dinsdag 6 augustus 2013

Việt Nam : Thung lũng tử thần của Tù Cải Tạo ở Phú Khánh

Thung lũng tử thần (Bài 1) Friday, July 26, 2013 5:35:44 PM







 
Vũ Ánh
LTG - Hồi đầu năm cháu nội tôi, Catherine Vũ 11 tuổi hỏi bố nó: “Tại sao ông nội bị tù, có phải ông nội phạm tội hình sự không?” Con trai tôi cũng chỉ trả lời đại khái là sau khi miền Nam Việt Nam rơi vào tay Cộng Sản, nhà cầm quyền mới đã bắt tất cả các cựu sĩ quan quân đội và cựu công chức từ cấp chỉ huy thấp nhất đến cao cấp nhất đẩy vào các trại cải tạo để trả thù. Năm nay con trai tôi đã ngoài 40, nhưng không thể nào giải thích chi tiết với con gái nó về những gì đã xảy ra cho ông nội và những người bạn tù khác của ông nội đằng sau những cánh cổng nhà tù ấy. Thực ra, lúc tôi vào tù cải tạo, con trai tôi mới 6 tuổi và khi tôi trở về từ nhà tù thì nó đã là một thanh niên 19 tuổi và nằm trong danh sách những thanh niên không được đặt chân vào ngưỡng cửa của trường đại học vì cái lý lịch của tôi. Ðó là lý do tại sao tôi viết loạt bài này. Tôi hy vọng đây là một lời giải thích, một nhắc nhở với thế hệ thứ hai và thứ ba của không những người Việt Nam tị nạn ở hải ngoại mà còn ở trong nước để họ đối chiếu và so sánh khi cần. Ngày nay, chế độ lao tù ở Việt Nam có thể đã có nhiều thay đổi, nhưng tôi tin rằng mục tiêu của chế độ này cũng vẫn dựa trên nền tảng cũ: đàn áp và tiêu diệt khả năng đối kháng của con người trong chế độ toàn trị ở đất nước ấy. Tuy nhiên, tôi vẫn nhấn mạnh rằng loạt bài này chỉ phản ảnh cách nhìn của riêng tôi về một giai đoạn lao tù đặc biệt sau ngày miền Nam Việt Nam thất trận. Tôi viết là viết cho thế hệ con cháu tôi và chia sẻ với thế hệ con cháu của những bạn đồng tù khác, chứ không phải là bản lên tiếng, lên án hay cáo trạng gì cả và tôi không phản đối những cách nhìn khác.

Ðặt tên cho một lòng chảo
Cái tên này được các tù cải tạo vốn là những sĩ quan quân đội và các cấp chỉ huy trong công chức VNCH từ trưởng phòng trở lên và tù chính trị án nặng kể cả tử hình đặt cho một cái lòng chảo đặc biệt ở xã Xuân Phước thuộc quận Ðồng Xuân thuộc tỉnh Phú Khánh (tên gọi mới của tỉnh Phú Yên), nơi có trại cải tạo A-20. Từ ga xe lửa La Hai trên Quốc Lộ 1 muốn vào đến lòng chảo này phải vượt qua 60 cây số đường rừng, tức là phải vượt qua trạm cuối cùng nơi có một trại Lực Lượng Ðặc Biệt cũ thời chiến tranh cách A-20 khoảng 10 cây số, vượt qua một vòng đai gồm khu kinh tế mới và một vòng đai gồm gia đình công an và dân làng do Việt Cộng kiểm soát thời chiến tranh. Từ ga xe lửa La Hai vào đến trại, thân nhân các tù cải tạo phải lội qua rất nhiều con suối vào mùa mưa, trong đó nguy hiểm nhất là suối Lạnh, nước lên mấp mé bờ và chảy xiết. Về vị trí thì theo nhiều tù cải tạo rành về địa thế cho biết trại A-20 nằm trong một khu rừng già bên cạnh con đường mòn mới mà người Cộng sản gọi là Trường Sơn Tây bên này dãy Trường Sơn.

