zondag 24 mei 2015

Châu Á ráo riết chạy đua hải quân

Thứ năm, 30/10/2014 | 11:21 GMT+7
Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ |
Thứ năm, 30/10/2014 | 11:21 GMT+7

Châu Á ráo riết chạy đua hải quân

Các nước châu Á-Thái Bình Dương đang tích cực trang bị thêm tàu quân sự và tàu ngầm hiện đại để dè chừng láng giềng và đề phòng xung đột vũ trang tiềm tàng tại khu vực.
110502-p01-vertical-3622-1414640938.jpg
Hàn Quốc sắp trang bị thêm tàu ngầm KSS-III để đề phòng một số nước láng giềng. Ảnh: Korea Times
Theo Defense News, 90% giao dịch thương mại thế giới đi qua bằng đường biển và phần lớn thông qua eo biển hẹp và dễ bị tấn công như Malacca, Singapore. Điều này khiến các quốc gia trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương phải đầu tư vào việc trang bị tàu quân sự và tàu ngầm nhiều hơn tất cả các quốc gia khác, ngoại trừ Mỹ.
Đô đốc Đài Loan Chen Yeong-kang hôm 15/10 cho biết tranh chấp lãnh thổ trong khu vực có thể phá vỡ đường giao thông trên biển (SLOC). "Bất kỳ sự cố quân sự bất ngờ hoặc cuộc xung đột vũ trang lớn nào cũng có thể tác động đến SLOC và gây nguy hiểm cho an toàn giao thông đường biển", ông nói.
Theo Stanley Weeks, giáo sư tại Đại học Chiến tranh Hải quân Mỹ, do các eo biển châu Á khá hẹp và Biển Đông không có độ sâu lớn, nhiều nước trong khu vực đang tích cực mua sắm tàu tấn công nhanh, tàu hộ tống và tàu tuần tra nhanh. Ông dự đoán lực lượng hải quân và tuần duyên các nước sẽ mua thêm máy bay cánh cố định, bao gồm cả máy bay không người lái (UAV) và máy bay tuần thám biển P-3 Orion.
Các nước sẽ sở hữu thêm nhiều máy bay P-3 do mua lại từ Mỹ khi Washington bắt đầu thay thế chúng bằng P-8 Poseidon.
"Các nước chi tiêu mạnh tay nhất là Trung Quốc và Ấn Độ, hai nền hải quân phát triển nhanh nhất thế giới", Guy Stitt, chủ tịch Công ty Phân tích và Tư vấn Hải quân Quốc tế AMI cho biết.
"Hai quốc gia này không chỉ mở rộng lực lượng hải quân của họ. Họ đang chế tạo một số tàu quân sự phức tạp nhất, bao gồm tàu ngầm tên lửa đạn đạo hạt nhân và tàu sân bay", ông nói thêm
Theo Kanwa Asian Defence, Trung Quốc sẽ sớm bắt đầu đóng tàu sân bay thứ hai do nước này thiết kế tại nhà máy Giang Nam, Thượng Hải. Một chiếc khác đang đóng tại Đại Liên vào năm nay và dự kiến sẽ mất 6 năm để hoàn thành. Hải quân Trung Quốc tuần trước công bố sẽ tập trung tuyển chọn các phi công có khả năng hoạt động trên các chiến đấu cơ xuất phát từ tàu sân bay.
Theo ông Stitt, Ấn Độ cũng đang tăng cường cho hải quân nhanh hơn bao giờ hết. Nước này hiện có hai tàu sân bay đang hoạt động và chuẩn bị hạ thủy tàu thứ ba.
Ông Stitt cho biết chi tiêu cho hải quân của các nước châu Á-Thái Bình Dương trong hơn một thập kỷ qua đã tăng 15%. Căn cứ vào các dự án hiện tại, Ấn Độ chi tiêu và đóng nhiều tàu mới hơn Trung Quốc. Đầu tư vào việc bổ sung tàu mới của Hàn Quốc trong hơn 10 năm qua chỉ thấp hơn Trung Quốc 2 tỷ USD. Indonesia thậm chí còn chi nhiều hơn Nhật Bản cho các thiết bị hải quân mới.
5 chương trình tăng cường hải quân lớn nhất trong khu vực gồm tàu ngầm hạt nhân trang bị tên lửa đạn đạo lớp Aridhaman của Ấn Độ, tàu ngầm KSS-3 của Hàn Quốc, tàu hộ tống Sigma của Indonesia, tàu hộ tống Kamorta của Ấn Độ và tàu khu trục Aegis lớp Hobart của Australia.
Theo Bob Nugent, chuyên gia phân tích của AMI, ưu tiên hàng đầu của các nước là tàu ngầm. Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Singapore, Việt Nam đều đang xúc tiến việc trang bị thêm tàu ngầm.
