dinsdag 21 februari 2017

Ấn Độ sẽ bán tên lửa cho Việt Nam, dù Trung Quốc tức giận + Ấn Độ được gì khi quan hệ chặt chẽ với Việt Nam ?

Ấn Độ sẽ bán tên lửa cho Việt Nam, dù Trung Quốc tức giận

media
Tên lửa Akash trong cuộc duyệt binh ở New Delhi, Ấn Độ, 26/01/2016.AFP/ Roberto SCHMIDT
New Delhi hiện đang đàm phán với Hà Nội về hợp đồng bán các tên lửa tầm ngắn của Ấn Độ cho Việt Nam, cho dù biết rằng việc này sẽ khiến Trung Quốc tức giận.
Hôm qua, 15/02/2017, chủ tịch Tổ chức Phát triển và Nghiên cứu Quốc phòng DRDO, ông S. Christopher, cho biết là Ấn Độ đang đàm phán với Việt Nam, cũng như với một số nước khác, về hợp đồng bán các giàn tên lửa địa đối không Akash. Ông Christopher thông báo như trên bên lề cuộc triển lãm Aero India 2017, nơi mà tổ chức DRDO giới thiệu các chương trình phát triển tên lửa và các dự án khác, như chiến đấu cơ hạng nhẹ sản xuất nội địa.
Việc đám phán bán tên lửa Akash cho Việt Nam là theo đúng chiều hướng mà thủ tướng Narendra Modi mong muốn, đó là đưa Ấn Độ thành một trong những quốc gia hàng đầu về xuất khẩu vũ khí.
Hiện giờ chưa biết là New Delhi sẽ bán cho hải quân Việt Nam bao nhiêu giàn tên lửa Akash, nhưng đây sẽ là lần đầu tiên Ấn Độ bán loại tên lửa này cho một nước khác. New Delhi cũng đã xem xét khả năng bán tên lửa siêu thanh Brahmos, có tầm bắn 290 km, cho Việt Nam và cũng đang nỗ lực giúp Việt Nam tăng cường khả năng phòng thủ.
Vào đầu tháng này, một quan chức quốc phòng Ấn Độ, khi được hỏi về việc cung cấp các tên lửa Akash và Brahmos cho Hà Nội, đã nói với Quốc Hội rằng : ”Ấn Độ và Việt Nam là đối tác chiến lược. Hợp tác quốc phòng, trong đó có việc cung cấp thiết bị quốc phòng, là một khía cạnh quan trọng của quan hệ đối tác này.”
Năm ngoái, thủ tướng Modi đã loan báo cấp cho Việt Nam 500 triệu đôla tín dụng để mua các thiết bị quốc phòng, trong đó 100 triệu đôla để mua các tàu tuần tra. Hai bên cũng đã đồng ý về kế hoạch huấn luyện phi công Việt Nam lái các chiến đấu cơ Su-30 của Nga.
Hiện giờ Hà Nội đang cố xây dựng một lực lượng đủ mạnh để bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng có nhiều hành động áp đặt chủ quyền ở Biển Đông. Theo các chuyên gia, Việt Nam đang tìm mua các chiến đấu cơ phản lực và các hệ thống tên lửa tối tân hơn, ngoài các tàu ngầm lớp Kilo mua của Nga.
Chính vì vậy mà việc Ấn Độ, một quốc gia cũng có tranh chấp biên giới với Trung Quốc, bán tên lửa cho Việt Nam chắc chắn sẽ gặp phản ứng mạnh từ Trung Quốc.

http://vi.rfi.fr/viet-nam/20170216-an-do-se-ban-ten-lua-cho-viet-nam-du-trung-quoc-se-tuc-gian