Theo lời kể của cựu trung úy bộ đội xe tăng của CSBV tên là Hội thì vào năm thứ hai của thập niên 1980, mẹ tôi đã suýt chết đuối tại con suối này khi cố lặn lội lên trại thăm tôi. Hội chính là người đã cứu bà khi mẹ tôi làm rớt túi bánh mì khô cụ đem lên trại cho tôi nhưng trại không cho gặp vì lúc đó tôi đã bị kỷ luật vô thời hạn trong xà lim cá nhân mà đám tù nhân chúng tôi gọi là “hộp” hay “chuồng cọp.” Hội vốn là chi đội trưởng một chi đội xe tăng T-54 từ Ðồng Hới vượt cầu Hiền Lương vào Huế rồi dừng lại ở Ðà Nẵng đầu Tháng Năm, 1975. Một năm sau, khi đang đóng quân và hoạt động tại Hòa Cầm, Hội bị bắt vì tội biển thủ, một loại tội gán cho hành động trộm xăng quân đội đem bán lấy tiền tiêu xài. Bị đưa ra tòa án quân sự và bị kết án 10 năm tù, viên cựu trung úy xe tăng này đã được giảm án vài lần vì thực ra tội tham ô này chẳng đáng gì so với những “anh lớn ăn cắp và biển thủ công khai” nhưng có ô dù che đỡ nên chẳng sao cả, theo như lời Hội nói. Tôi nghe câu chuyện này do chính Hội kể khi anh ta bị đưa vào biệt giam nơi tôi đang bị cùm vì anh ta liên lạc giúp đỡ các thân nhân đi thăm gặp qua đò ngoài giờ qui định. Ghi lại sự kiện này, tôi muốn nhấn mạnh đến một thành phần khác đặc biệt được đưa đến trại A-20 Xuân Phước để làm những công việc mà chúng tôi không được phép làm. Thành phần ấy là những tù hình sự gồm phần lớn có án tù vì tội danh cướp có vũ khí hay những cựu sĩ quan quân đội CSBV tham ô, biển thủ. Họ được phân bổ các công việc thuộc “diện rộng” mà ban quản trại gọi là diện “tự giác” vì được tin tưởng là thành phần này sẽ không trốn trại.

Trại A-20 Xuân Phước có từ bao giờ và có bao nhiêu phân trại? Thật ra, khó biết được ngày chính xác trại tù cải tạo này được thành lập từ vì có nhiều câu trả lời khác nhau từ các nguồn tin. Nhưng theo lời một bạn tù cải tạo thuộc nhóm người di tản sang Guam rồi đòi trở về trên con tầu Việt Nam Thương Tín vào mùa Hè năm 1975 thì trại được xây dựng khi phần lớn số người di tản trở về từ Guam bị đưa vào cái lòng chảo này và bị bắt buộc phải phá rừng, xây dựng trại cuối năm 1975 và kéo dài sang đến các năm 1976-1977. Một số anh em này được thả dần dần, nhưng cũng có người vẫn còn bị tù cho tới năm 1985. Những tháng cuối năm 1975 khi bị đưa từ trại B-5 Tân Hiệp, Biên Hòa, về biệt giam khu ED ở nhà tù Chí Hòa để thẩm cung, tôi có liên lạc được với một số anh em từ Guam trở về trên chuyến tầu Việt Nam Thương Tín cũng bị biệt giam tại khu này. Một năm sau tôi được chuyển xuống phòng giam tập thể và có dịp sống với họ trước khi bước vào cuộc lưu đầy dài hạn ở các trại lao cải (các trại tù mà trong đó tù cải tạo phải lao động khổ sai).

