dinsdag 6 augustus 2013

Việt Nam kích thích kinh tế bằng cách đưa ra gói hỗ trợ 30,000 tỷ đồng là “chưa trúng mục tiêu, và hiệu quả sẽ không cao”.

Chẩn đoán sai, dân chết chắc! Tuesday, August 06, 2013 1:05:02 PM







Trần Minh Thông

Nhân đọc bài “Liều thuốc nhẹ và cơn bệnh nặng”, một độc giả khác gửi cho Người Việt những suy nghĩ về chính sách và cách điều hành của nhà nước VN.

Tôi đồng ý với tác giả, việc tung ra 30,000 tỷ đồng hòng cứu vãn một tình thế đã lâm vào thế kẹt, chỉ là một chính sách chắp vá, được ban hành bởi những người thiếu chuyên môn, hạn hẹp kiến thức, bế tắc trong điều hành. Tuy vậy, tôi  cho rằng sự chỉ định bằng cách cho thuốc (dù là liều nhẹ) đối với căn một căn bệnh nặng là sai.

Ngược lại, tôi đồng ý với chuyên gia kinh tế Phạm Nam Kim (cựu giám đốc Ngân hàng bang Vaud, Thuỵ Sỹ). Ông Phạm Nam Kim cho rằng chính phủ Việt Nam kích thích kinh tế bằng cách đưa ra gói hỗ trợ 30,000 tỷ đồng là “chưa trúng mục tiêu, và hiệu quả sẽ không cao”. Rất chính xác!

Ví dụ cụ thể: Một người muốn mua căn hộ 70m2, giá 15 triệu đồng/m2, anh ta có thể được vay 800 triệu đồng với lãi suất 6% trong vòng 10 năm. Tuy nhiên, trong năm đầu  anh ta sẽ phải trả cả gốc và lãi là 128 triệu đồng. Với đồng lương ít ỏi như hiện nay, chưa tính các chi tiêu sinh hoạt khác hàng ngày, ai lấy đâu ra số tiền ấy? 


Căn hộ chung cư, niềm mơ ước của người nghèo. Hình manh tính minh hoạ.

Đúng như dự đoán, cho đến giữa tháng Bảy, cả nước chỉ mới có 56 trường hợp được “chạm” tới gói tín dụng ưu đãi 30,000 tỷ đồng này, với số tiền được giải ngân là 11 tỷ đồng. Tính trung bình, mỗi hợp đồng có giá trị chưa đến 200 triệu đồng.  (Số liệu chính thức của của Bộ Xây dựng).
 
Ngoài lý do người dân không đủ tiền để mua, người có tiền cũng khó mà vay được vốn khi các điều kiện, thủ tục không minh bạch. Một trong những thủ tục mà ngân hàng yêu cầu là chính quyền địa phương phải xác nhận người xin mua nhà chưa có chưa (vì nếu đã có nhà rồi thì không được vay vốn mua nhà). Nhưng người dân cầm hồ sơ ra địa phương xin chứng thực, thì địa phương chỉ dám xác nhận công dân này có cư trú tại địa phương. “Bố bảo tôi cũng không dám chứng là họ hiện chưa có nhà. Lỡ họ đã có nhà ở ngoài Bắc, tôi...biết chết liền!”, một cán bộ địa chính của một phường, thuộc quận Tân Phú nói với tôi như vậy. 

Nực cười ở chỗ, trong khi người dân thì ngóng cổ chờ, còn doanh nghiệp và ngân hàng còn đang tranh cãi về mục đích của gói 30,000 tỷ đồng này. Hiệp hội bất động sản thành phố, một tổ chức hội đoàn của các doanh nghiệp bất động sản cho rằng gói 30,000 tỷ đồng này nhằm giải quyết “hàng tồn kho”, nhất là các công trình nhà ở xã hội, nhà ở thương mại quy mô vừa và nhỏ chưa bán được hoặc đang xây dựng dở dang. Còn ngân hàng thì lập luận: không có chuyện giải cứu thị trường bất động sản hay giải quyết “hàng tồn kho”, mà là hỗ trợ nhà ở cho đối tượng khó khăn về nhà ở và nếu thực hiện tốt thì sẽ góp phần giải quyết “hàng tồn kho”, nhờ đó sẽ kích thích thị trường bất động sản. Quanh đi, quẩn lại, cũng chỉ là chuyện giải quyết chỗ ở và kích thích thị trường nhà đất, kích cầu kinh tế. Nhưng rõ ràng, kiểu kích cầu này sai từ chủ trương cho đến cách thực hiện.

Các chuyên gia cho rằng có thể kích cầu bất động sản bằng kiểu khác. Theo chuyên gia kinh tế  Phạm Nam Kim, trên thế giới, một số nước có chính sách dành cho người dân mua nhà được vay tới 30 năm, thậm chí có nơi 100 năm như Thụy Sỹ. Việc trả tiền vay gốc sẽ rất thấp, chỉ phải lo lãi suất. Khi thị trường bất động sản khơi thông sẽ kéo nhiều ngành sản xuất phát triển theo như vật liệu xây dựng, thiết bị nội thất, đồ dùng gia đình, học tập, thiết bị thông tin liên lạc, thiết bị điện, điện tử, giải trí... góp phần tạo cầu tăng.

Tiếc là với bộ máy lãnh đạo đất nước như hiện nay, những chính sách như vậy khó có thể xảy ra. Và cứ thế, chính quyền thì “phán” sai, “quyết” ẩu, chỉ có người dân là...chết chắc!


http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=170636&zoneid=432#.UgGDJfnCS70

Geen opmerkingen:

Een reactie posten