maandag 19 augustus 2013

Phương án chống xói lở bờ biển của Thái Lan

Phương án chống xói lở bờ biển của Thái Lan

Gia Minh, biên tập viên RFA, Bangkok
2013-08-18
Email
Ý kiến của Bạn
Chia sẻ
In trang này

Bản đồ Thái Lan và vùng biển
Bản đồ Thái Lan và vùng biển
Google maps

Nghe bài này
Trong chuyên mục Khoa học- Môi trường kỳ trước, chúng tôi giới thiệu đến quí thính giả hoạt động ngăn chặn xói lở bờ biển do dân chúng tại một làng chài ven Vịnh Thái Lan tiến hành thực hiện.
Trong chương trình kỳ này, mời quí vị theo dõi những công tác chống xói lở bờ biển tại Thái Lan do cấp Nhà nước và doanh nghiệp tiến hành.
Vấn nạn quốc gia
Cơ quan chức năng Thái Lan thừa nhận tình trạng xói lở bờ biển là một nguyên nhân trực tiếp của suy thoái môi trường của đất nước này. Nạn xói lở được đánh giá là trầm trọng dọc theo chiều dài bờ biển khoảng gần 3150 kilomet đi qua 23 tỉnh của Xứ Thái. Cụ thể đoạn bờ biển thuộc khu vực Vịnh Thái Lan của nước này dài hơn 2000 kilomet qua 17 tỉnh. Và phần còn lại dọc theo Biển Andaman gồm 6 tỉnh. Thống kê cho thấy có tổng cọng 830 kilomet đang bị xói lở trầm trọng, chiếm chừng 27% tổng chiều dài đường bờ biển của nước này.
Tình trạng xói lở bờ biển ở Thái Lan được cho biết đe dọa đến hệ sinh thái và nguồn tài nguyên thiên nhiên; trong đó có các khu rừng đước ngập mặn ven biển, các rạn san hô ... Thăm dò cho thấy tất cả các tỉnh quanh Vịnh Thái Lan đều phải đối diện với tình hình xói lở gây tác động đến đời sống của chừng 12 triệu người dân sinh sống tại các khu vực ven biển như thế.
Có những khu vực bị xói lở, xâm thực trầm trọng với tốc độ hơn 5 mét mỗi năm; còn mức trung bình là từ 1 đến 5 mét mỗi nă
Có những khu vực bị xói lở, xâm thực trầm trọng với tốc độ hơn 5 mét mỗi năm; còn mức trung bình là từ 1 đến 5 mét mỗi năm.
Đánh giá nguyên nhân gây nên tình trạng xói lở, xâm thực như thế, các ngành chức năng của Thái Lan cho rằng đó là hậu quả của tình trạng trái đất ấm dần lên do hiện tượng nhà kính khiến nước biển dâng bởi nhiều hoạt động sản xuất của con người suốt bao lâu nay. Đó là nguyên nhân chính. Bên cạnh đó còn có những tác nhân khác như sóng dữ của biển gây nên...
Tình trạng đáng ngại đó buộc các cơ quan chức năng của đất nước Thái Lan phải chung tay thực hiện các biện pháp quản lý chống xói lở bờ biển nhằm chặn đứng tình trạng đó.
Một kiểu kè đê bằng rọ đá chống sạt lở (minh họa) dantri.com
Một kiểu kè đê bằng rọ đá chống sạt lở (minh họa) dantri.com