Thời gian tôi sống trong biệt giam ở khu ED nhà tù Chí Hòa đã xảy ra một số các ngộ nhận, tức giận và có những lời lẽ quá đang đối với các anh em trở về trên chuyến tầu Việt Nam Thương Tín xuất phát từ các phòng biệt giam khác. Vào lúc ấy, tôi đã cho rằng đây là sự bất công vì khi chưa tìm hiểu nguyên nhân khiến họ dù đã di tản đến Guam, có người đã vào tới Camp Pendleton rồi lại đòi trở về thì không nên vội vã khi cùng đồng cảnh với nhau. Khi gặp lại cựu Trung Tá Trần Văn Nam, một trong những viên chức cao cấp của Bộ Chiêu Hồi cũng nằm trong số những người trở về, tôi hiểu được hành trình quay ngược lại đất nước của những tù nhân từ chuyến tầu Việt Nam Thương Tín bắt nguồn từ động lực của trái tim. Ông đã nói với tôi trong bữa cơm tù chúng tôi ngồi ăn chung tại phòng giam 14 khu ED: “Lúc bỏ đi mình như người bị tê liệt suy nghĩ. Nhưng sang đến Guam rồi, bình tâm trở lại nỗi day dứt thương gia đình bố mẹ vợ con còn kẹt lại, ăn một miếng cơm mà như một khúc gỗ chặn lại ở cổ họng, tôi không còn lựa chọn nào hơn là quay lại xứ sở mà tôi biết sẽ bị đày đọa. Nhưng thà là như thế.” Ông Nam bị “vác bao bố chỉ xanh” (bị lưu đày ở ngoài Bắc) năm 1977. Trong chuyến ra Bắc cùng với ông Nam có cựu Bộ Trưởng Thông Tin Nguyễn Ngọc An, Trung Tá Thạch chánh văn phòng của Phó Tổng Thống Trần Văn Hương và nhiều cựu viên chức cao cấp khác của chính phủ VNCH. Kể từ đó, tôi không còn dịp nào gặp lại họ nữa.

Vài năm sau, khi bị giải giao đến phân trại E thuộc trại A-20 Xuân Phước mà chúng tôi gọi là trại trừng giới, tôi có gặp lại vài anh em nhóm Việt Nam Thương Tín ở cả trại E (trại ngoài cùng) lẫn trại B (cách trại E khoảng 5 cây số). Một phần trong số anh em này lao động ở “diện rộng.” Hầu như không một ai trong số những anh em trên chuyến tầu định mệnh mà khi di tản có trọn vẹn gia đình bên cạnh. Có những người đi cả hai vợ chồng nhưng con bị kẹt lại, có những người cả gia đình di tản, nhưng kẹt lại mẹ già, nên đành để vợ con ở lại Guam còn mình phải quay về, có người di tản với gia đình nhưng không mang được hôn thê sắp cưới theo mà cuối cùng cũng phải theo tiếng gọi của trái tim mù lòa quay lại cố quốc cho trọn tình. Tôi chỉ sơ lược vài nét chấm phá về hoàn cảnh của những người bạn tù thuộc nhóm Việt Nam Thương Tín.

Nói cho ngay là nếu muốn viết lại những trang sử đặc biệt của những người đã bỏ nước di tản trước hay trong ngày 30 Tháng Tư, 1975 đến Guam rồi phải quay trở lại quê nhà vì nhiều nguyên nhân tình cảm gia đình khác nhau, thì vẫn còn nhiều nhân chứng hiện cũng đã được tái định cư lại ở nước Mỹ, nhưng đây không phải là mục tiêu của loạt bài này. Cá nhân, tôi vẫn quí những anh em tù Việt Nam Thương Tín vì thực ra cái giá mà họ phải trả bằng cuộc sống lao tù trong các nhà tù cộng sản sau khi từ Guam trở về dù có bị nhìn theo lăng kính nào thì hành động bất chấp đến hiểm nguy cho cá nhân họ để quay lại với gia đình cũng còn có giá trị văn hóa nhất định của người Việt Nam. Cho nên, bây giờ tôi quay lại câu chuyện của tôi, của chúng tôi, những người tù tại một trong số những trại tù được xếp vào loại khắt khe nhất trên toàn cõi Việt Nam vào giai đoạn ấy.
Chế độ “lao cải” Việt Nam: Một chu kỳ khép kín
Tổng quát về chế độ lao cải ở Việt Nam, tôi có thể vạch ra một chu kỳ khép kín như thế này: tù cải tạo được đưa vào những khu rừng già, phát quang, tự tay dựng trại để “tự quản” nghĩa bóng tức là tự nhốt mình, phải lao động để làm ra “của cải vật chất” để tự nuôi sống và có thể góp phần nuôi sống cả đám cai tù nữa. Trong thời gian lao cải, nếu người tù nào “cải tạo tốt” sẽ được thả, người tù nào chưa tốt hay chưa “an tâm cải tạo” thì phải tiếp tục cải tạo cho đến khi tốt thì mới được “tha ra khỏi trại.” Tôi xin nhấn mạnh ở đây một lần nữa là trong loạt bài này tôi dùng đúng thứ chữ nghĩa che đậy hành động bóp chẹt bao tử để tẩy não tù nhân của nhà cầm quyền Hà Nội. Trong những văn bản nói về các trại cải tạo với các nhà báo nước ngoài, Hà Nội thường dùng chữ “re-education camp” và họ dịch nguyên ngữ là “trại cải giáo.”

