maandag 31 augustus 2015

Làn sóng mới người tỵ nạn chính trị Việt Nam tại Thái Lan

Làn sóng mới người tỵ nạn chính trị từ VN (phần 1)

Anh Vũ, thông tín viên RFA
2015-06-18

ti-nan-thai-lan-622
Sau tám năm chờ đợi, chiều thứ Ba 25/11/2014 thêm 39 người Việt cư trú bất hợp pháp tại Thái Lan đã đặt chân xuống phi trường quốc tế Vancouver của Canada. Đây là đợt thứ nhì. Đợt đầu tiên với 28 người đã tới Vancouver hôm 13 tháng 11 năm 2014.
RFA
Từ khi VN tiến hành cải cách về kinh tế vào năm 1986, cho dù nền kinh tế đã phần nào phát triển. Tuy vậy trước việc chính quyền VN tiếp tục, bóp nghẹt các quyền tự do dân chủ và tôn giáo, thì đến nay vẫn có một làn sóng ngầm không ít những người đấu tranh tìm đường trốn khỏi VN để xin tỵ nạn vì lý do chính trị và tôn giáo.
Cuộc sống hiện nay của họ ra sao và những người này còn sẽ tiếp tục đấu tranh hay không?
Trong bài thứ nhất, Anh Vũ sẽ giới thiệu về chặng dừng chân đầu tiên của những người tỵ nạn này ở Thái lan và Campuchia.
…Buộc phải rời bỏ quê hương
Sau khi chiến tranh VN kết thúc, do sự sai lầm trong các chính sách chính trị và kinh tế của nhà cầm quyền cộng sản, đã dẫn đến một làn sóng người VN lên đến gần một triệu người bỏ nước ra đi để tìm kiếm cơ hội tỵ nạn ở nước ngoài.
Từ năm 1986, đảng CSVN phải thực hiện một cuộc cải cách kinh tế để thoát ra khỏi bờ vực phá sản. Đời sống kinh tế trong nước có khá hơn, cũng như sau đó các trại tỵ nạn của người Việt ở nhiều nơi trên thế giới bị đóng cửa, các nước không còn muốn nhận thuyền nhân nữa; khi đó cuộc khủng hoảng người tị nạn Việt nam tưởng như đã chấm dứt.
Tuy vậy ít người biết rằng từ đó đến nay, vẫn còn một làn sóng người Việt nam tị nạn chính trị mới. Nhiều người trong số họ buộc phải bỏ nước ra đi, mà các nước trong khu vực Đông Nam Á là chặng dừng chân đầu tiên của họ.
Theo số liệu thống kê, hiện tại ở Thái lan đang có khoảng 950 người tỵ nạn, tương tự ở Campuchia cũng có đến gần 200 người.
Nói về lý do khiến bản thân phải chạy sang Campuchia để tỵ nạn, ông Hồ Văn Chỉnh cho chúng tôi biết:
Trước đây tôi ở tỉnh Vĩnh long, tôi đã bị chính quyền VN bắt cóc từ Campuchia đưa về VN bỏ tù. Sau khi tôi vượt ngục và trốn sang đây thì tôi bị kết án vắng mặt 17 năm, vì liên quan đến việc đấu tranh đòi quyền tự do dân chủ và đòi đa nguyên, đa đảng
ông Hồ Văn Chỉnh
“Trước đây tôi ở tỉnh Vĩnh long, tôi đã bị chính quyền VN bắt cóc từ Campuchia đưa về VN bỏ tù. Sau khi tôi vượt ngục và trốn sang đây thì tôi bị kết án vắng mặt 17 năm, vì liên quan đến việc đấu tranh đòi quyền tự do dân chủ và đòi đa nguyên, đa đảng.”
Anh Hoàng Đức Ái một nhà tranh đấu ở Nghệ An bị truy đuổi nên buộc phải bỏ nước ra đi đến Thái lan, anh nói:
“Lý do tôi phải đến Thái lan tỵ nạn là do tôi là 1 trong 8 người ở Nghệ An đã rải truyền đơn tẩy chay cuộc bầu cử Quốc hội.”
Thân phận tỵ nạn này còn dành cho những người sắc tộc H’mông, vì bị chính quyền đàn áp buộc họ phải từ bỏ tôn giáo mà họ tin theo. Một thầy truyền đạo người H’mông đang tỵ nạn ở Thái lan, yêu cầu được dấu danh tính cho chúng tôi biết. Ông nói:

