người gốc Á sinh ra ở Mỹ.



image

Trong 5 năm, từ 2002 đến 2007, cộng đồng doanh nghiệp gốc Việt tại Mỹ có thu nhập cao hơn.


Còn theo dữ liệu của ACS cho thời gian từ 2007 đến 2009, khoảng 68% di dân gốc Việt được sinh ra ở ngoài đất nước Hoa Kỳ, trong đó 73% đã có quốc tịch Mỹ.
Nhìn một cách tổng quát, cộng đồng gốc Việt tại Hoa Kỳ tương đối trẻ, xét về tuổi (35.4), tỷ lệ giới trẻ từ 17 tuổi trở xuống (26%), và tỷ lệ người 65 tuổi trở lên (8%), so với các con số tương ứng 36.8, 20% và 13% cho toàn quốc.


image



Với khuynh hướng gia đình, người gốc Việt có tỷ lệ ly dị 6%, thấp hơn tỷ lệ chung toàn quốc (11%), và đơn vị gia đình (3.9 người/gia đình) cũng đông hơn tỷ số trung bình toàn quốc, 3.1.
Về đời sống kinh tế, cộng đồng gốc Việt có mức lợi tức trung bình hàng năm hơi thấp ($59,000) so với $62,000 toàn quốc. Tuy nhiên, tỷ lệ người gốc Việt làm chủ căn nhà mình đang ở là 65% so với 66% của toàn quốc cho thấy tính cần kiệm và quan điểm “an cư lạc nghiệp” của cộng đồng chúng ta.

Hà Giang/Người Việt
 

Hàng độc hại từ Trung Quốc

September 2, 2011
image



Mới đây Giới y tế Trung Quốc (TQ) thực sự sốc khi có thông tin bệnh viện ở tỉnh Cát Lâm mua trẻ sơ sinh chết non và nhau thai để chế tạo thuốc bổ. Cùng với hàng loạt công nghệ chế biến thực phẩm bẩn bị phát hiện, phanh phui trong thời gian qua, khi nói đến thực phẩm TQ, không ít người hoang mang, rùng mình.



Xin điểm lại một số sự vụ nổi cộm suốt thời gian qua khiến người dân Trung Quốc bất bình, các cơ quan chức trách phải vào cuộc điều tra và hàng vạn người tiêu dùng thế giới lên tiếng “tẩy chay”.



Công nghệ chế thuốc bổ từ xác trẻ sơ sinh


image



Từ câu chuyện phong phanh về việc mua bán thai nhi, với mong muốn tìm ra cách bào chế thuốc bổ từ xác trẻ sơ sinh, nhóm phóng viên đài truyền hình SBS TV của Hàn Quốc đã đi sâu tìm hiểu quy trình để làm ra những viên 'thuốc bổ' từ thịt trẻ em chết này. Từ đó, phát hiện ra một sự thật kinh hoàng: Xác những đứa trẻ được lưu giữ trong tủ lạnh, khi cần chế thuốc thì cho vào lò vi sóng sấy khô.



Giai đoạn đầu của cuộc điều tra, phóng viên tìm đến một bệnh viện lớn chuyên bán di hài cho các công ty dược phẩm. Tại đây họ phát hiện ra một luật ngầm, nếu có ca sơ sinh nào tử vong, công ty dược sẽ được gọi đến để giải quyết. Nhóm SBS TV cũng tìm thấy nhiều bằng chứng của việc sản xuất "thần dược" này.



image

Xác những đứa trẻ được lưu giữ trong tủ lạnh, khi cần chế thuốc thì cho vào lò vi sóng sấy khô (Hình minh họa)



Sau khi sấy khô, xác được nghiền ra và trộn với thuốc bột trước khi đóng vào con nhộng.

Theo Deng Haihua, phát ngôn viên Bộ Y tế Trung Quốc, Trung Quốc quản lý chặt chẽ việc vứt bỏ trẻ em, bào thai và nhau thai. "Bất cứ hành động nào nhằm giữ lại những thứ trên như rác thải y tế đều bị nghiêm cấm".



Theo quy định của TQ, các tổ chức y tế và nhân viên bị cấm buôn bán xác chết. Còn theo ông Jia Qian, người đứng đầu dự án nghiên cứu chiến lược của Viện y học cổ truyền Trung Quốc thì “nhau thai từ lâu được sử dụng để bào chế thuốc trong Trung y nhưng Trung y chưa bao giờ dùng bào thai hay trẻ sơ sinh chết non để bào chế thuốc”.



Thuốc bổ dành cho nam giới làm từ… thức ăn cho gà



Trước khi cả thế giới sửng sốt với thông tin thuốc nhộng được chế từ xác trẻ sơ sinh, Công an thành phố Tây An (tỉnh Thiểm Tây, TQ) cũng đã triệt phá đường dây sản xuất các loại thuốc bổ, thuốc cảm... từ nguyên liệu chính là thức ăn nuôi gà và các thức ăn chăn nuôi khác.


image

Nguyên liệu SX thuốc chủ yếu là thức ăn cho gà và vài loại thức ăn chăn nuôi khác.



Vụ kiểm tra bất ngờ diễn ra hôm 8/8/2011, tại một con phố của thành phố Tây An và bất ngờ khi “nhà máy” sản xuất thuốc tây chỉ là căn phòng rộng, xây gạch thô sơ cùng với máy móc cũ kỹ, lạc hậu.



Các trang mạng TQ thông tin, khi lực lượng công an xông vào thì tại hiện trường vương vãi khá nhiều bao bì rất nhiều loại thuốc khác nhau, chủ yếu là thuốc bổ, thuốc hạ huyết áp, thuốc giảm béo, thuốc cho bệnh nhân tiểu đường, thuốc bổ dành cho nam giới… Tất cả đều chưa được dập ngày sản xuất cũng như các thành phần bên trong.



Tuy nhiên lực lượng kiểm tra phát hiện, thành phần chính của các loại thuốc tây đóng vỉ này chỉ là từ... thức ăn cho gà và vài loại thức ăn chăn nuôi khác, sau đó được pha trộn với hóa chất để tạo mùi. Được biết số thuốc bị thu giữ tại hiện trường có trị giá khoảng 5 triệu nhân dân tệ.



