vrijdag 20 september 2013

40 năm đưa hài cốt quân nhân Mỹ từ Việt Nam 'về nhà'

40 năm đưa hài cốt quân nhân Mỹ từ Việt Nam 'về nhà' Wednesday, September 18, 2013 5:00:02 PM








Thiên An/Người Việt

WASHINGTON, D.C. (NV) -
Quốc Hội mỗi năm đều trích ngân sách cho JPAC và DPMO tiếp tục tìm kiếm quân nhân Mỹ mất tích trên chiến trường. Lời hứa “khi họ ngã xuống chiến trường, chúng tôi sẽ làm tất cả, và bất kỳ điều gì, để mang họ về nhà trong nhân phẩm và danh dự” được Hoa Kỳ thực hiện thầm lặng, không ngơi nghỉ trong suốt 40 năm qua.

Một đội tìm kiếm của DPMO gồm nhân viên Hoa Kỳ và địa phương làm việc tại Quảng Trị. (Hình: AFP/Gettyimages)


Dù đã có cơ quan Joint POW/MIA Accounting Command (JPAC) tìm kiếm quân nhân hy sinh tại chiến trường Việt Nam ngay từ năm 1973, Quốc Hội Hoa Kỳ vẫn quyết định thành lập thêm một cơ quan tương tự nhưng hoạt động song song, hỗ trợ. Cơ quan Defense Prisoner of War/Missing Personal Office (DPMO) ra đời vào năm 1993, cũng dưới sự kiểm soát của Bộ Quốc Phòng.
Năm nay đánh dấu hành trình 40 năm hoạt động của JPAC và 20 năm của DPMO. Nỗ lực của cơ quan này trong hai thập niên qua giúp đưa tổng cộng hơn 100 thi hài binh sĩ Hoa Kỳ từ Việt Nam “được về nhà.”

Quy trình tìm kiếm


Cho tất cả quân lính trở về sau cuộc chiến, Hoa Kỳ có nhiều chương trình giúp hòa nhập với cuộc sống thường ngày. Cho những người mất tích hoặc tử nạn trên chiến trường, chính phủ nhờ đến JPAC và DPMO làm “bất kỳ điều gì, để mang họ về nhà.”
Nguyên tắc của JPAC là “Until they are home,” tạm dịch, “Cho đến khi họ về nhà.” Nguyên tắc của DPMO là “Keeping the promise,” - “Giữ đúng lời hứa.”
Câu chuyện của hạ sĩ quan y tá Michael Judd là một trong những bản tin mới nhất của DPMO đến từ Việt Nam.
Ông mất tích từ 46 năm trước trong một lần bay bị Việt Cộng oanh kích, khi vừa 21 tuổi. Một ngày đầu Tháng Bảy, 2013, gia đình ông bất ngờ nhận được thư và điện thoại từ DPMO, báo “đã tìm được thi hài người thân của gia đình tại Thừa Thiên- Huế."
Đội DPMO bắt đầu truy tìm chiếc trực thăng CH-46A của ông Judd từ năm 1993, nhưng bất thành trong nhiều năm. Hầu hết thông tin do dân địa phương cung cấp không sử dụng được. Chính quyền Việt Nam nói không hợp tác nếu chương trình tìm kiếm bị họ cho là “ảo.”
Với một số thông tin ít ỏi là sử dụng được, năm 1999, DPMO quay lại để điều tra và tìm thấy chiếc trực thăng CH-46A. Năm 2012, DPMO cho người đào xới hiện trường. Hài cốt cuối cùng được tìm thấy và xác nhận DNA là của hạ sĩ quan Judd.
Những người bạn của thanh niên Judd ngày nào nay đã lên chức ông nội, bà ngoại. Họ cùng làm lễ tiễn đưa ông tại nghĩa trang quốc gia Arlington National Cemetery, gần thủ đô Washington, vào ngày 15 cùng Tháng Bảy.
Việc xác nhận tên tuổi  một bộ hài cốt chỉ cần vài giờ đồng hồ nhờ kỹ thuật DNA tân tiến. Nhưng, việc tìm ra một bộ hài cốt mất nhiều thời gian và công sức hơn.
Sau hai thập niên hoạt động, DPMO chỉ thành công với 96 trường hợp đưa được “về nhà,” Hoa Kỳ.
Gần 600 quân nhân khác, tuy tìm ra được tung tích, không thể chuyển về Hoa Kỳ vì đã phân huỷ nặng. DPMO liệt số người này vào danh sách “no further pursuit” (không làm gì thêm nữa.) Còn lại, có tổng cộng 1,276 người vẫn  trong danh sách “mất tích” mà DPMO đang tìm kiếm.
“Thử thách lớn nhất là tìm thông tin từ thời điểm trải qua đã lâu, và thông tin mơ hồ về địa điểm chính xác cho cuộc tìm kiếm.” Trung tá Melinda Morgan, phát ngôn viên của DPMO, cho biết.
Tuy nhắc đến các khó khăn khi làm việc với chính phủ Việt Nam, bà Morgan nói DPMO có nhận được sự hợp tác từ chính phủ này để hoàn thành các bước tìm kiếm hài cốt quân nhân.
Quy trình tìm kiếm khác nhau từng trường hợp, nhưng bao gồm: thu thập thông tin, làm việc với chính phủ Việt Nam và người địa phương, điều tra hiện trường và phỏng vấn nhân chứng, cử đội khai quật đến hiện trường. Hài cốt một khi được tìm thấy sẽ được chuyển đến phòng thí nghiệm của Bộ Quốc Phòng tại Hawaii để xét DNA. Khi thông tin được xác nhận, DPMO sẽ báo lại cho gia đình quân nhân. Gia đình có quyền quyết định cách chôn cất theo ý riêng hoặc theo nghi thức của quân đội Hoa Kỳ.