Một gia đình dân tộc theo đạo Tin Lành, từ vùng Tây Nguyên chạy sang Thái Lan xin tị nạn năm 2010. Sau đó gia đình của anh Siu A Nem và 7 người con khi đến Canada tháng 7 năm 2014 (RFA)
Một gia đình dân tộc theo đạo Tin Lành, từ vùng Tây Nguyên chạy sang Thái Lan xin tị nạn năm 2010. Sau đó gia đình của anh Siu A Nem và 7 người con khi đến Canada tháng 7 năm 2014 (RFA)

“Quê quán của tôi ở VN là ở Lào cai, vì lý do ở VN tôi là một lãnh đạo tôn giáo, đã đấu tranh cho quyền tự do tôn giáo cũng như tranh đấu chống việc chính quyền cướp đất của cộng đồng người H’mông chúng tôi.”
Khó khăn nơi “đất khách quê người”
Những khó khăn của những người bỏ nước ra đi tìm đường tỵ nạn ở nước ngoài khó mà kể hết, vì đối với họ tất cả đều mới lạ. Nói về những khó khăn hiện nay, anh Hoàng Đức Ái ghi nhận:
“Khó khăn thứ nhất là về công việc, mình không có việc làm. Thứ 2 là chính quyền Thái lan họ không cho mình nhập cư, nên nếu mình ra ngoài làm việc thì sợ họ bắt, vì nếu bị họ bắt thì chắc chắn sẽ nguy hiểm. Thứ 3 là vấn đề ngôn ngữ, vì không có ngôn ngữ thì rất khó khăn cho mình.”
Thầy truyền đạo người H’mông tiếp lời:
Quê quán của tôi ở VN là ở Lào cai, vì lý do ở VN tôi là một lãnh đạo tôn giáo, đã đấu tranh cho quyền tự do tôn giáo cũng như tranh đấu chống việc chính quyền cướp đất của cộng đồng người H’mông chúng tôi
Một thầy truyền đạo người H’mông
“Ở Thái lan này thì cuộc sống nói chung cũng có nhiều cái khó khăn lắm, một là mình phải cố gắng đi kiếm việc làm, song vì mình là người sống bất hợp pháp nên người thuê mình làm họ ép giá rất là thấp. Cũng vì Thái lan họ không ký cái Công ước Quốc tế năm 1951 để bảo vệ người tỵ nạn, vì thế chúng tôi sang lánh nạn ở đây thì sự nguy hiểm luôn thường trực 24/24.”
Những khó khăn thì chồng chất như vậy, song việc có được Cao ủy tỵ nạn LHQ (UNHCR) cứu xét để cấp quy chế tỵ nạn cho những người tỵ nạn hay không thì là cả một vấn đề lớn và cũng hết sức khó khăn. Anh Hoàng Đức Ái khẳng định:
“Hiện tại, tình hình những người tỵ nạn ở Trung Đông hay những người tỵ nạn ở VN cũng rất là nhiều, mà Cao ủy (tỵ nạn) ở đây thì làm việc hết sức chậm trễ. Cho nên các hồ sơ tỵ nạn sau này càng lâu hơn vì số người tỵ nạn ngày càng đông. Như lịch phỏng vấn của tôi cũng đã dời lại 2-3 lần, bây giờ cũng đã hết 1 năm rồi.”
Kể cả những trường hợp đã được chấp nhận cho hưởng quy chế tỵ nạn ở Campuchia, song quyết định đó cũng không có hiệu lực. Từ đó dẫn đến tình cảnh những người này vẫn phải sống một cuộc đời vô tổ quốc từ nhiều năm nay. Từ Campuchia, ông Hồ Văn Chỉnh nói với chúng tôi:
“Sau khi UN rút quân thì họ giao tôi lại cho phía Capuchia và họ cấp cho tôi một cái giấy do Phó Thủ tướng ký, nhưng cái giấy này không có hiệu lực gì hết. Bây giờ thì họ khong công nhận, mà họ chỉ công nhận giấy nhập tịch thôi. Do đó hiện tại cuộc sống của chúng tôi cũng hết sức khó khăn và ở Campuchia bây giờ chúng tôi không có tương lai gì hết.”
Tuy nhiên, ở miền đất mới đa số những người tỵ nạn vẫn không từ bỏ công việc đấu tranh của mình, họ vẫn tiếp tục tham gia công việc đấu tranh trong điều kiện có thể. Anh Hoàng Đức Ái bày tỏ:
“Đối với những người tỵ nạn như tôi hay một số người bạn ở đây, hàng ngày vẫn theo dõi tình hình ở VN để tiếp tục đồng hành đấu tranh với những người đấu tranh trong nước. Đặc biệt là đối với các bạn trẻ, bằng những bài viết trên các trang blog.”
Hiện tại, tình hình những người tỵ nạn ở Trung Đông hay những người tỵ nạn ở VN cũng rất là nhiều, mà Cao ủy (tỵ nạn) ở đây thì làm việc hết sức chậm trễ. Cho nên các hồ sơ tỵ nạn sau này càng lâu hơn vì số người tỵ nạn ngày càng đông
Anh Hoàng Đức Ái
Thầy truyền đạo người H’mông cho chúng tôi biết hiện tại số người H’mông tỵ nạn về vấn đề tôn giáo ở Thái lan có khoảng 350 người và ông vẫn tiếp tục đấu tranh để bảo vệ quyền lợi cho bà con sắc tộc H’mông ở trong nước. Ông nói:
“Tôi vẫn tiếp tục hoạt động về niềm tin tôn giáo ở đây. Trước tình hình cộng sản VN đã ngăn cấm không cho đồng bào hoạt động tôn giáo tự do theo ý muốn của người dân thì tôi cũng tìm hiểu các thông tin về vấn đề này để viết các báo cáo để cho các tổ chức Nhân quyền biết, để lên tiếng bảo vệ đồng bào H’mông của chúng tôi.”
Về nguyện vọng chung của những người tỵ nạn hầu như cũng giống nhau, tất cả đều mong nhận được sự giúp đỡ của cộng đồng người Việt nam ở khắp nơi trên thế giới và mong muốn nhanh chóng được đi định cư ở nước thứ 3. Ông Hồ Văn Chỉnh cho biết:
“Bây giờ cộng đồng thế giới hãy lên tiếng để giúp chúng tôi được đi định cư ở nước thứ 3, vì chỉ có thế chúng tôi mới có tương lai cho con cái sau này. Cho đến giờ tôi đã tỵ nạn ở đây 15 năm rồi, mà họ không cho chúng tôi nhập tịch gì hết. Chẳng biết tương lai của chúng tôi sẽ ra sao nữa.”
Được biết không phải chỉ có ở các nước Đông Nam Á, nhất là Thái lan mới có những người VN tỵ nạn về các lý do chính trị và tôn giáo. Tại một số quốc gia thuộc các châu lục khác hiện nay cũng có người tỵ nạn Việt Nam.
Trong bài sau, mời quý vị đón nghe phần tường trình của thông tín viên Tường An từ Paris, về cuộc sống của những người tỵ nạn đến từ VN ở Âu châu và Úc châu.

