donderdag 12 september 2013

Tôm VN hưởng thuế 0% vào Hoa Kỳ

Tôm VN hưởng thuế 0% vào Hoa Kỳ


Cập nhật: 16:05 GMT - thứ tư, 11 tháng 9, 2013

Tôm Việt Nam vào Mỹ vừa được trao mức thuế chống phá giá 0%

Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) hôm 10/9 vừa ra quyết định cuối cùng về mức thuế chống bán phá giá đối với tôm Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ trong giai đoạn 2/2011 đến 2/2012.
Trả lời phỏng vấn của BBC Tiếng Việt, lãnh đạo Hiệp hội Chế biến Thủy sản Xuất khẩu Việt Nam (Vasep) tỏ ý hy vọng đây sẽ là khởi đầu tốt đẹp để tôm Việt Nam có thể ra khỏi vụ kiện bán phá giá ở Mỹ trong thời gian tới đây.

Đây là lần đầu tiên kể từ 2004, các thành viên của Hiệp hội Chế biến Thủy sản Xuất khẩu Việt Nam (Vasep) được hưởng mức thuế 0% đối với mặt hàng tôm tại thị trường Hoa Kỳ, Tổng thư ký Vasep nói BBC Tiếng Việt hôm 11/9.
Kết quả này "phù hợp và đánh giá đúng thực tế tôm xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ", ông Trương Đình Hòe nhận xét.

'Ngành tôm lạc quan'

Hồi tháng Ba, DOC đã tạm thời chấp nhận mức thuế 0% đối với tôm nhập vào trong năm 2011, và kết quả công bố ngày 10/9 xác nhận chính thức mức thuế suất này.
Đây sẽ là đà thuận lợi để tôm Việt Nam tiếp tục được hưởng mức 0% cho các năm nhập khẩu tiếp theo, ông Trương Đình Hòe tỏ ý lạc quan.
Hiện Hoa Kỳ đang xem xét mức thuế đối với các lô hàng nhập khẩu năm 2012.
Tôm VN hưởng thuế 0% vào Mỹ
Bộ Thương mại Hoa Kỳ vừa tuyên bố áp giá 0% đối với tôm, nhưng cá tra nhập từ Việt Nam vẫn bị tạm tính mức cao trong năm thứ chín.
Bạn cần mở JavaScript lên và cài phần mềm Flash Player mới nhất để nghe/xem.
"Cho đến khi có kết quả tiếp theo của kỳ xem xét hành chính lần thứ tám, các doanh nghiệp sẽ tiếp tục xuất khẩu với mức thuế tạm tính là 0%," ông Hòe nói thêm.
Tuy nhiên, đạt mức thuế chống phá giá 0% chưa phải đã là ngưỡng an toàn, vì các doanh nghiệp xuất khẩu luôn phải đối diện với rủi ro bị thu thuế hồi tố một khi mức thuế mới được xác lập.
"Nếu xuất khẩu mà phải đợi một năm rưỡi sau mới biết lô hàng của anh bị đánh thuế bao nhiêu... thì tâm lý và các hoạt động xuất khẩu sẽ không thuận lợi", Tổng thư ký Vasep nói.
Theo luật của Hoa Kỳ, việc xem xét được thực hiện hàng năm đối với mặt hàng cụ thể của một quốc gia, sau khi mặt hàng đó bị áp chống phá giá dựa trên lệnh áp thuế chống phá giá, được đưa ra dựa trên kết luận từ cuộc điều tra liên quan.
Ngày ra quyết định chống phá giá được chọn làm thời điểm để tiến hành xem xét hàng năm, và thời điểm này đối với vụ kiện tôm của Việt Nam là tháng Hai hàng năm.
Đánh giá sơ bộ được đưa ra khoảng một năm trong lúc kết quả chính thức thường được công bố trong vòng một năm rưỡi.
Cũng theo quy định của Hoa Kỳ, giới chức nước này sẽ năm năm rà soát một lần về khả năng đưa một mặt hàng cụ thể ra khỏi danh mục các sản phẩm bán phá giá, và lãnh đạo Vasep hy vọng rằng các kết quả khả quan mới đây sẽ giúp tôm Việt Nam tăng cơ hội "rút ra khỏi vụ kiện".

