donderdag 12 september 2013

Thái Bình 2013: Tức nước vỡ bờ, dân bắn chết cán bộ (nhà báo tự do Phạm Chí Dũng)

Thứ năm 12 Tháng Chín 2013

Thái Bình 2013: Tức nước vỡ bờ

Trụ sở chính quyền tỉnh Thái Bình, nơi xảy ra vụ án. Ảnh báo trong nước
Trụ sở chính quyền tỉnh Thái Bình, nơi xảy ra vụ án. Ảnh báo trong nước

Thụy My
Chiều qua 11/09/2013, một người đã xông vào trụ sở Ủy ban Nhân dân thành phố Thái Bình, bắn thẳng vào các cán bộ Trung tâm Phát triển Quỹ đất khiến một người chết và ba người khác trọng thương. Người nổ súng tên là Đặng Ngọc Viết đã tự sát sau đó. Báo chí trong nước cho biết, nguyên nhân là do bất đồng trong việc đền bù giải phóng mặt bằng. RFI Việt ngữ đã đặt câu hỏi với nhà báo tự do Phạm Chí Dũng ở Thành phố Hồ Chí Minh về sự kiện đang làm chấn động dư luận.
 


1) Đây có phải là lần đầu tiền người dân phản kháng bằng cách sát thương có chủ đích ?
Xã hội Việt Nam vừa chứng nghiệm một bùng nổ cá nhân chưa từng có tiền lệ: Lần đầu tiên người dân phản kháng chính quyền bằng hành vi sát thương có chủ đích.
Mười sáu năm sau “cơn sóng thần” 1997 chống tham nhũng ở Thái Bình, địa phương có tỷ lệ liệt sĩ thuộc loại cao nhất nước này lại phải trải nghiệm tâm thế “cùng tất biến”. Đặng Ngọc Viết đương nhiên sẽ bị nhà cầm quyền coi là “sát nhân máu lạnh”, khi người dân này đã dùng súng colt bắn thẳng vào đầu các cán bộ đầu não của Trung tâm phát triển quỹ đất – một cơ quan trực thuộc Ủy ban nhân dân thành phố Thái Bình. Ít nhất hai nạn nhân đã tử vong.
Những xác nhận ban đầu cho thấy không có bất kỳ dấu hiệu tâm thần nào nơi hung thủ. Ngược lại, người gây án đã dường như chủ tâm tìm cho một mình sự kết thúc tương tự với các nạn nhân của anh ta.
Những tin tức ban đầu cũng xác nhận không có mối quan hệ tư thù nào giữa các nạn nhân với kẻ giết người. Vậy nguồn cơn còn lại thuộc về mối quan hệ nào?
Khác với vụ đánh bom tự sát xảy ra ở thị trấn Bạch Hạt Than, huyện Xảo Gia, tỉnh Vân Nam của Trung Quốc vào ngày 10/05/2012 khiến 4 người chết và 16 người bị thương, mà báo chí Bắc Kinh không dám thừa nhận về nguồn cơn phẫn uất do bị thu hồi đất, giờ đây truyền thông Việt Nam đã đưa thông tin ban đầu về mối liên quan giữa hung thủ với vụ việc thu hồi và giải tỏa đất, mà gia đình anh ta lại là một trường hợp rất thiếu may mắn trong số đó.
Nhưng bất hạnh bao trùm lên tất cả là “cùng tất biến” đã hóa thân thành logic từ mọi mâu thuẫn đến xung đột đất đai trong xã hội Việt Nam từ hai chục năm qua. Nếu từ năm 1995, vào lúc con sóng đầu cơ bất động sản đầu tiên thời mở cửa ồn ào cảnh sắc lợi nhuận và bắt đầu kéo theo bệnh dịch đền bù đất đai từ không thỏa đáng đến thảm cảnh bất công, dẫn tới hiện tượng những người dân phải mang can xăng đến trụ sở chính quyền địa phương đe dọa tự thiêu…, thì từ năm 2000 đến nay, hình ảnh tuẫn tiết đó đã xảy ra không ít lần, không ít nơi, bùng cháy những cái chết theo đúng nghĩa đen.