Thuốc y học cổ truyền TQ gây tác dụng phụ nghiêm trọng



Theo khuyến cáo của Cơ quan Khoa học Y tế (HSA), người dân không nên sử dụng hai loại thuốc y học cổ truyền TQ là Ren Sem Tu Chon Chin Kuo Pill và Huo Li Bao vì chúng có thể gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng.



HSA đã phát hiện, hai loại thuốc này có chứa lượng lớn các dược liệu của y học phương Tây hiện đại và chúng được pha trộn một cách bất hợp pháp, không theo tiêu chuẩn an toàn của HSA, có thể gây tác dụng phụ nghiêm trọng cho người sử dụng.


image

Hai loại thuốc y học cổ truyền Trung Quốc có thể gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng.



Ren Sem Tu Chon Chin Kuo Pill là sản phẩm được đóng gói lọ có nhãn có nhãn màu vàng, bên trong có chứa những viên thuốc tròn màu đen được quảng cáo có tác dụng giảm đau. Nó chứa dexamethasone và Clorpheniramin.



Còn Huo Li Bao được đóng gói trong hộp màu xanh lá cây, bên trong có vỉ chứa viên nang màu xanh. Các viên nang này được sử dụng để điều trị đau viêm khớp. Nó chứa piroxicam, Chlorpheniramin và frusemide.



Các sản phẩm này đều được nhập khẩu từ TQ.



Đặc sản kinh khủng: Gà chết



Cứ rạng sáng sớm, như thường lệ, một người đàn ông TQ lại lái xe máy đi thu mua gà chết. Đi tới cổng nhà ai, ông ta cũng hỏi câu: “Có gà chết không?”. Tổng cộng có khoảng 5 người lái xe đi thu mua gà chết cho 1 ông chủ như thế này. Mỗi con gà chết được thu mua với giá 1 tệ và sẽ được bán với giá 9 tệ sau khi chế biến.



Đột nhập lò chế biến gà tại TQ, người ta tận mắt chứng kiến cảnh ngổn ngang những con gà chết được vất bừa bãi trên nền nhà, ngoài sân. Có 4 người chuyên nhúng gà vào nước sôi và vặt lông. Sau đó, dùng xà phòng và thuốc tẩy để làm sạch rồi tẩm mầu.



Hàng loạt chân gà đã ướp formon hoặc hóa chất nên khi xử lý mốc cũng đơn giản, vẫn đảm bảo tươi sống. Khi nướng lên, các chủ cửa hàng chân gà nướng chỉ cần gia giảm các loại gia vị cho át mùi là lại thành đặc sản.


image

Những con gà chết chuẩn bị được "hô biến" thành thịt gà ngon.



Theo một dân kinh doanh chân gà về Việt Nam, “chân gà nhập từ nước bạn về chẳng còn tí mùi vị gì, dai nhách. Chỉ đến khi vào tay các chủ hàng chân gà thì nó mới thơm ngon, kể cả hương vị cũng là đánh lừa miệng khách hàng”.


image

Những con gà chết sau khi qua các công đoạn “hô biến” được“khoác” một lớp ngoài bắt mắt và vô cùng thơm ngon.



image

Công đoạn cuối cùng là tẩm hóa chất tăng độ bắt mắt cho gà.



Trong khi đó, hiện nay, gà lậu TQ không qua kiểm dịch vẫn đang từng ngày được tuồn về Việt Nam, đặc biệt là ở Lạng Sơn luôn trong thời gian cao điểm "tập kết" ở đường biên, chờ dịp nhập cảnh VN.

"Một kg gà TQ giá chỉ 25.000-30.000 đồng là cùng" - Khang, lái xe ôm vùng biên, khẳng định với phóng viên. "Mỗi con đem về thành công, trả cho người dắt mối, bảo kê 2.000 đồng, tôi bỏ túi 5.000 - 7.000 đồng. Về xuôi mỗi kg gà TQ vẫn bán được 55.000 - 60.000 đồng, khoản chênh lệch gần gấp đôi đó những người ngồi ôtô hưởng". Chính vì mỗi chuyến kiếm được cỡ trăm ngàn, ngày làm được vài chuyến nên dù nghe nói dịch gia cầm đang quay lại nhưng gà lậu từ các cửa khẩu vẫn ồ ạt đổ về.



Dầu ăn chế biến từ nước 'cống rãnh'



Cơ quan thông tấn Trung Quốc vừa tiết lộ: Một vài loại dầu ăn bắt mắt được bày bán trên các cửa hàng ở Bắc Kinh, Thiên Tân và Hà Bắc hóa ra được tái chế từ dầu đã qua chiên xào nhiều lần, hoặc từ nước rãnh thải.


image

Dầu ăn hóa ra được tái chế từ dầu đã qua chiên xào nhiều lần, hoặc từ nước rãnh thải.



Theo Chinadaily và Beijing Times, một vài nhà sản xuất các loại dầu bẩn nói trên cho ra lò gần 100 tấn sản phẩm kém chất lượng mỗi ngày. Kỹ thuật sản xuất và các thiết bị tinh lọc tiên tiến khiến cho người mua khó mà phân biệt được dầu nào được sản xuất an toàn và dầu nào bắt nguồn từ chất thải.



Một người trong nghề cho biết nguyên liệu thô để sản xuất ra dầu ăn bẩn gồm có dầu ăn từ các nhà hàng được chiên đi chiên lại nhiều lần, thịt lợn thừa từ các lò mổ và mỡ gia cầm. Sau đó, chúng được trộn với nhau và tẩy màu.



Thiết bị chính để lọc dầu là các thùng chứa lớn và bộ lọc, nối với nhau bằng ống dẫn. Dầu trở nên sáng màu hơn qua khâu lọc và tinh chế, sau cùng được đóng gói thành dầu ăn như bình thường.



Số liệu từ cơ quan quản lý Bắc Kinh cho biết: khoảng 1.750 tấn thức ăn thừa được tạo ra trong thành phố mỗi ngày, và 60 tấn dầu bẩn được tái chế từ đây.



