donderdag 12 september 2013

Giải mã vũ khí hóa học thế giới

Thứ ba 10 Tháng Chín 2013

Giải mã vũ khí hóa học thế giới

Một binh sĩ Syria
Một binh sĩ Syria
Wikipedia

Lê Phước
Chính quyền Damas bị cáo buộc đã sử dụng vũ khí hóa học tấn công thường dân, làm thiệt mạng hơn 1.400 người. Đây đang là cớ để các nước phương Tây huy động lực lượng can thiệp quân sự vào Syria. Trong bối cảnh đó, nhật báo Le Monde hôm nay có bài lược lại lịch sử sử dụng vũ khí hóa học và cung cấp cái nhìn tổng quát về các kho vũ khí hóa học trên thế giới.


Tờ báo cho biết, trong lịch sử thế giới, vũ khí hóa học đã được sử dụng trong chiến tranh ít nhất 10 lần, trong đó có đến 6 lần được sử dụng trong giai đoạn 1915-1988.
Lần sử dụng đầu tiên của thế kỷ 20 là trong Thế chiến Thứ nhất, vào năm 1915, khi đó quân đội Đức đã dùng vũ khí hóa học tấn công Pháp. Tờ báo cũng đề cập đến việc quân đội Nhật sử dụng vũ khí hóa học tấn công quân nhân và thường dân Trung Quốc trong cuộc chiến Nhật-Trung 1938-1942.
Le Monde cũng không quên trong cuộc chiến tranh tại Việt Nam, quân đội Hoa Kỳ đã sử dụng chất khai quang có nồng độ cực cao gây hậu quả nặng nề đến hiện tại.
Còn trong thế kỷ 21 này, lần sử dụng vũ khí hóa học đầu tiên có lẽ là tại Syria, vào tháng 3, 4, 5 và tháng 8 vừa qua.
Năm 1993, Công ước cấm vũ khí hóa học đã ra đời. Từ đó, có khoảng 80% kho vũ khí hóa học trên thế giới bị phá hủy.
Trong lịch sử, Nga sở hữu kho vũ khí hóa học lớn nhất thế giới, ước tính lên đến 40.000 tấn. Xếp thứ hai là Hoa Kỳ với khoảng hơn 30.000 tấn. Nga tuyên bố đã phá hủy 70% vũ khí hóa học, còn Mỹ thì tuyên bố đã phá hủy đến 90%. Tuy nhiên, hai bên vẫn đang nghi kị lẫn nhau về tính thành thật của những tuyên bố này.
Nhìn sang Iran, Le Monde cho hay, nước này đã tuyên bố từ bỏ tất cả chương trình phát triển vũ khí hóa học và đã mở cửa cho các thanh sát viên quốc tế đến kiểm tra. Thế nhưng, Mỹ vẫn nghi ngờ Iran tiếp tục phát triển vũ khí hóa học.
Đối với Bắc Triều Tiên, tờ báo cho biết, nước này có khả năng sản xuất 5.000 tấn vũ khí hóa học mỗi năm.
Trở lại trường hợp đang thời sự là Syria, Le Monde nhắc lại, chương trình vũ khí hóa học của nước này bắt đầu được đẩy mạnh từ những năm 1980. Chính quyền Assad đã ra sức tăng cường sức mạnh vũ khí hóa học. Ước tính kho vũ khí hóa học của Syria có thể là 1.000 tấn.
Can thiệp Syria : Làn sóng phản chiến tiếp tục dâng cao
Chủ đề Syria hôm nay tiếp tục thu hút báo chí Pháp. Ngoài những nhận định xung quanh việc Nga đề nghị đặt kho vũ khí hóa học Syria dưới sự kiểm soát quốc tế, các tờ báo còn có nhiều bài cho biết làn sóng phản đối biện pháp can thiệp quân sự vào Syria, đặc biệt là tại Mỹ, đang dâng cao.
Nhật báo cộng sản Pháp L’Humanité đăng bài « Tại Washington, Obama gieo rắc sự hỗn loạn ». Tờ báo cho biết, chính phủ Obama đang ra sức vận động hành lang. Trong bối cảnh đó, dư luận Mỹ đa phần phản đối việc can thiệp quân sự vào Syria. L’Humanité còn đăng bức thư của các dân biểu thuộc phe cực tả của Pháp gửi cho các dân biểu Mỹ. Bức thư kêu gọi lưỡng viện quốc hội Hoa Kỳ nên làm mọi cách để tránh biện pháp can thiệp quân sự, để không đẩy thế giới vào một cuộc chiến vô cùng nguy hiểm.