Ấn Độ bán vũ khí cho Việt Nam: Bắc Kinh dọa New Delhi và ép Hà Nội

media
Ấn Độ bắn thử tên lửa Akash, tại Balasore, bang Orissa. Ảnh do bộ Quốc Phòng Ấn Độ cung cấp ngày 18/06/2014AFP PHOTO/MOD
Quan hệ ngày thắt chặt thêm giữa Ấn Độ và Việt Nam mang lại lợi ích chiến lược cho cả hai bên. Nhưng vấn đề đặt ra là phản ứng của Trung Quốc ra sao và dữ dội như thế nào. Qua một bài báo trên ASIATIMES, ngày 11/01/2017, mang tựa đề «Giúp bạn trong cơn túng quẫn – Việc Ấn Độ bán vũ khí cho Việt Nam mang đầy ý nghĩa», nhà báo Helen Clark, đã phân tích bối cảnh của đề nghị mới đây của New Delhi, sẵn sàng cung cấp cho Hà Nội loại tên lửa hiện đại Akash do chính Ấn Độ chế tạo.
Đối với tác giả bài báo, khả năng Ấn Độ sắp bán cho Việt Nam hệ thống tên lửa phòng không Akash tinh vi, là yếu tố mới nhất trong quan hệ chiến lược rộng lớn không ngừng được tăng cường nhanh chóng giữa hai nước trong những năm gần đây. Điều này đã tác động thêm vào cuộc tranh chấp đang leo thang ở Biển Đông. Được nhật báo Ấn Times of India tiết lộ lần đầu tiên vào tuần qua, cuộc đàm phán trên thương vụ này, cũng phù hợp với tham vọng của Ấn Độ muốn trở thành nước cung cấp vũ khí quan trọng.
Đề nghị mới nhất của New Delhi bao gồm trước hết loại hỏa tiễn tầm trung địa đối không Akash do bộ Quốc Phòng Ấn Độ sản xuất, có thể bắn hạ chiến đấu cơ, phi cơ trực thăng và máy bay không người lái drone ở cách xa 25km, trong lúc mà Bắc Kinh đang xây dựng hệ thống phòng không trên những thực thể mà Trung Quốc chiếm giữ ở vùng Biển Đông đang tranh chấp. Ấn Độ cũng đề nghị bán cho Việt Nam loại ngư lôi chống tàu ngầm Varunastra trong bối cảnh quan hệ với Trung Quốc căng thẳng thêm lên.
Ấn dùng Akash thay cho Brahmos bị Nga cản trở !
Thông tin về vụ mua bán hệ thống hỏa tiễn Akash nói trên được tiết lộ vào lúc có tin là yêu cầu của Việt Nam muốn mua hệ thống tên lửa siêu thanh Brahmos – do Ấn Nga hợp tác sản xuất - đã thất bại vì Matxcơva không đồng ý. Brahmos là loại hỏa tiễn chống hạm bay nhanh nhất thế giới, có thể bắn trúng mục tiêu ở cách xa 300 cây số.
Trong một chục năm gần đây, Việt Nam đã kiên trì tăng cường năng lực quân sự của mình, thậm chí đẩy mạnh việc mua các loại thiết bị, vũ khí của nước ngoài có khả năng triển khai được ra những vùng tranh chấp nóng bỏng ở Biển Đông. Vào năm ngoái 2016, Bắc Kinh đã phản ứng giận dữ khi Mỹ bãi bỏ cấm vận vũ khí đối với Việt Nam (...)
