zondag 22 september 2013

Hơn 2 triệu người chết mỗi năm vì ô nhiễm không khí

Thứ bảy, 13/7/2013 10:46 GMT+7

Hơn 2 triệu người chết mỗi năm vì ô nhiễm không khí

Mỗi năm hơn hai triệu người chết trên toàn thế giới do hệ quả trực tiếp của ô nhiễm không khí do con người gây ra, trong đó Đông Nam Á là khu vực nghiêm trọng nhất.

Sương mù bao phủ Thượng Hải (Ảnh: Korobanova Marina / Fotolia)
Sương mù bao phủ Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh: Korobanova Marina / Fotolia.
Theo nghiên cứu công bố hôm qua trong tạp chí Environmental Research Letters của Viện Vật lý (IOP), ước tính khoảng 470.000 người chết mỗi năm do sự gia tăng hàm lượng ozone bởi con người gây ra, ScienceDaily đưa tin.
Cũng theo nghiên cứu, ước tính khoảng 2,1 triệu ca tử vong mỗi năm do con người làm gia tăng nồng độ bụi có kích cỡ nhỏ trong không khí (PM2.5). Những hạt bụi nhỏ liti này lơ lửng trong không khí và có thể xâm nhập sâu vào phổi, gây ung thư và nhiều bệnh về đường hô hấp.
Đồng tác giả nghiên cứu, Jason West từ Đại học bắc Carolina cho biết: “Sự đánh giá của chúng tôi về vấn đề ô nhiễm không khí ngoài trời bao gồm các yếu tố quan trọng nhất gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Một số ca tử vong thường xảy ra trong khu vực Đông Á và Nam Á, nơi có mật độ dân số cao và đây là nơi ô nhiễm môi trường không khí xảy ra nghiêm trọng".
Theo các nhà khoa học, số lượng các ca tử vong có thể do biến đổi khí hậu kể từ thời kỳ công nghiệp hóa, tuy nhiên nó tương đối nhỏ. Biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến chất lượng không khí qua nhiều cách khác nhau, nó làm gia tăng hoặc giảm các chất ô nhiễm không khí tại khu vực. Ví dụ, nhiệt độ và độ ẩm khiến tốc độ phản ứng hình thành và tuổi thọ của chất gây ô nhiễm thay đổi, lượng mưa có thể quyết định thời gian mà các chất ô nhiễm tồn tại trong không khí. Nhiệt độ cao làm gia tăng lượng được phát thải các hợp chất hữu cơ từ cây cối, sau đó nó phản ứng trong khí quyển để tạo ra ozone và các hạt vật chất khác.
Trong quá trình nghiên cứu, các nhà khoa học sử dụng một tập hợp các mô hình khí hậu để mô phỏng nồng độ ozone và bụi PM 2,5 trong những năm 2000 và 1850. Tổng cộng có 14 mô hình mô phỏng nồng độ của ozone và 6 mô hình mức độ mô phỏng của nồng độ bụi PM 2,5.
Lê Hùng
 
 
 
 
 
Thứ năm, 4/4/2013 14:27 GMT+7

1,2 triệu người Trung Quốc chết vì ô nhiễm không khí

Trung Quốc có tới 1,2 triệu ca tử vong do ô nhiễm không khí trong năm 2010, chiếm tới 40% tổng số ca tử vong vì nguyên nhân này trên toàn cầu.
> Quan không thăng chức nếu sông ô nhiễm

