donderdag 19 september 2013

Pháp đánh cuộc vào các ngành công nghệ tương lai

Thứ ba 17 Tháng Chín 2013
Pháp đánh cuộc vào các ngành công nghệ tương lai
Tập đoàn Brochier Technologies của Pháp phát triển ‘‘vải sợi thông minh’’, có trang bị chíp, cáp quang, để theo dõi điều trị một số bệnh (DR)
Tập đoàn Brochier Technologies của Pháp phát triển ‘‘vải sợi thông minh’’, có trang bị chíp, cáp quang, để theo dõi điều trị một số bệnh (DR)
Thanh Hà
34 kế hoạch để tạo ra cuộc cách mạng công nghệ thứ ba cho nước Pháp. Đó sẽ là nền tảng mạng lưới công nghiệp Pháp trong thể kỷ XXI và XXII. Paris đặt kỳ vọng vào những lĩnh vực nào và giới doanh nhân đánh ra ra sao về tầm cỡ và hiệu quả của chính sách vực dậy nền công nghiệp vừa được Paris thông báo ?
Kể từ khi lên cầm quyền vào tháng 5/2012, tổng thống Hollande và bộ trưởng Công nghiệp Montebourg đã liên tục phải đóng vai trò của những người lính cứu hỏa, khi mà các nhà máy thi nhau đóng cửa. Nào là nhà máy luyện kim của Arcelor Mittal ở Florange, rồi lại đến tập đoàn lọc dầu Petroplus, hãng xe nổi tiếng Peugeot PSA .. liên tục thông báo các kế hoạch cắt giảm nhân sự, đóng cửa các đơn vị sản xuất …
Hàng ngàn người bị mất việc cầu cứu chính quyền. Nhưng cả tổng thống François Hollande lẫn ông bộ trưởng có trọng trách vực dậy nền công nghiệp Pháp đều bó tay.
Gần một năm rưỡi sau khi lên cầm quyền, tổng thống Hollande tung ra một chiến lược mới để chinh phục lại một lĩnh vực mà dù có rất nhiều lợi thế nhưng nước Pháp lại đang bị mất đà.
Trước một cử tọa chủ yếu gồm các doanh nhân, đại diện của các tập đoàn công nghiệp nặng ký của Pháp tuần trước, tổng thống Pháp François Hollande và bộ trưởng Công nghiệp Arnaud Montebourg chính thức thông báo 34 kế hoạch được coi là những ưu tiên để hiện đại hóa mạng lưới công nghiệp của Pháp vào lúc lĩnh vực kinh tế này đang bị thu hẹp lại, nhiều mặt hàng của Pháp bị chê là vừa đắt vừa kém chất lượng.
« 34 kế hoạch này sẽ tạo nên toàn cảnh công nghiệp của nước Pháp trong tương lai. Pháp có nhiều điểm mạnh, có khả năng cải tiến công nghiệp, có tầm nhìn xa với cả một truyền thống công nghiệp, với rất nhiều các trường đại học, với các nhà nghiên cứu. Pháp cũng sẽ tiến hành cuộc cách mạng công nghiệp thứ ba. Chúng ta sẽ cùng cho ra đời những công nghệ của tương lai, những nhà máy hiện đại và những sản phẩm của tương lai ». 
Big data, cloud computing, công nghệ sinh học, tái xử lý vật liệu xây dựng, công nghệ nano, vải sợi thông minh đề đáp ứng nhu cầu của ngành y tế, xe hơi lái tự động, máy bay điện, tàu thủy sử dụng năng lượng mặt trời, xe lửa cao tốc đời mới chở được nhiều hành khách hơn, mà lại dùng ít năng lượng hơn … Đó là những lĩnh vực của tương lai mà chính phủ Pháp vừa đưa vào danh sách 34 kế hoạch được coi là ưu tiên để vực dậy một nền công nghiệp đang bị tuột dốc.
Khác với những chương trình phát triển công nghiệp đầy tham vọng từng được những người tiền nhiệm như là tướng De Gaulle hay cố tổng thống Georges Pompidou đề xướng vào những thập niên 60- 70 thế kỷ trước, khi mà kinh tế đang trong chu kỳ thịnh vượng, lần này tổng thống François Hollande tung ra một chiến lược trong thời kỳ mà tỷ lệ tăng trưởng gần như là ở số không, gần 11 % dân số trong tuổi lao động không có việc làm, chính phủ phải siết lại ngân sách nhà nước để tuân thủ luật chơi của khu vực đồng euro.