Có những trại lao động cải tạo (lao cải) đưa ra một nội qui cấm dùng chữ “tù cải tạo” mà phải dùng chữ “trại viên.”

Bản thân, khi bước vào khu biệt giam của nhà tù B-5 Tân Hiệp Biên Hòa, nơi tạm giam một số cán Bộ Xây Dựng Nông Thôn thuộc Ðoàn 59 người của VNCH, một số xã trưởng từ miền Trung di tản vào miền Nam bị truy đuổi và bắt giữ sau ngày 30 Tháng Tư, 1975 và một số sĩ quan bị bắt làm tù binh trong trận đánh cuối cùng tại Long Khánh, tôi và một số anh em khác đã được một cán bộ tên là Bé nhắc đi nhắc lại tư cách “trại viên” trong khi tay tôi bị trói và vài phút sau đó hai chân bị cùm cứng bằng chiếc còng tự chế gắn chặt vào bệ nằm trong phòng biệt giam cá nhân. Gần đây có một khán thính giả nghe tôi nói trên màn ảnh truyền hình đã gởi e-mail đưa ý kiến là chúng tôi không nên dùng chữ tù cải tạo hay trại cải tạo mà cứ dùng thẳng là tù nhân hay nhà tù. Vị khán thính giả này nói cũng có lý. Nhưng nếu dùng hai chữ này thì người ngoài có thể đồng hóa chúng tôi với những tù hình sự (trộm cắp, cướp, hiếp dâm, buôn bán ma túy, tham ô, biển thủ...) nên tôi dùng chữ tù cải tạo hay trại cải tạo để đề cập tới một kiểu nhà tù được đặc biệt thiết lập nhằm nhốt và hành hạ những người thua trận. Cá nhân, tôi hiểu cuộc tranh luận về chữ nghĩa sẽ không bao giờ có kết thúc và vì thế nếu thấy tiện thì chúng tôi sử dụng, ngoài ra không có một hậu ý nào khác. Vì theo tôi, vấn đề quan trọng không phải là chữ nghĩa che đậy mà là nhà cầm quyền Việt Nam đề ra mục tiêu cải tạo và áp dụng những biện pháp trừng phạt về thể xác cũng như tinh thần tàn bạo thật đấy, nhưng liệu họ có cải tạo được chúng tôi theo ý họ muốn không, nhất là về khoản bản năng đối kháng. Sự tranh luận và những đánh giá về bản năng đối kháng mà chúng ta đọc được phần lớn là dựa trên cảm tính và lập trường chính trị chứ chưa có một cuộc điều tra nào mang tính chất tâm lý chuyên môn được thực hiện trong số những nhân chứng còn sống ở hải ngoại. Nhưng nếu căn cứ vào sự kiện có những người tù cải tạo chân ướt chân ráo về tới nhà khi được thả ra là đã tìm đường vượt biển ra nước ngoài hoặc khi có chương trình nhân đạo HO nhận những thành phần cựu tù cải tạo từng bị đẩy vào các trại cải tạo ít nhất là 3 năm định cư ở Hoa Kỳ thì chỉ có một số rất ít những người lựa chọn sự ở lại để “góp phần xây dựng đất nước,” còn phần lớn đều lựa chọn sự ra đi đã là những minh chứng cho thấy sự thất bại của chính sách cải tạo con người của chính quyền Việt Nam cộng sản. Cho nên khi những năm gần đây xuất hiện một số những hoài nghi hay cáo buộc người này người nọ bị tẩy não, tôi cho rằng đó là những cáo buộc vô căn cứ và coi nhẹ những chịu đựng và đau khổ mà người tù cải tạo phải trải qua, không nên duy trì mãi những ý tưởng ấy. Nó vừa bất công, vừa không có chứng cớ thuyết phục.

