vrijdag 9 oktober 2015

Nobel Vật lý 2015 thưởng công khám phá về neutrino của hai nhà vật lý học Nhật Bản và Canada

Nobel Vật lý 2015 thưởng công khám phá về neutrino

mediaChân dung hai giải thưởng Nobel Vật lý năm 2015, Takaaki Kajita (T) và Arthur B McDonald.AFP PHOTO / JONATHAN NACKSTRAND
Ngày 06/10/2015, nhà vật lý học Nhật Bản Takaaki Kaijta và đồng nghiệp Canada Arthur B McDonald được Ủy ban Nobel Vật Lý Thụy Điển trao giải thưởng 2015. Công lao của hai khoa học gia vật lý hạt tử này là khám phá ra khối lượng của hạt tử cơ bản Neutrino.
Theo thông cáo của Ủy ban Nobel Vật Lý, giáo sư Takaaki Kaijta và Arthur B McDonald đã chứng minh được hạt tử cơ bản neutrino có khả năng thay đổi « bản chất » có nghĩa là có khối lượng. Khám phá này giúp cho nhân loại hiểu sâu hơn về cách vận hành của vật chất và rất có thể là yếu tố quyết định để tìm hiểu về vũ trụ.
Neutrino được phát hiện trong thập niên 1960 nhưng trong suốt một thời gian dài giới khoa học tưởng lầm hạt tử này không có trọng lượng. Tuy sự hiện hữu của neutrino trong vũ trụ nhiều gấp 1 tỷ lần các hạt tử khác của nguyên tử nhưng cực kỳ khó phát hiện. Vì không có « điện » nên neutrino có thể xuyên qua tường một một cách dễ dàng. Phải có một bức tường bằng chì có bề dày một năm ánh sáng mới chận được phân nửa số hạt tử có « sở trường » thay hình đổi dạng như con tắc kè. Di chuyển với vận tốc gần với vận tốc ánh sáng, neutrino có thể biến thành ba loại hạt tử khác nhau.
Vào thập niên 1990, giáo sư Taaki Kaijta phát hiện được hạt tử neutrino trong khí quyển « thay đổi bản chất » trên đường bay đến máy thăm dò Super Kamiokande ở Nhật. Cùng thời điểm đó, nhóm nghiên cứu Canada của đồng nghiệp Arthur B McDonald cũng vừa chứng minh được số lượng Neutrino xuất phát từ mặt trời bay đến trái đất không biến mất trên con đường dài từ 147 đến 152 triệu km. Các hạt tử này, dưới bản chất khác, được đài quan sát Sudbury thu được và đo lường.
Khám phá này đã giải đáp được một bài toán nát óc mà các nhà vật lý hạt tử cũng như vật lý thiên văn từ nhiều thập niên qua không thể giải thích thỏa đáng :
Đó là nếu so sánh với số hạt tử được tính toán theo lý thuyết thì vì sao có đến 2/3 hạt tử neutrino bị thiếu khi đo đếm tại địa cầu. Trong tổng số 10 tỷ neutrino đi ngang qua trái đất chỉ có một hạt tử phản ứng với một nguyên tử của trái đất.
Năm 2014, Nobel Vật Lý được trao cho ba nhà khoa học Nhật Bản là Isamu Akasahi, Hiroshi Amano và vị thứ ba mang quốc tịch Mỹ, Shuji Nakamura về công trình nghiên cứu quang học. Khám phá này được ứng dụng trong thương mại với đèn LED, tiết kiệm năng lượng và tiền bạc, giúp cho hằng trăm triệu dân ở các nước nghèo được ánh sáng.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20151006-nobel-vat-ly-2015-kh

