dinsdag 20 augustus 2013

Việt Nam và Trung Quốc vừa tổ chức đối thoại chiến lược quốc phòng lần thứ tư diễn ra hôm 5-6-2013 tại Bắc Kinh

VN kêu gọi 'lòng tin chiến lược' với TQ


Cập nhật: 06:45 GMT - thứ năm, 6 tháng 6, 2013

Hai ông Nguyễn Chí Vịnh và Thích Kiến Quốc tại Bắc Kinh
Vòng đối thoại chiến lược quốc phòng Việt-Trung lần 4 diễn ra hôm 5/6 tại Bắc Kinh
Việt Nam và Trung Quốc vừa tổ chức đối thoại chiến lược quốc phòng lần thứ tư hôm 5/6, trong đó Việt Nam đề xuất Thỏa thuận không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực trên biển giữa hải quân hai nước.
Nếu ký được thỏa thuận này, đây sẽ là bước đột phá trong giải quyết căng thẳng tại Biển Đông, vốn bị cho là vấn đề lớn và gai góc nhất còn tồn tại trong quan hệ song phương.
Tuy nhiên, đáp lại đề xuất của phía Việt Nam, phía Trung Quốc nói 'sẽ nghiên cứu'.
Cuộc đối thoại diễn ra trước khi Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang có chuyến thăm chính thức Trung Quốc, tuy thời điểm chuyến đi chưa được tiết lộ.
Báo Quân đội Nhân dân cho hay trong vòng đối thoại chiến lược quốc phòng Việt-Trung lần 4 tại Bắc Kinh, trưởng đoàn Việt Nam - Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Quốc phòng, đã đề xuất "quân đội hai nước không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, nghiên cứu tiến tới ký Thỏa thuận không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực trên biển giữa hải quân hai nước".
Trưởng đoàn Trung Quốc, Trung tướng, Phó tổng tham mưu trưởng Thích Kiến Quốc, cho biết "sẽ giao cho các cơ quan chuyên môn hai bên nghiên cứu".
Bên cạnh đề xuất lớn trên, Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh cũng đề cập tới nhu cầu "tăng cường tạo môi trường hòa bình trên Biển Đông, giữ nguyên hiện trạng, giảm sự hiện diện ở những khu vực nhạy cảm, tránh có những hành động có thể gây hiểu lầm".
Thời gian gần đây, giữa Việt Nam và Trung Quốc đã xảy ra một số vụ đối đầu, chủ yếu liên quan ngư dân, trong có vụ mà Việt Nam nói là hải quân Trung Quốc bắn cháy cabin tàu cá của ngư dân tỉnh Quảng Ngãi.
Nguy cơ xảy ra xung đột, kể cả xung đột quân sự, gia tăng và đang gây quan ngại nghiêm trọng.
Trong cuộc đối thoại 5/6, Thượng tướng Vịnh kêu gọi tăng cường "hợp tác hải quân, quán triệt tinh thần đối xử nhân đạo với ngư dân lao động hòa bình trên biển; tăng cường hợp tác thông qua đường dây nóng giữa tư lệnh hải quân hai nước", theo Quân đội Nhân dân.

'Đường dây nóng'

Đáp lại quan tâm về an ninh trên biển của phía Việt Nam, phía Trung Quốc giữ lập trường của một nước lớn, có quân đội mạnh.
"Việc tồn tại một số bất đồng mâu thuẫn là có thật, vấn đề then chốt phải là tìm những điểm chung, cố gắng tối đa kiên nhẫn đối thoại, hiệp thương để hạn chế những bất đồng."
Trung tướng, Phó Tổng tham mưu trưởng Thích Kiến Quốc
Trung tướng Thích Kiến Quốc được dẫn lời phát biểu ngắn gọn: "Cần quản lý tốt bất đồng, khi xảy ra tình huống trên biển, quân đội cần bình tĩnh xử lý, kiềm chế, không làm gì để dẫn tới hiểu lầm, không sử dụng vũ lực đe dọa lẫn nhau".
Ông Thích cũng cảnh báo rằng trong vấn đề tranh chấp Biển Đông "hai bên cần có sự kiên trì để giải quyết".
"Việc tồn tại một số bất đồng mâu thuẫn là có thật, vấn đề then chốt phải là tìm những điểm chung, cố gắng tối đa kiên nhẫn đối thoại, hiệp thương để hạn chế những bất đồng," Trung tướng Thích phát biểu.
Hai vị trưởng đoàn đã chứng kiến lễ ký Thỏa thuận về việc xây dựng đường dây thông tin điện thoại bảo mật nối thẳng giữa hai bộ Quốc phòng.
Kế hoạch thiết lập đường dây nóng giữa hai bộ Quốc phòng được khởi xướng từ cuối 2010 nhưng tới nay mới ký kết. Trước đó, bộ Ngoại giao Việt Nam và Trung Quốc cũng thống nhất lập đường dây nóng để giải quyết các vấn đề nảy sinh tại Biển Đông.
Tháng 1/2012, một đường dây nóng giữa lãnh đạo cấp cao hai bên cũng đã được triển khai.
Tại đối thoại chiến lược quốc phòng hôm 5/6, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh kêu gọi "đẩy mạnh tuyên truyền trong nhân dân về tình hữu nghị giữa quân đội và nhân dân hai nước".
Một chi tiết đáng chú ý, là ông Vịnh nhấn mạnh "hai nước cũng cần phải tăng cường hợp tác với các nước khác trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, tham gia vào các cơ cấu an ninh khu vực, mở cửa hợp tác nhưng hết sức cảnh giác, không để bị lôi kéo vào những cơ cấu nhằm chống lại nước thứ ba".
Giới quan sát chắc chắn sẽ đặt câu hỏi các 'nước thứ ba' này có thể là những quốc gia nào.