Tin, bài liên quan


Người tỵ nạn VN tại Thái Lan

Trong thời gian gần đây, vấn đề người tỵ nạn VN tại Thái Lan ngày càng gây nhiều chú ý. Hoàn cảnh của họ hiện giờ ra sao ? Họ có được sự trợ giúp của Cao Ủy Tỵ Nạn LHQ hay những tổ chức bảo vệ người tỵ nạn không ?
Thanh Quang, phóng viên đài RFA
2009-03-06
Những gia đình VN tỵ nạn bên Campuchia và bên Thái
Những gia đình VN tỵ nạn bên Campuchia và bên Thái sống tháng này qua năm nọ trong các khu vực ổ chuột.
Photo: RFA
Các chi tiết do chính người tỵ nạn cung cấp, và từ những tổ chức bảo vệ người tỵ nạn, cho thấy tình cảnh gian nguy của số người tỵ nạn VN đang ẩn náu trên xứ Chùa Vàng - với tương lai vô định.

Không nước nào nhận tương lai vô định 

Chúng tôi liên lạc được với nhiều người trong số nầy, và một số đồng ý mô tả tình cảnh của họ, nhưng với điều kiện ẩn danh và điều chỉnh ít nhiều giọng nói vì lý do an ninh, như một người cho biết như sau:
Một người tỵ nạn: “Cá nhân tôi rất là khó khăn tại vì đã vượt biên xin tỵ nạn tại Campuchia không có được kết quả. Số bà con tỵ nạn bên Thái Lan này thì tôi tiếp xúc chủ yếu là với những người đã có vô Cao Ủy Tỵ Nạn LHQ rồi nhưng bị rớt – thậm chí rớt tới 2 lần. Vẫn còn rất nhiều người tỵ nạn VN ở đây nhưng tôi không dám quan hệ vì vấn đề an ninh cá nhân. Nói chung hoàn cảnh thì cơ cực lắm, làm từ sáng tới tối mà mới được chừng một trăm baht/một người. Có người còn chưa được vậy nữa. Tiền nhà, tiền điện, tiền nước, ăn uống sinh hoạt cực khổ lắm”.

