vrijdag 20 september 2013

Singapore luôn tìm cách nâng cao sức cạnh tranh

Thứ tư 18 Tháng Chín 2013

Singapore luôn tìm cách nâng cao sức cạnh tranh

Xe tự động chạy bằng năng lượng điện của Viện Công nghệ Nanyang Technological University (NTU), Singapore, 04/09/2013.
Xe tự động chạy bằng năng lượng điện của Viện Công nghệ Nanyang Technological University (NTU), Singapore, 04/09/2013.
REUTERS/Edgar Su

Lê Vy
Đề tài các nhật báo Pháp ra ngày hôm nay khá phong phú, từ tình hình kinh tế, chính trị, xã hội của khắp các châu lục. Trước tiên, liên quan đến châu Á, nhật báo kinh tế Les Echos quan tâm đến Singapore qua bài viết: “ Singapore, thành phố-quốc đảo luôn tìm cách nâng cao sức cạnh tranh ”.


Tờ báo điểm sơ qua về lịch sử đảo quốc. Khởi đầu từ con số không, đảo quốc Singapore được xây dựng theo một hệ thống trọng dụng nhân tài rất độc đoán dưới sự lãnh đạo của Lý Quang Diệu, cha đẻ của quốc gia này. Thành công của mô hình này là không thể chối cãi được: Cơ sở hạ tầng đô thị cực kỳ tốt, một lượng tiền mặt dồi dào, với các mức thuế thuộc loại thấp nhất thế giới. Thu nhập bình quân đầu người là 51.162 đô la, một con số mà khá nhiều nước ao ước. Do không có tài nguyên thiên nhiên và đặc biệt là nước, đảo quốc bé nhỏ này buộc phải xây dựng hệ thống tích nước mưa và nước thải để tái chế nhằm giảm thiểu lãng phí.
Báo Les Echos nhận định, Singapore có một nỗi ám ảnh lớn, đó là chạy đua nâng cao sức cạnh tranh. Bằng chứng là trên bảng xếp hạng các quốc gia trên thế giới World Competitiveness Score Board 2013, Singapore xếp thứ 5, sau Hồng Kông, đối thủ cạnh tranh trực tiếp với nền kinh tế phát triển nhất Đông Nam Á này.
Năm ngoái, năng suất tại Singapore giảm nhẹ 2,6%. Đó là một cú sốc cho nhà cầm quyền. Do đó, chính phủ đã quyết định không để bị tụt xa trong cuộc cạnh tranh này, nên đã đưa ra nhiều biện pháp. Để tìm lại sức mạnh của mình, từ nhiều năm nay, Singapore đã đầu tư ồ ạt vào các lĩnh vực mang lại nhiều giá trị như lĩnh vực nghiên cứu, đặc biệt là dược phẩm, y sinh học, hàng không vũ trụ.
Thế nhưng, tất cả những điều đó không đủ, vì Singapore phải đối mặt với tình trạng chi phí lao động tăng cao. Julien Marcilly, một chuyên gia của tổ chức Coface cho biết: “giá nhân công tăng 15% từ 5 năm nay”. Đó là hậu quả đặc biệt của tình trạng công ăn việc làm dồi dào nên đã đẩy mức lương lên cao. Tình hình này xảy ra không đúng lúc, khi mà người dân Sigapore quá ngán ngẩm, vì có quá nhiều người nước ngoài đến đây làm việc, sinh sống.
Nhập cư có chọn lọc
Dân số tại đảo quốc này đã tăng 20% trong vòng 5 năm. Trên 5,3 triệu dân thì có khoảng 40% sinh ngoài lãnh thổ Singapore. Không cần đặt lại vấn đề về mô hình xã hội đa chủng tộc, mà dựa vào đó đất nước Singapore đã phát triển, từ nay, chính phủ đã nhắm đến chính sách nhập cư có chọn lọc. Sau khi đã siết chặt các tiêu chí nhập cảnh, giờ đây, các nhà cầm quyền còn muốn đánh thuế lên các công ty nước ngoài thuê mướn nhân công ngoại quốc và giúp đỡ các công ty nào tuyển dụng người Singapore. Tranh luận về đề tài này hết sức nhạy cảm, bởi vì Singapore có một tỷ lệ sinh sản khá thấp và dân số đang già đi. Tờ báo nhận định, ngăn cản việc tuyển dụng người nước ngoài có nguy cơ đẩy đồng lương tăng cao hơn.