Nhật báo cánh tả Libération và nhật báo cánh hữu Le Figaro đồng nhấn mạnh đến việc có đến 63% dân Mỹ tuyên bố phản đối can thiệp quân sự vào Syria, kể cả can thiệp hạn chế. Le Figaro cảnh báo nước Mỹ sẽ lập lại « hội chứng Irak ». Libération đăng ảnh người Mỹ xuống đường phản chiến và trích dẫn nhiều khẩu hiệu biểu tình đáng chú ý.
Nhật báo kinh tế Les Echos thì chú ý đến nguy cơ là ý định can thiệp quân sự của Nhà Trắng sẽ không được lưỡng viện thông qua. Tờ báo cho biết, dân biểu của cả lưỡng viện Mỹ có rất nhiều người kiên quyết phản chiến. Trong bối cảnh đó, tâm lý phản chiến càng lớn mạnh khi mà biện pháp thay thế cho việc can thiệp quân sự đã có và đã được ủng hộ rộng rãi : Đó là đề xuất của Nga về việc đặt kho vũ khí hóa học của Syria dưới sự kiểm soát quốc tế. Tờ báo nhấn mạnh, tổng thống Obama đang đặt cược uy tín trên hồ sơ Syria.
Cũng trong làn sóng phản chiến, nhật báo Le Monde đăng bài phân tích của chuyên gia chính trị Pháp, nhấn mạnh đến nguy cơ bất ổn cho toàn khu vực Trung Đông, nếu phương Tây can thiệp quân sự vào Syria. Bài phân tích cũng cảnh báo chính phủ Pháp không nên quá bốc đồng can thiệp vào Syria trong bối cảnh nước Pháp đang hết sức khó khăn.
Trung Quốc toan khôi phục Con đường Tơ lụa
Nhìn sang khu vực Trung Á, nhật báo cánh hữu Le Figaro chú ý đến chiến lược tăng cường ảnh hưởng tại khu vực này của Bắc Kinh qua bài viết : « Trung Quốc đặt nền tảng cho con đường tơ lụa mới ».
Tờ báo đề cập đến chuyến công du của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình tới Kazakhstan, Kirghizstan và Ouzbekistan. Đây là ba nước nằm trên tuyến đường Tơ lụa trứ danh xuất phát từ Trung Quốc trước kia.
Tờ báo dẫn lại những lời phát biểu của ông Tập Cận Bình, gợi lại thời vàng son của con đường này, và cam kết sẽ « củng cố quan hệ chính trị, phát triển hạ tầng giao thông, thúc đẩy thương mại, tạo điều kiện thuận lợi cho các dòng chảy tiền tệ và những mối quan hệ chân thành ».
Từ 20 năm, Trung Quốc đã phát triển ở khu vực này đường xá, điện, viễn thông, và đặc biệt là hệ thống ống dẫn dầu. Và chiến lược hiện tại của Bắc Kinh, theo Le Figaro, là tăng cường hợp tác với khu vực này để đa dạng hóa nguồn cung ứng dầu khí cho nền kinh tế khổng lồ đang khát năng lượng của Trung Quốc. Bên cạnh hồ sơ kinh tế, tờ báo còn dẫn lời chuyên gia cho rằng, việc tăng cường quan hệ với khu vực này sẽ có lợi cho Trung Quốc trong cuộc chiến chống khủng bố.
Thế nhưng, nhìn lại, bấy lâu nay, đây là khu vực nằm trong vòng ảnh hưởng của Nga. Bởi vậy, Le Figaro cho rằng, Trung Quốc đã và đang đi từng bước thận trọng, để vừa có thể tăng cường ảnh hưởng trong khu vực, vừa không để mất lòng Nga.
Vì sao Nhật được chọn đăng cai Olympic 2020 ?