(Còn tiếp)
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=170044&zoneid=425#.UgEGpPnCS70

Thung lũng tử thần (Bài 2) Friday, August 02, 2013 6:24:50 PM








Vũ Ánh

LTG: Hồi đầu năm cháu nội tôi, Catherine Vũ, 11 tuổi, hỏi bố nó: “Tại sao ông nội bị tù, có phải ông nội phạm tội hình sự không?” Con trai tôi cũng chỉ trả lời đại khái là sau khi miền Nam Việt Nam rơi vào tay Cộng Sản, nhà cầm quyền mới đã bắt tất cả các cựu sĩ quan quân đội và cựu công chức từ cấp chỉ huy thấp nhất đến cao cấp nhất đẩy vào các trại cải tạo để trả thù. Năm nay con trai tôi đã ngoài 40, nhưng không thể nào giải thích chi tiết với con gái nó về những gì đã xảy ra cho ông nội và những người bạn tù khác của ông nội đằng sau những cánh cổng nhà tù ấy. Thực ra, lúc tôi vào tù cải tạo, con trai tôi mới 6 tuổi và khi tôi trở về từ nhà tù thì nó đã là một thanh niên 19 tuổi và nằm trong danh sách những thanh niên không được đặt chân vào ngưỡng cửa của trường đại học vì cái lý lịch của tôi. Ðó là lý do tại sao tôi viết loạt bài này. Tôi hy vọng đây là một lời giải thích, một nhắc nhở với thế hệ thứ hai và thứ ba của không những người Việt Nam tị nạn ở hải ngoại mà còn ở trong nước để họ đối chiếu và so sánh khi cần. Ngày nay, chế độ lao tù ở Việt Nam có thể đã có nhiều thay đổi, nhưng tôi tin rằng mục tiêu của chế độ này cũng vẫn dựa trên nền tảng cũ: Ðàn áp và tiêu diệt khả năng đối kháng của con người trong chế độ toàn trị ở đất nước ấy. Tuy nhiên, tôi vẫn nhấn mạnh rằng loạt bài này chỉ phản ảnh cách nhìn của riêng tôi về một giai đoạn lao tù đặc biệt sau ngày miền Nam Việt Nam thất trận. Tôi viết là viết cho thế hệ con cháu tôi và chia sẻ với thế hệ con cháu của những bạn đồng tù khác, chứ không phải là bản lên tiếng, lên án hay cáo trạng gì cả và tôi không phản đối những cách nhìn khác.
Phương Án 4 và những hồ sơ chết
Không phải do ngẫu nhiên mà nhà cầm quyền Hà Nội đặt tên cho những trại cải tạo bằng những mã số đứng trước một hàng số, chẳng hạn như T-4, T-2, T-10, Z-30A, Z-30C hay Z-30D, hoặc A-20, A-10, A-30 hoặc B-1, B-5, B-7... Thực ra, không một người tù cải tạo nào có thể biết hết tên và mã số của các trại giam trên toàn cõi Việt Nam sau 30 tháng 4 năm 1975, và trong nhiều trường hợp, tù nhân cải tạo còn không biết cả mã số trại lao cải mình đang bị lưu đày nữa, chẳng hạn như họ chỉ biết quan gọi trại Bố Lá (Bà Rịa), Nhà Ðỏ (Bình Dương), Tiên Lãnh (Quảng Nam), Bù Gia Mập (Phước Long), Kinh 5 (Cà Mâu), Tống Lê Chân (Phước Long)... Những trại này phần đông là trại nhỏ thuộc quyền quản lý của tỉnh. Loại trại có chữ “T” hay “B” là những trại tạm giam, loại trại được đánh mã số chữ “Z” là các trại thuộc quyền quản lý của Cục Trại Giam Miền Nam Bộ Công An. Trại mang mã số “A” là trại thuộc quyền quản lý của liên Bộ Nội Vụ và Bộ Công An chỉ dùng để chỉ những trại mà nhà cầm quyền Việt Nam xếp vào loại trại giam dùng để trừng phạt những tù cải tạo “không thể cải tạo được”. Ở ngoài miền Bắc Việt Nam, dường như chỉ có 2 trại giam được xếp vào loại trại trừng phạt, đó là trại Cổng Trời ở Hà Giang gần sát biên giới Việt Trung và trại Thanh Cẩm thuộc tỉnh Thanh Hóa. Cả hai trại này là nơi trước đây được nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam dùng để nhốt những Biệt Kích VNCH nhảy toán ra Bắc và những tù nhân chính trị đặc biệt. Ðây là câu chuyện hết sức phức tạp được các tác giả Sedgwick Tourison trong tác phẩm “Secret Army, Secret War” (Quân Ðội Bí Mật, Cuộc Chiến Bí Mật) và Richard H. Shultz trong tác phẩm “Secret War Against Hanoi” (Cuộc Bí Mật Chống Hanoi) thuật lại đầy đủ, một cuộc chiến được mô tả là một phản đòn mà chính phủ của Tổng Thống John F. Kennedy và sau đó là chính phủ Lyndon B. Johnson “nhắm vào miền Bắc để gây áp lực với Hà Nội để trả đũa những gì mà họ đang thực hiện với đồng minh VNCH của Mỹ ở miền Nam Việt Nam”.

