dinsdag 3 september 2013

Việt Nam : Điểm tên doanh nghiệp lãi lớn, sếp lương 'khủng' : Kiểu tham nhũng qua lương

Điểm tên doanh nghiệp lãi lớn, sếp lương 'khủng'
Phạm Tuyên (Tienphong) - Trong khi nhiều doanh nghiệp (DN) khác phá sản hoặc chật vật tồn tại, một số DN nhà nước hoặc cổ phần đã tăng giá các dịch vụ độc quyền và đạt mức lãi nghìn tỷ đồng trong những tháng qua. Đi kèm với đó, mức chi lương - thưởng cho lãnh đạo cũng tăng chóng mặt.

Cứ độc quyền là lãi lớn?

Minh họa: Khêu. 
Trong khi các nhóm ngành nghề khác phải chật vật tìm cách tồn tại, việc kinh doanh của nhiều DN ngành điện, khí đốt và xăng dầu thu được những khoản lợi nhuận rất lớn trong những tháng qua. Cá biệt, nhiều DN đã cán đích sớm và hoàn thành kế hoạch lợi nhuận cả năm 2013 khi mới chỉ đi qua hơn nửa chặng đường.

Dẫn đầu trong số này là hàng loạt DN trong lĩnh vực nhiệt điện với những khoản lợi nhuận sau thuế tăng cao nhất lên tới 567%. Không ít trường hợp vượt cả chỉ tiêu kế hoạch năm tới 300%. Dẫn đầu trong nhóm các DN này phải kể đến trường hợp của Cty CP Nhiệt điện Phả Lại (PPC), mức lãi sau thuế của riêng quý 2 đạt 358 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm, DN này lãi ròng 1.300 tỷ đồng, tăng mạnh 565% so với cùng kỳ 6 tháng năm 2012. Cùng với việc DN con lãi lớn, EVN với tư cách cổ đông chi phối cũng có phần lãi chia cho riêng quý II lên tới 356 tỷ đồng. 


Theo ông Phạm Văn Thư - Tổng Giám đốc PPC, lợi nhuận tăng mạnh do sản lượng điện bán ra cho EVN trong quý II đạt 1,65 tỷ kwh, cao hơn cùng kỳ 0,27 tỷ kwh. Do sản lượng điện sản xuất từ công ty mẹ cao hơn, kéo theo lợi nhuận sản xuất điện đạt 340,7 tỷ đồng (cao hơn cùng kỳ 113,4 tỷ đồng). Cùng đó, công ty thu được khoản lãi lớn từ chênh lệch tỷ giá 234,78 tỷ đồng, lợi nhuận hợp nhất từ các khoản lãi tiền gửi, tiền vay cũng lên tới 61,32 tỷ đồng. Các khoản cổ tức, lợi nhuận được chia từ các công ty con, công ty liên kết cũng giúp đơn vị có thêm 36,79 tỷ đồng.

Hai DN nhiệt điện khác cũng có mức lợi nhuận lớn và chóng vánh hoàn thành nhiệm vụ cả năm 2013 trong những tháng qua phải kể đến là Nhiệt điện Bà Rịa với doanh thu thuần đạt 790 tỷ đồng, tăng 19% (lợi nhuận sau thuế đạt 70 tỷ đồng, tăng 25%). So với nghị quyết đại hội cổ đông của đơn vị đề ra từ đầu năm, chỉ sau 6 tháng, đã vượt kế hoạch năm tới 31%. Cty CP Nhiệt điện Ninh Bình cũng cho biết đã hoàn thành lợi nhuận năm đến 138%. Cty Cổ phần Mía đường Nhiệt điện Gia Lai cũng thông báo đã đạt doanh thu 527 tỷ đồng, tăng 17% sau 6 tháng hoạt động. So với kế hoạch đặt ra từ đầu năm, đơn vị đã hoàn thành nhiệm vụ với mức vượt 138%.

Cũng góp mặt trong số các DN đạt lợi nhuận cao, hoàn thành chỉ tiêu sớm của năm, Cty Phân phối khí thấp và Áp thấp Dầu khí Việt Nam (PGD) đạt doanh thu thuần lên tới 3.047 tỷ đồng, tăng 15%. Với mức tăng này, công ty đạt tốc độ hoàn thành lợi nhuận năm 2013 với 110%. Một DN cùng ngành khai thác khí khác cũng gần cán đích khi đạt 96% kế hoạch lợi nhuận năm là Tổng Cty Khí Việt Nam (PV Gas) với doanh thu đạt gần 30.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 7.040 tỷ đồng, tăng 27,7% so với cùng kỳ. Với số lợi nhuận trên, PV Gas cho biết đã nộp 2.071 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước. Trong 6 tháng cuối năm, đơn vị này dự kiến doanh thu gần 30.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hơn 4.500 tỷ đồng. 