Wang Ruiyuan, phó chủ tịch chi nhánh dầu ăn thuộc Hiệp hội Dầu ăn và Ngũ cốc Trung Quốc, cho biết hiện không có cách nào hiệu quả để phát hiện dầu ăn bất hợp pháp.



Nội tạng lợn, bò phế thải TQ đổ về Việt Nam


image

Những bì nội tạng chuyển về Việt Nam.



Những loại thực phẩm như nội tạng lợn, bò, dê, chân gà... ướp hóa chất độc hại, dân TQ "không dám động đến" nhưng vẫn đang ngày ngày chảy qua biên giới, rồi ồ ạt về các đô thị ở Việt Nam và trở thành món ăn khoái khẩu của không ít thực khách.



"Trắng hếu, nhạt, luộc lên thấy nước hơi tanh và có vị lạ; riêng lòng lợn ném xuống đất nẩy cái bịch" - đó là cách phân biệt mà một tiểu thương tên Hương tại chợ Kỳ Lừa, Lạng Sơn chỉ cho PV khi nghe hỏi về nội tạng động vật tươi sống.



Cũng theo chị Hương, trước đây ở xứ Lạng, chân gà, nội tạng lợn bán đầy, dọc các đường cũng có. Nhưng giờ dân vùng biên chỉ bán về xuôi chứ không dám ăn vì... kinh lắm.

Tuy vậy, theo tìm hiểu của chúng tôi tại Lạng Sơn cũng có hàng chục cửa hàng ăn sử dụng gà thải, nội tạng động vật TQ để bán cho khách hàng.



Từng vào sâu nội địa TQ để "săn" hàng, Tuyến kể: "Chủ loại hàng nội tạng động vật trước tôi định bắt tay là một tư thương nhỏ người Trung Quốc thiểu số. Hàng của nó, nói thật, toàn hàng tồn, hàng bệnh từ các nơi. Mua về, hàng để phệt ngay xuống sàn ximăng. Vài thằng ngồi lọc, cái nào hôi, nát quá dành để cô nước dùng bán cho các tiệm lẩu, phở. Hàng nào còn tạm sẽ được nhúng vào thùng hóa chất".



Thùng đó độc thế nào? Tuyến bảo không biết nhưng "lúc gần về, thấy một con chuột bị đuổi sa vào, được vớt ra ngay nhưng lát sau đã lăn ra chết!".



Theo số liệu của các cơ quan chức năng, chỉ riêng lực lượng cảnh sát giao thông năm 2007 đã bắt được tới 170 tấn gà, nội tạng động vật nhập lậu, hơn 22.000 con gà, gần 60.000 quả trứng nhập lậu từ TQ.



Theo cán bộ tham mưu của Phòng cảnh sát giao thông Công an tỉnh Lạng Sơn, đó đúng là con số không đáng kể vì cảnh sát giao thông chỉ là đơn vị phối hợp và chỉ dừng kiểm tra những xe có nghi vấn.



Kinh hoàng bánh bao “bẩn” ở siêu thị TQ



Chương trình “Tiêu dùng” của CCTV đưa tin, mỗi ngày có hơn 30 ngàn chiếc bánh bao độc hại này được đưa vào kệ bày bán tại các siêu thị lớn như Thượng Hải Liên Hoa, Hoa Liên, Địch Á Thiên Thiên…



Kết quả điều tra ban đầu phát hiện, trên bao bì các dòng sản phẩm bánh bao này, ngày sản xuất được in thành ngày nhập hàng vào siêu thị, những chiếc bánh đã quá hạn sử dụng thì được hô “biến” thành bánh bao mới.


image

Bánh bao quá hạn sử dụng được hô “biến” thành bánh bao mới.



Một nhân viên siêu thị cho hay, những loạt bánh bao tẩy trắng này đều do một công ty sản xuất và cung ứng, hiện bán khá chạy tại các siêu thị lớn. Phóng viên CCTV đã xâm nhập vào xưởng sản xuất của công ty này và phát hiện một loạt bánh bao dập ngày sản xuất 22/3 được tuồn ngược trở lại xưởng để “tái chế” thành bánh bao mới và xuất lại cho siêu thị.



Theo ghi nhận của phóng viên, những chiếc bánh bao cũ được đổ vào máy đánh tan thành bột. Sau đó một công nhân đổ thêm 2 túi bột trắng vào cho máy đánh đều trước khi đổ khuôn. Chưa đầy 10 phút sau, loạt bánh bao “tái chế” nóng hổi được xuất lò. Công đoạn tái chế kéo dài khoảng gần 20 phút.



Công ty này đã dùng đường hóa học để thay thế đường kính, đồng thời trộn thêm chất bảo quản, chống thối và chất tẩy trắng không rõ nguồn gốc. Một công nhân tiết lộ: “Tôi không bao giờ ăn bánh này. Có đánh chết tôi cũng không dám ăn.”Mỗi ngày, bình quân công ty tái chế bánh bao xuất xưởng khoảng 30 ngàn chiếc và cung ứng cho từ 300 đến 400 siêu thị ở Thượng Hải, hàng đang bán rất chạy.



Rùng mình thịt lợn bẩn



Sau bánh bao bẩn, khiến người TQ phẫn nộ, thì nay, đất nước đông dân nhất hành tinh lại một phen rùng mình, kinh hãi khi hàng tấn thịt bẩn "rùng rùng" chuyển động trên các ô tô tải.


image

Nếu không được phát hiện thì lô thịt lợn bẩn này đã nằm trên bàn ăn của người tiêu dùng.



Người dân TQ không khỏi bàng hoàng khi biết tin tập đoàn Song Hội (tỉnh Hà Nam, TQ), một thương hiệu lớn trong lĩnh vực công nghệ thực phẩm của nước này, đã và đang cung cấp ra thị trường rất nhiều thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn bẩn (lợn được nuôi bằng chất kích thích tăng nạc đã bị cấm từ nhiều năm qua.