2) Nguyên nhân có phải từ thái độ vô cảm của chính quyền ?
Song trái ngược với hậu quả khốc hại của dân oan, các nhóm lợi ích bất động sản và nhóm thân hữu chính trị vẫn chìm sâu trong vũng lầy của những từ ngữ lóng lánh nghĩa bóng. Mọi thông tin về những câu chuyện tang thương của dân mất đất luôn bị các cấp chính quyền tìm cách bưng bít.
Cho đến năm 2009, số đại gia địa ốc đã tăng vọt ở Việt Nam, rất đồng cảm với những gì đã hiện hình ở quốc gia có đường biên giới chung hòa mang tên “Mười sáu chữ vàng”.
Trước khi nổ ra cơn “cùng tất biến” của Đặng Ngọc Viết ở Thái Bình, các cơ quan chính quyền luôn giao đãi bằng khẩu ngữ “là bạn của dân” đã có quá đủ thời gian để rút ra một bài học đắt đỏ từ câu chuyện Cống Rộc, Tiên Lãng, Hải Phòng, nơi mà một con người được xem là viết hoa như Đoàn Văn Vươn cùng gia đình đã làm nên dấu ấn phản kháng đầu tiên bằng vũ khí sát thương đối với lực lượng công vụ, cũng liên quan mật thiết đến việc thu hồi đất và bóng dáng của một nhóm lợi ích lẩn khuất phía sau việc cướp đất của nông dân.
Chỉ có điều, sự đau đớn của người dân luôn bị nhân gấp đôi: Một do thái độ hành xử vô lối của chính quyền, và tiếp theo là những kẻ được xem là “công bộc”, ngoài thói quen vun vén tài sản trên máu xương đồng bào, đã không tích góp được bất kỳ kinh nghiệm xương máu nào trong cuộc đối mặt và cả đối đầu với dân chúng.
Nhìn rộng hơn và trượt qua thời gian từ rất nhiều năm, lịch sử đã nhận ra bài học lớn nhất là một cơ chế độc trị đã không ngộ được bất cứ bài học nào từ lịch sử về việc cai trị các công dân của mình.
2.000 bài viết phẫn uất sôi sục trên phần lớn báo chí trong nước về số phận “người nông dân nổi dậy” ở Hải Phòng vào đầu năm 2012 đã chẳng mấy có tác dụng, bởi chính thái độ coi thường dân của rất nhiều quan chức vô cảm. Thậm chí, viên đại tá có tên là Đỗ Hữu Ca – giám đốc Công an Hải Phòng và là tác giả của giai thoại được xem là “trận đánh đẹp” vào gia đình Đoàn Văn Vươn, còn được phong hàm tướng sau sự việc đau buồn đó.
3) Như vậy là chính quyền vẫn chưa rút ra được bài học Đoàn Văn Vươn ?
Nhưng một khi không có ai rút ra được bài học nào từ lịch sử, lịch sử sẽ bắt một ai đó phải trả giá. Lần đầu tiên, sự phản kháng của dân chúng, dù mới chỉ biểu hiện ở vai trò một cá nhân, đã vượt quá mọi giới hạn của kìm nén và sợ hãi. Lần đầu tiên, thói vô cảm quan chức đã phải một cái giá rất đắt đỏ, như một món hàng xôi thịt ngoài chợ.
Mối liên hệ trực tiếp giữa cơ quan giải phóng mặt bằng, mà thực chất là đội thi hành cưỡng chế của Thái Bình, với gia đình hung thủ Đặng Ngọc Viết có thể đã đủ cấu thành để làm nên mối xung khắc hết thuốc chữa. Từ nhiều năm qua, người dân lành ở nhiều địa phương đã biến thành dân oan và kéo nhau rồng rắn đi khiếu tố ở Hà Nội, TP.HCM về sự bất nhẫn có độ chênh lệch từ 10-20 lần giữa giá đền bù đất với giá bán buôn chính lô đất đó, về số phận bị bỏ mặc và còn được mô tả “không khác con vật” của lớp dân oan, và cả về điều tiếng bầm dập từ chuyện một quan chức của Quốc hội đòi đánh thuế người dân đi khiếu kiện, đến người đứng đầu cơ quan Tổng thanh tra chính phủ đòi cưỡng chế chính những người đi đòi quyền lợi chính đáng về đất đai…