Cty Chứng khoán Rồng Việt cho biết, so với các ngành khác, tỷ lệ hoàn thành lợi nhuận của các DN ngành điện, xăng dầu, khí nói trên là cao hơn rất nhiều ngành khác. Ngay như ngành bán lẻ cũng mới đạt 69% kế hoạch lợi nhuận, hóa chất đạt 68%. Còn nếu so với mức hoàn thành kế hoạch của ngành vật liệu xây dựng (chỉ đạt 4%) thì đây quả là con số ước mơ.

Đua nhau tăng lương, thưởng sếp

Thời khó khăn, nhưng nhiều DN vẫn lãi lớn, sếp lương khủng. (ảnh minh họa). 

Với mức lợi nhuận lớn như trên, thông tin từ nhiều DN cho biết đã mạnh tay điều chỉnh lương, thưởng cho ban lãnh đạo. Cty CP Nhiệt điện Phả Lại cho biết, trong 6 tháng đầu năm, tổng lương và thu nhập của tất cả thành viên ban giám đốc Nhiệt điện Phả Lại đạt 1,06 tỷ đồng, tăng gần 2,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Tính bình quân, mỗi thành viên ban lãnh đạo nhận khoảng 45 triệu đồng tiền lương/tháng.

Nhờ hiệu quả kinh doanh tốt với lợi nhuận sau thuế hợp nhất tăng trên 50%, đạt gần 640 tỷ đồng, Cty CP Cơ điện lạnh cho biết trong 6 tháng qua đã chi hơn 1,9 tỷ đồng thù lao, lương, thưởng cho các thành viên thuộc HĐQT. Ban tổng giám đốc được nhận tổng cộng 7,9 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm trước, con số này cao gấp gần 4 lần. Lãnh đạo DN này cho biết, mức thù lao, lương và thưởng cho cán bộ cấp cao tăng do tính cả khoản thưởng vượt kế hoạch từ năm 2012 đối với ban điều hành và tăng thù lao hội đồng quản trị. Riêng mức lương cho Tổng giám đốc công ty Nguyễn Thị Mai Thanh vẫn giữ nguyên ở mức 100 triệu đồng/tháng.

Tại đại hội cổ đông mới đây, các cổ đông của Tổng Cty Khí Việt Nam đã nhất trí thông qua việc tăng 4 tỷ đồng trả lương, thưởng cho Chủ tịch HĐQT và Ban Kiểm soát trong năm 2013, lên mức 11 tỷ đồng thay cho mức hơn 7 tỷ đồng của năm 2012. Theo đó, Chủ tịch Cty là ông Đỗ Khang Ninh hưởng mức cao nhất, 70 triệu đồng/tháng, chưa kể khoản tiền thưởng 30 triệu đồng/tháng. Các phó chủ tịch được nhận hơn 59 triệu đồng/tháng, trong khi các thành viên HĐQT được trả 57 triệu đồng. Mức thù lao cho Trưởng ban kiểm soát của công ty là 47,1 triệu đồng, các thành viên khác được nhận 37,3 triệu đồng/tháng. 

Có mặt trong nhóm các DN tăng lương khủng cho lãnh đạo là trường hợp của Dược Hậu Giang. Phó tổng giám đốc Lê Chánh Đạo cho biết, công ty đã mạnh tay cắt giảm khá nhiều nhân sự trong 6 tháng qua. Tính chung 6 tháng, lợi nhuận hợp nhất của Công ty giảm gần 7% trong khi kết quả riêng công ty mẹ giảm hơn 9% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, đơn vị này cũng tăng mức lương cho bộ phận lãnh đạo từ 3,6 tỷ đồng lên 5,6 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, tương đương mức tăng gần 56%.

Trao đổi với PV Tiền Phong, một lãnh đạo Vụ Tài chính Doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết, vấn đề lương thưởng của lãnh đạo các DN nhà nước được nói đến nhiều trong thời gian qua. Vị này thừa nhận, có nhiều bất cập trong việc tính lương cho các chức vụ lãnh đạo ở DN nhà nước. 


 
http://danlambaovn.blogspot.nl/2013/09/iem-ten-doanh-nghiep-lai-lon-sep-luong.html#more

Vụ sếp lương "khủng": Kiểu tham nhũng qua lương
Tầm Nhìn.net - Theo GS Nguyễn Minh Thuyết: Nói cho đúng, đây là một vụ tham nhũng, cần phải được xử lý nghiêm, xử lý đến nơi đến chốn. 