Ngày 12/4/2011, Bộ Công an TQ tổ chức họp báo cho biết, 96 đối tượng liên quan trong vụ bê bối thịt lợn bẩn này đã bị bắt, thu giữ hơn 4 tạ chất kích thích tăng nạc, đóng cửa một cơ sở sản xuất và phá 2 đường dây tiêu thụ loại chất kích thích tăng nạc này.



Theo cơ quan chức năng, chất kích thích tăng nạc là loại chất hóa học có tên gọi

Ractopamine và Clenbuterol, khi trộn với thức ăn chăn nuôi lợn sẽ làm tăng nạc, giảm mỡ, giảm lượng thức ăn và thịt lợn khi mổ tươi hơn, giảm chi phí sản xuất. Hiện nhiều quốc gia trên thế giới đã cấm sử dụng loại chất kích thích tăng trưởng này trong chăn nuôi vì nếu thường xuyên ăn loại thịt lợn “siêu nạc” và các sản phẩm chế biến từ thịt lợn “siêu nạc”, người dùng có thể bị ngộ độc, chân tay run rẩy, đứng không vững, choáng đầu, mất sức, tim đập nhanh.



Rau TQ nhiễm độc nặng



Năm 2010, 2011, TQ liên tục phát hiện dư lượng thuốc trừ sâu quá cao trong rau của Trung Quốc, chứa chất độc hại nghiêm trọng gây ra các bệnh nguy hiểm đến tính mạng người dùng.



"Do thời tiết khô hạn, thuốc trừ sâu trên hoa quả và rau xanh không phai đi và dẫn tới dư lượng thuốc trừ sâu vẫn cao. Có 3 loại thuốc trừ sâu được dùng phổ biến trong trồng cây và tác động tới con người. Tuy nhiên, sau khi phai bớt, các loại rau quả vẫn có thể ăn được" - Giám đốc sở nông nghiệp Nam Ninh là Tang Bowen cho biết.


image



Trung Quốc phát hiện nhiều loại rau nhiễm độc nặng.



Tháng 4/2011 vừa qua, Bộ Y tế Trung Quốc vừa thông tin: i-ốt phóng xạ ảnh hưởng từ vụ nổ nhà máy điện hạt nhân Fukusima 1 Nhật Bản đã được phát hiện trong các loại rau trồng trên chính đất Trung Quốc.



Các mẫu kiểm tra được tiến hành vào ngày 5/4 đã tìm thấy hàm lượng i-ốt phóng xạ ở mức độ thấp trong rau bina trồng tại Bắc Kinh, Thiên Tân và tỉnh Hà Nam. Hàm lượng i-ốt phóng xạ khoảng 1-3 becquerels/kg.



Theo các chuyên gia y tế, hàm lượng i-ốt phóng xạ có thể tích tụ trong con người khi ăn phải những thực phẩm có nồng độ phóng xạ cao và làm tăng nguy cơ ung thư tuyến giáp. Nhưng nó phân rã tự nhiên trong vòng vài tuần.



Trong khi đó, tại Việt Nam, ở các chợ đầu mối, thậm chí là các siêu thị lớn nhỏ vẫn đang bày bán đầy rẫy các loại hoa quả được nhập về từTrung Quốc mà hoàn toàn chưa kiểm soát được nguy cơ.

(Theo GDVN)
 

Hàng độc hàng giả từ Trung Quốc

September 3, 2011
image


image

Apple hiện có bốn cửa hàng chính thức ở Trung Quốc



Một điện tín ngoại giao do WikiLeaks tiết lộ nói hãng Apple ba năm trước đã thành lập một nhóm an ninh toàn cầu để chống việc làm giả iPod và iPhone ở Trung Quốc.


Công ty, đặt trụ sở ở California, đã thuê người của hãng dược Pfizer, từng dẫn đầu cuộc truy quét thuốc Viagra lậu, làm lãnh đạo của nhóm, theo điện tín tháng Chín 2008 của sứ quán Mỹ tại Bắc Kinh.

Đây là một trong gần 134.000 thông điệp ngoại giao mà WikiLeaks công bố trong tuần qua.



Điện tín nói "thật ngạc nhiên" là Apple đã chưa có một nhóm an ninh toàn cầu cho đến khi họ lập nhóm truy bắt hàng giả ở Trung Quốc tháng Ba 2008.



Theo điện tín, "bằng chứng ban đầu cho thấy gần 100% sản phẩm Apple ở các thị trường đại lục phi chính thức đều là hàng giả, trong khi các nhà máy ở tỉnh Quảng Đông đang xuất khẩu hàng nhái đủ để một mình cung cấp hàng Apple giả cho thế giới."

Trong số hàng giả, có iPod được quảng cáo có 80 gigabyte ổ cứng nhưng hóa ra chỉ có 1GB mà thôi.



Trung Quốc là thị trường hàng giả số một thế giới, mặc dù chính phủ nhiều lần cam kết triệt hạ tận gốc vấn nạn.



Apple mở cửa hàng chính thức đầu tiên ở Trung Quốc vào tháng Bảy 2008 và nay hiện có bốn cửa hàng - hai ở Bắc Kinh và hai ở Thượng Hải.





BBC


image



Hàng giả Trung Quốc tràn ngập châu Âu



Mặc dù đã tăng cường truy quét nhưng châu Âu vẫn không ngăn được hàng giả từ Trung Quốc tràn ngập thị trường, theo một báo cáo mà Ủy ban châu Âu công bố hôm 31-5.

Theo đó, hải quan các nước Liên minh châu Âu (EU) năm 2006 đã tịch thu hơn 250 triệu món hàng giả, tăng đột biến so với con số 75 triệu năm 2005. Trong đó, 80% xuất xứ từ Trung Quốc và thuộc đủ loại từ thuốc lá, quần áo đến đồ gia dụng và cả dược phẩm. Các quan chức EU cho biết họ đặc biệt lo ngại về khả năng gây bệnh của các loại thuốc và mỹ phẩm giả này.



