dinsdag 6 augustus 2013

Việt Nam : Có nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp Trung Học Phổ Thông ?

Có nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT?

Hòa Ái, phóng viên RFA
2013-08-02
Email
Ý kiến của Bạn
Chia sẻ
In trang này

000_Hkg5079044-305.jpg
Hai học sinh vừa bước ra khỏi một kỳ thi tốt nghiệp lớp 12 ở Hà Nội.
AFP photo



Trong 1 hội nghị do Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc VN tổ chức tại Hà Nội hôm 31/7, báo giới trong nước loan tải đề xuất của bà Nguyễn Thị Doan, Phó Chủ tịch nước VN về Bộ GD&ĐT nên nghiên cứu cần phải bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT hay không? Phản ứng của những người quan tâm đến đề xuất này ra sao?

Dư luận ủng hộ

Phó Chủ tịch nước, bà Nguyễn Thị Doan đề nghị đưa ra hướng thảo luận có nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT hay không với dẫn chứng tỉ lệ đậu tốt nghiệp THPT năm nào cũng xấp xỉ gần 100% và các kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ được tổ chức quá gần nhau nên gây ra căng thẳng cho thí sinh cũng như tốn kém tiền của xã hội. Dư luận bày tỏ sự ủng hộ nhiệt tình đề xuất này của bà Nguyễn Thị Doan trước hiện trạng các kỳ thi tốt nghiệp phổ thông quá tốn kém mà không hiệu quả.
Thành phần ủng hộ nhiều nhất chắc chắn là học sinh cuối cấp và các bậc phụ huynh có con em học xong trung học phổ thông. Có thể nói năm học lớp 12 ở VN là một năm học mà thế hệ học sinh nào cũng “nổi da gà” mỗi khi hồi tưởng lại. Suốt năm học lớp 12, vừa học trong lớp lại vừa luyện thi 3 môn chính cho các kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ. Khi những bông hoa phượng đỏ thắm chớm nở nơi góc trường báo hiệu 3 tháng hè thì những “sĩ tử” cuối cấp phải vùi đầu “dồi mài kinh sử” cho kỳ thi học kỳ 2, thi tốt nghiệp ra trường và còn thi tuyển sinh vào ĐH-CĐ, các trường trung học chuyên nghiệp. Ở cái “tuổi ăn, tuổi lớn” phải học thi dồn dập và cha mẹ luôn miệng nhắc nhở “phải đậu kỳ thi tốt nghiệp” tạo ra một áp lực vô cùng căng thẳng cho các bạn học sinh. Học ngày, học đêm và học cả trong giấc ngủ. Đa số các “sĩ tử” học thi theo cách đối phó để chuẩn bị cho 1 kỳ thi tốt nghiệp THPT may nhờ rủi chịu.
Thấy không cần thiết phải thi. Nếu chương trình đúng, nghiêm khắc thì học xong lớp 12 và đạt điểm lên lớp có nghĩa là mình tốt nghiệp rồi.
-Bạn Khoa
Sau 12 năm miệt mài đèn sách, thế hệ học sinh hôm nay mô tả ở tiểu học thì phải mang vác cặp, ba-lô to hơn thân hình. Ở trung học thì phải học những bài toán, lý, hóa mà những kiến thức được học không ứng dụng trong thực tế sau này của đại bộ phận học sinh. Chính các bạn học sinh lên tiếng những bài học lịch sử nhồi nhét, các bài giảng về đạo đức không còn tồn tại trong giáo trình học tập. Và cũng chính những người tuổi 18, đôi mươi này cho rằng kỳ thi tốt nghiệp THPT không có tính hiệu quả thực tiễn. Bạn Khoa nói lên suy nghĩ của mình với đài ACTD:
“Thấy không cần thiết phải thi. Nếu chương trình đúng, nghiêm khắc thì học xong lớp 12 và đạt điểm lên lớp có nghĩa là mình tốt nghiệp rồi. Tại sao phải tổ chức kỳ thi nữa? Nếu không đủ khả năng lên lớp 12 thì không được tốt nghiệp. Như vậy thôi”.
Cùng quan điểm ủng hộ bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT, nhiều nhà khoa học và các chuyên gia giáo dục đã lên tiếng từ nhiều năm trước đây rằng bỏ kỳ thi này sẽ giúp làm giảm áp lực cho người học, giảm áp lực và chi phí cho gia đình và cho xã hội. Hiện nay tỉ lệ thi đỗ tốt nghiệp THPT có năm đạt đến 98% . Chỉ có 2% phần trăm bị loại mà rất tốn kém cho 1 kỳ thi toàn quốc thì không cần thiết để tổ chức. Tỉ lệ chênh lệch có vài phần trăm thì không thể nói chất lượng kém đi nếu không thi.
hoc-sinh-250
Thí sinh trong giờ thi môn Văn tốt nghiệp THPT 2013. Photo courtesy of vov.