Đề tài khoa học
Thái Lan là đất nước theo thể chế quân chủ lập hiến. Hoàng gia Thái Lan được nhân dân kính trọng vì có những quan tâm thiết thực đến cuộc sống của người dân.
Trong việc bảo vệ bờ biển trước nạn xâm thực, xói lở như vừa nêu, từ thập niên 80 của thế kỷ trước, quốc vương đương quyền- vua Bhumibol và hoàng hậu giúp cho ra đời Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Hoàng gia tại vùng Cha-am, thuộc tỉnh Phetchaburi.
Dự án của Trung tâm là xây dựng những hồ chứa nước, các đập ngăn nước trên núi đồi, trồng cây nhằm giúp khôi phục lại các loại rừng trong khu vực từng bị hủy hoại bởi tình trạng xói lở do nước trên núi tràn xuống gây nên và xâm thực từ ngoài biển vào.
Một trong những hoạt động đang được triển khai tại công viên của ông là việc trồng cây đước ven biển suốt gần hai thập niên qua tại đó
Hoạt động quản trị tổng hợp vùng bờ biển nhằm ngăn chặn tình trạng xói lở và cải thiện hệ sinh thái được triển khai tại Công viên Môi trường Quốc tế Sirindhorn cũng nằm ở khu vực Cha-am, tỉnh Phetchaburi.
Tiến sĩ Sonjai Havanond, giám đốc điều hành Công viên Môi trường Quốc tế Sirindhorn, hồi ngày 7 tháng 8 vừa qua cho chúng tôi biết:
Đại ý theo ông một trong những hoạt động đang được triển khai tại công viên của ông là việc trồng cây đước ven biển suốt gần hai thập niên qua tại đó. Theo ông khi nói đến quản trị tổng hợp vùng bờ biển trước tình trạng xâm thực, xói lở như lâu nay không thể bỏ qua công tác khôi phục, trồng thêm rừng đước ở ven biển.
Cũng theo lời tiến sĩ Sonjai Havanond việc trồng rừng cần được sự tham gia của nhiều người trong cộng đồng. Do đó tại Công viên Quốc tế Môi trường Sirindhorn từ khi thành lập hồi năm 2000 đến đây đã có hàng ngàn người từ các nơi đến tham gia hoạt động trồng cây gây rừng như thế.
Rừng đước Cà Mau
Rừng đước Cà Mau (minh họa) RFA

