woensdag 11 september 2013

FAO: Hàng tỉ tấn thức ăn lãng phí hàng năm

Thứ Tư, 11/09/2013




FAO: Hàng tỉ tấn thức ăn lãng phí hàng năm

'Mỗi ngày, người tiêu dùng, đặc biệt là ở những nước giàu, lãng phí thực phẩm nhiều gần bằng toàn bộ sản lượng lương thực của khu vực châu Phi cận Sahara'
'Mỗi ngày, người tiêu dùng, đặc biệt là ở những nước giàu, lãng phí thực phẩm nhiều gần bằng toàn bộ sản lượng lương thực của khu vực châu Phi cận Sahara'
CỠ CHỮ- +
Joe De Capua
Một nghiên cứu mới cho biết 1,3 tỷ tấn lương thực bị lãng phí hoặc bị mất mỗi năm, gây ra thiệt hại đáng kể cho cả môi trường và nền kinh tế. Trong khi đó ước tính khoảng 870 triệu người bị đói mỗi ngày.

Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO) vừa công bố nghiên cứu đầu tiên "phân tích tác động của việc lãng phí thực phẩm trên toàn cầu từ góc độ môi trường."

Bản báo cáo phân biệt hai khái niệm thất thoát thực phẩm và lãng phí thực phẩm. Thất thoát thực phẩm là do những nguyên nhân như thu hoạch kém, lưu trữ và vận chuyển không đầy đủ. Thất thoát thực phẩm xảy ra ở phía cung nhiều hơn. Trong khí đó, lãng phí thực phẩm xảy ra phía cầu trong quá trình chế biến, phân phối và tiêu thụ.

Tổng giám đốc FAO Jose Graziano da Silva cho biết:

“Mỗi ngày, người tiêu dùng, đặc biệt là ở những nước giàu, lãng phí thực phẩm nhiều gần bằng toàn bộ sản lượng lương thực của khu vực châu Phi cận Sahara. Hệ quả của việc lãng phí thực phẩm khổng lồ này đối với tính an ninh và bền vững của lương thực là rất lớn. Nếu chúng ta giảm được thất thoát và lãng phí thực phẩm, chúng ta sẽ có nhiều thức ăn hơn mà không cần phải sản xuất nhiều hơn và giảm bớt áp lực đè lên tài nguyên thiên nhiên.”

Bản báo cáo cho biết lượng thực phẩm được sản xuất, chưa nói đến việc tiêu thụ, "ngốn hết lượng nước tương đương với lưu lượng hàng năm của sông Volga ở Nga." Và thực phẩm không tiêu thụ cũng chịu trách nhiệm thải ra 3,3 tỷ tấn khí thải nhà kính.

Ông Graziano da Silva nói:

“Những nước đang phát triển bị thất thoát thực phẩm nhiều hơn trong sản xuất nông nghiệp. Nhưng ở những vùng có thu nhập cao, lãng phí thực phẩm ở cấp độ buôn bán và tiêu dùng có xu hướng cao hơn. Có tới 40 phần trăm của tổng số thực phẩm lãng phí ở đây so với chỉ có từ 4 đến 16 phần trăm ở các khu vực có thu nhập thấp.”

Ông Graziano da Silva cho biết còn có thêm chi phí về kinh tế.

“Hao hụt thực phẩm trị giá 750 tỷ đô la mỗi năm. Con số ấn tượng này là tương đương với GDP của Thụy Sĩ.”

Có mặt trong buổi công bố báo cáo mới là ông Achim Steiner giám đốc điều hành UNEP, Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc. Ông gọi là con số 750 tỷ đô la "là tiếng chuông cảnh tỉnh phi thường" cho những người ưu tư về an ninh lương thực và nông nghiệp:

“Con số đó thậm chí còn chưa cho thấy nhiều tác động gián tiếp liên quan đến việc tài nguyên thiên nhiên hao mòn. Những tác động về biến đổi khí hậu có lẽ không ảnh hưởng đến người tiêu thụ thực phẩm ngày hôm nay nhưng sẽ ảnh hưởng đến con cháu của họ mai này, những người này sẽ phải điều hành những nền kinh tế và quản lý các tác động này bằng những cách mà ta vẫn chưa hoàn toàn thấy hết được.”

Ông nhấn mạnh những thất thoát và lãng phí không chỉ xảy ra trên mặt đất:

“Chúng ta lại có những hiện tượng như, ở nhiều đội tàu đánh cá, đôi khi 20, 30, hay 50 phần trăm lượng cá đánh bắt được bị ném lại xuống biển. Nhưng đâu phải số cá này sẽ tung tăng bơi tiếp. Nhiều con sẽ chết và về cơ bản không còn để mà tiêu thụ hoặc để duy trì nguồn cá trên thế giới. Vì vậy, ngày nay chúng ta đang cố gắng giải quyết hiện tượng đó, bởi vì nó liên quan đến mỗi người chúng ta sống trên hành tinh này.”