Tất cả đã phải trả giá, trả giá cho ngày hôm nay và gần như không thể khác cho cả tương lai những tháng năm sắp tới, đối với sự vô cảm quan chức mà xã hội đã lên án quá dày dặn nhưng lại chưa một quan chức trơ lì nào bị kết án.
4) Nguy cơ hỗn loạn xã hội ?
Không thể nói khác hơn, một quy luật tâm lý xã hội đã hình thành: Não trạng và cách hành xử vô cảm đến mức bất chấp của giới quan chức đã tiếp biến với hành động phản kháng mang tính bất chấp không kém của dân chúng. Mười sáu năm trước, người dân Thái Bình nổi dậy nhưng chỉ đến mức bắt giữ cán bộ chính quyền trong một thời gian ngắn, nhưng đến năm 2012 gia đình Đoàn Văn Vươn đã chống trả quyết liệt lực lượng cưỡng chế đất đai tuy chỉ bằng tư thế thụ động, còn nay tâm thế sợ hãi đã biến thành hành vi trả thù chủ động của người dân. Tín hiệu hỗn loạn xã hội cũng từ đó mà nảy nở, mà bùng phát.
Khó có thể khác hơn, nạn thu hồi đất vô lối và thói cai trị dân chúng bằng bạo lực ở nhiều địa phương đang dẫn đến triển vọng bùng nổ phản kháng của nông dân. Không còn là những phản ứng tích tụ ngấm ngầm nhưng không dám bộc phát như những năm trước, giờ đây hành động phản kháng đã có dấu hiệu vượt qua tâm lý sợ sệt và lằn ranh pháp luật, chĩa thẳng mũi công kích vào những cán bộ chính quyền cận kề nhất. Đó cũng là nhận thức “hồi tố” – một dạng tâm lý rất nguy hiểm trong lịch sử xã hội Việt Nam mà không ít lần đã dẫn đến những xáo trộn tự phát và kinh khủng, dẫn tới những cuộc khởi nghĩa có tổ chức của nông dân ở khắp mọi nơi.
Nhà nước Việt Nam đương đại đã từ lâu bỏ quên lời dạy “lấy dân làm gốc” của Nguyễn Trãi. Trong lúc nhiều quan chức cao cấp vẫn cố tỏ ra bình thản trong các cuộc họp mà chẳng mấy ai dám chịu trách nhiệm cá nhân để quyết định những vấn đề “nhạy cảm”, tâm lý hồi tố tự phát nơi dân nghèo lại đang có chiều hướng phát lộ ngay trước mắt ở một số vùng nông thôn miền Bắc và miền Trung - những nơi mang sắc thái dã man nhất của các nhóm lợi ích và hành xử mang tính côn đồ và lưu manh nhất của một số viên chức chính quyền.
Cho dù sắp tới các cơ quan tuyên giáo của Nhà nước có quy kết hành vi của hung thủ Đặng Ngọc Viết là “khủng bố”, xã hội sẽ không thể nào tránh khỏi câu hỏi liệu có xảy ra một cơn sóng phản kháng tự phát và dữ dội của dân oan nhắm vào các lực lượng thường liên quan ích lợi nhất với các quyền lợi dự án, kế hoạch bồi thường, cưỡng chế và giải tỏa đất đai tại các vùng nhạy cảm như Nam Định, Thái Bình, Hưng Yên, Bắc Giang…, và tất nhiên không thể loại trừ Nghệ An – nơi vừa nổ ra vụ xung đột không khoan nhượng giữa công đồng kitô hữu với chính quyền và cảnh sát vũ trang…
RFI Việt ngữ xin cảm ơn nhà báo Phạm Chí Dũng.