0
Thành phố Thượng Hải chìm trong màn không khí bị ô nhiễm. Ảnh: New York Times.
Con số thống kê được lấy từ một báo cáo nghiên cứu khoa học về những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong trên thế giới. Báo cáo này được đăng trên một tạp chí y tế của Anh vào tháng mười hai năm ngoái, dựa trên số liệu từ "Nghiên cứu gánh nặng dịch bệnh toàn cầu năm 2010". Nghiên cứu này được thực hiện bởi các nhà khoa học thuộc viện nghiên cứu tại đại học Washington và một số trường đại học khác, cùng với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Theo các nhà nghiên cứu, "ô nhiễm môi trường do các hạt vật chất" là nguyên nhân đứng thứ tư trong số các nguyên nhân hàng đầu gây nên tử vong ở Trung Quốc, sau chế độ ăn kiêng, bệnh huyết áp cao và hút thuốc lá. Ô nhiễm không khí cũng xếp thứ bảy trong danh sách các yếu tố đe dọa tính mạng loài người trên toàn thế giới, dẫn tới 3,2 triệu ca tử vong trong năm 2010.
Ấn Độ, quốc gia có lượng dân cư đông đúc tại các thành phố, cũng chịu ảnh hưởng nặng nề mà ô nhiễm không khí gây nên, với 620.000 ca tử vong trong năm 2010.
Theo ước tính trong một báo cáo khác của WHO, khoảng 1,3 triệu người trên thế giới chết sớm do ô nhiễm không khí gây nên trong năm 2011. Tháng trước, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế có trụ sở tại Paris, cũng cảnh báo rằng ô nhiễm tại các thành phố lớn có thể trở thành nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong toàn cầu trong năm 2050, xếp trên cả tình trạng mất vệ sinh và nước nhiễm bẩn. Tổ chức này cũng cho biết thêm, mỗi năm trên thế giới sẽ có khoảng 3,6 triệu người chết yểu do nguyên nhân này, chủ yếu tập trung ở Trung Quốc và Ấn Độ.
Thu Hằng
 
 
Thứ sáu, 21/6/2013 08:57 GMT+7

Ô nhiễm không khí tại Singapore đạt mức kỷ lục

Người dân tại Singapore, một trong những quốc gia sạch nhất thế giới, đang hít thở bầu không khí độc hại nhất từ trước tới nay do những đám cháy rừng tại Indonesia.
> Khói bao vây Singapore, Malaysia


d
Mức độ ô nhiễm không khí tại Singapore trong những ngày gần đây có thể gây nên các bệnh ở đường hô hấp. Ảnh: AP.
Guardian đưa tin chỉ số ô nhiễm không khí của Singarpore đạt mức 371 hôm qua – trên ngưỡng có thể gây nên các bệnh ở đường hô hấp. Chỉ số ô nhiễm lớn nhất trước đây là 226, xảy ra vào năm 1997.
Khói từ các vụ cháy rừng tại Indonesia từng bay sang Singapore và Malaysia nhiều lần, thường vào giữa năm. Nhưng mức độ nghiêm trọng của của sự việc trong tuần này đã gây căng thẳng ngoại giao. Giới chức Singapore yêu cầu Jakarta phải hành động quyết liệt hơn nữa để ngăn chặn các chủ đồn điền và nông dân đốt rừng để lấy đất trên đảo Sumatra.
“Đây là vụ ô nhiễm tồi tệ nhất mà Singapore từng đối mặt. Không quốc gia hay doanh nghiệp nào có quyền gây ô nhiễm bầu không khí để gây tổn hại tới sức khỏe và cảm giác hạnh phúc của người Singapore”, Vivian Balakrishnan, Bộ trưởng Môi trường Singarpore, viết trên Facebook.
Ban quản lý sân bay Changi yêu cầu những nhân viên điều khiển không lưu cẩn thận do tầm nhìn thấp, còn McDonald's thông báo họ dừng dịch vụ giao hàng để bảo vệ sức khỏe của người lao động.
Một số bệnh viện đóng các cửa sổ để bảo vệ những bệnh nhân lớn tuổi. Nhiều trận đấu bóng đá và đua thuyền vào cuối tuần này bị hủy.
Trong một cuộc họp báo hôm qua, Thủ tướng Lý Hiển Long nói rằng có thể khói sẽ tồn tại ở Singapore trong vài ngày tới do các điều kiện thời tiết. Ông cũng thông báo việc thành lập một ủy ban chính phủ để bảo vệ sức khỏe người dân và nền kinh tế.
“Người dân nên hạn chế ra khỏi nhà. Chúng ta sẽ cùng vượt qua tình trạng này”, ông nói.
Chất lượng không khí tại một bang phía nam của Malaysia cũng xuống mức thấp bởi khói từ Indonesia. Giới chức yêu cầu 200 trường ngừng hoạt động tới hết ngày 21/6 và tình trạng này có thể tiếp tục kéo dài nếu khói vẫn chưa tan. Chính phủ cấm người dân gây nên các đám cháy ngoài trời và những người vi phạm lệnh cấm có thể ngồi tù tới 5 năm.
Minh Long
 
