dinsdag 18 april 2017

Vài nét về ‘bom mẹ’ MOAB của Mỹ + "bom cha" FOAB của Nga + "bom...con" CBU ở Long Khánh, Việt Nam năm 1975

Từ vụ ‘bom mẹ’ MOAB, nhớ trận Long Khánh

Hà Tường Cát/Người Việt
Bom GBU-43/B. (Hình: USAF/Wikipedia)
Tuần trước, quân lực Mỹ làn đầu tiên sử dụng một trái bom mạnh nhất “chỉ kém bom nguyên tử” để chống IS ở Afghanistan. Tên chính thức của bom này là “vũ khí nổ mạnh,” Massive Ordnance Air Blast, viết tắt MOAB, từ đó còn được gọi với tên lóng là “Mother Of All Bombs” nghĩa là “Mẹ của Mọi Loại Bom.”

Chỉ kém bom nguyên tử
Trái bom mang danh số quân sự là GBU-43/B được thả xuống một khu vực hầm hố, hang động, địa đạo, căn cứ của nhóm khủng bố trong tỉnh Nangahar, IS gọi là Khorasan, ở miền Ðông Afghanistan gần biên giới Pakistan.
Theo CBS, Bộ Quốc Phòng Mỹ lập kế hoạch này từ thời chính quyền Obama theo đề nghị của Tướng Tư Lệnh John Nicholson để chống nhóm khủng bố IS đã bành trướng tại khu vực hiểm trở khó kiểm soát. Tổng Thống Donald Trump không nói rõ rằng đã chấp thuận ban lệnh cuối cùng thế nào, mà chỉ cho biết là ông dành cho tư lệnh chiến trường toàn quyền hành động, và ca ngợi quân đội về sự sử dụng thành công vũ khí này.
Theo Bộ Quốc Phòng Afghanistan, 36 chiến binh IS trong đó có chỉ huy trưởng Siddiq Yar chết trong vụ oanh tạc. Sức nổ khủng khiếp của trái bom có hiệu quả tiêu diệt tất cả sinh vật trong một vùng bán kính 1 dặm trên mặt đất hay dưới hầm hố. Dân làng Shodal gần đó cho biết nhà cửa ở cách xa 1.5 dặm cũng bị hư hại.
Tuy nhiên nhiều giới mạnh mẽ chống đối việc dùng MOAB, trong số có Taliban và cả đại sứ Afghanistan tại Pakistan. Bản thông cáo do văn phòng cựu Tổng Thống Hamid Karzai đưa ra gọi việc sử dụng một vũ khí hủy diệt mạnh chỉ kém bom nguyên tử là một hành động chống nhân loại, và đừng nên lấy lãnh thổ Afghanistan làm nơi thử nghiệm. Những ý kiến chỉ trích cho rằng không một vũ khí nào có thể có hiệu lực làm thay đổi cục diện chiến tranh.

Nhớ trận Long Khánh
Sự kiện ấy khiến người ta nhớ lại đúng vào thời gian này 42 năm trước, trong trận chiến đấu quan trọng cuối cùng giữa quân đội Việt Nam Cộng Hòa và bộ đội Cộng Sản Bắc Việt tại Long Khánh (9/4/1975 – 21/4/1975) một loại vũ khí tương tự cũng đã được dùng có hiệu quả chiến thuật.
Sử liệu không thống nhất về hai trái bom do Không Quân Việt Nam Cộng Hòa ném xuống chiến trường Long Khánh, theo đó hầu hết tin tức nói rằng đó là bom CBU-55, nhưng cũng có tài liệu khác nói đó là bom BLU-82.
Sự không nhất quán là do những danh số phức tạp mà quân đội Mỹ đặt tên cho những vũ khí được nghiên cứu phát triển bí mật. Mặt khác vào thời gian ấy loại vũ khí này hãy còn trong giai đoạn thử nghiệm của Không Quân Hoa Kỳ, và các quân nhân Mỹ hay Việt có thể cũng không hiểu rõ khi thi hành nhiệm vụ sử dụng.
BLU-82 áp dụng kiểu nổ thường với chất nổ đặc, loại cực mạnh, trong khi CBU-55 là kiểu nổ nhiệt áp dùng hỗn hợp chất nổ và nhiên liệu. Một trái bom BLU-82 nặng tới 15,000 pounds (6,800 kg) phải chở bằng máy bay vận tải quân sự C-130 trong khi CBU-55 nhỏ hơn, chỉ nặng 750 pounds có thể mang bằng máy bay chiến thuật A-1 Skyraider hay A-37 Dragonfly. Có lẽ hai trái bom thả bằng C-130 xuống chiến trường Long Khánh năm 1975 là một phiên bản hỗn hợp của CBU-55 và BLU-82.
Hầu hết truyền thông nói rằng trái bom này được đưa từ Thái Lan tới Biên Hòa vào những ngày cuối của cuộc chiến và một sĩ quan Mỹ cao cấp lúc đó, Tướng Homer Smith, đã chấp thuận cho Việt Nam Cộng Hòa trực tiếp dùng trên chiến trường. Tuy vậy cũng có tài liệu khác cho biết tại căn cứ phi trường Biên Hòa hãy còn loại bom này do Không Quân Mỹ để lại từ trước chưa dùng đến.
Quân đội Mỹ dùng BLU-82 ở Việt Nam để dọn một bãi đáp khẩn cấp cho trực thăng trong vùng rừng cây rậm rạp. Sức nổ quét sạch hết cây cối trong khu vực bán kính 5,000 feet (1,500 mét), do đó bom còn có tên lóng là Daisy Cutter (Cắt Hoa Cúc). Trong cuộc hành quân Lam Sơn 719 năm 1971, Không Quân Mỹ yểm trợ quân đội Việt Nam Cộng Hòa đã thả 25 trái bom này xuống Hạ Lào để dọn bãi đáp trực thăng, phá bãi mìn hoặc để đánh vào những điểm tập trung bộ đội Bắc Việt.
BLU-82 dùng ngòi nổ là một cây dài nhằm mục đích cho bom nổ ngay trên mặt đất, khác với loại bom phá hầm, không đi sâu xuống lòng đất và đào một hố sâu. Ðịch quân nếu không bị sát thương thì cũng chịu tác dụng tâm lý nặng nề vì chấn động dữ dội và ánh sáng chói khủng khiếp khi bom nổ.
Còn CBU-55 FAE (Fuel Air Explosive) thuộc loại vũ khí nhiệt áp (thermobaric) dùng oxygen tại chỗ để tạo ra một vụ nổ mạnh, với nhiệt độ cao và nhiều đợt sóng chấn động kéo dài. Bom gồm hai thành phần riêng biệt; thuốc nổ thông thường và nhiên liệu lỏng, thường là propane. Chất nổ làm vung nhiên liệu lỏng ra thành một vầng mây và vùng mây này sẽ tự động phát nổ do tác động với các phân tử nhỏ trong không khí. Ngọn lửa do nhiên liệu bùng cháy tạo nên sức sát thương rất lớn vì nó rút tất cả dưỡng khí (oxygen) trong một vùng lân cận làm cho mọi sinh vật bị ngạt thở. Với những tác động nhiều mặt như thế, vũ khí nhiệt áp gây hiệu quả khủng khiếp trên mặt đất cũng như các hang động, địa đạo quanh khu vực.