Hợp tác quốc phòng là trọng tâm quan hệ song phương Việt-Ấn từ năm 2007, khi hai bên ký biên bản ghi nhớ về huấn luyện, trao đổi và viếng thăm lẫn nhau. Tháng 09/2016, hai nước đã nâng quan hệ đối tác lên tầm « đối tác chiến lược toàn diện », và Ấn Độ đã trở thành một trong những đồng minh chiến lược hàng đầu của Việt Nam.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã thúc đẩy nhanh hơn hợp tác quốc phòng Hà Nội-New Delhi. Tháng 10/2014, nhân dịp thủ tướng Việt Nam lúc bấy giờ là ông Nguyễn Tấn Dũng viếng thăm Ấn Độ, thủ tướng Modi đã tuyên bố : « Công cuộc hợp tác quốc phòng của chúng ta với Việt Nam là một trong những quan hệ hợp tác quan trọng nhất. Ấn Độ luôn luôn quyết tâm giúp đỡ Việt Nam trong việc hiện đại hóa quân đội và lực lượng an ninh. »
Quan hệ Việt-Ấn còn được thắt chặt nữa với Tầm Nhìn Chiến Lược Chung 12 điểm (12-point Joint Vision Statement) với khoản tín dụng 500 triệu đô la để trợ giúp Việt Nam mua vũ khí Ấn Độ nhân chuyến thăm Việt Nam của ông Modi trong tháng 09 năm 2016, tăng lên gấp 5 lần tín dụng (100 triệu đô la) năm 2014 trước đó. Việt Nam là một khách hàng chiến lược hữu ích đối với Ấn Độ trong lúc New Delhi tìm cách gia tăng xuất khẩu vũ khí để đạt mức 2 tỷ đô la trong những năm tới đây.
Hợp tác Việt-Ấn toàn diện, từ vũ khí đến huấn luyện và bảo trì
Hợp tác quân sự Việt-Ấn không chỉ giới hạn vào việc mua bán vũ khí, mà còn mở rộng ra lãnh vực hợp tác đào tạo và huấn luyện quân sự. Ấn Độ đã đồng ý huấn luyện phi công Việt Nam trên những chiếc SU- 30 và và Sukhoi khác của Nga, huấn luyện thủy thủ Việt Nam trên tàu ngầm lớp Kilo của Nga mà Việt Nam đã đặt mua 6 chiếc năm 2009, với chiếc cuối cùng được giao vào năm ngoái 2016.
New Delhi cũng tăng cường trợ giúp trung tâm đào tạo và ngoại ngữ và công nghệ thông tin tại Trường Sĩ Quan Truyền Tin ở Nha Trang. Đây là thành phố gần cảng Cam Ranh, nơi Nga vẫn còn duy trì một ít ảnh hưởng, và Mỹ rất mong muốn trở lại. Ngoài ra, còn có thỏa thuận hợp tác về không gian, bao gồm cả vệ tinh mà Ấn Độ sẽ phóng đi cho Việt Nam để quan sát nhiều khu vực trên Biển Đông.
Cùng là khách hàng từ lâu của Nga, Việt Nam và Ấn Độ có thể phối hợp ở một mức độ rất cao. Việt Nam có thể gởi thiết bị mua của Nga sang Ấn Độ để sửa chữa, với chi phí rẻ hơn là gởi sang Nga.
Tính ra từ 2011 đến 2015, Việt Nam đứng hàng thứ 8 thế giới trong việc nhập vũ khí, theo bảng xếp hạng của Viện Nghiên Cứu Hòa Bình Quốc Tế Stockholm SIPRI.
Với Ấn Độ, Việt Nam đỡ nhức đầu vì tính toán Mỹ-Trung hay Nga-Trung
Theo nhận định của nhà báo Helen Clark, nhìn từ phía Ấn Độ, việc cung cấp vũ khí cho Việt Nam nằm trong chính sách « Hướng Đông », « xoay trục » về phía Đông Nam Á của New Delhi.
Nếu việc bán hỏa tiễn Akash được hoàn tất, điều đó có thể sẽ mở cửa cảng Cam Ranh rộng hơn cho Ấn Độ, để đảm trách việc bảo trì thiết bị và huấn luyện.
Ấn Độ cũng đã có mặt để thăm dò dầu khí ở vùng Biển Đông, kể cả ở những khu vực của Việt Nam bị Trung Quốc tranh chấp chủ quyền. Sự hiện diện của Ấn Độ ở Cam Ranh, theo giới phân tích, có khả năng răn đe Trung Quốc khi nước này muốn can thiệp vào những việc thăm dò dầu khí ở Biển Đông.