Mục tiêu của chính phủ Pháp là tạo ra thêm 45 tỷ euro trong 10 năm tới, đẩy tổng kim ngạch xuất khẩu của Pháp tăng thêm 18 tỷ euro so với hiện nay và nhất là duy trì hoặc tạo thêm 475 000 chỗ làm trong ngành công nghiệp trên toàn quốc.
Đà sa sút của công nghiêp Pháp
Trên thực tế 34 kế hoạch được tổng thống Pháp đề xướng nhằm tạo công việc làm cho người dân, làm sống lại những khu công nghiệp nổi tiếng của Pháp, từ ở các vùng miền đông bắc nước Pháp như Alsace, đến vùng Bouche du Rhône ở miền nam, từ khu vực chung quanh thành phố Lyon đến những vùng công nghiệp nặng ở miền bắc.
Căn cứ vào báo cáo về toàn cảnh kinh tế Pháp được trình lên chính phủ vào mùa thu 2012, không kể ngành xây dựng, vào năm 2000 ngành công nghiệp đem về 18 % tổng sản phẩm quốc gia. Chỉ một năm sau đó, tỷ lệ này bị đẩy lùi xuống còn 12,5 % GDP của Pháp. Trên nấc tháng công nghiệp với trọng lượng chưa đầy 13 % GDP như vậy, Pháp rơi xuống hạng thứ 15 trong số 17 nước tham gia đồng euro, thua xa Đức (26,2 %), Thụy Điển (21,2 %) hay Ý (18,6 %).
Nhìn về đội ngũ nhân công trong ngành, nếu như vào đầu những năm 1980, trên 100 nhân viên làm việc tại Pháp thì có đến 26 người làm việc trong ngành công nghiệp. Tỷ lệ đó rơi xuống còn 12,6 % vào năm 2011. Như vậy trong 30 năm qua, hàng năm lĩnh vực kinh tế này mất đi đến 2 triệu chỗ làm.
Mất khả năng cạnh tranh vì thuế lao động 
Mới vào tuần trước, Ủy viên châu Âu đặc trách về các vấn đề kinh tế Olli Rehn một lần nữa cho rằng, sở dĩ khả năng cạnh tranh của cỗ máy sản xuất ở Pháp yếu kém, do nước Pháp đánh thuế quá nặng vào các doanh nghiệp, đặc biệt là giới chủ phải đóng góp quá nhiều cho các quỹ an sinh xã hội khi tuyển dụng nhân viên. Nhận xét này không hoàn toàn chính xác.
Theo thẩm định của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, bảo hiểm xã hội của các doanh nghiệp phải đóng tương đương với 11,3 % GDP và tỷ lệ này như vậy cao gấp đôi so với mức trung bình của OCDE.
Nếu chỉ nhìn sang hai nước lân cận với Pháp là Đức và Anh, các chi phí xã hội mà giới chủ phải đài thọ chỉ tương đương với 6,7 % tổng sản phẩm nội địa của Đức và 3,8 % GDP của Anh. Ngược lại khi nhìn vào các khoản đóng góp từ phía người lao động, thì một người làm công ăn lương ở Pháp đóng góp ít hơn so với một đồng nghiệp ở Đức.
Khi tính chung khoản đóng góp xã hội của cả giới chủ lẫn giới làm công ăn lương, Pháp không đánh thuế nặng hơn Đức là bao nhiêu. Nếu như khoản đóng góp cho các quỹ xã hội từ giới chủ và người lao động ở Pháp tương đương với 20,7 % GDP, thì tại Đức tỷ lệ đó là 20,5 %. Còn nếu như nhìn vào mức thuế thu nhập của giới làm công ăn lương, thì Pháp không phải là quốc gia mạnh tay nhất : Theo thống kê của châu Âu Eurostat, Paris chỉ đứng hàng thứ 7 trong số 28 nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu.
Vậy thì lập luận quy trách nhiệm cho hàng công nghiệp của Pháp đắt đỏ hay kém khả năng cạnh tranh vì các doanh nghiệp chịu thuế quá nặng là không có cơ sở.