Theo WSJ, Văn phòng Tình báo Hải quân Mỹ (ONI) cho biết Trung Quốc hiện sở hữu một trong những đội tàu ngầm chiến đấu lớn nhất thế giới, với 5 mẫu chạy bằng hạt nhân và ít nhất 50 mẫu dùng động cơ diesel. ONI nhận định, Trung Quốc năm nay sẽ triển khai thế hệ tàu ngầm boomer được trang bị đầy đủ các loại tên lửa hạt nhân hiện đại nhất.
"Các nước này đã chi 40 tỷ USD để đóng mới hoặc mua tàu ngầm, bằng gần 40% tổng chi tiêu cho hải quân của tất cả các quốc gia trong khu vực", Nugent nói và cho biết thêm Australia, Thái Lan và Pakistan cũng đang có kế hoạch đóng hoặc mua tàu ngầm mới trong vòng 20 năm tới. Các nước khác, ví dụ như Malaysia vừa hoàn tất việc trang bị tàu ngầm quy mô lớn.
Những nước không có chương trình xây dựng hoặc hiện đại hóa lực lượng tàu ngầm trong vòng 20 năm tiếp theo gồm Myanmar, Bangladesh, Philippines và Brunei.
Hàn Quốc dè chừng láng giềng
Đối mặt với mối đe dọa từ Triều Tiên và vướng vào tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc và Nhật Bản, Hàn Quốc đã lên kế hoạch triển khai thêm tàu khu trục Aegis và tàu ngầm tấn công hạng nặng.
Trong một hội nghị cấp cao do Bộ trưởng Quốc phòng Han Min-koo chủ trì vào tháng trước, Cơ quan Quản lý Chương trình Trang bị Quốc phòng (DAPA) đã phê duyệt kế hoạch hạ thủy ba tàu Aegis lớp Sejong Đại đế trong giai đoạn từ  2023 - 2027.
Hàn Quốc sẽ chi khoảng 4,2 tỷ USD để đóng ba tàu trang bị tên lửa dẫn đường phóng thẳng và radar SPY-1D của Lockheed Martin, có khả năng theo dõi hàng trăm máy bay trong vòng bán kính 500 km.
Để tăng cường sức mạnh dưới biển, Hàn Quốc cũng sẽ trang bị 9 tàu ngầm KSS-III tấn công hạng nặng có trọng lượng 3.000 tấn. DAPA cũng đã thông qua kế hoạch đợt II để đóng ba tàu ngầm KSS-III vào năm tới. 
"Tàu ngầm KSS-III có khả năng hoạt động dưới nước tốt hơn nhiều đội tàu hiện tại", một sĩ quan hải quân Hàn Quốc nói. "Trên hết, tàu ngầm mới sẽ đóng vai trò là vũ khí chiến lược để đối phó với các mối đe dọa tiềm tàng từ Triều Tiên và các nước láng giềng. Nó sẽ được trang bị tên lửa hành trình phạm vi 1.000 km".
Kế hoạch của Australia
Theo Wendell Minnick, Jung Sung-Ki và Niget Pittaway, biên tập viên của Defense News, Australia rất chú trọng đến sự nổi lên của Trung Quốc trở thành một cường quốc châu Á. Nước này cũng có kế hoạch thay mới tất cả tàu chiến, tàu ngầm và tàu tiếp liệu trong hai thập kỷ tới.
Australia đã đóng tàu khu trục phòng không dựa trên tàu lớp F105 của Tây Ban Nha và vừa đưa vào hoạt động một trong hai tàu có thể làm bãi đáp cho trực thăng tải trọng 27.000 tấn. Ngoài ra, nước này đang nâng cấp hệ thống tên lửa chống tàu trên 8 tàu khu trục lớp Anzac. Những tàu này vốn được trang bị tên tên lửa dẫn đường.
Bộ trưởng Quốc phòng Australia David Johnston hồi tháng 6 phê duyệt hai chương trình tàu hải quân. Theo đó, Australia sẽ mua hai tàu tiếp liệu lớn của Hàn Quốc hoặc Tây Ban Nhavà đẩy nhanh tiến độ Chương trình Tàu khu trục Tương lai (Biển 5000) để thay thế các tàu Anzac cải tiến.
Australia cũng sẽ tiếp tục xúc tiến Chương trình Tàu ngầm Tương lai (Biển 1000) và đang xem xét bổ sung công nghệ từ các nhà đóng tàu nước ngoài. Australia hồi tháng 6 đề nghị Nhật hợp tác trong các dự án tàu ngầm, để sự dụng công nghệ tiên tiến của Nhật.
Phương Vũ (Theo Defense News)

http://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/tu-lieu/chau-a-rao-riet-chay-dua-hai-quan-3099775.html

Geen opmerkingen:

Een reactie posten