Ông nói những loại thực phẩm được nuôi trồng để đáp ứng nhu cầu của các nền kinh tế đang phát triển đang tạo nên tác động to lớn đến môi trường. Nhiều nước đang theo chế độ ăn uống kiểu phương Tây tiêu thụ nhiều thịt. Gia súc thải ra rất nhiều khí gây hiệu ứng nhà kính.

“Sáng kiến của chúng tôi với website thinkeatsave.org là để tiếp cận công dân ở mọi nước, mọi châu lục, trong mọi lĩnh vực, để góp phần giải quyết hiện tượng lãng phí này, một hiện tượng không nên có, không thể chấp nhận được và không thể nào để tiếp diễn trong thế kỷ 21. Tất cả chúng ta đều có thể giải quyết vấn đề này bằng cách góp phần vào giải pháp.”

Những đề xuất nhằm giảm thất thoát và lãng phí thực phẩm bao gồm nâng cao nhận thức về những vấn đề này, thông qua các chiến dịch truyền thông, phối hợp các kế hoạch và chiến lược quốc tế, và đầu tư vào các dự án công và tư, giúp làm giảm bớt tổn thất trong chuỗi thức ăn đi từ các cánh đồng cho đến các chợ cho đến bàn ăn của người tiêu dùng.
 
http://www.voatiengviet.com/content/fao-hang-ti-tan-thuc-an-lang-phi-hang-nam/1748076.html

Thứ tư 11 Tháng Chín 2013

Hơn 1 tỷ tấn lương thực phí phạm hàng năm trên thế giới

Trái cây và rau quả là những mặt hàng thường bị lãng phí (DR)
Trái cây và rau quả là những mặt hàng thường bị lãng phí (DR)

Mai Vân
Hôm nay 11/09/2013, Cơ quan Lương Nông Liên Hiệp Quốc FAO báo động có hơn một tỷ tấn lương thực lãng phí hàng năm trên thế giới, tức tương đương với 1/3 lượng sản xuất, tốn kém khoảng 750 tỷ đô la, tác động đối với môi trường cũng không ít.


Tổng giám đốc FAO, ông José Graziano da Silva, trình bày báo cáo về vấn đề này, cảnh báo sự lãng phí ở quy mô lớn như vậy ảnh hướng đến an ninh lương thực và an ninh nói chung. Theo ông, không thể để 1/3 lương thực sản xuất trên thế giới bị phí phạm hay mất đi do cách làm không đúng, trong lúc mà 870 triệu người bị thiếu ăn.
Tác động trên môi trường của việc phí phạm, mất mát lương thực này cũng không nhỏ : theo báo cáo, hàng năm số lượng lương thực sản xuất nhưng không tiêu thụ này ngốn một lượng nước tương đương vói lưu lượng sông Volga ở Nga, và thải ra 3,3 tấn khí gây hiệu ứng lồng kính.
Việc phí phạm lương thực theo FAO diễn ra trong suốt dây chuyền từ khâu sản xuất, trữ hàng, di chuyển, phân phối đến tiêu thụ.
Nhìn chung, 54% lương thực mất mát là ở khâu sản xuất, chuyên chở, trữ hàng, 46% bị mất trong các khâu chế biến, phân phối và tiêu dùng.
Nhìn từng vùng, vùng gọi là "Châu Á công nghiệp hóa", Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, lượng rau cải và ngũ cốc lãng phí tính theo đầu người hàng năm, trung bình là 200 kí lô.
Các nước đang phát triển lãng phí nhiều là ở khâu sản xuất, ngược lại các vùng thu nhập cao, phí phạm là ở các khâu bán lẻ và người tiêu dùng phí phạm.
Trong bối cảnh tài nguyên ngày càng giới hạng, dân số thế giới gia tâng, vấn đề giới hạn lãng phí lương thực trở nên cấp bách.
Ngoài việc cải tiến phương thức sản xuất, FAO cũng khuyên thực hiện một số biện pháp, như không vứt bỏ mà tái sử dụng dưới hình thức khác : phân phối lại số dư thừa, chế biến lại thành thức ăn gia súc v.v... như Anh Quốc đã làm.
Trong khâu bán lẻ cho người tiêu dùng, FAO nêu thí dụ Tây Ban Nha. Tại nước này, có một dây chuyền cửa hàng bán rau quả theo số lượng mà người mua cần, không khuyến khích, "ép" mua nhiều để rồi vứt đi sau đó.
tags: Lương thực - Quốc tế - Theo dòng thời sự
 
http://www.viet.rfi.fr/quoc-te/20130911-hon-1-ty-tan-luong-thuc-phi-pham-hang-nam-tren-the-gioi

Geen opmerkingen:

Een reactie posten