http://www.viet.rfi.fr/quoc-te/20130912-ngoai-truong-my-nga-thao-luan-ke-hoach-do-bo-kho-vu-khi-hoa-hoc-cua-syria-0

Thứ năm, 12/9/2013 20:13 GMT+7

Hung thủ nổ súng ở Thái Bình tự sát dưới chân tượng Phật

Ăn xong bát cơm chay, Viết ngồi trầm tư dưới chân tượng, thi thoảng quỳ gối chắp tay vái. Hai tiếng súng chát chúa vang lên, người trong chùa chạy ra thấy người đàn ông nằm sấp, ngực đầy máu.

Sáng 11/9, căn nhà cấp 4 ba gian của Đặng Ngọc Viết (thủ phạm nổ súng vào 5 cán bộ tại UBND thành phố Thái Bình) chật kín người. Bên linh cữu cha, cô gái 18 tuổi và em trai 10 tuổi nấc nghẹn trong bộ áo tang. Ngày mai, Viết được gia đình hỏa táng tại Hải Phòng.
Ông Phạm Văn Lào (tổ trưởng dân phố, phường Kỳ Bá, thành phố Thái Bình) bảo thấy bất ngờ khi hay tin Viết xông vào trụ sở UBND thành phố nổ súng bắn người, rồi tự sát. Ông cho hay, Viết sống khép kín, không thân thiết với hàng xóm nhưng cũng chẳng điều tiếng.
dam-tang-480-2310-1378989825.jpg
Người nhà kể rằng trước khi đi gây án, Viết đã chuẩn bị di ảnh.
Viết sống ly thân, vợ ở Nga. Hai con sống cùng ông bà ngoại tại thành phố Thái Bình. Viết làm lao động tự do, ở với anh trai bị nhiễm chất độc da cam tại phường Kỳ Bá.
"Viết hiền và nhanh nhẹn. Hai anh em thường chỉ nấu cơm, đồ ăn mua ở ngoài", một người hàng xóm cho hay. Anh cả của Viết là Đặng Ngọc Vinh nhận được tin em trai bắn người tại trụ sở thành phố thì vội lao đến nhưng không thấy Viết đâu. Cả gia đình và công an cùng đi tìm. “Chắc em tôi bức xúc vì chuyện đất đai, cho rằng mức thu hồi rẻ mà giá mua đất mới thì cao", ông Vinh nói.
Ông cho hay ban đầu Viết đồng ý nhận tiền đền bù của Ban giải phóng mặt bằng dự án khu dân cư, tái định cư và công trình công cộng phường Kỳ Bá và Trần Lãm. Sau đó, Viết muốn nhận đất tái định cư thì không được. "Nó đã 5 lần gửi đơn nhưng không được giải quyết", ông Vinh kể.
Theo nhà chức trách sau khi bắn 5 cán bộ phụ trách đền bù, Viết trốn về quê tại huyện Kiến Xương, Thái Bình. Bà Lê Thị Tám (57 tuổi) cho biết khoảng 15h ngày 11/9 gặp Viết tại chùa Đông Sơn, thấy lang thang vãn cảnh.
"Chắp tay đi vòng quanh lăng Quan âm chừng 30 phút, ông ta trò chuyện cùng mọi người, tâm sự việc đền bù giải tỏa đất đai với thái độ rất buồn chán", bà Tám kể.
Đến khoảng 18h, Viết xin chùa ăn một bát cơm chay, sau đó ngồi trầm tư ở lăng, thi thoảng quỳ gối dưới chân tượng Phật. Khoảng 19h, bà Tám đang trong bếp thì nghe hai tiếng nổ lớn, giống tiếng pháo.
tuong-phat-4801.jpg
Khu vực Viết tự sát. Ảnh: Hoàng Thùy
Ông Phạm Công Uynh (76 tuổi, hội trưởng phật tử chùa Đông Sơn) cùng mọi người vội lấy đèn ra soi. Viết nằm gục dưới chân tượng, thở dốc, miệng sùi bọt mép, trên ngực vết thương loang máu. “Công an mò, thu được khẩu súng dưới ao trong chùa”, bà Tám nói.
Trao đổi với VnExpress.net, Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất thành phố Thái Bình Phạm Văn Tư cho biết, quá trình giải phóng mặt bằng không thấy có khúc mắc với gia đình Viết. "Ông ta chưa gửi đơn đến chúng tôi, trình bày miệng về mong muốn thì có”, ông Tư nói.
Theo ông Nguyễn Hải Trường, Chánh văn phòng UBND thành phố Thái Bình, hơn 180 trong tổng số gần 220 m2 đất của gia đình Viết bị thu hồi phục vụ dự án. Theo khung giá đền bù đợt 1, tổng tiền Viết được đền bù là 560 triệu đồng và đã nhận 500 triệu. Sau đó Viết không muốn nhận tiền mà muốn lấy đất đền bù. Việc này hai bên đang giải quyết, chưa có quyết định cuối cùng.
gay-an-480-1868-1378989825.jpg
Khu nhà làm việc của Trung tâm phát triển quỹ đất Thái Bình - nơi Viết xông vào gây án. Ảnh: Phương Sơn