Tôi nhấn mạnh ở đây rằng, những trại được kể ra ở trên chỉ là những trại mà tôi được biết đến nhờ những vụ chuyển trại giữa các tù nhân với nhau trong hơn 13 năm tù tôi từng trải cũng như qua hàng vài chục lần bị kêu lên “làm việc” (từ ngữ để chỉ việc phải đi khai cung), chứ thật ra vào giai đoạn từ sau 30 tháng 4 năm 1975 cho đến cuối năm 1992, trên đất nước Việt Nam có hàng ngàn trại tù cải tạo đủ loại, đủ kiểu và đủ cấp từ địa phương (tỉnh, quận, huyện) cho đến trung ương (Bộ Nội Vụ và Bộ Công An). Nhưng đây chỉ là con số ước lượng, còn nhà cầm quyền Việt Nam giữ rất kín con số nhà tù kể cả các nhà tù dành riêng cho tù hình sự nam và nữ được che đậy bằng cái tên rất sáo là “trại phục hồi nhân phẩm”.

Những ai chưa từng trải qua một ngày tù nào dưới chế độ Cộng Sản và những ai chưa bao giờ có người thân ruột thịt bị lưu đày sau khi miền Nam Việt Nam bại trận, nếu nghe tôi cho mô tả lại cái vẻ “khang trang bề ngoài” của những trại tù cải tạo dưới chế độ cộng sản có thể sẽ vội vã cho ngay rằng tôi ca tụng chế độ lao tù cộng sản. Nhưng ngay bây giờ đây, chúng ta đang sống trong một đất nước tự do, đang sống trong một thời đại thông tin mà không điều gì có thể che giấu được, đang trong một giai đoạn cần phải có những phán đoán sâu sắc hơn thay vì những phán đoán mang tính tuyên truyền về những gì đã xảy ra cho những người tù cải tạo như chúng tôi trong một giai đoạn đen tối sau biến cố lịch sử xảy ra vào ngày 30 tháng 4, 1975. Tôi xin giải thích một lần nữa lý do tại sao chế độ Cộng Sản cần có những che đậy cái thế giới đầy đọa con người ở những “địa ngục trần gian” bằng bề ngoài của các trại tù cải tạo lao động hay gọi tắt là trại lao cải.