'Cá tra vẫn khó khăn'

"Việt Nam hiện có thể nói là quốc gia duy nhất xuất khẩu cá tra với số lượng tương đối lớn. Các nước được [Hoa Kỳ] chọn để so sánh không có ngành xuất khẩu tương ứng."
Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Vasep
Tuy nhiên, trước đó khoảng một tuần, một mặt hàng xuất khẩu chủ lực khác của ngành thủy sản Việt Nam, cá tra, đã nhận tin không vui với mức chống bán phá giá sơ bộ cao.
Ông Hòe cho biết mức thuế chính thức cho mặt hàng cá tra Việt Nam, nhập khẩu giai đoạn 8/2011-7/2012 dự kiến sẽ được kết luận vào tháng Ba năm tới.
Nếu như thuế đối với tôm Việt Nam được giảm dần xuống từ mức sơ khởi 4,57% năm 2004, thì thuế với cá tra trong chín năm theo đuổi vụ kiế chống phá giá tuy có trồi sụt trong từng thời điểm nhưng nhìn chung bị duy trì ở mức cao.
"Các bên đang cố gắng hết sức để đạt kết quả tốt nhất trong kết luận cuối cùng, nhưng hiện cũng chưa thể nói trước được gì," ông Hòe tỏ ra thận trọng về khả năng cải thiện tình hình nhập khẩu cá tra vào Mỹ.
Cả tôm và cá tra đều bị cáo buộc bán phá giá tại Hoa Kỳ, với vụ kiện cá tra diễn ra sớm hơn hai năm so với vụ kiện tôm.
Trong lúc tôm cải thiện được vị thế đều đặn, với thành công mới nhất là mức thuế 0% mới đây, thì cá tra vẫn vấp phải rào cản thuế quan nặng nề.
Ngành cá tra trong nước hiện đang gặp nhiều khó khăn
Theo tuyên bố mới nhất của DOC, ra hôm 4/9, các nhà nhập khẩu phải nộp từ 0,42 đô la đến 2,15 đô la cho mỗi kilogam cá tra từ Việt Nam.
Lý giải điều này, ông Hòe nói:
"Cá tra hiện nay không có nhiều nước sản xuất và xuất khẩu, cho nên việc so sánh [giữa sản phẩm của Việt Nam với các nước khác] không phản ánh hết các tiêu chí."
"Tôm thì nhiều nước sản xuất nên các số liệu và các giá trị xem xét là tương đồng."
"Việt Nam hiện có thể nói là quốc gia duy nhất xuất khẩu cá tra với số lượng tương đối lớn. Các nước được [Hoa Kỳ] chọn để so sánh không có ngành xuất khẩu tương ứng."
"Việc so sánh không phản ánh đúng, khiến mức thuế bị áp dao động rất lớn. Đây là một khó khăn cho mình."
Báo chí trong nước gần đây liên tiếp đưa tin nhiều doanh nghiệp mua cá tra phải tạm ngưng hoạt động, tạm ngưng xuất khẩu, nợ tiền thu mua cá kéo dài, thậm chí đứng trước nguy cơ vỡ nợ.
Tuy nhiên, các khó khăn của ngành sản xuất, xuất khẩu cá tra của Việt Nam trong thời gian gần đây "là do những nguyên nhân khác" chứ không phải do tác động của mức thuế chống phá giá cao tại thị trường Hoa Kỳ, ông Trương Đình Hòe nói.
Hoa Kỳ là một trong những thị trường chính của các thành viên Vasep, với doanh thu xuất khẩu hàng năm khoảng 200 triệu đô la đối với cá tra, và khoảng 600 triệu đô la đối với tôm đông lạnh, theo lời ông Trương Đình Hòe.


Thêm về tin này

Geen opmerkingen:

Een reactie posten