"Nếu cho rằng anh Viết quá bức xúc vì giá đền bù không thỏa đáng thì không đúng. Khung giá đã có quy định, không có chuyện thấp hay cao. Hơn nữa phần lớn người dân đồng tình, không hiểu tại sao anh Viết lại manh động như vậy”, ông Trường nói.
Vị này cho hay, dự án khu đô thị Kỳ Bá đã hoàn tất khoảng 95% giải phóng mặt bằng, đang bắt đầu thi công.
Hoàng Thùy – Bá Đô
 
http://vnexpress.net/tin-tuc/phap-luat/hung-thu-no-sung-o-thai-binh-tu-sat-duoi-chan-tuong-phat-2878588.html

Thứ năm, 12/9/2013 17:34 GMT+7

Phút đối diện kẻ nã đạn ở Thái Bình 

Sau câu hỏi "giám đốc đâu", Đặng Ngọc Viết bất ngờ rút súng bắn vào đầu cả 3 người. Chạy sang phòng bên, ông ta tiếp tục nổ 3 phát đạn rồi tẩu thoát.

Trưa 12/9 tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình, anh Bùi Đức Xuân, một trong 5 nạn nhân trong vụ nã đạn tại trụ sở UBND TP, vừa trải qua cuộc phẫu thuật gắp đầu đạn phía sau đầu. 
Nằm nghiêng trên giường với vết thương vừa khâu, anh Xuân kể, chiều 11/9 anh đang ngồi cùng đồng nghiệp Vũ Công Cương, ông Vũ Ngọc Dũng (Phó giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất thành phố) trong phòng làm việc thì một người đàn ông đột nhiên đi vào hỏi: "Giám đốc Tư đâu?".
Ông Dũng ngồi gần cửa vừa hỏi gặp giám đốc có việc gì thì bất ngờ bị vị khách rút súng bắn vào đầu ở cự ly khá gần. "Hắn chĩa súng vào tôi và anh Dũng bóp cò khiến cả hai không ai kịp tránh", anh Xuân nói.
"Trong lúc choáng váng, tôi thấy hắn bỏ chạy ra ngoài. Chỉ kịp nghe nhiều tiếng nổ liên tiếp", anh Xuân kể.
anh-xuan-480-7331-1378978494.jpg
Anh Xuân với vết thương sau đầu nằm điều trị tại bệnh viện. Ảnh: Bá Đô
Tại phòng kế bên, anh Nguyễn Thanh Dương cũng trở thành nạn nhân của phát súng tiếp theo khi bị bắn sượt qua sống mũi, rách mí mắt trái. Chị Phạm Thị Lan Anh (Phó giám đốc trung tâm) vội trốn dưới gầm bàn nên bị đạn sượt qua tai. Một người nữa kịp nấp sau chậu cây cạnh, thoát khỏi đường đạn.
Một nữ cán bộ Trung tâm kể, nghe tiếng nổ chát chúa, mọi người túa ra, nhìn thấy người đàn ông chừng 50 tuổi, tay lăm lăm khẩu súng chạy trong sân, tất cả hoảng sợ đóng kín cửa. Vài phút sau, hung thủ khuất dạng. Trong trụ sở UBND TP nhiều nạn nhân nằm vật vã.
Tại Bệnh viện đa khoa Thái Bình bác sĩ Lâm Anh, Phó khoa gây mê cho biết, khoảng 14h30 chiều 11/9, bệnh viện tiếp nhận 5 bệnh nhân là cán bộ giải phóng mặt bằng thành phố Thái Bình. Do ông Dũng bị nặng nhất nên các bác sĩ đã chuyển lên tuyến trên (người này đã tử vong ngay trong đêm); anh Xuân bị bắn vào vùng chẩm bên phải. Anh Dương bị đạn trúng hố mắt trái.
anh-Cuong-480-9426-1378978494.jpg
Anh Cương hiện vẫn mệt mỏi, không muốn nhắc lại chuyện đã xảy ra. Ảnh: Bá Đô
Em gái anh Dương cho hay, chiều 11/9 thấy anh gọi điện nhắn bảo vợ chuẩn bị 2 bộ quần áo mang tới bệnh viện tỉnh.  "Không biết có chuyện gì xảy ra, khi đến nơi tôi thấy mặt anh đầy máu".
Tại Hà Nội, bác sĩ Nguyễn Quốc Anh (Trưởng khoa chấn thương, Bệnh viện mắt Trung ương) cho biết, anh Dương được chuyển lên với vết thương vùng mắt phải. “Có hai dị vật nằm trong vùng mắt bị tổn thương, một cái nằm sâu. Nếu dị vật không gây ảnh hưởng đến dây thần kinh thì có khả năng cứu chữa, song thị lực chắc chắn sẽ bị giảm sút", bác sĩ Anh nhận định.
duong2-5994-1378965218.jpg
Vợ anh Dương (áo đen) cùng người thân túc trực bên ngoài phòng xét nghiệm. Ảnh: Việt Dũng.
Chiều nay, chánh văn phòng UBND thành phố Nguyễn Hải Trường cho biết, do Đỗ Ngọc Viết hung thủ duy nhất của vụ án đã tử vong nên công an đã đình chỉ điều tra vụ án giết người. Tuy nhiên, phía công an chưa xác nhận thông tin này.
Nguyên nhân gây án của Đặng Ngọc Viết được cho là do mâu thuẫn trong việc bị thu hồi đất ruộng phục vụ dự án khu dân cư, tái định cư và công trình công cộng phường Kỳ Bá và Trần Lãm tại thành phố Thái Bình.
Trung tâm phát triển quỹ đất thành phố Thái Bình phụ trách việc giải phóng, đền bù giải tỏa tại phường Kỳ Bá, có 3 phòng đặt tại trụ sở UBND thành phố Thái Bình.
Nhóm phóng viên
 