Tiến sĩ Sonjai Havanond cho biết ông từng đến tại vùng rừng đước Cần Giờ ở thành phố Hồ Chí Minh của Việt Nam để tham quan và trao đổi học hỏi kinh nghiệm tại đó để về triển khai tại Công Viên Môi trường Quốc tế Sirindhorn mà ông đang phụ trách.
Bên cạnh công tác trồng cây đước cho các vùng rừng ngập mặn ven biển, tại những vùng bờ biển cát và vùng biển đá, các đơn vị như Công viên Quốc tế Môi trường Sirindhorn còn thử nghiệm một số biện pháp khác. Đó là cho xây dựng hệ thống kết hợp các loại kè đá hai bên bờ sông cửa biển, dãi đá chắn sóng ven bờ theo hướng vuông góc với những doi đá trên bờ.
Xây dựng hệ thống kết hợp các loại kè đá hai bên bờ sông cửa biển, dãi đá chắn sóng ven bờ theo hướng vuông góc với những doi đá trên bờ.
Tất cả những công trình nhân tạo như thế giúp giảm bớt tốc độ sóng đánh vào bờ biển gây nên tình trạng xói lở.
Một biện pháp được phía doanh nghiệp tham gia tại Công viên Môi trường Quốc tế Sirindhorn ở vùng Cha-am, Phetchaburi là dãy ngăn sóng ven bờ được gọi tên ‘vòm thông minh – smart dome’.
Đây là hình thức chắn sóng giúp giảm xói mòn do sóng biển gây nên mà Hoa Kỳ từng áp dụng tại vùng biển Miami của họ cả chục năm nay rồi. Theo hình thức đã có này, Đơn vị nghiên cứu và phát triển của EGAT tức Cơ quan Phát Điện của Thái Lan triển khai tại Công viên Môi trường Quốc tế Sirindhorn.
Theo đó đơn vị tận dụng loại tro thải ra từ than đốt của nhà máy điện Mae Moh và trộn với xi măng để đúc ra các vòm thông minh như vừa nói. Vòm thông minh này có hình thức như chậu gốm úp ngược với những lỗ tròn quanh thân và đáy. Mỗi vòm như thế nặng chừng 5 tấn và bán kính đáy chừng 1 mét rưỡi. Chúng được đưa đến nơi vùng biển sóng mạnh gây xói lở và thả xuống dọc vùng nước ven bờ. Lớp chắn sóng với bốn hàng vòm thông minh dọc dài chừng 100 thước như thế giúp giảm vận tốc sóng không để sóng đánh làm xói lở bờ biển.
Giám đốc Đơn vị Nghiên cứu và Phát triển của EGAT, ông Pinij Siripuekpong, trình bày những ưu điểm của loại ‘vòm thông minh’ đó như sau:
Xây đập ngang qua Vịnh Thái Lan. Hoạt động đó có thể biến khu vực trong đập sau này trở nên một hồ lớn nước ngọt cho cả khu vực Đông Nam Á
Đại ý theo ông này thì loại tro thải từ than đốt nhà máy nhiệt điện không gây hại cho môi trường, cho các loài sinh vật biển. Vòm thông minh khác với đê chắn sóng ở chỗ không ngăn sóng hoàn toàn mà chỉ làm giảm tốc độ của sóng mà thôi. Nếu đê chắn sóng ngăn sóng lại thì sức của sóng lan ra và gây hại cho nơi khác.
Đơn vị của ông Pinij Siripuekpong cũng như Công viên Môi trường Quốc tế Sirindhorn theo dõi sát những công trình thử nghiệm đang được triển khai để xem tác dụng đến đâu nhằm điều chỉnh hay có thể triển khai tại những nơi đang gặp tình trạng xói lở bờ biển ở khắp đất nước Thái Lan.
Tầm nhìn
Song song với những công việc thực hiện lâu nay, các dự án đều hướng đến các thập niên tới với khả năng tình hình biến đổi khí hậu gây nên những tác động mới cho môi trường. Đối với vùng bờ biển là hiện tượng nước biển dâng lên thêm gây ngập các vùng bờ biển thấp từng phải đối diện nguy cơ xói lở lâu nay.
Tiến sĩ Sonjai Havanond cho biết một số kế hoạch mà ông được biết như sau:
Theo ông này thì có ý tưởng đề ra việc xây đập ngang qua Vịnh Thái Lan. Hoạt động đó có thể biến khu vực trong đập sau này trở nên một hồ lớn nước ngọt cho cả khu vực Đông Nam Á.
Tuy nhiên cũng theo tiến sĩ Sonjai Havanond thì phải tập trung vào công tác trước mắt là bảo vệ vùng bờ biển trước nạn xâm thực xói mòn với những biện pháp tái tạo giúp làm giàu vùng rừng ngập mặn ven biển, xây dựng những rạn chắn sóng nhân tạo...
Sau khi triển khai các dạng thí nghiệm, các nhà khoa học gặp nhau rút ra những hình thức phù hợp nhất để áp dụng cho từng vùng đang đứng trước nguy cơ bị xói lở, xâm thực.
Công viên Môi trường Quốc tế Sirindhron là nơi mà các nhà khoa học trong khu vực và nhiều nơi khác trên thế giới cùng hợp tác nghiên cứu. Công viên có những xe lưu động đi đến các địa phương khác nhau theo định kỳ để trình bày cho các cộng đồng dân chúng địa phương, học sinh ở các trường học về những hoạt động đang được triển khai nhằm khôi phục rừng, bảo vệ vùng bờ biển. Bên cạnh đó là những giáo dục về cách thức bảo vệ môi trường sống.
Tạp chí Khoa học- Môi trường kỳ này tạm dừng tại đây. Hẹn gặp lại quí thính giả và các bạn trong chương trình kỳ tới cũng vào giờ này trên làn sóng phát thanh của Đài Á Châu Tự Do.

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/thai-wt-cost-erosion-08182013063215.html

Dân Thái Lan bảo vệ bờ biển bị xói mòn

Gia Minh, biên tập viên RFA, Bangkok
2013-08-11
Email
Ý kiến của Bạn
Chia sẻ
In trang này

Biển đang lấn dần vào bờ với cấp độ dữ dội ở Tha Sala thuộc tỉnh Nakhon Si Thammarat ở vịnh Thái Lan  (minh họa, Photo: Lam Phong)
Biển đang lấn dần vào bờ với cấp độ dữ dội ở Tha Sala thuộc tỉnh Nakhon Si Thammarat ở vịnh Thái Lan (minh họa, Photo: Lam Phong)
Photo: Lam Phong)