Liên quan đến Nhật Bản, báo chí Pháp hôm nay chú ý đến việc nước này vừa được chọn đăng cai Olympic 2020. Nhật báo Le Monde đăng bài : « Những bí mật trong chiến thắng của Tokyo ».
Tờ báo đưa ra một số lí do giải thích cho việc Nhật Bản đã vượt qua Tây Ban Nha và Thổ Nhĩ Kì để giành quyền đăng cai Olympic 2020. Nguyên nhân đầu tiên, theo tờ báo, đó là cái luật bất thành văn trong Ủy ban Olympic quốc tế (IOC), theo đó nơi đăng cai Olympic phải được phân bố hợp lí cho các châu lục. Theo đó thì Châu Âu đã đăng cai vào năm 2004 tại Hy Lạp và 2012 tại Luân Đôn, thì đến năm 2020 không thể được chọn nữa.
Tuy nhiên, đó chỉ là nguyên nhân thứ yếu, mà nguyên nhân chính lại nằm ở khả năng thật sự của Nhật Bản. Le Monde cho rằng, Nhật có cơ sở hạ tầng tốt, 85% các khu thể thao nằm ở trung tâm thành phố, có nhiều kinh nghiệm trong việc tổ chức. Và đặc biệt là chứng minh được khả năng tài chính dồi dào. Trong khi đó, thì Tây Ban Nha đang trong khủng hoảng kinh tế, lại là nước Châu Âu. Thổ Nhĩ Kì là nước Châu Á nhưng có 3% lãnh thổ trên Châu Âu, và đặc biệt là đang bị bất ổn đe dọa bởi cuộc chiến tại Syria.
Bàn thêm về thắng lợi của Nhật Bản, Le Monde cho rằng, trong chiến dịch vận động, nước này đã chạm trúng vào sợi dây nhạy cảm của ban tổ chức, đó là : Dùng thế vận hội Olympic để trả lại cho người dân phần nào hy vọng sau thảm hỏa động đất-sóng thần-hạt nhân vừa qua.
Trốn thuế : Vụ đánh cướp thế kỷ
Phải thừa nhận rằng, một trong những nguyên nhân đẩy các nước chìm trong khủng hoảng, đó là nạn trốn thuế. Về chủ đề này, nhật báo Le Figaro có bài : « Trốn thuế, một thách thức mang tính toàn cầu ».
Tờ báo đề cập đến loạt phim tài liệu của nhà báo Xavier Harel được phát trên kênh truyền hình Arte của Đức và Pháp, giải mã về vấn nạn trốn thuế trên thế giới. Bộ phim trích dẫn phân tích của nhiều chuyên gia ngân hàng, và nhiều nhân chứng có liên quan.
Khán giả được cung cấp cái nhìn từ Thụy Sĩ đến Anh, rồi sang Hoa Kỳ… để thấy rằng, bấy lâu nay các nhà chính trị trên thế giới không đủ kiên quyết trong cuộc chiến chống trốn thuế. Ước tính, tiền trốn thuế trên phạm vi thế giới mỗi năm lên đến 30.000 tỷ đô la. Tại Hy Lạp, nước khủng hoảng nặng nề nhất của Liên Hiệp Châu Âu, số tiền trốn thuế có thể lên đến 20% GDP của nước này. Thế mới thấy nạn trốn thuế được dung dưỡng và tàn phá nặng nề như thế nào đối với nền kinh tế.
Pháp : Báo động về tình hình tội phạm gia tăng
Liên quan đến nước Pháp, nhật báo cánh hữu Le Figaro có bài phê phán gay gắt chính sách chống tội phạm thiếu hiệu quả của chính phủ cánh tả, với hàng tít lớn chạy trên trang nhất : «Tình trạng mất an ninh : báo động đỏ ». Tờ báo đăng số liệu thống kê mới nhất về tình hình tội phạm tại Pháp trong giai đoạn từ 8/2012 đến 7/2013, do bộ Nội vụ cung cấp ("baromètre Valls"), với nhận định, số lượng tội phạm đang có chiều hướng gia tăng so với năm trước. Thống kê cho thấy : tội phạm trộm cắp tăng 9,3%, tội phạm tình dục tăng 10,4%, tội phạm kinh tế tăng 5,9%.