 
 
Thứ năm, 12/9/2013 12:22 GMT+7

Có thể đình chỉ vụ án bắn 5 cán bộ tại Thái Bình

Sáng 12/9, Công an Thái Bình khẳng định Đặng Ngọc Viết (42 tuổi, phường Kỳ Bá, TP Thái Bình) là người duy nhất xông tới UBND thành phố Thái Bình nã đạn vào 5 cán bộ đang làm việc đã tự sát. Vụ án có thể bị đình chỉ.

Theo nhà chức trách, chiều 11/9 ngay sau khi gây án, Viết bỏ trốn và bị Công an tỉnh Thái Bình ra lệnh bắt khẩn cấp. Vụ án giết người xảy ra tại trụ sở UBND thành phố Thái Bình được khởi tố.
Ít giờ sau, cảnh sát phát hiện xác nghi can tại xã Trà Giang, huyện Kiến Xương. Đặng Ngọc Viết được cho là đã tự sát bằng chính khẩu súng gây án.
hien-truong-480-5010-1378962315.jpg
Công an bảo vệ hiện trường phía trước UBND thành phố Thái Bình. Ảnh: An ninh thủ đô
Công an tỉnh Thái Bình cho hay, Viết là nghi can duy nhất cầm súng xông vào phòng làm việc bắn 5 cán bộ thuộc Ban giải phóng mặt bằng (Phòng quản lý đất đai thành phố Thái Bình) khiến một người thiệt mạng, 3 bị thương. "Chúng tôi chưa xác định có đồng phạm với nghi can tại thời điểm xảy ra vụ án", người phát ngôn Công an tỉnh nói.
Hiện vụ nổ súng do Viết gây ra tiếp tục được Công an tỉnh Thái Bình điều tra. "Nếu không phát hiện thêm nghi phạm, cơ quan điều tra sẽ đình chỉ vụ án", một lãnh đạo Công an tỉnh Thái Bình cho hay.
Trao đổi với VnExpress.net, luật sư Vũ Tiến Vinh cho biết, theo Bộ luật Tố tụng hình sự, nếu người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết thì cơ quan điều tra có quyền ra quyết định đình chỉ điều tra.
"Nếu trong vụ án có nhiều bị can mà căn cứ để đình chỉ điều tra không liên quan đến tất cả các bị can, thì có thể đình chỉ điều tra với từng người", luật sư Vinh nói.
Chiều nay, ông Nguyễn Hải Trường, Chánh văn phòng UBND thành phố Thái Bình, cho biết, do người hung thủ Đỗ Ngọc Viết đã tử vong, cũng là nghi can duy nhất nên công an đã đình chỉ điều tra vụ án giết người. Tuy nhiên, phía công an chưa xác nhận thông tin này.
Theo cơ quan công an, Đặng Ngọc Viết chưa có tiền án, tiền sự. Nguyên nhân nổ súng do mâu thuẫn về việc gia đình Viết bị thu hồi đất ruộng phục vụ dự án xây dựng khu đô thị tại xã Kỳ Bá.
Bá Đô

Geen opmerkingen:

Een reactie posten