donderdag 12 september 2013

Microsoft mua lại Nokia: "High tech" của Châu Âu đi xuống

Thứ ba 10 Tháng Chín 2013
Microsoft mua lại Nokia: "High tech" của Châu Âu đi xuống
Tổng giám đốc Microsoft Steve Ballmer (trái) và đồng cấp Nokia Stephen Elop giới thiệu điện thoại Nokia mới với hệ điều hành Windows 8 của Microsoft, New York, 05/09/2012.
Tổng giám đốc Microsoft Steve Ballmer (trái) và đồng cấp Nokia Stephen Elop giới thiệu điện thoại Nokia mới với hệ điều hành Windows 8 của Microsoft, New York, 05/09/2012.
REUTERS/Brendan McDermid/Files
Thanh Hà
Việc Microsoft mua lại mảng điện thoại di động của Nokia tiếp tục gây xôn xao trên thị trường công nghệ cao của thế giới. Một nửa người Phần Lan chưa biết rồi đây sẽ chọn điện thoại của Apple, Samsung để thay thế cho những chiếc Nokia đã quá thân quen. Vì sao Nokia lại trao duyên gửi phận cho Microsoft ? Đâu là những tính toán của đôi bên ? Cuộc hôn nhân này liệu sẽ có tạo nên một cuộc cách mạng trên thị trường điện thoại di động quốc tế hay không ?
Họp báo chung với chủ tịch tổng giám đốc Microsoft, Steve Ballmer, lãnh đạo số 1 Nokia Stephen Elop tuyên bố : « Nokia đang đứng trước nhiều thách thức, thế giới điện thoại đang thay đổi nhanh chóng và đang đứng trước một khúc quanh quan trọng. Do vậy, Nokia phải thích nghi với tình huống ».
Để làm được điều này giải pháp tốt nhất là hợp tác với Microsoft. Thông báo nói trên đã không khiến một ai ngạc nhiên bởi vì trên thực tế cách nay ba năm khi ngồi vào chiếc ghế chủ tịch tổng giám đốc tập đoàn Nokia, Stephen Elop - người từng là một nhân vật lãnh đạo cao cấp của Microsoft - như đã phác thảo trước con đường ông sẽ đi.
Ngay từ năm 2010 không một ai nghi ngờ về khả năng hai tập đoàn của Phần Lan và Mỹ này sẽ gắn liền số phận của họ với nhau. Cho dù khi đó Nokia đang dẫn đầu cả thị trường điện thoại di động lẫn smartphone. Vào tháng 2/2011, cũng ông Elop đã thông báo dự án hợp tác chiến lược với Microsoft, cụ thể là Nokia bỏ hẳn Symbian để sử dụng hệ điều hành Windows Phone của Microsoft
7,2 tỷ đô la là khoản tiền mà tập đoàn phần mềm của Mỹ, Microsoft đã chi ra để mua lại các đơn vị điện thoại di động của Nokia, tập đoàn công nghệ nổi tiếng nhất của Phần Lan. Gần 2 tỷ đô la trong số đó được dùng để mua lại các bằng sáng chế của Nokia.
Nokia, ngành công nghệ high tech châu Âu đi xuống
Ngày 03/09/2013, tập đoàn phần mềm nổi tiếng của Mỹ, Microsoft thông báo mua lại mảng kinh doanh dịch vụ và thiết bị của cánh chim đầu đàn trong thế giới công nghệ là hãng Phần Lan Nokia. Cụ thể Nokia chuyển nhượng lại cho Microsoft các khâu kinh doanh điện thoại di động và smartphone. Mirosoft cũng sẽ kiểm soát từ khâu thiết kế đến sản xuất, lắp ráp, chính sách tiếp thị … điện thoại di động của Nokia trên khắp thế giới. Trên thực tế khoản tiền 7,2 triệu mà Microsoft chi ra để thâu tóm mảng điện thoại di động của Nokia chỉ tương đương với chưa đầy 7 % trị giá của Nokia vào năm 2000. Đó là thời kỳ công nghệ high tech đang ở trên đỉnh cao chót vót.
Với việc Microsoft mua lại một phần Nokia, không chỉ Phần Lan mà cả châu Âu vừa đánh mất công ty đại chúng cuối cùng của ngành công nghiệp điện tử. Những tên tuổi lớn như Siemens, Thomson, Philips, Alcatel đều lần lượt rút lui khỏi lĩnh vực này. Trên toàn châu Âu chỉ còn lại ba nhà sản xuất trang thiết bị viễn thông, và chỉ có một mình Ericson của Thụy Điển còn tương đối đủ vững để cạnh tranh ngang ngửa với các ông khổng lồ của Châu Á và Mỹ. Trong hai lĩnh vực khác là tin học và viễn thông, châu Âu cũng đang bị các đối thủ như Lenovo của Trung Quốc hay HTC của Đài Loan bắt kịp.