Nobel Vật lý 2014 về tay ba nhà phát minh Nhật Bản

mediaGiải Nobel vật lý 2014 được trao cho Isamu Akasaki, Hiroshi Amano, Shuji Nakamura (từ trái sang phải) ngày 07/10/2014.Reuters/路透社
Viện Hàn Lâm Khoa học Thụy Điển hôm nay (07/10/2014) thông báo trao giải Nobel Vật lý năm nay cho ba nhà phát minh bóng đèn điện tử phát quang LED đang được sử dụng khắp địa cầu. Ba tân khôi nguyên Nobel Vật lý 2014 là ba nhà nghiên cứu người Nhật trong đó một người mang quốc tịch Mỹ.
Giáo sư Vật lý Nhật Bản Isamu Akasaki, 85 tuổi cùng với hai đồng nghiệp trẻ hơn là Hiroshi Amano, sinh năm 1960 và Shuji Nakamura, sinh năm 1954 được ân thưởng giải Nobel Vật lý do công trình phát minh ra bóng đèn điện tử phát quang được gọi tắt là LED.
Ủy ban giám khảo thẩm định phát minh này là « nguồn ánh sáng mới, hiệu quả về cả mặt năng lượng lẫn môi trường ». Công nghệ này hiện diện mọi nơi trong đời sống hàng ngày đặc biệt là đèn trong điện thoại di động đòi hỏi năng lượng rất lớn, truyền hình, đèn « flash » của máy chụp ảnh và càng ngày càng được sử dụng để soi sáng trong văn phòng làm việc và trong nhà.
Khám phá làm thay đổi cơ bản công nghệ ánh sáng xảy đến vào năm 1990. Trước đó, người ta chỉ có ánh sáng xanh lá cây và ánh sáng đỏ. Nhưng nhờ phát minh của ba nhà khoa học này tạo ánh sáng xanh dương từ hệ thống bán dẫn mới có thể làm ra ánh sáng trắng.
Phát minh của các giáo sư đại học Isamu Akasaki, Hiroshi Amano và Shuji Nakamura đưa đến việc chế tạo đèn LED với công suất 6 watte mà vẫn cho ánh sáng tương đương với bóng đèn nhiệt điện 75 wattes, giúp tiết kiệm rất nhiều năng lượng và tiền điện.
Ban giám khảo cũng nhấn mạnh đến một áp dụng khác của phát minh đèn LED rất hữu ích cho dân nghèo. Với tuổi thọ 100.000 giờ, dài gắp 100 lần bóng đèn nhiệt điện, đèn lưỡng cực phát quang, với năng lượng mặt trời, đã giúp cho 1,5 tỷ người trên thế giới được ánh sáng mặc dù nhà cửa làng mạc của họ không được « bắt điện ».
Theo AFP, giáo sư Isamu Akasaki giảng dạy tại hai trường đại học Meijo và Nagoya, giáo sư Hiroshi Amano dạy ở Nagoya. Về phần Shuji Nakamura, sau một thời gian nghiên cứu cho một công ty hóa học tại Nhật, ông sang Mỹ cộng tác với đại học California ở Santa Barbara và lấy quốc tịch Mỹ.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20141007-nobel-vat-ly-ve-tay-ba-nha-phat-minh-nhat-ban

Nobel Vật lý 2013 : Phát hiện về hạt Higgs, "chìa khóa" để hiểu vũ trụ

mediaNhà vật lý Anh Peter Higgs (phải) và nhà vật lý người Bỉ Francois Englert trong một hội nghị khoa học tại Genève hôm 4/7/2012.REUTERS/Denis Balibouse/Files
Hôm nay, 08/10/2013, giải thưởng Nobel vật lý học được trao cho hai nhà khoa học, ông François Englert người Bỉ, 81 tuổi, và ông Peter Higgs người Anh, 84 tuổi.
Từ Hà Nội, giáo sư vật lý học Cao Chi cho biết một số nét về công trình được giải thưởng này và phản ứng trong giới vật lý Việt Nam.