Câu hỏi kế tiếp là tại sao người ta nói đến đà tuột dốc của mạng lưới công nghiệp Pháp ? Tại sao các tập đoàn công nghiệp Pháp gặp nhiều khó khăn hơn các đối tác ở bên kia bờ sông Rhin ?
Theo phân tích của hai chuyên gia kinh tế Patrick Artus, thuộc ngân hàng Natixis và của giáo sư Gilbert Cette, giảng dậy tại đại học Aix Marseille, đà tuột dốc của nền công nghiệp Pháp nằm ở chỗ nhiều sản phẩm « made in France » không đủ chất lượng. Đó không phải là những mặt hàng mũi nhọn, cho nên rất dễ bị cạnh tranh, đặc biệt là từ phía hai nước láng giềng sát cạnh, như Ý và Tây Ban Nha.
Tại cả hai quốc gia này, nhân công rẻ hơn so với Pháp. Thí dụ điển hình là các nhà sản xuất da giày ở Pháp lần lượt đóng cửa, trong lúc giày của Ý và Tây Ban Nha thì rất được ưa chuộng, vì vừa bền vừa đẹp không thua gì hàng của Pháp mà lại được bán ra với cái giá thấp hơn.
Theo hai ông Artus và Cette, trong bối cảnh mà cả Ý lẫn Tây Ban Nha cùng đang gặp khó khăn, lương công nhân tại hai quốc gia này lại càng bị hạ xuống thấp, Pháp không mong cạnh tranh lại được với hai nước láng giềng đó trên cùng một gam hàng.
Chính vì thế mà đầu tư vào các lĩnh vực như nghiên cứu, các bằng sáng chế … là thượng sách. Cho dù đó là con đường dài, mà các thành quả đầu tiên sẽ chỉ được gặt hái trong 5 hay 10 năm nữa. Chính sách đó thì không hy vọng đem lại công việc làm cho người dân ngay trước mắt hoặc đưa nền công nghiệp Pháp ra khỏi đường hầm trong một sớm một chiều.
Ba trục chính cho tương lai
Trong bối cảnh đó, Paris đánh cuộc với tương lai : chính phủ Pháp dựa vào ba trục chính để vực dậy nền công nghiệp quốc gia. Ba trục đó là giai đoạn chuyển giao năng lượng, y tế và công nghệ số.
Trong lĩnh vực năng lượng, Pháp đang hướng tới những sản phẩm sạch ít gây ô nhiễm môi trường. Dự án thiết kế máy bay điện do tập đoàn công nghệ không gian EADS phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu « xoay trục » trong chính sách năng lượng đó.
Theo dự kiến vào năm 2030 EADS bắt đầu thương mại hóa loại máy bay cỡ nhỏ tôn trọng chuẩn mực của châu Âu về lượng phát khí thải CO2. Đề án này liên kết nhiều đối tác khác nhau, như là hai vùng Poitou Charente, 6 trường đại học và 12 đối tác công nghiệp như tập đoàn chế tạo phần mềm cho ngành hàng không Dassault Systèmes, hay nhà cung cấp trang thiết bị hàng không Zodiac.
Để đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng trong lĩnh vực y tế, Pháp đang phát triển nhiều sản phẩm mới như « vải sợi thông minh ». Đây là một loại vải có trang bị chíp,cáp quang, để theo dõi, điều trị một số bệnh. Tập đoàn Brochier Technologies của Pháp, một chi nhánh của hãng chuyên sản xuất tơ lụa nổi tiếng cuối thế kỷ thứ XIX hiện là một trong hai nhà sản xuất duy nhất trên thế giới.
Đến nay chưa mấy ai biết nhiều về loại vải thông minh này. Theo lời ông Cédric Bochier, giám đốc điều hành tập đoàn Bochier Technologies, vải sợi thông minh sẽ được sử dụng để điề trị bệnh vàng da nơi trẻ sơ sinh. Đó chỉ là một trong số nhiều ứng dụng cụ thể.
Kẻ bênh người chống
Đây không phải là lần đầu tiên nhà nước Pháp trực tiếp phác họa ra chiến lược công nghiệp. Thế nhưng đây là lần đầu tiên, mỗi kế hoạch được Paris đề xướng đều được đặt dưới sự chỉ đạo của một doanh nhân có uy tín trong ngành. 80 % trong số 34 lĩnh vực được coi là ưu tiên đều do chính các tập đoàn công nghiệp của Pháp, các doanh nhân đề xuớng.