Nhìn đến hệ thống internet, thì theo như nghiên cứu của cơ quan tư vấn công nghệ cao Idate, Châu Á và châu Mỹ hiện đại hơn gấp 20 lần so với Lục địa già. Vào lúc mà các nước mới trỗi dậy từ Trung Quốc đến Thái Lan, từ Brazil đến Indonesia và thậm chí là ngay cả Việt Nam đang hăng say đầu tư để hiện đại hóa ngành viễn thông, thì tại châu Âu, trung bình mỗi năm đầu tư vào lĩnh vực chiến lược này lại bị giảm đi 2 % . Với đà nay đến năm 2020, châu Âu sẽ bị thất thu khoảng 750 tỷ euro, hơn 5 triệu chỗ làm sẽ không được phát huy.
Không còn Nokia, Phần Lan đi tìm động lực kinh tế mới
Riêng dư luận Phần Lan tuy hiểu rằng về mặt chiến lược, hợp tác với Microsoft là một tính thoán khôn ngoan, khi mà Nokia đang bị qua mặt trên thị trường smartphone quốc tế. Nhưng người dân Phần Lan thì vẫn hoang mang.
Viễn cảnh trong tương lai các kiểu điện thoại Nokia không còn lưu hành trên thế giới là một viên thuốc đắng mà người dân Phần Lan nuốt chưa trôi. Tới nay Nokia là niềm tự hào của Phần Lan, có lúc đem về đến 4 % tổng sản phẩm cho quốc gia Bắc Âu này. Tin Microsoft mua lại chi nhánh điện thoại di động của Nokia thực sự đã khiến dư luận Phần lan choáng váng.
Được thành lập cách nay đã 150 năm, Nokia từng hoạt động trong rất nhiều lĩnh vực kinh tế khác nhau, từ ngành khai thác gỗ, đến sản xuất giấy hay vỏ xe hơi, tivi … trước khi trở thành một cây đại thụ của thế giới trong ngành điện thoại di động. Trong gần 30 năm trở lại đây, thương hiệu Nokia đã trở thành niềm tự hào của người Phần Lan, khi tập đoàn này luôn đem lại thịnh vượng kinh tế cho đất nước. Từ năm ngoái, Nokia đã đóng cửa nhà máy sản xuất cuối cùng trên lãnh thổ Phần Lan, để chỉ còn giữ lại các đơn vị chuyên về khâu nghiên cứu và phát triển.
Trong thời kỳ cực thịnh Nokia đem về đến 4 % GDP cho cả nước, tỷ lệ này, hiện chỉ còn là 1 %. Thế nhưng sự kiện con chim đầu đàn của nền công nghệ điện tử Phần Lan này bị bán lại cho Microsoft còn cho thấy toàn bộ ngành nghiệp điện tử của Phần Lan đang bị khủng hoảng : mới chỉ năm 2008, lĩnh vực kinh tế này đủ sức bảo đảm công việc làm cho hơn 61 000 người lao động. Vào năm 2013, ngành điện tử chỉ còn bảo đảm được đồng lương cho 46 000 nhân viên mà thôi. Câu hỏi Helsinki đang đặt ra là liệu tập đoàn kinh tế nào sẽ đủ sức để lấp chỗ trống mà Nokia để lại ?
Đành rằng, nhiều hãng chuyên chế tạo các trò chơi điện tử của Phần Lan, như Rovio, Supercell hay Remedy, hay nhãn chuyên sản xuất cầu thang máy Kone được coi là tiêu biểu nhất cho sự thành công về phương diện kinh tế của Phần Lan, thế nhưng theo các nhà quan sát thì không một tập đoàn nào có khả năng chiếm một vị trí quan trọng như Nokia từ trước tới nay
Kinh tế Phần Lan lệ thuộc nhiều vào xuất khẩu, trong lúc mà các đối tác châu Âu vẫn chưa tỏ dấu hiệu được phục hồi để mạnh dạn nhập hàng của Phần Lan trở lại, chính quyền lại phải đối mặt với hiện tượng dân số đang bị già đi, lực lượng lao động sẽ giảm dần vào năm tới, Helsinki không thể đón nhận tin Microsoft mua lại điện thoại di động của Niokia như một tin vui.
Nokia còn lại những gì ?
Khi bán lại một mảng hoạt động quan trọng cho Microsoft, Nokia mất đi 50 % doanh thu và 32 000 nhân viên của tập đoàn Phần Lan này sẽ về làm việc dưới màu cờ của Microsoft. Trước hết từ nay trở đi smartphone dưới màu cờ và nhãn hiệu Nokia sẽ được thay thế bằng logo của Microsoft. Thứ hai là một khi đã chuyển nhượng lại cho tập đoàn phần mềm của Mỹ đến một nửa các hoạt động của mình, Nokia sẽ tập trung vào nửa còn lại. Chủ yếu là phát triển trong lĩnh vực thiết bị mạng NSN, chìa khóa của điện thoại 4G.
Hiện tại Nokia đang làm chủ 100 % mảng này và đang đặt ra mục tiêu trở thành nhà cung cấp thiết bị mạng NSN số 1 của thế giới. Điều đó cũng có nghĩa là Nokia sẽ đầu tư thêm rất nhiều vào mạng trang thiết bị NSN. Ngoài ra, Nokia sẽ là phát triểm thêm dịch vụ bản đồ số.