Nghe bài này
Bờ biển bị xâm thực, xói lở là hiện tượng phổ biến tại nhiều vùng ven biển khắp nơi trên thế giới.
Trước mối nguy đó, người dân địa phương ở nơi bị xói lở như thế cần phải làm gì để giữ đất không bị sóng biển cuốn trôi qua thời gian buộc họ phải di dời đi nơi khác để sinh sống?
Trong chương trình Khoa học- Môi trường kỳ này, chúng tôi giới thiệu cùng quí vị một làng chài ở Vịnh Thái Lan gần đây áp dụng những biện pháp chống xói lở và duy trì lượng sinh vật giúp nuôi sống họ hằng ngày.
Cách thức tự tìm
Làng Ban Bang Bo Lang, thuộc Bang Kaeo, huyện Mueang, tỉnh Samut Songkhram nằm bên Vịnh Thái Lan. Trong hai thập niên qua, bờ biển của làng bị xói lở mạnh. Tình trạng đó xảy ra trên diện tích dài chừng hai cây số dọc theo bờ biển của làng.
Đây là một làng chài nhỏ chỉ có chừng 80 hộ dân với trên dưới 400 nhân khẩu. Tuy nhiên do tình trạng xói lở bờ biển, trước đây có đến 12 hộ dân phải bỏ làng đi tìm nơi sống mới.
Trước tình trạng xói lở bờ biển khiến dân phải ra đi như thế, những người còn lại nghĩ cách làm sao ngăn chặn tình trạng đáng buồn đó.
Từ năm 2008, dân làng do ông trưởng làng có tên Visoot Nuamsiri từng tìm đến những nơi gặp tình trạng xói lở tương tự ở các vùng biển lân cận xem những nơi đó có biện pháp gì hữu hiệu. Cuối cùng họ học được cách dựng nên những hàng rào tre chắn sóng tại khu vực xói lở để giảm thiểu tác động của sóng biển, gió mạnh tại những bãi biển nơi mà họ sẽ ươm trồng những cây đước; bảo vệ khu rừng đước giúp ngăn chặn xói mòn, đồng thời tạo nên khu vực cho cua cá vào sinh sống cung cấp nguồn hải sản cho người dân.
Họ học được cách dựng nên những hàng rào tre chắn sóng tại khu vực xói lở để giảm thiểu tác động của sóng biển, gió mạnh tại những bãi biển nơi mà họ sẽ ươm trồng những cây đước; bảo vệ khu rừng đước giúp ngăn chặn xói mòn, đồng thời tạo nên khu vực cho cua cá vào sinh sống cung cấp nguồn hải sản cho người dân
Hồi ngày 6 tháng 8 vừa qua, chúng tôi đích thân được hướng dẫn về làng Ban Bang Bo Lang và được gặp ông trưởng làng Visoot Nuamsiri và được ông kể lại thời gian khó khăn ban đầu đó:
Vị trí tỉnh Samut Songkhram nằm bên Vịnh Thái Lan. Google maps
Vị trí tỉnh Samut Songkhram nằm bên Vịnh Thái Lan. Google maps