Lòng tin chiến lược

Tại vòng đối thoại lần này, cụm từ 'lòng tin chiến lược' lại một lần nữa được lãnh đạo quốc phòng Việt Nam đề cập đến.
Cụm từ này đã được Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng nhắc tới nhiều lần như một ý tưởng chủ đạo trong bài diễn văn quan trọng đọc tại phiên khai mạc diễn đàn an ninh Đối thoại Shangri-La ở Singapore hôm 31/5.
“Cùng nhau xây dựng và củng cố lòng tin chiến lược vì hòa bình, hợp tác, thịnh vượng là lợi ích chung của tất cả chúng ta,” ông Dũng nói trong bài diễn văn.
"Hai nước cũng cần phải tăng cường hợp tác với các nước khác trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, tham gia vào các cơ cấu an ninh khu vực, mở cửa hợp tác nhưng hết sức cảnh giác, không để bị lôi kéo vào những cơ cấu nhằm chống lại nước thứ ba."
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh
Phát biểu của ông thủ tướng dường như nhằm vào Trung Quốc: "Đâu đó đã có những biểu hiện đề cao sức mạnh đơn phương, những đòi hỏi phi lý, những hành động trái với luật pháp quốc tế, mang tính áp đặt và chính trị cường quyền."
Ông kêu gọi lòng tin chiến lược với các nước lớn: “Nhất là Hoa Kỳ và Trung Quốc, hai cường quốc có vai trò và trách nhiệm lớn nhất (tôi xin nhấn mạnh là lớn nhất) đối với tương lai quan hệ của chính mình cũng như của cả khu vực và thế giới.”
“Điều quan trọng là sự kỳ vọng đó cần được củng cố bằng lòng tin chiến lược và lòng tin chiến lược cần được thể hiện thông qua những hành động cụ thể mang tính xây dựng của các quốc gia này.”
Ý tưởng 'lòng tin chiến lược' với hàm ý đề cao vai trò và ràng buộc trách nhiệm vào các nước lớn đang là cách tiếp cận của Việt Nam trong tình hình an ninh phức tạp của khu vực.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đề xuất "củng cố lòng tin chiến lược giữa quân đội hai nước, góp phần vun đắp lòng tin chiến lược Việt Nam-Trung Quốc".
Ngược lại, phía Trung Quốc dường như không mặn mà lắm với cụm từ 'mới' này.
Trung tướng Thích Kiến Quốc, người từng tham chiến ở biên giới Việt-Trung năm 1979, không nhắc tới 'lòng tin' mà chỉ nói về 'hợp tác hữu nghị'.
Ông nói hai bên cần "tích cực tham gia hợp tác trên bộ cũng như trên biển, phối hợp hợp tác qua biên giới, sắp xếp các đoàn biên phòng thăm lẫn nhau; sửa đổi thỏa thuận hợp tác về biên phòng và cố gắng ký trong chuyến thăm Trung Quốc sắp tới của Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang".
Về ngôn từ, bản tiếng Anh bài phát biểu của ông Dũng ở Singapore tuần qua viết là 'strategic trust' có thể hiểu là 'sự tin cậy chiến lược' nhưng các báo Việt Nam đồng loạt dịch là 'lòng tin chiến lược'.


Thêm về tin này

Geen opmerkingen:

Een reactie posten