M.HUY(Theo Kommersant)





image



Nguy cơ độc hại từ hàng Trung Quốc





Từ biên giới đến thành thị tràn ngập hàng



image

Hình minh họa



Chỉ riêng xì dầu đã có đến hàng chục loại, bình xì dầu dung tích 2 lít loại ngon nhất giá 20.000 đồng, các loại khác chỉ 8.000 - 15.000 đồng/bình 2 lít. Phần lớn những loại xì dầu này được đựng trong can nhựa màu trắng đục, không có niêm phong. Nhãn mác của những can xì dầu này đều in chữ TQ, hầu hết không ghi hạn sử dụng, nơi sản xuất, thành phần… Bà chủ hàng đồ khô báo giá chỉ lấy bằng 2/3 giá bán lẻ nếu có nhu cầu lấy nhiều về xuôi bán.



image



Trong khi đó tại chợ Lũng Vài (TQ), dân buôn đồ khô người Việt vẫn thường qua đây lấy hàng, sau đó thuê cửu vạn vác hàng theo đường mòn về tập kết tại các kho hàng thuộc khu vực thị trấn Đồng Đăng (Lạng Sơn), chờ đêm xuống xé lẻ đưa về xuôi. Giá bán các loại thực phẩm TQ tại chợ Lũng Vài khá rẻ, chỉ vài nhân dân tệ (1 NDT khoảng 2.000 đồng VN) là được một món. Cụ thể một can xì dầu 2 lít loại ngon giá chỉ 5-6 tệ; gói gia vị lẩu, rau củ quả tẩm ướp khoảng 0,8 - 1,5 nhân dân tệ/gói tùy loại…



image



Các hộp hương liệu nước ép trái cây có xuất xứ TQ với nhiều hương vị dứa, dâu, nho... đang được các chợ bán với mức giá chỉ 4.000 - 7.000 đồng/hộp.

Chị Tâm, một tiểu thương tại chợ An Đông (TP.HCM), cho biết “do giá bán quá rẻ cộng với mùi vị trái cây như thật nên những hộp hương liệu này hiện đang được nhiều nhà hàng, tiệm cà phê mua sỉ về pha chế”.

Cũng có nhiều mặt hàng “bổ dưỡng” như sữa bột, sữa hương vị trái cây, các loại hạt nấu sẵn đóng gói trong những chiếc bao hút chân không được nhiều người mua về nấu chè... đều không có nhãn mác, hướng dẫn sử dụng. “Người dân mình vẫn xài vì cứ nghĩ ăn vào đâu có... chết ngay” - chị Loan nói.



image



Tươi nhờ chất bảo quản



Không giống như các mặt hàng khác, phần lớn hàng hoa quả TQ về VN bằng con đường hợp pháp qua cửa khẩu Tân Thanh. Chị Hoa, một người buôn bán hoa quả lâu năm tại chợ khu vực Tân Thanh, cho biết giá hoa quả TQ rẻ hơn 30-40% so với hoa quả cùng loại ở trong nước. Đặc điểm của hoa quả TQ là có hình thức rất đẹp, để được lâu, không bị nẫu. Cam, quít TQ luôn có vỏ bóng sáng, đều màu, không bị rám như cam, quít của VN. Còn hồng TQ có vỏ màu hồng đậm rất đẹp...



image



Chị Hoa cho hay hoa quả của TQ để được lâu, vỏ đẹp là do sau khi thu hoạch chúng được ngâm qua các bể nước hòa lẫn hóa chất bảo quản hoa quả khoảng vài giờ, sau đó mới vớt lên xuất đi. Dẫn chứng cho tôi xem, chị Hoa cầm lên một quả táo, sau đó bóc lớp sợi xốp bọc bên ngoài ra thì có những hạt màu trắng nhỏ li ti bám trên cuống của quả táo.



Chị Hương, tiểu thương chợ An Đông (TP.HCM), cho biết: “Khi bóc lưới xốp bọc quả táo ra thấy rất nhiều hạt trắng mịn đọng trên vỏ quả chính là hóa chất bảo quản”. Nguy cơ với sức khỏe người tiêu dùng tăng lên khi người bán hay “lên đời” hàng TQ thành sản phẩm Úc, Mỹ để đánh lừa người tiêu dùng.



image



Gần đây, ngoài cà rốt, gừng, khoai tây TQ, thị trường VN còn làm quen với loại bông cải của TQ. Bông cải trắng TQ to, đẹp, rẻ hơn cải Đà Lạt nên tiêu thụ khá mạnh. Tuy vậy, không ai biết nó có chứa hóa chất kích thích tăng trưởng hay bảo quản trong đó hay không.



(TQ) không nhãn mác nên người tiêu dùng không thể biết thành phần của sản phẩm gồm những gì. Giá các sản phẩm này rẻ đến bất ngờ và có đặc điểm để lâu vẫn... không hư!



Tại chợ Bình Tây (Q.6, TP.HCM), trước các sạp hàng thực phẩm khô có đủ loại, từ kim châm, hạnh nhân, măng tây, nấm đông cô, rong biển… Một tiểu thương tại đây cho biết phần lớn những mặt hàng này được nhập từ TQ dưới dạng đóng thùng cactông nên không có bao bì, không nhãn mác, không hạn sử dụng, cũng chẳng biết nó được sản xuất từ những chất gì. Thế nhưng những mặt hàng này đang được tiêu thụ rất mạnh, đặc biệt là ở các tỉnh.



“Tút” lại là đẹp



Thực phẩm khô TQ dồi dào, giá nhập vào tương đối rẻ, kích thước lớn, khá bắt mắt nên tiêu thụ mạnh. Nấm đông cô có dáng to, nấu nhanh chín nên người tiêu dùng rất thích. Đặc biệt để lâu bao nhiêu cũng được! Khi nấm có bụi mốc “chỉ cần về nhà ngâm nước là nhả hết” - một tiểu thương cho biết. Các mặt hàng được bày bán nhìn có vẻ cũ cũ, một số còn bị mốc, đen nhưng chỉ cần người mua về “tút” lại theo một số bí quyết của người bán là... đẹp như thường. Với bánh kẹo, hàng TQ thường được bán theo ký, bao bì xanh đỏ rất bắt mắt. Những chiếc bánh gạo, sôcôla hoa hồng, kẹo mềm… giá cực rẻ. Chúng có vị... lạ lạ, dễ ăn, lại được đóng gói nhỏ, tiện sử dụng. Có điều bánh không hề có hạn sử dụng, nhãn mác cũng như nơi sản xuất...



image



Tại các chợ Bình Tây, An Đông, Bến Thành... có bày bán nhiều loại nước giải khát dạng bột hoặc đóng gói của TQ, ngoài bao bì không có hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Việt. La hán quả trong hộp màu xanh, bên trong chứa 12 miếng nhỏ hình chữ nhật, có mùi hắc xộc vào mũi. Theo chị H. - chủ một tiệm cà phê, loại này có ba loại, bề ngoài giống nhau như đúc nhưng quan sát kỹ sẽ thấy loại xịn nhất có dán tem, giá cao hơn.