Giáo sư Cao Chi tại Hà Nội 08/10/2013 Nghe

Giáo sư Cao Chi : Giải Nobel Vật lý năm nay được trao cho công trình do ba nhà khoa học làm. Nhưng vì một nhà khoa học (ông Robert Brout, người Bỉ, sinh năm 1928) đã mất năm 2011, nên giải chỉ được trao cho hai người. Đó là giáo sư François Englert và giáo sư Peter Higgs.
Hạt Higgs này rất quan trọng. 50 năm nay người ta đi tìm, mãi đến năm 2011 mới phát hiện được, nhờ các thí nghiệm ở máy siêu gia tốc LHC. Việc tìm được hạt này làm cho các lý thuyết mà người ta tìm được từ trước đến nay có được một cơ sở vững vàng.
Trước đây, lý thuyết để thống nhất các hạt tuân theo một đối xứng nhất định, mà khi tuân theo các đối xứng đó, thì các hạt đó không có khối lượng. Mà trong thực tế, các hạt đó có khối lượng. Cho nên một câu hỏi đặt ra là : Khối lượng đó ở đâu ra ?
Các nhà khoa học nói trên đã đưa ra một luận thuyết. Đó là tồn tại một hạt Higgs. Khi các hạt khác tương tác với hạt này, thì các hạt khác thu được khối lượng. Nói nôm na là thế này : Hạt Higgs trong không gian làm thành một cái trường, một môi trường có nhiều « chất nhớt », nếu các hạt khác lọt vào đây, tự nhiên được chất nhớt đó làm cho có khối lượng.
Cái mô hình thống nhất ba loại « tương tác mạnh », « tương tác yếu », « tương tác điện từ » là mô hình đã được kiểm chứng rất nhiều. Nhưng cái khó khăn nhất, như tôi nói, là trong mô hình đó, các hạt không đúng với thực tế (tức là không có khối lượng, trong khi thực tế là có khối lượng). Nếu không tìm được yếu tố để giải thích được thực tế này, thì mô hình này xem như còn thiếu sót.
Việc tìm ra được hạt Higgs là một thành công lớn làm cho Mô hình Chuẩn về ba loại tương tác kể trên trở nên vững chãi. Và bây giờ, nếu Mô hình Chuẩn thống nhất ba tương tác, mà đã có cơ sở nhờ hạt Higgs, thì trong tương lai, người ta có thể mạnh dạn tiến đến thống nhất với loại tương tác cuối cùng là « tương tác hấp dẫn ». Cho nên chuyện tìm ra hạt Higgs là một phát hiện vĩ đại.
(…) Vừa rồi chúng tôi nhận được tin này, chúng tôi rất mừng, vì mình đã viết một cuốn sách « Kỷ yếu Higgs ». Cuốn sách đó làm cho người ta thấy là mình cũng có một linh cảm nào đấy về giải thưởng Nobel. Năm tác giả là các giáo sư Pierre Darriulat, Phạm Xuân Yêm, Nguyễn Xuân Sanh, Chu Hảo và tôi. Ông Pierre Darriulat là một giáo sư người Pháp, tầm cỡ Nobel (người sáng lập phòng thí nghiệm vật lý tia vũ trụ đầu tiên của Việt Nam đặt tại Viện Khoa học và Kỹ thuật Hạt nhân). Ông đã đứng ra và tập hợp anh em khoa học lại, để viết quyển sách này. Quyển sách về hạt Higgs này sẽ ra mắt trong vòng vài tháng nữa.
Như vậy, điều này chứng tỏ giới khoa học Việt Nam rất quan tâm đến những vấn đề cơ bản như vậy, và dường như họ đã cảm thấy hạt Higgs sẽ là đối tượng của giải Nobel vật lý hôm nay.
RFI : Xin chân thành cảm ơn Giáo sư.
Giả thuyết về hạt Higgs, được nhà vật lý Anh Peter Higgs đưa ra năm 1964, cùng với hai đồng nghiệp Bỉ Robert Brout et François Englert. (AFP)

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20131008-giai-nobel-vat-ly-phat-hien-ve-hat-higgs-%E2%80%93-%C2%AB-chia-khoa-%C2%BB-de-hieu-vu-tru

Hai nhà khoa học Pháp và Mỹ được giải Nobel vật lý 2012

mediaThông báo người được giải Nobel Vật lý tại Viện Hàn lâm Khoa học hoàng gia Thụy Điển, Stockholm, 09/10/2012.Reuters/Bertil Enevag Ericson/Scanpix
Công trình nghiên cứu vật lý lượng tử, mở đường chế tạo thế hệ « siêu vi tính » được Ủy ban Nobel vật lý ân thưởng năm nay. Hai nhà nghiên cứu được vinh danh là giáo sư Serge Haroche, người Pháp và giáo sư Mỹ David Wineland.
Vào lúc 11 giờ sáng nay 09/10/2012 giờ Thụy Điển, Ủy ban Nobel Vật lý thông báo tên tuổi hai khôi nguyên năm nay là giáo sư Serge Haroche người Pháp và giáo sư Mỹ David Wineland, cả hai cùng sinh năm 1944.
Công trình của hai nhà khoa học này là « mở một con đường mới về thí nghiệm vật lý trong lãnh vực lượng tử cho phép đo đạc và điều khiển hệ thống lượng tử cá biệt mà không phá hủy các hạt tử ».
Hai giáo sư Ser Haroche và David Wineland đều là những chuyên gia về quang học lượng tử.
Họ đã tìm ra cách thức « gài bẫy » các hạt lượng tử để có thể quan sát mà không làm biến đổi tính chất hạt lượng tử.
Những khám phá mới này cho phép con người dự phóng chế tạo máy điện toán siêu đẳng trong tương lai.