 
 
Thứ ba, 9/7/2013 16:04 GMT+7

Tuổi thọ giảm vì ô nhiễm không khí

Ô nhiễm không khí khiến uổi thọ trung bình của người dân ở phía bắc Trung Quốc ngày nay thấp hơn 5,5 năm so với tuổi thọ của người dân ở phía nam.

Trung-Quoc-1373357178_500x0.jpg
Khẩu trang đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của dân thành thị Trung Quốc do không khí bẩn. Ảnh: boston.com.
Michael Greenstone, một giáo sư của Viện Công nghệ Massachusetts tại Mỹ, cùng các đồng nghiệp thu thập dữ liệu về mức độ ô nhiễm không khí và tuổi thọ trung bình của người dân tại 90 thành phố ở Trung Quốc trong khoảng thời gian từ năm 1981 tới 2000. Họ nhận thấy mật độ hạt siêu nhỏ PM2,5 (có đường kính nhỏ hơn 2,5 micromet) trong không khí ở miền bắc cao hơn 55% so với miền nam, trong khi tuổi thọ trung bình của người dân ở miền bắc Trung Quốc thấp hơn 5,5 năm so với người dân ở miền nam, AP đưa tin.
Nhóm nghiên cứu cho rằng tuổi thọ trung bình ở miền bắc thấp hơn do hoạt động đốt than đá ở đây diễn ra mạnh mẽ trong nhiều thập niên qua, khiến nồng độ bụi PM2,5 tăng vọt.
Bụi PM2,5 là một mối lo đối với giới chuyên gia y tế, bởi chúng có thể chui sâu vào phổi và gây nên các bệnh về hô hấp.
Trong suốt 30 năm - từ 1950 tới 1980 - chính phủ Trung Quốc cung cấp than đá miễn phí cho các hộ gia đình và nhà máy ở phía bắc sông Hoài (sông lớn thứ ba tại Trung Quốc) và dãy núi Tần Lĩnh để người dân sưởi ấm. Bắc Kinh thực hiện chính sách này vì nhiệt độ ở khu vực phía bắc sông Hoài rơi xuống mức rất thấp trong mùa đông.
Chủ trương phát than đã miễn phí để lại tác động rất lâu dài, bởi ngày nay người ta vẫn thấy nhiều hệ thống lò sưởi bằng than đá ở miền bắc Trung Quốc. Than đá không còn là mặt hàng miễn phí, song chính phủ vẫn trợ giá. Vì thế tỷ lệ người dân dùng than đá để sưởi vẫn khá lớn.
Francesca Dominici, giáo sư bộ môn thống kê sinh học của trường Y tế công cộng Harvard tại Mỹ, cho rằng chính sách phát than đá miễn phí của Trung Quốc đã tạo ra một môi trường lý tưởng để các nhà nghiên cứu thu thập dữ liệu về tình trạng ô nhiễm không khí.
"Chúng tôi không thể tạo một môi trường như thế trong phòng thí nghiệm", bà nói.
Minh Long
 
 

Geen opmerkingen:

Een reactie posten