maandag 12 augustus 2013

tuần san l’Express : Sao Hỏa, biên giới chinh phục vũ trụ mới

Sao Hỏa: biên giới chinh phục vũ trụ mới
Sao Hỏa, Hỏa Tinh hay “Hành tinh Đỏ”, hành tinh thứ tư trong Thái Dương hệ đang là đối tượng chinh phục mới của ngành không gian-vũ trụ. Tính từ năm 1965 đến nay đã có 40 công trình nghiên cứu được đưa ra. Và ngày 06/08 vừa qua, đánh dấu một năm ngày con rô-bốt Curiosity đầu tiên đổ bộ thành công lên sao Hỏa. Về chủ đề này, tuần san l’Express mở hẳn một hồ sơ dài 12 trang để trình bày các tham vọng của việc chinh phục sao Hỏa cho mục đích khoa học và phục vụ nhân loại sau này.
Tìm hiểu sao Hỏa để dự đoán quá trình tiến hóa của Trái Đất
Đối với các nhà khoa học, Sao Hỏa vẫn còn nhiều bí ẩn cần được sáng tỏ như việc tìm hiểu vì sao bầu khí quyền dày đặc và có nước lỏng phủ trên diện rộng bề mặt trên Sao Hỏa lại đột ngột biến mất? Một câu hỏi mà các nhà khoa học muốn được hiểu rõ để từ đó có thể dự đoán trước những biến đổi cho hành tinh xanh chúng ta.
Từ sự ham muốn hiểu rõ nguồn cội sự việc, nhiều chương trình không gian chinh phục sao Hỏa đã, đang và sắp được đưa ra. Theo l’Express, việc con robot Curiosity đổ bộ thành công năm rồi đang tạo sự hưng phấn cho các nhà nghiên cứu. “Hơn bao giờ hết, Hành tinh đỏ đang hình thành nên biên giới mới cho sự chinh phục vũ trụ”, ông Francis Rocard giải thích.
L’Express cho biết là từ đây cho đến 2020 nhiều dự án khám phá Sao Hỏa đã được ấn định theo các bước: đầu tiên hết là đưa máy móc – các thiết bị dò sóng và robots và sau đó là con người. Do đó, để hỗ trợ cho Curiosity, Hoa Kỳ vào khoảng trung tuần tháng 11 năm nay sẽ đưa tiếp một thiết bị dò sóng Maven để dò xét tại chỗ sự tiến hóa của bầu khí quyển. Cuối cùng trong năm 2016, Mỹ sẽ cho hạ cánh chiếc Insight để khám phá lòng đất sao Hỏa (vỏ và tâm sao Hỏa).
Sao Hỏa: sân chơi chung cho cả Âu-Mỹ
Thế nhưng, sao Hỏa không phải sân chơi riêng cho một mình Mỹ. Năm 2016 và năm 2018 sẽ còn có sự tham gia của châu Âu với hai phi vụ có tên gọi là ExoMars.
L’Express nhấn mạnh công cuộc chinh phục Hành tinh thứ tư trong Thái Dương hệ này đòi hỏi sự hợp tác nhiều hơn là cạnh tranh giữa các cường quốc. Bởi vì, đến năm 2020, đến lượt Hoa Kỳ tiếp tục hành trình chinh phục, khi cho gởi tiếp chiếc Robot mới giống y như chiếc Curiosity nhưng với một tham vọng lớn hơn: thực hiện chuyến trở về Trái Đất đầu tiên cùng những mẫu đất sao Hỏa … y như là trong một kịch bản phim khoa học viễn tưởng.
Và dĩ nhiên, tham vọng cuối cùng là đưa người lên sao Hỏa. Thế nhưng, theo nhiều chuyên gia trong ngành, nhiệm vụ này bất khả thi chí ít cho đến trước năm 2030-2040. Bởi vì, việc chi phí cho một cuộc đổ bộ nhân loại ước tính tốn kém gấp đến 200 lần. Theo một cựu phi hành gia Pháp, “đây là vấn đề thiện chí chính trị”.
Trong bối cảnh kinh tế èo uột như hiện nay, khó có thể nào ông Obama dám đặt 300 tỷ đô-la lên bàn để thực hiện một “giấc mơ nhân loại” thứ hai như cố tổng thống Kennedy từng làm.

http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20130811-ho-chi-minh-thanh-pho-nang-dong

Geen opmerkingen:

Een reactie posten