Những ngày qua, vụ việc một số lãnh đạo của 4 doanh nghiệp công ích tại TPHCM nhận các mức lương cao ngất ngưởng (người cao nhất tới 2,6 tỷ đồng/năm) đang thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận của cả nước. Vì sao vụ việc kéo dài hàng năm trời nhưng không bị phát hiện? Liệu có còn những vụ tiêu cực tương tự trong tương lai? Và đến khi nào công chức nhà nước mới thực sự sống được bằng đồng lương chính đáng?

Báo Giáo dục Việt Nam xin gửi tới độc giả những chia sẻ của GS.TS Nguyễn Minh Thuyết – Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, ĐB QH các khóa XI, XII.

GS Nguyễn Minh Thuyết
PV: Thưa GS Nguyễn Minh Thuyết, chuyện các sếp ở doanh nghiệp nhà nước nhận “lương khủng” không còn mới, nhưng vì sao sau khi công luận lên tiếng rất mạnh mẽ thì nó vẫn tái diễn?

GS Nguyễn Minh Thuyết: Ở Việt Nam, chuyện lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước nhận mức lương cao ngất ngưởng đã từng bị phát hiện, bị công luận lên án nhưng rồi đâu vẫn đóng đấy. Có hai nguyên nhân dẫn đến chuyện này: Thứ nhất, Nhà nước đang “ôm” các doanh nghiệp này và đương nhiên sẽ xảy ra tình trạng “cha chung không ai khóc”, người có quyền sẽ tự xếp lương “khủng” cho mình.

Để giải quyết tình trạng này thì nên đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa. Cổ phần hóa rồi, “của đau con xót”, không ai để cho người điều hành phá của mình được đâu.

Nguyên nhân thứ hai là xử lý không nghiêm. Chính vì xử lý không nghiêm nên chuyện “lương khủng” ở nhiều doanh nghiệp nhà nước vẫn cứ tiếp diễn.

Tôi nhớ là trước đây vụ việc người đứng đầu Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) lương cao gấp cả chục lần lương Chủ tịch nước đã được phát hiện, thậm chí còn bị đưa ra chất vấn ở nghị trường. Nhưng rút cuộc, chuyện đó được kết luận thế nào, có ai bị xử lý kỷ luật không, và bây giờ lương Tổng giám đốc SCIC ra sao thì không rõ.

Vụ việc thứ hai là khi ông Tổng giám đốc Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) than thở với báo chí rằng ông thương cán bộ, công nhân ngành điện lương bình quân chỉ hơn 7 triệu đồng/tháng, dư luận cả nước tỏ ra tức giận.

Họ tức giận vì ngành điện luôn kêu lỗ vậy mà cán bộ, công nhân vẫn hưởng mức lương cao ngất ngưởng như vậy. Nhưng thực tế thì lương những công nhân lao động vất vả, nguy hiểm cũng chỉ bằng một nửa con số ông Tổng giám đốc nêu ra. Chỉ các sếp mới hưởng vài chục triệu đồng/tháng. Nhưng rồi vụ việc đó cũng chìm nghỉm, không rõ được xử lý thế nào.

Tóm lại, những chuyện không bình thường ở cơ quan cấp trung ương còn chưa được xử lý nghiêm chỉnh, thì ở địa phương làm ăn xằng bậy là điều dễ hiểu.

PV: Giáo sư có bình luận gì khi có tới hơn 700 người lao động đã bị một số lãnh đạo của Công ty Thoát nước đô thị và Công ty Công trình giao thông Sài Gòn lợi dụng (nhập nhèm thời hạn hợp đồng), để rồi số tiền ấy rơi vào túi một số cá nhân?

GS Nguyễn Minh Thuyết: Mỗi tháng người lao động cật lực trong cống được 8 triệu, không có bảo hiểm, nhưng ông giám đốc ngày ngày ngồi phòng máy lạnh thì bỏ túi hơn 200 triệu đồng.

Đây là việc làm vô đạo đức, thậm chí có thể nói là dã man. Lãnh đạo các công ty đã lợi dụng cả những người lao động vất vả, khổ cực nhất, những người thường xuyên chui trong cống, chịu đựng đủ thứ mùi uế tạp, bán rẻ sức khỏe để nuôi gia đình.

PV: Một trong số những người nhận mức lương cao ngất ngưởng ở 4 doanh nghiệp này đã lên tiếng là sẵn sàng trả lại số tiền ấy, nhưng dư luận thì cho rằng cần phải truy cứu trách nhiệm tới cùng chứ không chỉ đơn thuần là thu hồi các khoản tiền. Quan điểm của Giáo sư như thế nào trước đòi hỏi của dư luận?