Cho dù Trung Quốc rõ ràng là nhân tố thúc đẩy công cuộc hợp tác Việt-Ấn nhưng Việt Nam cũng thực hiện một chiến lược mở rộng hơn nữa các mối quan hệ. Nguyên là cột trụ của khối Phi Liên Kết, đồng thời là cường quốc ngày càng nặng ký trong vùng, Ấn Độ đã trở thành một đồng minh có giá trị, không vướng vào cuộc tranh giành ảnh hưởng Mỹ-Trung cũng như xu hướng liên kết đầy bất an Nga-Trung.
Trung Quốc hù dọa Ấn Độ và gây áp lực trên Việt Nam
Bài báo của Helen Clark kết thúc bằng nhận định là cân phải chờ xem Trung Quốc phản ứng thế nào trước việc Việt Nam và Ấn Độ đàm phán về tên lửa Akash. Tuy nhiên, ngay sau khi thông tin về cuộc đàm phán Việt-Ấn được tiết lộ, Bắc Kinh đã cho báo chí lớn tiếng đe dọa cả Ấn Độ và Việt Nam.
Cái loa dọa nạt của Trung Quốc là tờ Hoàn Cầu Thời Báo ngày 11/01 đã có bài viết đe dọa New Delhi và Hà Nội. Tờ báo này một mặt cho rằng « Trung Quốc không bận tâm về quan hệ quân sự giữa Việt Nam và Ấn Độ », nhưng một mặt khác thì nhắc nhở : « Những quan hệ đó phải được xây dựng vì hòa bình và ổn định trong khu vực, thay vì gây rắc rối và khiến các nước khác lo ngại ».
Và tờ báo lớn tiếng dọa rằng Bắc Kinh sẽ không ngồi yên để cho New Delhi và Hà Nội tăng cường hợp tác quân sự. Bài báo viết : « Nếu quả thực là chính quyền Ấn Độ coi việc tăng cường quan hệ quân sự với Việt Nam là một tính toán chiến lược và thậm chí nhằm trả đũa Trung Quốc, thì họ sẽ chỉ gây bất ổn định trong khu vực và Trung Quốc sẽ không khoanh tay ngồi yên ».
Theo nhận định của nhật báo Ấn Độ Times of India, lời đe dọa của Bắc Kinh cho thấy là Trung Quốc cũng cảm thấy lo lắng trước hợp tác quân sự Việt-Ấn.
Vì vây, vừa đe dọa Ấn Độ, Trung Quốc vừa nhắc nhở Việt Nam là phải coi trọng hơn quan hệ với Bắc Kinh. Một bài viết khác cũng trên tờ Hoàn Cầu Thời Báo trong cùng ngày đã cho rằng Việt Nam cần phải cải thiện quan hệ với Trung Quốc bất chấp tranh chấp tại Biển Đông.
Luận điệu khuyên Hà Nội « coi trọng đại cục » đã được Bắc Kinh nhắc lại nhân dịp tổng bí thư đảng Cộng Sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đi thăm Trung Quốc (12-15/01/2017), lần đầu tiên từ khi ông tái đắc cử chức lãnh đạo đảng.
Theo báo Times of India, nhiều nguồn tin cho rằng chắc chắn Bắc Kinh sẽ gây sức ép trên tổng bí thư đảng Cộng Sản Việt Nam để phá vỡ thương vụ tên lửa Việt-Ấn.
Thực hư ra sao chưa biết, nhưng ngày 12/01 vừa qua, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Việt Nam Lê Hải Bình đã khẳng định với hãng tin Anh Reuters rằng đối với Việt Nam, việc mua sắm vũ khí là bình thường để bảo vệ đất nước.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20170116-an-do-ban-vu-khi-cho-viet-nam-bac-kinh-doa-new-delhi-va-ep-ha-noi-0