Dự án của dân làng Ban Bang Bo Lang được trình lên huyện, và đến tỉnh. Vị đứng đầu tỉnh Samut Songkhram đã chuẩn thuận dự án của dân vàng và đồng ý cấp cho họ ngân quĩ 50 ngàn bath, tương đương thời giá hiện nay là chưa đến 2000 đô la Mỹ để dân làng triển khai dự án lập rào tre chắn sóng biển, ngăn gió để trồng đước bảo vệ bờ biển của làng.
Đến năm 2010, cùng làng Ban Bang Bo Lang có thêm 9 làng khác tại khu vực Bang Kaeo hình thành nên nhóm phát triển rừng đước. Sau đó Quỷ Nghiên Cứu Thái Lan và Đại học Kasetsart đồng ý hổ trợ tài chính cho hoạt động dựng rào tre chắn sóng chống xói lở bờ biển ở sáu tỉnh nằm ven vịnh Thái Lan. Làng Ban Bang Bo Lang và 9 làng trong nhóm được tài trợ 35 triệu bath cho khoảng thời gian 4 năm kể từ năm 2010.
Sau khi có được kinh phí, dân làng bắt tay vào công việc mua tre về và chung nhau ra dựng rào từ tháng 9 năm 2008. Sang đến tháng 12, họ bắt đầu cho trồng đước sau những lớp rào tre đã được dựng lên.
Người trưởng làng cho biết sang đến năm 2010 họ dựng được số rào chắn tre với tổng cộng chiều dài 4 kilomet. Đến nay, tổng chiều dài rào tre chắn sóng của làng được 7 kilomet
Người trưởng làng cho biết sang đến năm 2010 họ dựng được số rào chắn tre với tổng cộng chiều dài 4 kilomet. Đến nay, tổng chiều dài rào tre chắn sóng của làng được 7 kilomet. Họ phải sử dụng khoảng 400 ngàn thân tre. Trong thực tế có những nơi sóng mạnh, gió lớn dân phải làm vài lớp rào mới đạt được hiệu quả.
Tại làng Ban Bang Bo Lang, không có tre nên họ phải mua tre từ những khu vực khác về để dựng thành rào tre chắn sóng. Ông Visoot Nuamsiri cho biết một trong những điều kiện mà làng đưa ra với những nhà cung cấp tre là cứ 4 kilomet rào tre mà làng mua thì, những nhà cung cấp phải bỏ tiền ra để xây cho làng 400 mét cầu bê tông đi trong vùng rừng đước của làng.
Đây là một sáng kiến được làng đưa ra cho các nhà cung cấp tre để họ cùng góp phần cho làng.
Do tre bị mục, gãy sau thời gian khoảng 3 năm, nên chúng cần được thay thế theo thời hạn đó.
Ông Visoot Nuamsiri cho biết vì sao làng khi chống xói lở bở biển không theo phương thức sử dụng bao cát, cọc bê tông hay xây bờ kè, đê biển như một số nơi khác từng làm. Theo ông này sử dụng tre làm rào chắn là phù hợp hơn cả vì khi dựng rào tre như thế các loài sinh vật biển vẫn có thể len qua những thân tre để vào trong rừng đước sinh sống. Cây tre cũng không gây tác động xấu cho môi trường.
Kết quả
Người dân địa phương thừa nhận sau khi làng họ làm rào tre chắn sóng và gió để trồng đước chống xói lở thì đồng thời những loại sinh vật biển sống trong rừng đước ngập mặn như thế cũng đã tăng lên.
Làng Ban Bang Bo Lang cũng có một khu dành riêng cho cua biển vào đẻ trứng, sinh sản. Trong khu đó không ai được bắt cua. Nếu người dân bắt được cua đang có trứng thì số này phải được đưa đến khu cua đến khi qua mùa cua con đã nở thì mới được bắt cua mẹ. Ông trưởng làng chịu trách nhiệm theo dõi và tiếp nhận những cua mang trứng đưa về nơi dành riêng cho chúng.
Dân làng buộc phải tuân thủ biện pháp đó của làng nhằm duy trì nguồn cua sinh sống trong rừng đước không bị tận diệt.
Trước kia, dân làng Ban Bang Bo Lang cũng từng thực hiện việc trồng đước; thế nhưng gió to, sóng lớn đánh bạt những cây đước bé nhỏ mà họ ươm xuống. Thế nhưng nhờ lớp rào tre được dựng lên, số đước trồng sau này được bảo vệ và lớn lên. Những cây đước nhỏ sau sáu tháng lớn được chừng vài cemtimet và sau năm năm từ khi dự án được triển khai đến nay đã lớn cả thước rồi. Dân làng có thêm được những hàng đước mới mỗi lúc một vươn thêm ra, không để nước biển xói mòn bờ biển của họ nữa. Tính đến thời điểm hiện nay là tháng 8 năm 2013, diện tích khu vực rừng đước của làng lên đến 80 acre.