Đủ loại bột nêm, gia vị



image

Sử dụng độc tố để “làm đẹp trái cây” (Hình minh hoa)





Sôi động hơn cả vẫn là tại các khu chợ vùng biên của Lạng Sơn. Tại chợ Đồng Đăng, một quầy hàng thực phẩm ngay cổng chợ Đồng Đăng đồ thực phẩm bày cao ngất, để tràn cả lối đi, phần lớn chúng được nhập từ TQ, từ xì dầu, bột canh, bột nêm, mì chính, gia vị lẩu, nước chấm cho đến các loại thực phẩm tẩm ướp đều được đóng gói trong những bao bì, chai lọ chi chít chữ TQ. Những gói rau quả ướp bằng thứ nước màu đỏ sền sệt, đóng trong túi nilông trong suốt, bên ngoài in lòe loẹt chữ TQ. Không có bất kỳ dòng chữ nào ghi hạn sử dụng trên các túi.





NHƯ BÌNH - TRỌNG PHÚ

Lịch sử cờ bạc tại Hoa Kỳ

September 17, 2011
image


Nói đến cờ bạc là nói đến các bộ bài, các đồng xầu, các quân xúc xắc, và các trò chơi may rủi khác. Cá cược cũng là một hình thức cờ bạc khi người ta tiên đoán các trận bóng đá, đua ngựa, vv. Thông tín viên Catherine Weaver nói qua về lịch sử cờ bạc tại Mỹ.



image



Cờ bạc đã có từ lâu tại Hoa Kỳ, ngay từ thời còn trong tay người Anh, chính quyền đã cho phép tổ chức xổ số.

Các casino đầu tiên của Mỹ là các saloon, như ta thường xem trong các phim cao bồi. Người ta đến saloon để uống rượu nhưng cũng có người đến đó để đánh bạc hoặc thảy xúc xắc để ăn tiền của nhau.

Về sau, các casino được tổ chức trên các chiếc tàu chạy bằng hơi nước dọc theo sông Mississippi.


image


Dường như dân Mỹ là dân thích cờ bạc. Có người cho rằng đó là sự băng hoại về đạo đức, có người đổ cho cờ bạc làm tăng thêm tội ác, cũng có người nói những rủi ro về tài chính mà người ta gặp khi tham gia cờ bạc sẽ làm thiệt hại tương lai kinh tế cho nước Mỹ.



image


Nước Mỹ có nhiều nơi nhiều lúc cấm cờ bạc rồi sau đó cho mở lại rồi lại cấm.

Trong những năm 1800, đa số các tiểu bang cấm nhiều loại hình thức cờ bạc. Nhưng kể từ khi khám phá ra vàng ở miền Tây, phong trào cờ bạc lại nổi lên. Nhiều tiểu bang nới lòng luật lệ cờ bạc trong thời kỳ Đại Khủng Hoảng và những năm đầu của thế kỷ 20.

Hiện nay chỉ có một mình Hawaii cấm hẳn mọi hình thức cờ bạc. Chỗ tụ tập đánh bạc hợp pháp là các casino.




image



Một bức tượng rập khuôn đầu sư tử Sphinx của Ai Cập đặt sừng sửng trước kim tự tháp của Luxor.




Thành phố casino nổi tiếng của Mỹ là Las Vegas, tiểu bang Nevada. Trong những năm đầu tiên cho đến giữa thế kỷ 20, các băng đảng ở New York đứng đằng sau các casino ở Las Vegas.

Nhưng bây giờ Las Vegas có đầy casino kiêm khách sạn kiêm trung tâm giải trí đủ cỡ. Nhiều nơi được thiết kế rất đẹp mắt và có nhiều dịch vụ.


image


Một trong những ví dụ là Luxor, chiếm một tòa nhà cao to màu đen, hình kim tự tháp. Tên của nó được lấy từ một thành phố cổ của Ai Cập.

Luxor có cả ngàn máy đánh bạc, 4 hồ bơi lớn, 30 cửa hàng bán đồ hiệu, và một nhà thờ nhỏ để người ta đến làm đám cưới. Một bức tượng rập khuôn đầu sư tử Sphinx của Ai Cập đặt sừng sửng trước kim tự tháp của Luxor.




image



Du khách xem nhạc nước ở khách sạn Bellagio, Las Vegas

Ngoài Luxor còn phải kể đến Bellagio. Đây là một quần thể gồm một hồ nhân tạo rộng hơn 3 hecta. Hồ có những vòi nước khổng lổ có thể phun những đợt nước được lập trình để nhún nhảy theo điệu nhạc có pha ánh đèn màu.


image


Bellagio còn có một đèn treo khổng lồ rất đẹp do nghệ sĩ chuyên về thủy tinh Dale Chihuly sáng tạo. Nó cũng có một gallery mỹ thuật riêng, và một vườn cây dành cho những người thích cây kiểng.


image


Nhiều casino khác của Las Vegas cũng có những nét đặc biệt, như các chương trình ca nhạc của Celine Dion và Barbra Streisand. Muốn xem xiếc cũng có, vì đoàn xiếc Cirque du Soleil hay trình diễn ở đây. Thậm chí muốn xem ca kịch kiểu Broadway, như The Lion King, cũng có.


image


Người Việt ở Mỹ có nhiều người trở thành triệu phú ở Las Vegas, trong đó có những ông vua xì-phé, vua poker; nhưng bên cạnh cũng có nhiều người sạt nghiệp.