Trước những ngày sụp đổ hẳn mọi người ở miền Nam Việt Nam cũng đã từng nghe những lời khuyến cáo của một một chuyên viên về du kích chiến người Anh, Sir Robert Thompson, theo đó nếu miền đất này rơi vào tay Cộng Sản, một cuộc “tắm máu” sẽ diễn ra. Thực tế, nếu nhìn vào bối cảnh của Sài Gòn sau 30 tháng 4 năm 1975, người ta hẳn thấy những lời khuyến cáo của ông chỉ có giá trị nhất định bởi điều mà ông tiên đoán đã không diễn ra công khai trước mắt. Nhưng tại những vùng đất từ Quảng Trị vào đến Ninh Thuận, nhất là ở Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Ðịnh điều này đã diễn ra một cách tàn bạo qua lời kể lại của những xã trưởng mà tôi đã có dịp sống với họ tại các trại B-5 Tân Hiệp, nhà tù Chí Hòa tức T-10, Hàm Tân Z-30C và A-20, Z-30A. Những xã trưởng này từng trốn thoát các cuộc tắm máu đó, chạy vào Sài Gòn và vùng phụ cận để trốn tránh, nhưng bị truy đuổi và cuối cùng bị bắt. Phần lớn số xã trưởng này bị đưa ra tòa án nhân dân và bị kết án tử hình. Hồ Biên, một xã trưởng thuộc quận Thăng Bình, Quảng Tín bị cùm tại căn biệt giam bên cạnh căn biệt giam cá nhân nơi tôi cũng bị cùm tại trại B-5 Tân Hiệp tháng 10 năm 1975 cho biết đêm 5 tháng 5 năm 1975, cả gia đình của ông gồm vợ và 5 đứa con bị những người chiến thắng kéo ra một cánh đồng trống và bị xử tử sau một ngày chúng truy lùng mà không bắt được ông. Người xã trưởng này vốn là một đảng viên Việt Nam Quốc Dân Ðảng đã tìm mọi cách trốn vào Sài Gòn. Ông sống lẩn tránh ở khu Ngã Tư Bảy Hiền để tìm phương tiện xuống Rạch Giá thoát thân. Nhưng cuối tháng 6 năm 1975, ông bị công an bắt vì sử dụng giấy tờ giả. Ông nói thêm về trường hợp của ông như sau: “Chúng nghi tôi là viên chức xã từ miền Trung chạy vào Sài Gòn lánh nạn chỉ vì cái giọng Quảng đặc sệt của tôi. Thế là chúng giải giao tôi về tạm giam ở trụ sở Tổng Nha Cảnh Sát cũ của mình được sử dụng làm trụ sở của Công An Miền. Chúng cho người về tận Thăng Bình để kiểm tra lý lịch của tôi và tháng 8 năm 1975, tôi bị đưa ra tòa án nhân dân kết án chung thân”. Hằng đêm cứ mỗi lần liên lạc nói chuyện với ông Hồ Biên, tôi đều nghe thấy tiếng khóc. Ông luôn luôn nói rằng ông ân hận đã để vợ và 5 đứa con bị chết chỉ vì ông trốn. Tôi chỉ biết nói với Hồ Biên rằng dù ông có ra trình diện thì cả ông và vợ con đều sẽ không thoát chết đâu. Tôi chỉ còn biết an ủi ông và điều làm đúng nhất của ông trong lúc này là làm sao bảo toàn được sức khỏe và chờ đợi cơ hội khác. Ngày tôi ra khỏi khu biệt giam ở trại B-5 Tân Hiệp Biên Hòa để bị đẩy phòng giam tập thể, nơi giam giữ hầu như toàn bộ viên chức tiểu khu Long Khánh kể cả Ðại Tá Phúc, tỉnh trưởng, thì Hồ Biên bị đẩy lên xe cùng một số cán bộ Xây Dựng Nông Thôn chuyển trại. Từ đó cho đến mười mấy năm sau này, tôi không còn gặp Hồ Biên tại bất cứ trại tù lao cải nào.

Tuy nhiên, có một câu hỏi mà tôi cần trả lời ngay, đó là tại sao nhà cầm quyền Cộng Sản lại gọi việc lưu đày những tù nhân vào loại trại có mã số “A” là Phương Án 4. Thực ra, ít có tù cải tạo nào hiểu được rằng khi bị giải giao từ các trại khác lên trại A-20, A-30 hay A-10 tức là nhà cầm quyền Cộng Sản đã coi mỗi người tù là một “hồ sơ đã được khép lại”, có nghĩa là họ sẽ phải sống kiếp lưu đày vĩnh viễn. Ðây là một kế hoạch lớn và Hà Nội bắt chước kiểu lưu đày tất cả các nhân sĩ, trí thức, quân nhân chế độ, những quân nhân trong Hồng quân Liên Xô bị nghi ngờ phản động ở Tây Bá Lợi Á thời Stalin từng được văn hào Aleksandr Isayevich Solzhenitsyn kể lại những chi tiết kinh khủng trong các tác phẩm từng được dịch sang Việt ngữ trước 30 tháng 4 năm 1975như “Một ngày của Ivan Denisovich”, “Quần Ðảo Gulag” và “Tầng Ðầu Ðịa Ngục”. Ông được trao giải Nobel Văn Học năm 1970. (Khi tị nạn ở Hoa Kỳ, ông viết một số các bài lai cảo trong đó ông khẳng định một cách rõ rệt tư cách tị nạn của ông, theo đó ông ghét cay ghét đắng chế độ cai trị ở Liên Xô nhưng lúc nào cũng yêu đất nước Nga. Sau khi Liên Xô sụp đổ, ông trở về sống nốt quãng đời còn lại ở nước Nga.)

