donderdag 8 augustus 2013

Tu sĩ Phật giáo Miến Điện muốn hạn chế hôn nhân dị giáo

Thứ tư 07 Tháng Tám 2013

Tu sĩ Miến Điện muốn hạn chế hôn nhân dị giáo

Hai vợ chồng Abdul Rahim và đứa con gái, cũng như nhiều người Rohingya phải lánh nạn sau các đợt bạo động - REUTERS
Hai vợ chồng Abdul Rahim và đứa con gái, cũng như nhiều người Rohingya phải lánh nạn sau các đợt bạo động - REUTERS

Lê Vy
Trong bối cảnh quan hệ giữa hai cộng đồng Phật giáo và Hồi giáo tại Miến Điện càng ngày càng tồi tệ từ một năm nay, các chức sắc Phật giáo Miến Điện đã soạn thảo một dự luật bắt buộc đàn ông theo đạo Hồi phải cải đạo sang đạo Phật nếu muốn kết hôn với một phụ nữ Phật giáo. Dự luật này đã thu thập được 3 triệu chữ ký. La Croix đăng bài viết : "Tu sĩ Phật giáo muốn hạn chế hôn nhân dị giáo".


Tại Miến Điện, người theo đạo Phật chiếm đến 90% trên tổng số 54 triệu dân, đa số rất mộ đạo. Người theo đạo Thiên Chúa chiếm 6%, đa số là người Tin lành. Người Hồi giáo chỉ là thiểu số ở vùng Tây Bắc, đa số là tộc người thiểu số Rohingyas. Trên lý thuyết, Hiến pháp bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, nhưng từ sau khi tập đoàn quân sự rời bỏ quyền hành vào năm 2011, càng ngày càng nổ ra nhiều hành vi bài Hồi giáo.
Báo La Croix miêu tả cảnh các tu sĩ Phật giáo đi vận động xin chữ ký ủng hộ dự luật tại thành phố Mandalay. Một sinh viên ký vào bảng kiến nghị nhận định : « Mục đích của đạo luật này là cho phép tôn giáo và dân tộc của chúng tôi không biến mất ». Một số khác thì thấy có trách nhiệm phải bảo vệ đạo Phật.
Nếu dự luật này được nhà nước thông qua thì luật sẽ buộc đàn ông theo đạo Hồi phải bỏ đạo để theo Phật giáo khi kết hôn với người nữ theo đạo Phật. Trong trường hợp đó, cô dâu phải được sự chấp thuận của gia đình và chính quyền mới được phép kết hôn. Ai phạm pháp sẽ bị đến 10 năm tù.
Dự luật này là do một nhóm tu sĩ Phật giáo cực đoan mang tên (9-6-9) đề xuất. Phong trào này còn kêu gọi tẩy chay các của hàng kinh doanh của người Hồi giáo. Một tu sĩ Phật giáo thuộc phong trào này cho rằng người Hồi giáo cố tình muốn cưới người Phật giáo để buộc họ cải đạo về sau chứ không phải là vì tình yêu.
Báo La Croix nhắc lại các vụ căng thẳng và bạo lực tôn giáo tại Miến Điện trong thời gian qua đã làm hơn 200 người chết. Dự luật này có nguy cơ làm bùng nổ tình hình vốn đã căng thẳng, nhất là khi chức sắc trong phong trào 9-6-9 không hề thông báo cho các giáo sĩ Hồi giáo về cuộc vận động lấy chữ ký của họ.
Cộng đồng người Hồi giáo thì cảm thấy bị gạt ra bên lề xã hội. Một chức sắc Hồi giáo tại Mandalay tâm sự : « Người Phật giáo xem chúng tôi như người đến từ nước khác ».
Cho đến nay, nhà đối lập Aung San Suu Kyi hiếm khi bảo vệ quyền lợi của các dân tộc thiểu số Hồi giáo và bà thường tránh can dự vào việc này. Lần này, bà nhận xét dự luật này là « bất công » và trái với quyền con người. Giới tu sĩ Phật giáo đe dọa sẽ làm cho các đảng phái chính trị thua cuộc tại kỳ bầu cử 2015 nếu đảng nào không ủng hộ dự luật này.
Trung Quốc : đường dây buôn bán trẻ em
Vẫn liên quan đến châu Á, Le Figaro hôm nay đặc biệt quan tâm đến đường dây buôn bán trẻ em tại Trung Quốc. Tại nước này, trẻ em bị bắt cóc xảy ra rất thường xuyên và thậm chí bác sĩ còn bán cả trẻ sơ sinh.
Báo Le Figaro thuật lại, cuối tuần vừa rồi, cảnh sát đã bắt giữ giám đốc và hai nhân viên khác tại một bệnh viện nhi khoa ở tỉnh Thiểm Tây, nơi đã xảy ra bắt cóc. Những người này bị cáo buộc đã bán đứa bé trai được sinh tại đây.
Vào ngày 16/07 vừa qua, bác sĩ khoa sản họ Zhang đã nói với cha mẹ đứa trẻ rằng con họ bị bệnh bẩm sinh cần được chăm sóc đặc biệt. Do quá đau khổ, đôi vợ chồng này đã tin tưởng và giao con cho bệnh viện chăm sóc theo lời khuyên bác sĩ. Trong đêm đó, bé trai được chuyển đi bằng xe đến tỉnh bên cạnh Hồ Nam và bị bán cho những người trung gian với giá 2 600 euro.
Cha của bé trai nghi ngờ có trò gian xảo trong vụ việc nên đã báo cảnh sát. Đứa trẻ được tìm thấy vào chủ nhật vừa rồi tại căn nhà của một người thợ nông trại. Ông này đã mua lại đứa bé với giá 7300 euro từ một nông dân khác. Đứa trẻ đã qua tay ba trung gian nên giá gần như đã tăng gấp ba. Sau khi xét nghiệm DNA, đứa bé đã được trao trả về gia đình.
Chính sách "một con" và tâm lý "trọng nam, khinh nữ" ở Trung Quốc là nguyên nhân khiến tình trạng bắt cóc trẻ em ở nước này gia tăng. Thứ hai vừa rồi, 7 cặp vợ chồng đã kiện bệnh viện nhi khoa và khẳng định con họ là nạn nhân của các vụ bắt cóc tương tự. Báo địa phương khẳng định đã có hàng chục trẻ sơ sinh bị bắt cóc từ 7 năm nay.
Vụ tai tiếng tại bệnh viện ở Thiểm Tây đã gây xôn xao dư luận trên mạng và nhiều lời công kích đã nhắm vào những người có dính líu đến vụ bắt cóc. Một cư dân mạng lên án bác sĩ thủ phạm là người thiếu nhân tính và phải kết án tử hình bà. Một giáo sư ở Bắc Kinh thì phát biểu : « Đó là dấu hiệu của sự suy đồi đạo đức đang diễn ra từ nhiều thế hệ nay. Người Trung Quốc giờ chẳng tin vào điều gì nữa, ngoài đồng tiền và quyền lực ».
Một người mua lại đứa trẻ ở Thiểm Tây giải thích động cơ là vì ông đã có 3 cô con gái và cần có một đứa con trai để nối dõi. Nếu không, ông sẽ bị mất mặt với xóm làng.

http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20130807-mien-dien-tu-si-phat-giao-muon-han-che-hon-nhan-di-giao

Geen opmerkingen:

Een reactie posten