“Cá nhân tôi rất là khó khăn tại vì đã vượt biên xin tỵ nạn tại Campuchia không có được kết quả. Số bà con tỵ nạn bên Thái Lan này thì tôi tiếp xúc chủ yếu là với những người đã có vô Cao Ủy Tỵ Nạn LHQ rồi nhưng bị rớt – thậm chí rớt tới 2 lần.
Một người tỵ nạn (dấu tên)


Hoàn cảnh sống gian truân và phi pháp trên đất Thái cũng đang đeo đuổi nhiều người tỵ nạn khác mặc dù có được sự trợ giúp một ít từ các tổ chức nhân đạo bên ngoài, như một người tỵ nạn từ VN mô tả:
Người tỵ nạn thứ nhì: “Bây giờ tình cảnh của người tỵ nạn tại Thái Lan khó khăn. Điểm thứ nhất là anh em qua đây chưa được Cao Ủy Tỵ Nạn cấp giấy tờ. Thứ hai là chúng tôi đi lại sợ bị công an Thái bắt. Điểm thứ ba là bọn cộng sản đang lùng bố qua tận Thái Lan, số điện thọai của Đại sứ quán VN thường quấy nhiễu chúng tôi ban đêm. Còn đời sống của chúng tôi ở đây thì Ủy ban Cứu Người Vượt Biển BP SOS và Hội Nhân quyền ở Đức trợ giúp cho một ít”.
Chúng tôi liên lạc một người từ Tây Nguyên lánh nạn sang Campuchia, và rồi Thái Lan hiện giờ. Anh đang sống trong tình trạng chờ đợi tin tức từ Cao Ủy Tỵ Nạn LHQ, nhưng nhiều tháng trôi qua, anh –cũng như nhiều người khác đồng cảnh ngộ - vẫn tiếp tục đợi chờ:
Người tỵ nạn từ Tây Nguyên: “Tôi gặp khó khăn ở VN rồi qua đây, có đăng ký với UN, nhưng họ bắt chờ. Hai, ba lần tôi đến UN, giải thích là không có giấy tờ sợ đi đường bị cảnh sát Thái bắt. Nhưng họ bắt chờ - và đã chờ hơn 6 tháng rồi nhưng vẫn chưa có kết quả. Hiện có nhiều người như tôi. Về đời sống thì tôi phải đi làm thuê, và Nhà Thờ giúp một ít, và sống tạm thời như vậy với cuộc sống cũng khó khăn lắm.”

“Bây giờ tình cảnh của người tỵ nạn tại Thái Lan khó khăn. Điểm thứ nhất là anh em qua đây chưa được Cao Ủy Tỵ Nạn cấp giấy tờ. Thứ hai là chúng tôi đi lại sợ bị công an Thái bắt. Điểm thứ ba là bọn cộng sản đang lùng bố qua tận Thái Lan, số điện thọai của Đại sứ quán VN thường quấy nhiễu chúng tôi ban đêm
Một người tỵ nạn (dấu tên)


Kêu gọi những hội nhân quyền trên thế giới lên tiếng

Trong khi đó, trong diễn tiến mới nhất, một số người may mắn được Văn Phòng Cao Ủy Tỵ Nạn ở Bangkok cấp giấy như sau đây:
“Hôm qua Cao Ủy Tỵ Nạn cấp giấy cho 12 người rồi, và còn tiếp tục kêu những người tỵ nạn khác vào làm việc. Cũng nhờ mấy hội nhân quyền bên ngoài, như tổ chức của TS Nguyễn Đình Thắng, giúp đỡ mới được như vậy”.
Diễn tiến đó được một người tỵ nạn ở Thái Lan nhận xét:
“Tôi nghĩ rằng điều này rất là tốt, quý báu. Vì tôi cũng được biết câu chuyện ở Philippines, số người tỵ nạn VN bị rớt lại ở đó, có người bị kẹt tới 20 năm. Nhờ một số tổ chức của người Việt ở ngoài gíup đỡ cho số đồng bào này được định cư ở nước thứ ba. Điều đó rất quý. Hiện tại thì một số nỗ lực của một số tổ chức nước ngoài do người Việt chúng ta lập nên để cứu giúp những người tỵ nạn còn đang kẹt lại ở Thái Lan này – và Campuchia nữa, thì điều này rất là quý”.