Vài nét về ‘bom mẹ’ MOAB
Cả hai loại vũ khí vừa nói thật ra chỉ được dùng rất giới hạn trong chiến tranh Việt Nam cũng như sau này ở Iraq và Afghanistan. Bom MOAB được Bộ Quốc Phòng Mỹ phát triển dưới thời chính quyền Tổng Thống George W. Bush, thay thế cho loại BLU-82 “Daisy Cutter,” và mới chỉ được dùng một lần ở Afghanistan, không kể những lần thử nghiệm tại xạ trường căn cứ Không Quân Eglin AFB tại Florida. Chi phí phát triển MOAB ước lượng khoảng $300 triệu và chi phí sản xuất mỗi trái $16 triệu.
Bom GBU-43/B (MOAB) nặng 22,600 pounds (10.3 tấn), chứa 18,700 pounds (8,500 kg) thuốc nổ với sức nổ tương đương 11 tấn TNT. Bom có hình trụ chiều dài 9.18 mét, đường kính 105 cm. Với trọng lượng và cỡ lớn như thế, bom không thể chở và thả bằng máy bay oanh tạc B-52, B-1 hay B-2, mà dùng máy bay vận tải bay chậm C-130. Trái bom đặt trên giá có bánh xe sẽ được thả ra qua cửa sau đã mở ra trên độ cao tối thiểu 6,000 feet để bảo đảm an toàn cho máy bay không bị tác động của sức bom nổ. Bom được hạ xuống đất từ từ bằng dù và hướng dẫn đến mục tiêu nhờ GPS.
Như đã nói MOAB không phải là bom thuộc loại nhiệt áp, và tuy chỉ mạnh kém bom nguyên tử nhưng chưa phải là vũ khí quy ước mạnh nhất trên thế giới hiện nay. Không Quân Nga có loại bom nhiệt áp ATBIP, được gọi là “Bố của Mọi Loại Bom” (FOAB), phát triển và thử nghiệm thành công từ cuối năm 2007. Theo Bộ Quốc Phòng Nga, FOAB chỉ nặng 7.1 tấn nghĩa là nhỏ hơn MOAB, nên có thể thả từ oanh tạc cơ chiến lược siêu thanh Tupolev Tu-160. nhưng khả năng công phá tương đương 44 tấn TNT, bằng 4 lần MOAB, vì dùng kỹ thuật nhiệt áp.
Khác với MOAB được hướng dẫn bằng GPS, FOAB không có dụng cụ hướng dẫn vì với sức mạnh ấy không cần phải trúng mục tiêu hết sức chính xác. Những loại bom quy ước lớn kinh khủng này được xem là sự thay thế và tránh cho việc dùng vũ khí nguyên tử có nguy cơ của hậu quả phóng xạ.
—————-
Liên lạc tác giả: ha.cat@nguoi-viet.com

http://www.nguoi-viet.com/nhin-tu-hoa-ky/tu-vu-bom-moab-nho-tran-long-khanh/

Geen opmerkingen:

Een reactie posten