Hai trung sĩ Hoa Kỳ ghi chép trước khi cho khai quật một địa điểm tại Quảng Trị. (Hình: AFP/Gettyimages)

40 năm làm việc với Việt Nam

Tìm kiếm quân nhân Mỹ mất tích tại Việt Nam là lý do mà Quốc Hội thành lập JPAC và DPMO. Tuy nay hai cơ quan này mở rộng, phụ trách việc truy tìm các quân nhân Hoa Kỳ trên toàn thế giới, Việt Nam vẫn là quốc gia mà DPMO dành nhiều nhân lực, thời gian và kinh phí.
Năm 1987, Đại Tướng John W. Vessey đến Hà Nội để thương thảo về vấn đề quân nhân Mỹ mất tích tại Đông Nam Á.
Năm 1993, Cơ quan Joint Task Force-Full Accounting (bây giờ là JPAC) thành lập đội chuyên truy tìm những quân nhân “còn sống khi được thấy lần cuối,” bao gồm nhân viên điều tra của cả Hoa Kỳ và Việt Nam.
Cũng trong 1993, Quốc Hội thành lập thêm cơ quan DPMO hoạt động song song và hỗ trợ JPAC. Hai cơ quan tuy hoạt động động lập trong các công tác điều tra, nhưng sẽ thảo luận qua “Fate Determination” để đưa ra kết luận cuối cùng trong nhiều trường hợp.
Năm 2004, đại diện của Hoa Kỳ, Việt Nam, và Cambodia họp tại Hà Nội để thảo luận về các quân nhân mất tích trong khu vực biên giới Việt Nam - Campodia. Năm 2005, một cuộc họp tương tự được mở để bàn về khu vực biên giới Việt Nam - Lào.
Năm 2012 và 2013, Hoa Kỳ tiếp tục làm việc với Bộ Quốc Phòng Việt Nam để kêu gọi họ thay đổi các quy định và tạo điều kiện dễ dàng hơn cho chính phủ Hoa Kỳ tìm kiếm quân nhân mất tích của mình.
“Những cố gắng tìm quân nhân tại Việt Nam không thay đổi so với giai đoạn mới thành lập năm 1993, khi DPMO tập trung hoạt động tại Việt Nam.” Bà Morgan cho biết. “Chính phủ Việt Nam nay có hỗ trợ  cho phía điều tra cũng như các mặt khác.”
Mỗi năm, DPMO và JPAC có khoảng bốn đợt tìm kiếm tại Việt Nam. Từng đội có 95 người , hầu hết là người Việt Nam với một số nhỏ nhân viên Hoa Kỳ, tiến hành điều tra và khai quật trong vòng 30 ngày mỗi đợt. 
Đợt tìm kiếm mới nhất vừa bắt đầu từ 2 Tháng Tám và kết thúc vào 4 Tháng Chín, tại Quảng Nam, Quảng Tri, Quảng Binh, và Thừa Thiên-Huế. Kết quả còn cần qua giám định tại Hawaii.
Đợt tìm kiếm tiếp theo sẽ diễn ra vào hai tháng cuối năm nay, tại các tỉnh Thái Nguyên, Điện Biên, Hà Tĩnh, Nghệ An và Sơn La.
Bên cạnh các thông tin liên quan trực tiếp đến quân nhân mất tích do đội tìm kiếm thu thập được, các điều tra viên của DPMO và JPAC cũng thực hiện hơn 300 cuộc phỏng vấn khác nhau với giới tướng lãnh miền Bắc, có cả Tướng Võ Nguyên Giáp, để tìm hiểu thêm về các chi tiết xoay quanh cuộc chiến.


Liên lạc tác giả: vu.an@nguoi-viet.com

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=173580&zoneid=1#.UjzLSvnCS70
 

Geen opmerkingen:

Een reactie posten