Những tội được xếp vài loại nghiêm trọng cũng gia tăng : các vụ thanh toán băng nhóm tăng 10%, tiền giả tăng 14,5%, dùng chất nổ tấn công tài sản cá nhân tăng 33,7%, cướp có vũ khí ở các cửa hàng thương mại tăng 8,4%, buôn bán chất ma túy bị cấm tăng 10,2%... Chỉ có 15/96 tỉnh của nước Pháp đại lục là có tình hình tội phạm không tăng. Các tỉnh hải ngoại tuy không có trong thống kê nói trên, nhưng theo tờ báo là cũng đang có chiều hướng ngày càng nghiêm trọng. Tờ báo cánh hữu chỉ trích nặng nề sự điều hành thiếu hiệu quả của bộ trưởng nội vụ Manuel Valls nói riêng và của cánh tả nói chung, bởi từ năm ngoái, cánh tả đã nắm toàn bộ quyền lập pháp lẫn hành pháp.
Trong khi đó nhật báo La Croix mô tả "Cuộc luận chiến mới giữa bộ trưởng nội vụ Manuel Valls và 'Le Figaro' xung quanh con số thống kê về tình trạng tội phạm". Tờ báo cho biết, trong một thông điệp công bố sáng nay, 10/09, bộ trưởng Nội vụ phản đối quyết liệt các cáo buộc của Le Figaro. Theo ông, La Figaro "không chú ý đến các cảnh báo và các quy tắc mang tính phương pháp của điều tra, mà Đài Quan sát quốc gia về tội phạm và các biện pháp hình sự đã từng khuyến cáo".
Đài Quan sát độc lập nói trên đặc biệt cảnh báo về những thay đổi về mặt cách thức thống kê "liên quan đến việc hiện đại hóa các phần mềm xử lý thông tin", khiến cho việc so sánh trở nên rất khó khăn. Bộ trưởng Nội vụ Pháp cũng nhắc đến những hành động "tẩy xóa" thống kê dưới thời chính quyền trước.
La Croix ghi nhận, đây không phải là lần đầu tiên bộ trưởng Valls và Le Figaro tranh luận về số liệu tội phạm. Sau khi Bộ Nội vụ ra thông cáo, Le Figaro ngay lập tức có các lập luận phản bác qua một video được đưa lên trang mạng của tờ báo này.
Pháp lập cơ quan nghiên cứu về nạn tự tử
Nhân "Ngày phòng ngừa tự tử thế giới lần thứ 11" (ngày 10/9 mỗi năm), Pháp chính thức mở cửa Đài quan sát quốc gia về tự tử. Định chế này sẽ là một công cụ nhận thức hữu ích, giúp cho việc hiểu biết chính xác hơn về nạn tự tử, để làm cơ sở cho nhà cầm quyền hoạch định chính sách.
Năm 2010, nước Pháp có khoảng 10.509 ca tự tử, tức giảm 20% trong vòng 25 năm ở tất cả các độ tuổi, và giảm 50% ở độ tuổi vị thành niên. Tuy nhiên, các chuyên gia của Pháp cho rằng, con số này vẫn còn cao, ở mức 14,7 vụ tự tử/10.000 người, trong khi mức bình quân của Châu Âu chỉ có 10,2 vụ/10.000 người.
Chủ tịch hiệp hội quốc gia về phóng chống tự tử (UNPS), bà Françoise Facy, nhận xét : "Trong những năm gần đây, có nhiều tiến bộ phi thường trong lĩnh vực khoa học thần kinh và chụp ảnh não bộ. Việc hiểu biết ngày càng rõ hơn vận hành của não mở ra cả một lĩnh vực nghiên cứu mà ngành nghiên cứu về tự tử có thể thừa hưởng". 
tags: Lịch sử - Quân sự - Quốc tế - Tư pháp quốc tế - Vũ khí hóa học - Xung đột - Điểm báo
 
http://www.viet.rfi.fr/quoc-te/20130910-giai-ma-vu-khi-hoa-hoc-the-gioi

Geen opmerkingen:

Een reactie posten