Nhờ một số tổ chức của người Việt ở ngoài gíup đỡ cho số đồng bào này được định cư ở nước thứ ba. Điều đó rất quý. Hiện tại thì một số nỗ lực của một số tổ chức nước ngoài do người Việt chúng ta lập nên để cứu giúp những người tỵ nạn còn đang kẹt lại ở Thái Lan này – và Campuchia
Một người tỵ nạn (dấu tên)


Thưa qúy vị, chúng tôi được biết một trong những tổ chức ở hải ngọai ra sức cứu giúp số người tỵ nạn VN trên đất Thái hiện giờ là Ủy ban Cứu Người Vượt Biển Boat People SOS trụ sở tại Virginia, Hoa Kỳ. Theo TS Nguyễn Đình Thắng, Giám đốc Ủy ban, thì tổ chức này đang nỗ lực phối hợp với các cơ quan quốc tế khác, kể cả Cao Ủy Tỵ Nạn LHQ, để tìm giải pháp, mà chính những người lánh nạn này nói là hiện đã lên tới khỏang 200 trăm người:
Những người tỵ nạn: “Con số đó là con số thật đấy – và còn có thể cao hơn nữa. Con số 200 người trở lên chắc chắn là đúng rồi. Bởi vì tôi có một số lần đi lại văn phòng của Cao Ủy Tỵ Nạn tại Thái Lan này, qua tiếp xúc thì tôi biết được có rất nhiều người VN đã đến đó. Và hiện tại bây giờ vẫn tiếp tục có nguời đến nữa”
“Tôi nghĩ là hơn 200 người tỵ nạn. Con số này không có gì quá đáng cả”.

Mối hiểm nguy nữa là họ không có giấy tờ gì cả trong khi sống bất hợp pháp ở Thái Lan, khiến có thể bị trục xuất về Cambodge và từ Cambodge họ có thể bị trục xuất về lại VN.
TS Nguyễn Đình Thắng


Để cứu giúp hàng trăm người tỵ nạn ấy, Ủy Ban Cứu Người Vượt Biển Boat People SOS có kế họach can thiệp về pháp lý và về chính sách, như TS Nguyễn Đình Thắng cho biết:
TS Nguyễn Đình Thắng: “Kế họach của chúng tôi gồm 2 mặt: Mặt thứ nhất là vận động về chính sách bởi vì hiện nay không những nước chủ nhà Thái Lan mà cả Cao Ủy Tỵ Nạn LHQ cũng có mối quan tâm về dòng người tỵ nạn bắt đầu lại ra đi từ VN đến đất nước Thái Lan. Chính vì vậy mà họ có nhiều biện pháp – hoặc lờ đi hoặc rất khó khăn trong việc cứu xét hay gây chậm trễ.
Trong suốt thời gian chờ được cứu xét như vậy thì đồng bào lánh nạn của chúng ta không nhận được sự trợ giúp nào cả về mặt đời sống vốn hiện rất khó khăn. Và trong thời gian chờ đợi như vậy, chưa chắc họ được cứu xét để được đi định cư. Đó là chưa kể mối hiểm nguy nữa là họ không có giấy tờ gì cả trong khi sống bất hợp pháp ở Thái Lan, khiến có thể bị trục xuất về Cambodge và từ Cambodge họ có thể bị trục xuất về lại VN.
Nỗ lực thứ hai là những người tỵ nạn này phải được bảo vệ về mặt pháp lý. Bởi vì khi chúng ta vận động để Thái Lan và quốc tế - tức LHQ – bắt đầu quan tâm nhằm thực hiện đúng nhiệm vụ bảo vệ người tỵ nạn của họ, thì lúc đó chúng ta phải có luật sư để giúp đồng bào của chúng ta khai báo được đúng với kỳ vọng của luật pháp, đúng theo thể thức đòi hỏi của Cao ủy Tỵ nạn LHQ. Như vậy thì họ mới tăng triển vọng được xét cho tỵ nạn, và được bảo vệ, để sau cùng rồi được đi định cư.”

Geen opmerkingen:

Een reactie posten