New Delhi khuyến khích Hà Nội mua tên lửa phòng không Ấn Độ

media
Tên lửa siêu thanh BrahMos do Nga và Ấn Độ hợp tác chế tạo.(@wikipedia)
Theo báo chí Ấn Độ ngày 09/01/2017, New Delhi hiện đang tích cực thảo luận với Hà Nội về khả năng bán cho Việt Nam một hệ thống tên lửa phòng không hoàn toàn do Ấn Độ chế tạo. Đề nghị được phía Ấn Độ đưa ra trong bối cảnh cả New Delhi lẫn Hà Nội đều quan ngại trước đà bành trướng càng lúc càng rõ nét của Trung Quốc tại vùng châu Á-Thái Bình Dương.
 Nhật báo Times Of India đã trích dẫn một số nguồn tin thông thạo từ phía Ấn Độ cho biết là đàm phán đang được thúc đẩy về thương vụ bán cho Việt Nam hệ thống tên lửa phòng không khu vực Akash. Hệ thống này có khả năng tiêu diệt được các loại phi cơ chiến đấu, trực thăng và máy bay không người lái UAV trong phạm vi 25km.
Theo các nguồn tin trên, phía Việt Nam đã tỏ ý rất quan tâm đến hệ thống tên lửa phòng không Akash, nhưng muốn được chuyển giao công nghệ và liên doanh sản xuất. Ấn Độ tuy nhiên lại muốn tiến hành theo từng bước, thoạt đầu chỉ bán tên lửa « chế tạo sẵn », rồi sau đó mới tính đến việc chuyển giao công nghệ.
Theo nhật báo Ấn Độ, đàm phán tiến triển thuận lợi, bộ trưởng Quốc Phòng hai nước sẽ sớm gặp nhau trong những ngày tới đây để thúc đẩy thương vụ được lồng vào trong khuôn khổ khoản tín dụng quốc phòng 500 triệu đô la mà thủ tướng Ấn Độ Modi đã chính thức loan báo cho Việt Nam vào tháng Chín năm 2016.
Các nguồn tin được Times of India cũng nhắc đến việc Ấn Độ từng đề nghị bán cho Việt Nam loại tên lửa diệt hạm siêu thanh BrahMos, có tầm bắn xa đến 290 km. Thương vụ này cho đến nay chưa thấy có dấu hiệu tiến triển thêm vì lẽ tên lửa Brahmos do một liên doanh Nga-Ấn hợp tác sản xuất. Theo tờ báo Ấn, việc bán Brahmos cho Việt Nam do đó phức tạp hơn.
Ấn Độ hiện đang đẩy mạnh đà tăng cường quan hệ quân sự đặc biệt là với hai nước đang bị Trung Quốc lấn lướt trên biển là Nhật Bản ở Biển Hoa Đông, và Việt Nam ở Biển Đông.
Riêng đối với Việt Nam, tờ báo trích dẫn bộ trưởng Quốc Phòng Ấn Độ Manohar Parrikar khẳng định rằng Việt Nam là « một người bạn thân thiết », và đã có nhiều sáng kiến nhằm đẩy mạnh việc hợp tác quốc phòng giữa hai nước, từ việc giúp Việt Nam nâng cấp vũ khí đến đào tạo nhân sự điều khiển tàu ngầm và chiến đấu cơ.
Quan hệ đối tác chiến lược Việt Ấn, có từ năm 2007, đã được nâng lên thành « đối tác chiến lược toàn diện » nhân dịp thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi thăm Hà Nội tháng 09/2016.

http://vi.rfi.fr/viet-nam/20170110-new-delhi-khuyen-khich-ha-noi-mua-ten-lua-phong-khong-an-do