http://vi.rfi.fr/phap/20121009-hai-nha-khoa-hoc-phap-va-my-duoc-giai-nobel-vat-ly-2012

Nobel Vật lý 2011 thuộc về 3 nhà vật lý thiên văn Mỹ

mediaNgày 4/10/2011, Ủy ban giải Nobel Vật Lý của Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển công bố giải Nobel vật lý 2011 thuộc về ba nhà vật lý thiên văn người Mỹ.REUTERS/Leif R. Jansson/Scanpix
Hôm nay 04/10/2011, Ủy ban Nobel tại Stockholm đã quyết định trao giải Nobel Vật lý hai nhà vật lý thiên văn người Mỹ Saul Perlmutter và Adam Riess, cùng với nhà khoa học Brian Schmidt, mang hai quốc tịch Mỹ-Úc. Ba người này đã có công "phát hiện sự giãn nở với tốc độ đang tăng nhanh của vũ trụ".
Bản thông báo của Ủy ban Nobel ghi nhận : "Các nhà khoa học đã nghiên cứu hàng chục vụ nổ của các vì sao gọi là sao siêu mới (supernova), và phát hiện ra rằng vũ trụ đã giãn ra với một tốc độ gia tăng thường trực".
Cũng theo Ủy ban Nobel, bằng cách quan sát một loại sao siêu mới đặc thù, những người được trao giải đã "phát hiện ra hơn năm mươi sao siêu mới ở rất xa mà ánh sáng thấp hơn so với dự kiến đó là "một dấu hiệu cho thấy  đà mở rộng của vũ trụ đang tăng tốc."
Đối với Ủy ban Nobel, từ một thế kỷ nay, người ta đã biết là vũ trụ đang trên đà giãn nở. Nhưng khám phá về việc đà giãn nở đó tăng tốc thì lại là một phát hiện đáng kinh ngạc. Nếu đà này tiếp tục, vũ trụ sẽ "kết thúc trong băng giá".
Giải Nobel Vật lý năm nay sẽ được chia đều thành hai phần : một nửa dành cho ông Saul Perlmutter, thuộc Dự án Vũ trụ học Sao Siêu Mới tại Phòng thí nghiệm Quốc gia Lawrence Berkeley, Đại học California, Berkeley ở Mỹ.
Phần còn lại thì chia đôi cho ông Brian Schmidt, nhóm Nghiên cứu Sao siêu mới, Đại học Quốc gia Úc, và ông Adam G. Riess thuộc nhóm Nghiên cứu Sao siêu mới, Đại học Johns Hopkins và Viện Khoa học Viễn vọng Không gian, thành phố Baltimore, Hoa Kỳ.
Trả lời phỏng vấn RFI nhân sự kiện này, nhà Thiên văn  Nguyễn Quang Riệu, nguyên Giám đốc nghiên cứu Đài thiên văn Paris giải thích về mục tiêu và tầm quan trọng của công trình nghiên cứu vừa được nhận giải Nobel Vật lý 2011:
RFI: Xin kính chào nhà Thiên văn Nguyễn Quang RIệu. Thưa giáo sư, hôm nay Ủy ban Nobel tại Stockholm đã trao giải Nobel Vật lý 2011 cho 3 nhà vật lý thiên văn người Mỹ về công trình nghiên cứu "tốc độ giãn nở tăng nhanh của vũ trụ". Thưa giáo cụ thể chương trình nghiên cứu này và những khám phá của họ là như thế nào?
 Nhà thiên văn Nguyễn Quang Riệu: Ở đầu thế kỷ trước, nhà thiên văn Hubble đã phát hiện được là vũ trụ đang giãn nở. Trong vũ trụ, lực hấp dẫn cuả Newton là lực phổ biến nhất. Vì có lực này mà vật chất trong vũ trụ có xu hướng làm vật chất co lại, nên vũ trụ phải giãn nở chậm dần. Những mô hình vũ trụ học còn coi là vũ trụ có khả năng co lại đến mức cực kỳ nhỏ và cực kỳ nóng để rút cục lại bùng nổ. Trong những năm gần đây, một số nhà thiên văn muốn nghiên cứu quá trình giãn nở của vũ trụ bằng những phương pháp hiện đại.