Giá cả địa ốc tăng vọt
Lượng người nước ngoài gia tăng tại đảo quốc còn bị quy là nguyên nhân làm cho giá bất động sản gia tăng. Hiện nay, 90% dân số làm chủ một căn hộ, đây là chủ trương mà Lý Quang Diệu đã quảng bá từ thời ông còn lãnh đạo đất nước. Thế nhưng, điều này cũng có mặt trái của nó: Đó là nhiều hộ gia đình mang đầy nợ nhiều năm gần đây, dưới sức ép của giá bất động sản.
Một thăm dò gần đây cho biết, dân số Singapore muốn tạm dừng trong một thời gian trong một cuộc đua tăng trưởng vô độ để có thể tận hưởng cuộc sống.
Syria: Bằng chứng của tội ác chiến tranh
Ngày 16/09, trước Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, Tổng thư ký Ban Ki-moon đã báo cáo kết quả xét nghiệm mẫu thử vũ khí hóa học thu thập ở Syria, cho biết đã có bằng chứng về việc sử dụng khí độc sarin và gọi đây là “tội ác chiến tranh”. Báo Le Monde cũng quan tâm đến hồ sơ này qua bài xã luận mang tựa: “Syria: bằng chứng của tội ác chiến tranh”.
Bản báo cáo của Liên Hiệp Quốc cho biết: “Kết quả này là không thể chối cãi được là vũ khí hóa học đã được sử dụng tại Syria trên diện rộng”, nhắm vào thường dân, đặc biệt là trẻ em. Bài xã luận cho biết, loại tên lửa rocket được sử dụng trong cuộc thảm sát ngày 21/08 ở ngoại ô Damas là do chế độ Assad sử dụng. Trong hai năm xảy ra nội chiến, không một nhóm nổi dậy nào sử dụng loại vũ khí này. Bản báo cáo củng cố vị thế của Mỹ, Anh, Pháp trong cuộc thương lượng hiện nay. Cuộc thương thuyết phải xác định trong nghị quyết của Hội đồng bảo an LHQ những điểm lớn của hiệp định ký kết giữa Hoa Kỳ và Nga trong việc giải trừ kho vũ khí hóa học của Syria.
Chế độ Bachar Al-Assad có một tuần để cung cấp bảng kiểm kê đầy đủ kho vũ khí hóa học. Tất cả kho vũ khí phải được tiêu hủy từ nay đến giữa năm 2014. Điện Kremlin từ chối mọi đe dọa tấn công vũ trang - một điều khoản trong chương VII của Hiến chương Liên Hiệp Quốc- trong trường hợp Damas không tôn trọng những ràng buộc của Liên Hiệp Quốc. Phương Tây thì nhấn mạnh trên tầm quan trọng của việc đe dọa tấn công vũ trang vì chính nhờ vào điều này đã làm cho Nga phải hành động. Cuối cùng, bài xã luận nhận định, Nga có cơ hội để thể hiện thiện chí của mình. Chúng ta sẽ sớm biết Nga có nghiêm túc hay không trong vấn đề này hay chỉ tận dụng thời cơ để kéo dài thời gian và củng cố vị thế cho chế độ Assad.
Bầu cử Đức : Merkel đang thắng thế