GS Nguyễn Minh Thuyết: Cần phải đặt câu hỏi: Nếu vụ việc không bị phanh phui, liệu mấy ông bà này có chịu trả lại tiền? Chắc chắn là không đâu. Chẳng lẽ họ ẵm cả tỷ đồng về nhà chỉ để cho vui rồi đem trả lại?

Ở doanh nghiệp tư nhân, lương lãnh đạo, công nhân càng cao càng đáng mừng, vì đó là tiền từ túi doanh nhân bỏ ra đầu tư, lãi cao thì lương mới cao. Còn đây là doanh nghiệp nhà nước, sử dụng vốn ngân sách mà lại vin vào cái cớ “có lãi” để hưởng mức lương cao gấp vài chục lần người khác là không chấp nhận được. Đó là chưa kể “lãi giả, lỗ thật”. Tôi thấy bi hài là ở chỗ, một thành phố quanh năm bị ngập nhưng ông giám đốc công ty thoát nước lại hưởng lương tới 2,6 tỷ đồng.

Về mặt quản lý thì UBND TPHCM sẽ có trách nhiệm kiểm tra, xử lý, chấn chỉnh, nhưng theo tôi, cần sớm làm rõ trách nhiệm của các đơn vị liên đới khi buông lỏng quản lý ở 4 doanh nghiệp công ích nói trên. Một sự việc kéo dài hàng năm trời, với những khoản chi khổng lồ như vậy mà vẫn lọt thì quả là một chuyện lạ.

Nói cho đúng, đây là một vụ tham nhũng, cần phải được xử lý nghiêm, xử lý đến nơi đến chốn.

PV: Qua vụ việc này, chúng ta cũng phần nào nhìn thấy một thực tế buồn, đó là đồng lương công chức, viên chức thấp quá. Lương Thủ tướng Chính phủ chưa tới 15 triệu, lương của một Bộ trưởng và Chủ tịch các tỉnh thì còn thấp hơn… và các Giáo sư, sau nhiều năm nghiên cứu, cống hiến thì mức lương của họ cũng chỉ khoảng 10 triệu/tháng. Vậy thì làm sao chúng ta tìm được người tài cho cơ quan nhà nước? Làm sao chống tham nhũng thành công được?

GS Nguyễn Minh Thuyết: Xin đính chính ngay là lương giáo sư thấp hơn tưởng tượng của nhà báo nhiều. Tôi được phong GS đã gần 20 năm, lên đến hết bậc lương công chức, lại còn thêm phụ cấp trách nhiệm bằng 1,3 lần lương cơ bản nhưng lúc đương chức tất tật thu nhập chỉ hơn 7 triệu đồng thôi. 

Vấn đề tiền lương với công chức, viên chức nhà nước là câu chuyện buồn, nó không mới, nhưng còn nguyên tính thời sự. Mặc dù mấy năm gần đây, Nhà nước ta cũng đã có nhiều cố gắng, đồng lương tăng lên, nhưng nếu so với sự biến đổi quá nhanh của vật giá thì chẳng thấm vào đâu, thế nên mới có chuyện “chân ngoài dài hơn chân trong”.

Vừa rồi Bộ Nội vụ đã công bố là khoảng 30% công chức nhà nước chỉ “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”, không làm được việc gì cả. Tôi nghĩ con số thực tế còn nhiều hơn như vậy. Chúng ta đã được chứng kiến hàng loạt các văn bản quy phạm pháp luật cứ như tấu hài, ví dụ: Ấn định số vòng hoa trong đám tang; Ngực lép không được điều khiển xe máy; Bà mẹ Việt Nam anh hùng và các cụ hoạt động trước Cách mạng được cộng điểm nếu dự thi tuyển sinh đại học; Quay phim, chụp ảnh CSGT trên đường phải xin phép,…

Tôi nghĩ những người soạn ra các văn bản ấy hay tham mưu cho lãnh đạo ban hành các văn bản ấy không chỉ không được việc gì mà còn làm hại uy tín cơ quan nhà nước nữa.

Nhà nước sẽ phải sớm giải quyết dứt điểm vấn đề này, bởi nếu cắt đi được khoảng 40% số công chức, viên chức đang “ăn bám” thì sẽ có thêm một khoản kinh phí đủ lớn để trả cho những người thực sự xứng đáng. Họ sống được bằng đồng lương và nuôi được con cái thì sẽ toàn tâm toàn ý với công việc. Đây cũng là một nút cởi cho bài toán chống tham nhũng.

Trân trọng cảm ơn những chia sẻ sâu sắc của Giáo sư!


 

Geen opmerkingen:

Een reactie posten