Họ quan sát một loại “sao siêu mới” tức là một loại sao đang kết liễu cuộc đời bằng cách bùng nổ trong những thiên hà và trở nên rất sáng và quan sát được trong vòng khoảng một tháng. Loại sao phù du này được coi là những ngọn hải đăng mà các nhà thiên văn có thể dùng để thăm dò thật sâu trong vũ trụ. Đặc trưng cuả những ngôi sao siêu mới này là nếu chúng ở cùng một khoảng cách thì có độ sáng như nhau, ngôi sao nào ở xa hơn thì mờ hơn. Cho nên các nhà thiên văn có thể căn cứ vào độ sáng biểu kiến của sao siêu mới để đo khoảng cách của các thiên hà.
Trong quá trình đo đạc, họ rất ngạc nhiên khi tìm thấy là độ sáng cuả sao siêu mới trong các thiên hà lại thấp hơn, tức là các thiên hà lại ở xa hơn là dự đoán. Có nghĩa là đáng lẽ vũ trụ phải giãn nở ngày càng chậm dần do ảnh hưởng của lực hấp dẫn, nhưng thực tế thì vũ trụ lại giãn nở ngày càng nhanh nên làm gia tăng khoảng cách của những thiên hà.
Kết luận là trong vũ trụ dường như có một lực đẩy nào đó chống lại lực hút hấp dẫn và chi phối lực hấp dẫn làm tăng tốc độ giãn nở của vũ trụ. Công trình nghiên cứu quá trình tiến hóa cuả vũ trụ bằng sao siêu mới không những đòi hỏi những kỹ thuật quan sát rất tinh vi mà còn phải có sự cộng tác cuả nhiều nhà thiên văn trên thế giới, sử dụng nhiều kính thiên văn.
 RFI: Vậy thưa giáo sư, tầm quan trọng của khám phá này là như thế nào?
Nhà thiên văn Nguyễn Quang Riệu: Chính Einstein đã từng đưa vào phương trình một hằng số tương đương với một lực đẩy chống lại lực hấp dẫn, nhưng rồi lại phủ nhận ý kiến cuả mình. Ngày nay, các nhà thiên văn quan sát thấy là bức xạ phông vũ trụ phản ánh một vũ trụ nguyên thủy lổn nhổn những khối vật chất mầm mống của những chùm thiên hà quan sát thấy hiện nay.
Các nhà thiên văn dùng kỹ thuật thống kê để xử lý số liệu cuả bức xạ phông vũ trụ để bổ sung kết quả cuả những mô hình lý thuyết. Họ tìm ra là đa phần vũ trụ không phải là vật chất mà lại là năng lượng. Năng lượng này chi phối vũ trụ và được gọi là năng lượng tối, mà bản chất chưa được khẳng định. Có ý kiến cho rằng chính năng lượng tối là nguyên nhân làm gia tăng tốc độ dãn nở vũ trụ.
Trong những thập niên cuối cuả thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21, giải Nobel vật lý đã được trao cho không ít các nhà thiên văn như Penzias, Wilson, Smoot và Mather. Sự trao giải Nobel năm nay cho ba nhà thiên văn Perlmutter, Schmidt và Riess là để tiếp tục vinh danh những công trình khám phá vũ trụ. Bởi vì vũ trụ là một phòng thí nghiệm thiên nhiên vô cùng phong phú.
RFI xin cảm ơn nhà thiên văn Nguyễn Quang Riệu.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20111004-giai-nobel-vat-ly-2011-duoc-trao-cho-3-nha-vat-ly-thien-van-nguoi-my

Geen opmerkingen:

Een reactie posten