image





Catherine Weaver
 

Mỹ tiết lộ mạng lưới hầm ngầm của Trung Quốc

September 8, 2011
image





Trung Quốc đang mở rộng lực lượng hạt nhân với một tên lửa di động đa đầu đạn và duy trì kho vũ khí chiến lược ở các boong-ke (bunker) nằm sâu dưới đất, Lầu Năm Góc tiết lộ trong báo cáo hàng năm gửi lên Quốc hội về quân đội Trung Quốc.
Trung Quốc được cho là có tới 75 tên lửa hạt nhân tầm xa, gồm cả loại tên lửa đạn đạo liên lục địa, di động DF-31A và DF-31, báo cáo của Lầu Năm Góc hôm 24/8 cho biết. Trung Quốc cũng có 120 tên lửa tầm trung.


image



"Trung Quốc đang tăng cường lực lượng tên lửa chiến lược cả về chất lẫn lượng. Bắc Kinh sẽ tiếp tục đầu tư một nguồn lực tương đối vào việc duy trì một lực lượng hạt nhân giới hạn...nhằm đảm bảo rằng quân đội giải phóng nhân dân (PLA) có thể thực hiện một cuộc tấn công hạt nhân trả đũa hủy diệt".


image



Theo báo cáo của Lầu Năm Góc, lần đầu tiên, Trung Quốc dường như đang phát triển một tên lửa đạn đạo liên lục địa di động thứ 3, có thể mang đầu đạn hạt nhân tấn công các mục tiêu độc lập (MIRV). Ngoài ra, báo cáo còn cung cấp thêm nhiều chi tiết mới về nỗ lực phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa của Trung Quốc và cho biết Bắc Kinh đã tiến hành thử nghiệm chặn đầu đạn như một phần của hệ thống phòng thủ.
Trung Quốc cũng đóng tàu ngầm tên lửa đạn đạo hạng Jin đầu tiên và dường như con tàu này đã sẵn sàng. Tuy nhiên, tên lửa JL-2, một biến thể của DF-31 vẫn đang được thử nghiệm.


image



Lầu Năm Góc cũng tiết lộ trong bản đánh giá hàng năm về quân đội Trung Quốc rằng, hệ thống hầm ngầm sâu dưới đất của nước này ở phía bắc được kết nối với hơn 4.800 km đường hầm. Các hầm ngầm được dùng để cất giữ, che giấu tên lửa, đầu đạn hạt nhân và các boongke (bunker) chỉ huy khỏi các cuộc tấn công hạt nhân.
Trung Quốc cho rằng việc đặt vũ khí và sở chỉ huy ở các cơ sở ngầm thì nó sẽ khó bị ảnh hưởng bởi các cuộc tấn công. Quân đội Trung Quốc đã dùng các cơ sở ngầm từ đầu những năm 1950.


image



Quan chức Mỹ cho hay, trước đây các thông tin chi tiết về vũ khí hạt nhân của Trung Quốc đều được giữ bí mật. "Lực lượng tên lửa chiến lược của Trung Quốc - quân đoàn pháo binh số 2 đã xây dựng và dùng các hầm ngầm kể từ khi triển khai hệ thống tên lửa chạy bằng nhiên liệu lỏng lâu đời nhất và tiếp tục sử dụng hầm ngầm để bảo vệ và che giấu các tên lửa di động dùng nhiên liệu rắn hiện đại, mới nhất của họ".
Báo cáo của Lầu Năm Góc cho hay, các điểm hầm ngầm hạt nhân Trung Quốc được thiết lập dựa trên giả định rằng nó sẽ hấp thu cú đòn hạt nhân đầu tiên trước khi phản công.


image



Theo bản tin của báo Diplomat, một bài phát biểu gần đây tại trường chiến tranh hải quân đã tiết lộ, các cơ sở ngầm đã được đài truyền hình quốc gia trung ương Trung Quốc công khai từ tháng 3/2008. Mạng truyền hình trên đã chiếu hình ảnh một số đường hầm tại một địa điểm ở khu vực núi non thuộc tỉnh Hồ Bắc, phía bắc Trung Quốc. Cơ sở ngầm này nằm sâu dưới đất hàng trăm mét.


image



"Dù Trung Quốc vẫn giữ bí mật và luôn nhập nhằng trong lĩnh vực hạt nhân, thì việc nước này thỉnh thoảng tiết lộ thông tin về một số cơ sở ngầm liên quan tới hạt nhân là phù hợp với nỗ lực phát đi các tín hiệu chiến lược về sự tồn tại của kho hạt nhân của nước này".
Báo cáo của Lầu Năm Góc cũng đưa ra hình ảnh các đường hầm, các trung tâm kiểm soát và an ninh. Các cơ sở an ninh ngầm được dùng để bảo vệ và che giấu sở chỉ huy, địa điểm truyền thông, cất giữ vũ khí và thiết bị cũng như để bảo vệ con người.


image



Richard Fisher, một nhà phân tích các vấn đề quân sự Trung Quốc nhận xét, báo cáo trên có ý nghĩa quan trọng trong việc liệt kê các sức mạnh hạt nhân chiến lược của Trung Quốc - với 25 tên lửa đạn đạo liên lục địa mới, một số tên lửa mang một lúc nhiều đầu đạn. Báo cáo này là bản tham chiếu đầu tiên về chương trình phòng thủ tên lửa toàn quốc của Trung Quốc.


image



"Được tiến hành đồng thời, được bảo vệ kỹ càng, lực lượng tên lửa đạn đạo liên lục địa của Trung Quốc là mối lo lớn với Mỹ", ông Fisher, thuộc Trung tâm chiến lược và đánh giá quốc tế nhận định. "Trung Quốc sẽ không tiết lộ kế hoạch tích lũy tên lửa, do đó, hiện chưa phải lúc cân nhắc cắt giảm thêm lực lượng hạt nhân của Mỹ như ý định của chính quyền Obama".


image



Kể từ năm 1995, quan chức quân sự Trung Quốc đã đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân - trực tiếp hoặc gián tiếp, nhằm vào Mỹ ít nhất hai lần. Tháng 10/1995, Tướng Xiong Guangkai nói, "trong trường hợp có bất cứ cuộc xung đột nào về Đài Loan nổ ra, nếu Mỹ tấn công Trung Quốc, TQ sẽ đánh trả. Cuối cùng, các vị sẽ phải quan tâm tới Los Angeles nhiều hơn là Đài Bắc."