Trong khi đó, tại Việt Nam Cộng Sản, những người tù cải tạo nào bị lưu đầy ra miền Bắc phần đông đều biết câu chuyện được các anh em gọi là câu chuyện về “13 con ma”. Nhóm từ “13 con ma” ở đây là một cách gọi mang tính châm biếm dành cho 13 sĩ quan cao cấp VNCH từ hàng tướng đến cấp đại tá trong một ủy ban được Cục Trại Giam Miền Bắc, Bộ Nội Vụ và Bộ Công An thành lập để nghiên cứu việc thành lập một Tiểu Tây Bá Lợi Á tại một vùng hành lang song song với đoạn khởi đầu con đường mòn Hồ Chí Minh thuộc Ðồng Hới chạy dài xuống phía Nam tận Hương Hóa, Khe Sanh. Khi những tù cải tạo bị đày ra ngoài Bắc được lần lượt giải giao về những trại trong Nam sau khi Trung Quốc đánh chiếm chớp nhoáng 6 tỉnh biên giới Việt Trung năm 1979, anh em chúng tôi gặp lại nhau ở trại A-20 Xuân Phước, các bạn tù bị lưu đày ở miền Bắc kể lại khá nhiều chi tiết về kế hoạch nói trên, nhưng không có chi tiết hoặc nhiều khi câu chuyện lại chỏi nhau. Mãi cho đến năm 1982, các cô chú tôi từ miền Bắc vào thăm bố tôi trước khi ông qua đời, họ có nhắc tới mối lo ngại rằng tôi có thể bị chỉ định cư trú tại một vùng thuộc Nghệ An sau khi được thả và gia đình cũng có thể bị trục xuất ra sống tại vùng đất đó. Dường như “Phương Án 4” đầy những tù cải tạo ra các trại A-20, A-30 và A-10 có liên quan đến những tin tức nói trên. Ðỗ Khắc Minh, người bạn tù mà chúng tôi gọi thân mật là Minh “cà chua”, một cựu sĩ quan từng tham dự vào vụ nổi loạn tại trại tù Suối Máu-Biên Hòa Ðêm Giáng Sinh 1978 và một vài vụ khác nữa ở nhà tù Chí Hòa sau đó đã cho tôi biết một chi tiết khá quan trọng khi chúng tôi gặp nhau ở trại A-20 Xuân Phước: “Sau khi vụ nổi loạn năm 1978, bọn tôi những người trong tổ chức lãnh đạo vụ nổi loạn bị đưa vào biệt giam ở nhà tù Chí Hòa, bọn thẩm cung nói thẳng là nhóm chúng tôi sẽ bị đưa đi an trí để có thời gian suy nghĩ về hành động của mình. An trí ở đây theo tôi có nghĩa là anh em chúng mình sẽ là những hồ sơ đã đóng lại và khó lòng ra khỏi nhà tù của họ trừ phi có một biến chuyển nào ghê gớm lắm từ bên ngoài”.

Minh “cà chua” nói đúng những điều mà viên đại úy công an tên là Tý, cán bộ an ninh trại Z-30C, năm 1979 nói với một số đông những người bị gọi lên thẩm cung sau ngày Trung Quốc tấn công 6 tỉnh miền Bắc: “Các anh sẽ được chuyển tới một nơi an toàn để cải tạo lâu dài tại đó”.

(Còn tiếp)

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=170478&zoneid=425#.UgEHpvnCS70

Geen opmerkingen:

Een reactie posten