Giáo sư Văn Như Cương, người cùng tham dự trong hội nghị hôm 31/7 với sự có mặt của bà Nguyễn Thị Doan cho biết qua đề xuất của bà Phó Chủ tịch nước, đại biểu nhất trí hoặc bỏ hoặc tổ chức kỳ thi đơn giản hơn. Riêng GS Văn Như Cương đề nghị kỳ thi giao cho các Sở Giáo Dục tự quyết định kể cả ngày giờ thi, đề thi và biểu điểm chấm thi. GS Văn Như Cương giải thích vì sao không nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp:
“Không nên bỏ kỳ thi là bởi vì có học là có thi. Nếu mà không thi thì sẽ không học. Đấy là tâm lý của học sinh là như thế thôi. Đáng lý ra phải thực hiện học gì thì thi đó chứ không phải thi gì thì mới học nấy. Cuối lớp 12 thì nên có kỳ thi nhẹ nhàng gọi là tổng kết. Chứ không nên thi toàn quốc như bây giờ”.

Nên bỏ thi Đại học?

Bên cạnh đó cũng có nhiều ý kiến nên bỏ kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ thay vì bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT vì hiện nay vẫn duy trì cả 2 kỳ thi là một sự thừa thải và “bắt khó” học sinh. Phó GĐ Trung tâm Bồi dưỡng và Hỗ trợ Chất lượng Giáo dục, bà Vũ Thị Phương Anh nhận xét cùng một thời gian ngắn mà học sinh cuối cấp phổ thông phải trải qua 2 kỳ thi thì quả là thừa. Bà Phương Anh nói:
Muốn giảm áp lực thì kỳ thi Đại học trả lại cho các trường. Đó cũng là yêu cầu về tự chủ của các trường Đại học.
-Bà Vũ Thị Phương Anh
“Tôi nghĩ thừa một trong 2 thì tôi đồng ý. Nếu tôi được quyền lựa chọn thì tôi cho rằng phải làm tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT. Nhẹ nhàng cũng được. Nhẹ nhàng có nghĩa là có thể đậu tỉ lệ cao 80-90% nhưng kỳ thi đó phải tốt. Còn muốn giảm áp lực thì kỳ thi Đại học trả lại cho các trường. Đó cũng là yêu cầu về tự chủ của các trường Đại học. Điều này được quy định trong Luật Giáo dục Đại học VN mới áp dụng trong năm 2013”.
Bà Vũ Thị Phương Anh phân tích thi tốt nghiệp THPT 6 môn trong khi thi ĐH còn 3 môn. Nếu không có kỳ thi tốt nghiệp thì học sinh chỉ chú trọng vào 3 môn thi ĐH. Cả 2 kỳ thi học sinh đều không chú trọng đến những môn phụ dẫn đến học sinh bị học lệch môn nên mô hình giáo dục toàn diện bị ảnh hưởng. Và mục đích quan trọng của kỳ thi tốt nghiệp nhằm đánh giá chất lượng giáo dục ở từng địa phương tỉnh, thành trên cả nước như thế nào sau 1 năm học. Những thông tin về quản lý như trường nào yếu kém, chương trình học có quá tải không, trường nào giảng dạy có hiệu quả tốt… rất cần cho Nhà nước để định hướng chính sách mới cũng như đánh giá lại các chính sách đã hỗ trợ có tác động như thế nào. Bà Vũ Thị Phương Anh cho rằng hiện nay trong các cuộc tranh luận về nên bỏ thi tốt nghiệp THPT, mục đích quan trọng này không được chú trọng đến.
1 ngày sau đề xuất của Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Bộ trưởng Bộ Giáo Dục Phạm Vũ Luận cho biết sẽ nghiên cứu đề nghị này. Kết quả nghiên cứu sẽ ra sao? Nên bỏ hay nên không? Nhưng chắc chắn trong năm học 2013-2014 sẽ có hàng triệu học sinh lớp 12 thầm hy vọng không phải thi tốt nghiệp THPT và cũng có hàng triệu phụ huynh tiết kiệm được tiền bạc không phải chi trả cho những lớp luyện thi, không phải tất tả tìm thuê người thi hộ cũng như không phải thắt thỏm lo âu khi thấy con mình cứ gục đầu ngủ một cách mệt mỏi rã rời trong kỳ thi định mệnh.

Geen opmerkingen:

Een reactie posten