Đây cũng là lần đầu tiên Nhà nước Pháp chỉ « đứng đằng sau, chỉ là điểm tựa » của các doanh nghiệp để chinh phục lại ngôi vị đã mất của ngành công nghiệp Pháp. Thí dụ dự án thiết kế máy bay chạy bằng điện được trao cho tập đoàn công nghiệp hàng không, không gian EADS. Trả lời đài RFI Pháp ngữ, ông Jean Botti, Tổng giám đốc EADS đặc trách về Cải tiến công nghệ tán đồng chiến lược của chính phủ Pháp :
« Trong lĩnh vực máy bay điện thì chúng tôi là tập đoàn tiên phong. Pháp là quốc gia đầu tiên phát huy lĩnh vực này thì chúng ta phải duy trì ưu thế đó, đặc biệt là đối với các nước đang trỗi dậy. Chúng tôi đang chuẩn bị cho thế hệ máy bay của thế kỷ XXII. Mục tiêu đề ra là sản xuất và bắt đầu thương mại hóa máy bay chạy toàn bằng điện. Để thực hiện được mực tiêu ấy, chúng tôi tìm kiếm và huy động nhiều đối tác đặc biệt là các trường đại học, các trường đào tạo kỹ sư …
Tôi hoàn toàn tin tưởng vào tuyên bố của bộ trưởng Công nghiệp, ông Arnaud Montebourg. Ông nói cuộc cách mạng công nghiệp tới đây của nước Pháp sẽ được dựa trên một cuộc cách mạng về môi trường. Tôi tin vào điều đó. Chúng tôi đề nghị một sản phẩm mới là máy bay điện. Sản phẩm đó vừa giúp làm sạch môi trường, lại vừa được tạo ra từ những công nghệ mũi nhọn ».
Về phần mình Cédric Brochier thuộc hãng Brochier Technologies trụ sở tại Lyon, chuyên sản xuất vải sợi nhưng lại đang phát triển mạng « vải thông minh » để đáp ứng nhu cầu của ngành y tế cũng tỏ ra hài lóng về hướng đi mà chính phủ Pháp đã chọn :
« Thường có một khoảng cách giữa những thông báo chính thức với thực tế. Có thể là chúng ta không nên đòi hỏi quá đáng. Thế nhưng nói chung, thì chính phủ bắt mạch đúng tình hình. Tức là nước Pháp cần củng cố lại mạng lưới công nghiệp. Để làm được việc đó thì bắt buộc là chúng ta phải nhắm tới các ngành công nghệ của tương lai, phải khuyến khích và phải dựa vào những sáng chế mới nhất.
Cái khó ở đây là làm thế nào để thuyết phục được các nhà tài trợ. Các doanh nghiệp sẽ dễ dàng huy động vốn một khi các nhà đầu tư được bảo đảm đó là một lĩnh vực có tiềm năng. Vai trò của Nhà nước ở đây không phải là để tài trợ các dự án đầu tư, mà là huy động tư nhân đầu tư vào những lĩnh vực đầy hứa hẹn đó. Một cách cụ thể đối với Bochier Technologie, chúng tôi là một cơ sở sản xuất cỡ nhỏ và tôi mong muốn là trong tương lai có thể đầu tư thêm vào các phương tiện sản xuất, tuyển dụng thêm nhân viên … Chỉ có như thế Brochier mới chóng phát triển »
Thế nhưng bên cạnh đó thì cũng có những thành phần tỏ ra hoài nghi về chương trình đầy tham vộng vừa được điện Elysée trình làng. Có những tiếng nói cho rằng, một lần nữa chính phủ sẽ huy động của công để đổ vào ngành công nghiệp, nhưng rồi tiến trình phi công nghiệp hóa là « không thể đảo ngược ». Tỷ lệ công nghiệp cho nền kinh tế chung của cả nước sẽ tiếp tục giảm đi.
Lại có những người cho rằng chính sách tái công nghệ hóa của Pháp là quá tản mạn với 34 kế hoạch được thông báo tuần qua. Nhưng có lẽ Paris đã cố tình phác thảo ra nhiều lĩnh vực ưu tiên khác nhau, tránh để « bỏ tất cả trứng vào cùng một giỏ ».
TỪ KHÓA : Kinh tế - Pháp - Tạp chí
 

Geen opmerkingen:

Een reactie posten