Ấn Độ chuẩn bị bán hỏa tiễn chống hạm siêu thanh cho Việt Nam

media
Ấn Độ bắn thử tên lửa BrahMos (ảnh do bộ Quốc Phòng công bố ngày 01/11/2015)AFP PHOTO / DEFENCE MINISTRY
Các quan chức quốc phòng Ấn Độ đang chuẩn bị bán cho Việt Nam một trong những loại hỏa tiễn hành trình chống hạm có tốc độ nhanh nhất thế giới. Trang mạng USNI News của Học viện Hải quân Hoa Kỳ dẫn nhiều nguồn tin báo chí hôm qua 01/06/2016 cho biết như trên.
BrahMos là loại tên lửa chống hạm siêu thanh ứng dụng công nghệ tàng hình, dựa theo kiểu P-800 Onyx của Nga, được New Delhi và Matxcơva cùng hợp tác sản xuất trong thập kỷ qua. Hỏa tiễn này được cho là một trong những loại hỏa tiễn chống hạm có tính sát thương cao nhất, nhờ vào tốc độ siêu nhanh của nó.
Theo Jane’s Defense Weekly, Ấn Độ dự tính xuất khẩu hỏa tiễn siêu thanh Mach 3 từ nhiều năm trước, nhưng vấp phải sự phản đối của Nga do vấn đề sở hữu trí tuệ vẫn chưa được giải quyết. Thêm vào đó, Trung Quốc – đối thủ trên biển của Ấn Độ và Việt Nam – tỏ ra lo ngại nếu New Delhi bán loại tên lửa này cho Hà Nội, sẽ phá vỡ thế cân bằng sức mạnh ở Biển Đông.
Praveen Pathak, phát ngôn viên của BrahMos Aerospace tuần trước đã nói với hãng thông tấn Tass của Nga : « Trong trường hợp Việt Nam, Trung Quốc cho biết họ chống lại việc Ấn Độ cung cấp vũ khí vì đang xung đột với Việt Nam về chủ quyền trên Biển Đông ».
Năm 2014, Ấn Độ đã đề nghị xuất khẩu hỏa tiễn cho Việt Nam nhân chuyến viếng thăm của tổng thống Nga Vladimir Putin, nhưng bất thành. Theo chuyên gia Eric Wertheim, nếu mọi việc suông sẻ thì đây sẽ là một thắng lợi lớn cho công nghiệp vũ khí Ấn Độ - xuất khẩu vũ khí vốn là một trong những mục tiêu để đẩy mạnh năng lực sản xuất trong nước.
Đối với Việt Nam, loại tên lửa mới này cũng giúp nâng cao năng lực chiến đấu trong lúc Hà Nội tìm kiếm tăng cường sức mạnh trên biển, chống lại sự bành trướng không ngừng của Trung Quốc. Ông Wertheim nói : « Việt Nam thuộc loại tầm tầm bậc trung, nếu xét về năng lực và các khiếm khuyết lớn của Hải quân, và Bắc Kinh đã đẩy Hà Nội vào cái thế phải xem xét lại vấn đề an ninh hàng hải của mình. Việc mua hỏa tiễn BrahMos sẽ cho thấy Việt Nam đang tìm kiếm các đối tác khác, ngoài những đối tác truyền thống ».
Vụ mua vũ khí quan trọng nhất gần đây của Hà Nội là sáu chiếc tàu ngầm tấn công lớp Kilo của Nga, một phần trong thương vụ ký kết năm 2009 với Matxcơva, trị giá từ 1,8 đến 2 tỉ đô la.
Hỏa tiễn BrahMos hiện nay được sản xuất để bắn đi từ mặt đất và trên không, nhưng Ấn Độ đang thử nghiệm một phiên bản có thể phóng ra từ tàu ngầm, thiết kế để sử dụng trên các tàu ngầm Kilo của Việt Nam.

http://vi.rfi.fr/viet-nam/20160602-an-do-chuan-bi-ban-hoa-tien-chong-ham-sieu-thanh-cho-viet-nam

Ấn Độ được gì khi quan hệ chặt chẽ với Việt Nam ?