Sau khi làng có được một số hiệu quả ban đầu qua việc dựng rào tre chắn sóng, bảo vệ và phát triển thêm rừng đước ở địa phương, một số những dân làng từng phải ra đi nơi khác trước đây nay đã trở về làng lại
Sau khi làng có được một số hiệu quả ban đầu qua việc dựng rào tre chắn sóng, bảo vệ và phát triển thêm rừng đước ở địa phương, một số những dân làng từng phải ra đi nơi khác trước đây nay đã trở về làng lại.
Chung tay của cộng đồng
Công việc dựng rào tre, trồng đước để bảo vệ đất, chống xói lở tại làng chài ven biển Ban Bang Bo Lang được tiến hành vào thời điểm từ tháng tư đến tháng 10 hằng năm khi mà nước biển ở mức thấp và thời tiết không có gió bão.
Dân làng làm việc trên tinh thần tự nguyện, khi được huy động đi làm rào tre thanh niên, trai tráng và đàn ông trong làng tham gia và làm theo lịch thường kỳ.
Do được ủng hộ, mô hình rào tre chắn sóng ngăn xói lở và giúp phát triển rừng đước ngập mặn ven biển, làng Ban Bang Bo Lang trở thành một làng điểm cho hoạt động này. Từ đó nhiều đoàn tình nguyện của học sinh, sinh viên các trường, cũng như thanh niên từ các địa phương khác được đưa đến để tham gia công tác thực hành bảo vệ môi trường nhằm nâng cao ý thức trong lĩnh vực này. Đó là lực lượng  được cho là một thành phần đáng kể giúp cho địa phương cùng chăm sóc khu rừng đước mới cũng như cũ của làng.
Dân làng chài Ban Bang Bo Lang không sống trong khu rừng đước đó mà dựng nhà dọc ven con sông chảy ra cửa biển của làng. Mỗi nhà đều có thuyền gỗ nhỏ để di chuyển và đánh bắt hải sản ven bờ.
Những căn nhà sàn của dân chài ven sông như thế tại làng Ban Bang Bo Lang ở huyện Mueang, tỉnh Samut Songkhram được xây bằng gỗ hay bê tông nằm sát nhau. Mùi mặn của muối biển và vị tanh của hải sản phảng phất khắp làng với những lưới phơi và thùng ướp hải sản để đưa sản vật địa phương đi bán ở những nơi khác.
Cuộc mưu sinh của dân làng Ban Bang Bo Lang được bảo đảm hơn khi mà vùng đất của họ nay được rừng đước và những lớp rào tre chắn sóng bảo vệ, ngăn xói lở từ những dòng triều lớn từ Vịnh Thái Lan đánh vào.
Hồi tháng 8 năm ngoái, Cơ quan Hàng Hải và  Tài nguyên Bờ biển của Thái Lan công nhận làng Ban Bang Bo Lang là một cộng đồng mẫu tại nước này trong công cuộc bảo tồn rừng đước. Ông trưởng làng Visoot Nuamsiri cũng được tưởng thưởng cho công tác được triển khai trong làng từ năm 2008 đến nay với những thành quả cụ thể cho cuộc sống dân làng.
Có thể nói việc sử dụng tre để làm rào ngăn sóng, chống xói lở và giúp công việc trồng thêm cây đước như ở làng Ban Bang Bo Lang của Thái Lan vừa nêu hoàn toàn khả thi tại nhiều địa phương dọc ven biển ở Việt Nam.
Tuy nhiên cho đến nay chưa có thông tin nào về một hoạt động tương tự như thế ở trong nước. Trái lại, nhiều nơi đang đứng trước nguy cơ bị xói lở trầm trọng và có nơi rừng ngập mặn ven bờ với giống cây đước đặc trưng còn bị chặt phá để nuôi tôm mà không thấy được tác hại của hoạt động đó.
Mục Khoa học- Môi trường kỳ này tạm dừng tại đây. Hẹn gặp lại quí thính giả và các bạn trong chương trình kỳ tới cũng vào giờ này trên làn sóng phát thanh của Đài Á Châu Tự do.
Gia Minh chào tạm biệt.

Geen opmerkingen:

Een reactie posten