Tính toán của Microsoft
Về phần Microsoft, chủ tịch tổng giám đốc Steve Ballmer, nhấn mạnh trong cuộc họp báo là hợp tác với Nokia sẽ cho phép tập đoàn phần mềm của Mỹ này thúc đẩy mạnh các phát minh và cho ra đời một thế hệ điện thoại di động mới Windons Phones.
Mua lại Nokia giúp Microsoft thu hẹp khoảng cách trong sự chậm trễ của mình trên thị trường điện thoại di động, khi mà máy vi tính cá nhân bắt đầu bị coi là lạc hậu. Cách nay không lâu Microsoft từng là tập đoàn có trị giá chứng khoán số 1 của thế giới, thế nhưng rồi đứa con tinh thần của nhà tỷ phú Bill Gates này đã bỏ lỡ nhiều cơ hội để phát triển mạnh hơn nữa.
Thứ nhất là Microsoft đã không bắt mạch được cơn sốt smartphone với sự chào đời của chiếc iPhone do Apple phát hành năm 2007. Lại cũng Microsoft không lường trước sức công phá vô cùng lợi hại của hệ điều hành Android đã được Google tung ra.
Hậu quả là trong thế giới của điện thoại thông minh, hệ điều hành của Microsoft chỉ chiếm chưa đầy 4% thị phần. Hiện nay chỉ có Nokia sử dụng phần mền Windows Phone của Microsoft. Dù đã hợp tác với hãng điện thoại Phần Lan nhưng Microsoft vẫn bị gạt ra ngoài thị trường smartphone cao cấp và vẫn không với tới được các nhà sản xuất lớn như Samsung của Hàn Quốc hay HTC của Đài Loan. 80 % doanh thu của hệ điều hành Windows Phone có được là nhờ một khách hàng duy nhất : Nokia.
Bởi vậy mua lại mảng điện thoại di động của Nokia là giải pháp để bảo đảm hệ điều hành Windows Phone được trường thọ.
Về phương diện tài chính, chi ra hơn 7 tỷ đô la để thau tóm Nokia là một chuyện nhỏ, khi biết rằng dù đang gặp khó khăn, nhưng Microsoft đã tích lũy được một khoản tiền mặt 77 tỷ đô la !
Cuối cùng về mặt chiến lược, theo tính toán của Microsoft khi mới chỉ nhà cung cấp hệ điều hành Windows Phone cho Nokia, trên mỗi một chiếc điện thoại bán ra với nhãn hiệu của tập đoàn Phần Lan này, Microsoft chỉ thu vào được có 10 đô la. Nhưng một khi làm chủ cả dây chuyền sản xuất, doanh thu của Microsoft trên mỗi chiếc điện thoại di động sẽ là 40 đô la. Ban quản trị dự phóng sẽ tiết kiệm được các chi phí tốn kém khoảng 600 triệu đô trong 18 tháng đầu kể từ khi đã kết tóc se tơ với Nokia.
Thế nhưng câu hỏi đặt ra là liệu cuộc hôn nhân giữa Microsoft với Nokia liệu có làm thay đổi cục diện của thị trường các sản phẩm di động của thế giới hay không ? Theo nhiều nhà quan sát thì câu trả lời là không - ít ra là trong ngắn hạn- bởi vì Googole và Apple sẽ còn tiếp tục chiếm thế thượng phong. Hệ điều hành điện thoại di động Android của Google hiện nay đang chiếm đến 70 % thị trường smartphone quốc tế và được cả Samsung lẫn Apple cùng sử dụng.
Google, Apple cũng như Samsung không có ý nhường lại cương vị « leader » đó của mình cho bất kỳ một ai.
Cả Nokia lẫn Micorsoft cùng đề ra những mục tiêu đầy tham vọng trong cuộc hôn nhân giữa ông khổng lồ công nghệ tin học Mỹ với con chim đầu đàn của nền công nghệ high tech Phần Lan. Một số người lo ngại nhưng năm tháng đầu chung sống cặp đôi Microsoft Nokia sẽ có lủng củng. Cụ thể là Microsoft sẽ làm thế nào để điều khiển cả đội ngũ 32 000 nhân viên từ trước tới nay đã làm việc cho Nokia ?
Thêm vào đó là viễn cảnh Google, đối thủ nặng ký nhất của Microsoft sẽ ngày càng lớn mạnh và có thể kiếm soát tới 95 % thị trường smartphone… Khi đó liệu ông khổng lồ xứ Redmond sẽ ứng phó ra sao ? Tính toán thâu tóm Nokia của Microsoft bị coi cũng có nhiều rủi ro. Riêng đối với Nokia thì rút lui khỏi một thị trường mà mình đang bị mất đà là một tính toán khôn ngoan. Chính vì thế mà cổ phiếu của Nokia đã tăng vọt sau khi tập đoàn nay chính thức thông báo hợp tác chặt chẽ với Microsoft. Thế nhưng Nokia chỉ thành công với điều kiện phải phát triển mạnh những mảng hoạt động còn lại : Trang thiết bị viễn thông và thiết bị mạng NSN cùng bản đồ số Here.
 

Geen opmerkingen:

Een reactie posten