Liên quan đến thời sự tại châu Âu, báo Le Figaro quan tâm đến cuộc bầu cử sắp diễn ra vào chủ nhật tới tại Đức, nền kinh tế số một châu Âu. Với hình ảnh thủ tướng Angela Merkel cười rạng rỡ trên trang nhất, báo Le Figaro nhận định: trước thềm bầu cử vào ngày chủ nhật, thủ tướng Đức “tung tăng” đứng đầu bảng thăm dò. Những thành quả rất tích cực của bà còn là kết quả của những cải cách mà người tiền nhiệm của bà là ông Gerhard Schröeder đã tiến hành.
Báo Le Figaro ghi nhận: Hơn bao giờ hết, các tín hiệu của nền kinh tế Đức, cường quốc số một châu Âu và đứng thứ tư trên thế giới đều khả quan. Tỷ lệ tăng trưởng, ngoại thương, tài chính công hay việc làm đều vượt xa nước láng giềng Pháp. Tuy nhiên, Le Figaro cũng lưu ý: Bề trái của thành công này là hiện nay, người ta vẫn trách các chính sách của thủ tướng Merkel đã làm gia tăng bất bình đẳng và tăng vọt số lượng lao động nghèo, trong một nước, vẫn chưa có quy định về mức lương tối thiểu.
Tờ báo kết luận, nếu Merkel chiến thắng vào chủ nhật tới, thì bà sẽ phải giải quyết vấn đề xã hội này và trong những năm tới, hướng việc tăng trưởng dựa nhiều hơn về tiêu thụ nội địa và ít hơn về mặt xuất khẩu.
Hoa Kỳ : phục hồi kinh tế làm gia tăng bất bình đẳng
Với bức ảnh hai nhà tỷ phú Mỹ trên trang nhất phụ trang kinh tế: Bill Gates, người đồng sáng lập nên tập đoàn Microsoft, nhân vật số một trong bảng xếp hạng của tạp chí “Forbes” và Dustin Moskovitz, đồng sáng lập trang Facebook đứng vị trí 85, nhật báo Le Monde quan tâm đến tình hình tại Hoa Kỳ qua bài viết: “400 người giàu nhất nước Mỹ còn giàu hơn sau cuộc khủng hoảng”.
Tờ báo nhận định: Bảng sắp hạng Forbes cho thấy khôi phục kinh tế tại Hoa Kỳ làm lợi trước tiên cho những người giàu nhất. Tài sản của họ còn cao hơn so với trước khi xảy ra khủng hoảng.
Theo Le Monde, có ba yếu tố làm cho họ càng giàu thêm. Đầu tiên là giá chứng khoán tăng. 90% cổ phần của Mỹ là do 10% người giàu nhất nước Mỹ nắm giữ. Yếu tố thứ hai là giá cả bất động sản phục hồi và thứ ba là lợi nhuận công ty tăng cho phép phân chia nhiều lợi tức.
Trong một kết quả nghiên cứu về bất bình đẳng tại Mỹ, hai nhà kinh tế học Emmanuel Saez và Thomas Piketty ghi nhận: 1% những người Mỹ giàu nhất hiện nắm giữ 1/5 tổng thu nhập của Hoa Kỳ. Đây là tỷ lệ cao nhất từ năm 1913, năm mà Washington đưa ra thuế thu nhập.
Ngoài ra, báo Le Monde còn nhận định, tại Mỹ, càng ngày càng có các nhà tỷ phú trẻ. Trong danh sách các tỷ phú trẻ tuổi có Dustin Moskovitz, 29 tuổi, đồng sáng lập trang mạng xã hội Facebook, nắm giữ 5,2 tỷ đô la; Jack Dorsey, 36 tuổi, chủ nhân trang Twitter.
Úc: du lịch mang lại tiền ít hơn sinh viên nước ngoài
Nhìn sang nước Úc, báo Le Figaro phụ lục kinh tế quan tâm đến đào tạo đại học tại xứ sở kanguru, lĩnh vực mang lại khá nhiều tiền cho chính phủ qua bài viết: “Tại Úc, du lịch mang lại ít tiền hơn là sinh viên nước ngoài”.
Vào thời điểm nhập học bậc đại học tại Pháp, báo Le Figaro nhìn sang Úc, nơi mà lĩnh vực giáo dục trở thành một ngành chủ chốt đứng hàng thứ 4 trong cán cân thương mại của quốc gia này, chỉ sau sắt, than, vàng… nhưng đứng trước cả ngành du lịch. Giáo dục mang lại 10 tỷ euro hàng năm cho đất nước. Dự tính, thu nhập còn tăng lên đến 12,5 tỷ euro/năm vào năm 2020 từ việc sinh viên nước ngoài ghi danh học đại học tại Úc hay đăng ký học các khóa học tiếng Anh buổi tối.