Năm 2005, Tướng Zhu Chenghu nói với các phóng viên ở Bắc Kinh rằng nếu quân đội Mỹ dùng vũ khí thông thường trên lãnh thổ Trung Quốc, Bắc Kinh sẽ đáp trả bằng vũ khí hạt nhân.

Tháng 1 năm nay, quân đội Trung Quốc đã khước từ đề nghị hội đàm hạt nhân chiến lược với Mỹ của Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates.



(Theo WashingtonTimes)



Các vũ khí chiến lược của Trung Quốc



Nhiều chuyên viên quốc phòng đánh giá quân đội Trung Quốc sẽ là một thách thức lớn cho hải quân Hoa Kỳ và khu vực Đông Á vào khoảng năm 2020, nghĩa là chỉ trong vòng 9 năm tới đây! Thời gian trôi qua khoảng khắc và không lâu nữa Nhật Bản, Nam Hàn, Đài Loan cùng các nước vùng Đông Nam Á phải tìm ra một chiến lược chung để đối đầu với sức mạnh quân sự của Hoa Lục.


image

Một loại tên lửa của Trung Quốc được trưng bày tại Bảo tàng Quân sự ở thủ đô Bắc Kinh.



Nếu lấy một chọi một thì ngay trong 10 năm tới các vũ khí của Trung Quốc cũng vẫn không sánh kịp với những trang thiết bị của Hoa Kỳ. Tuy nhiên giá trị của các vũ khí chiến lược nằm ở chỗ răn đe chớ không phải đến khi xử dụng. Việc chọn lựa triển khai hoả tiển diệt hạm Đông Phong DF-21D, máy bay tàng hình J-20 và chiếc tàu sân bay Thi Lang hiện đã tác động đến những quyết định chiến lược và ngoại giao trong toàn khu vực.



Khả năng Hoa Lục tấn công và đánh chìm một hạm đội Mỹ rất khó xảy ra về cả phương diện chính trị lẫn quân sự.



Thứ nhất điều này sẽ dẫn đến một cuộc chiến toàn diện.

Thứ nhì Hoa Kỳ có hệ thống phòng thủ vô cùng hiện đại.



Tuy nhiên tầm hoạt động 1500 km của loại hoả tiển DF-21D sẽ khiến tàu sân bay Mỹ phải hoạt động ngoài xa hơn so với Nhật Bản, Đài Loan và Nam Hàn. Điều này khiến khả năng chống trả và tấn công của các phi cơ tiêm kích hải quân Mỹ sẽ giảm hiệu năng vì phải bay xa hơn, tốn thêm nhiên liệu và dễ bị phát hiện.

Giả sử tình hình đột trở nên căng thẳng, trước đây các nước Đông Á có thể trông chờ hạm đội Hoa Kỳ bảo vệ ngay ven biển; nhưng trong vài năm tới tàu chiến Mỹ phải nằm xa ngoài khơi Thái Bình Dương. Chỉ sự kiện này cũng làm thay đổi các tính toán chiến lược của Nhật Bản, Nam Hàn và Đài Loan.


image



Một nhận xét đáng quan tâm trên báo Aviation Week là hành trình của loại DF-21D giống như các loại hoả tiển liên lục địa. Đây là một lời trấn an ngầm của Mỹ đối với các nước đồng minh, vì nếu phát hiện hoả tiển liên lục địa thì Hoa Kỳ sẽ phản ứng tức thời chớ không chờ để biết đây là loại đầu đạn chống hạm đội hay mang vũ khí hạch nhân. Nói cách khác Hoa Kỳ cảnh giác Trung Quốc rằng việc xử dụng loại DF-21D sẽ mang đến những hậu quả không lường.


image



Máy bay tiêm kích J-20 không phải là tàng hình mà chỉ khó bị phát hiện hơn. Giả sử một dàn radar có thể tìm thấy các máy bay chiến đầu bình thường ở khoảng cách 300km, nay chỉ phát hiện chiếc J-20 khi cách xa 50km. Điều này có nghĩa là hệ thống phòng thủ trước đây có 6 phút để chuẩn bị, nay chỉ còn 1 phút! Để đối phó các nước Đông Á phải nâng cấp hệ thống radar vô cùng tốn kém trong hoàn cảnh kinh tế trì trệ và chi phí quốc phòng bị cắt giảm. Vì thế giá trị của chiếc J-20 không chỉ nằm trong quân sự mà còn là một bài toán đố kinh tế.


image



Sự hiện diện của tàu sân bay Thi Lang bắt đầu từ năm 2012 sẽ là một thách thức lớn cho các nước ở biển Đông. Chiếc tàu sân bay đầu tiên không có khả năng đe doạ các nước quốc phòng hùng mạnh như Nhật Bản Nam Hàn Đài Loan, nhưng nếu xử dụng để cho phi cơ tuần tra trên biển Đông hay tiến chiếm Trường Sa thì lại đưa ra một vấn nạn cho các quốc gia Đông Nam Á. Ngay cả khi nhiều nước có loại tàu ngầm Kilo chạy bằng điện rất khó phát hiện, thì trên mặt chính trị và ngoại giao liệu có dám dùng đó để tấn công chiến hạm lớn nhất của Trung Quốc hay không?


image



Mỹ-Trung đều đang dò xét: trong khi Hoa Lục xử dụng tàu Thi Lang là đồ thiệt, còn các nước Đông Nam Á triển khai tàu Kilo liệu là đồ để chưng hay đồ thiệt?



Binh pháp Tôn Tử đã dạy: không đánh mà thắng mới là bậc đại tướng. Việc triển khai 3 loại vũ khi chiến lược dù trong 2-5 năm tới đây chưa có giá trị thực tiển về quân sự nhưng cũng đã làm thay đổi bàn cân chiến lược trong khu vực.





Đoàn Hưng Quốc