media
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc (T) và đồng nhiệm Ấn Độ Narendra Modi duyệt đội quân danh dự trong lễ đón tiếp tại Hà Nội, ngày 03/09/2016REUTERS/Kham
Thời gian gần đây, Ấn Độ gia tăng sự hiện diện trong khu vực Biển Đông. Động thái này cho thấy New Dehli khẳng định chiến lược « Hướng Đông » nhằm đối đầu với việc Trung Quốc tìm cách gia tăng ảnh hưởng sang khu vực phía nam châu Á. Chính sách ngoại giao này của Ấn Độ mang một tầm quan trọng lớn hơn với việc thắt chặt quan hệ song phương với Việt Nam. Câu hỏi đặt ra : Ấn Độ sẽ được gì trong mối quan hệ này ?
Trong bài phân tích đề tựa « Liệu Ấn Độ có được đền đáp trong cuộc chơi với Việt Nam ? », báo mạng dnaindia.com nhắc lại rằng Hà Nội cũng giống như Bắc Kinh là một nước theo chế độ cộng sản. Nhưng trong thời gian gần đây quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, đã có những chuyển biến ngoạn mục : từ thù nghịch nay trở thành đối tác. Hà Nội và Washington giờ có vẻ sát cánh bên nhau cùng dàn trận chống lại Bắc Kinh trong các vụ tranh chấp lãnh hải trên Biển Đông.
Về phần mình, trong suốt cuộc chiến tranh Việt Nam, Ấn Độ đã ủng hộ chế độ Bắc Việt Nam chống lại Hoa Kỳ. Nay trong bối cảnh mới, trước sự lớn mạnh của Trung Quốc, cả Ấn Độ, Việt Nam và Hoa Kỳ đều đứng cùng chiến tuyến.
Lúc ban đầu, quan hệ Việt - Ấn chỉ dừng ở mức hợp tác thăm dò dầu khí ngoài khơi vịnh Bắc Bộ. Bắc Kinh lên tiếng phản đối dự án này, nhưng cũng không buộc được Ấn Độ và Việt Nam phải từ bỏ ý định.
Nhân chuyến công du Việt Nam hồi đầu tháng Chín này của thủ tướng Modi, hai nước quyết định nâng mức quan hệ, từ Đối tác Chiến lược lên thành Đối tác Chiến lược Toàn diện, ký kết 12 hiệp định hợp tác kinh tế và quốc phòng. Đồng thời, thủ tướng Ấn Độ thông báo cấp 500 triệu đô-la tín dụng để Việt Nam cải thiện năng lực quốc phòng.
Trong một cử chỉ mang ý nghĩa biểu tượng cao, thông cáo chung sau chuyến đi Việt Nam của ông Modi còn ghi nhận phán quyết ngày 12/7/2016 của Tòa Trọng tài Thường trực, chiếu theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS). Cả hai bên nhấn mạnh sự ủng hộ đối với hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do lưu thông hàng không và hàng hải trên Biển Đông.
Những thỏa thuận trên cho thấy Ấn Độ tham gia tích cực vào cảnh quan quốc phòng trong khu vực. Tuy nhiên, bài báo cho rằng sẽ rất là khờ dại khi nghĩ rằng việc thắt chặt quan hệ chiến lược giữa Việt Nam và Ấn Độ không gây thách thức nào cho Trung Quốc. Bởi vì, các thỏa thuận hợp tác quốc phòng giữa Hà Nội và New Delhi là một dấu hiệu cho thấy Ấn Độ đang đặt cược vào vùng Biển Đông. Việc Ấn Độ tăng cường hiện diện trong khu vực này cũng bắt nguồn từ mối hợp tác tích cực giữa New Dehli và Washington.
Đây mới chính là điểm đáng quan tâm. Hoa Kỳ đang tìm kiếm những đối tác đáng tin cậy và hùng mạnh tại châu Á để xây dựng chuỗi liên minh, một phần trong chiến lược toàn cầu của Washington. Đương nhiên, Hoa Kỳ phải lên tiếng trấn an là không nhằm kềm hãm hay bao vây Trung Quốc. Nhưng cũng không thể quên rằng Mỹ cũng đang tìm cách duy trì ảnh hưởng của mình trong khu vực.
Thế nhưng, bài viết cho rằng việc Ấn Độ muốn tham gia cuộc chơi này như thế nào cần phải được đưa ra bàn luận. Với tư cách là cường quốc kinh tế thế giới, Ấn Độ cũng không nên chỉ đóng vai trò người quan sát bên lề. Và có lẽ là Ấn Độ cũng muốn tham gia cuộc chơi bằng chính phương tiện của mình, như là Trung Quốc và Hoa Kỳ đang làm theo cách riêng của họ.
Do đó, việc lo ngại vai trò của Ấn Độ bị thu hẹp xuống còn là đối tác thứ yếu của Hoa Kỳ cũng là điều chính đáng và cần được tranh luận. Bất kể đảng phái chính trị nào lên cầm quyền hay một hệ phái tư tưởng nào thống trị thì không một chính phủ đơn lẻ nào tại Ấn Độ có thể đưa đất nước tham gia vào một liên minh toàn cầu. Một điểm khác không kém phần quan trọng : Ấn Độ là một đất nước rộng lớn, đa dạng, đông dân và có một nền dân chủ lớn nên không thể để bị đưa xuống vai trò thứ yếu trong bàn cờ chính trị thế giới.

http://vi.rfi.fr/viet-nam/20160905-an-do-duoc-gi-khi-quan-he-chat-che-voi-viet-nam

Geen opmerkingen:

Een reactie posten