Trong 230 000 sinh viên nước ngoài, có 1 500 sinh viên Pháp thích học tại các trường công lập nhưng lại có các “chương trình đào tạo thuộc loại đắt nhất thế giới”, đứng trước cả Hoa Kỳ, theo kết quả nghiên cứu mới nhất của HSBC. Phải cần có trung bình 18 956 euro để chi phí cho việc học. Con số này còn thay đổi tùy theo chuyên ngành lựa chọn.
Pháp: sắp ra luật phạt người mua dâm
Pháp sắp đưa ra tranh luận một đạo luật mới nhằm phạt khách mua dâm. Đây là đề tài mà báo Le Monde và Le Figaro đều chú ý đến. Báo Le Figaro có bài viết mang tựa : « Mại dâm : khách hàng sắp bị phạt ».
Các khách mua dâm được báo Le Monde phỏng vấn thì thuật lại nguyên nhân vì sao tìm đến gái mãi dâm. Một số chấp nhận trả lời báo Le Monde nhưng với điều kiện phải giữ vô danh cho họ.
Qua cuộc thăm dò do Le Monde tiến hành thì đa phần trong số khách mua dâm là người đã có gia đình, làm cha hay đã có bạn gái và sống chung với nhau. Động cơ tìm đến giải pháp này đa số được cánh đàn ông giải thích bằng việc muốn tìm kiếm cảm giác lạ, hay những người ly dị vợ cũng tìm đến để giải sầu. Giới mày râu sẵn sàng chi từ 200-300 euro cho một cuộc hẹn hò kéo dài một giờ với « một bạn tình », được cho là gái hạng sang, không giống như loại mại dâm rẻ tiền lề đường. Khách hàng loại này thường làm việc trong lĩnh vực tài chính, tin học, marketing.
Đa số không chịu được sự cô đơn nên cũng đi giải sầu. Radric, 24 tuổi, đang sống cặp với bạn chia sẻ : K hi mua dâm, anh ta có thể làm những gì mà anh ta không làm được với bạn gái của mình hằng ngày. Một nhân vật khác trạc tứ tuần thì cho là anh ta có thể khám phá nhiều kiểu phụ nữ khác nhau và lựa chọn kiểu mẫu theo tiêu chí của anh ta. Ngoài ra, những người được phỏng vấn còn nhận xét rằng, gái mại dâm chuyên nghiệp hơn trong việc làm tình. Hình thức mua dâm dễ dàng, kín đáo và không bị ràng buộc gì cả.
Trong cuộc mua bán này thì phụ nữ không phải là nạn nhân như người ta vẫn nghĩ. Một tay chơi nhận định, mấy cô gái hạng sang kiếm tiền quá dễ dàng và còn nhiều tiền hơn là cô đi làm toàn thời gian.
Nhận xét về ý định của các dân biểu muốn phạt khách làng chơi, một số khách mua dâm nhận định, đây là một ý tưởng « hèn hạ », « đạo đức giả », « ngu ngốc ». Ngoài ra, một người giấu tên còn cho rằng, cảnh sát thật khó phát hiện ra khi nào người ta mua dâm để phạt, vì anh ta có thể hẹn qua điện thoại, email, hoặc đến nhà cô gái hay ngược lại. Anh còn mỉa mai : Cảnh sát chẳng có việc gì khác làm hay sao là chực phạt khách mua dâm.
tags: Châu Á - Kinh tế - Singapore - Điểm báo
 
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20130918-singapore-luon-tim-cach-nang-cao-suc-canh-tranh

Geen opmerkingen:

Een reactie posten