dinsdag 6 augustus 2013

Trung Quốc đưa 9,000 tàu đánh cá ào ra Biển Đông

Trung Quốc đưa 9,000 tàu đánh cá ào ra Biển Đông Friday, August 02, 2013 5:28:47 PM






Bài liên quan



HẢI NAM (NV) .- Gần 9,000 tàu đánh cá của Trung quốc từ đảo Hải Nam đang chuẩn bị ào xuống Biển Đông sau khi cái lệnh cấm đánh cá của Trung quốc năm nay hết hiệu lực trưa ngày 31/7/2013.
Một đoàn tàu đánh cá bất hợp pháp của Trung quốc đã cột tàu lại với nhau để chống lực lượng tuần biển Hàn quốc bắt giữ hồi Tháng 11-2011. (Hình tài liệu của AFP/Getty Images)
Tân Hoa Xã loan báo như vậy và nói rằng hơn 35 ngàn ngư dân trên đảo đã neo tàu từ ngày 16 Tháng 5 khi nhà cầm quyền ra lệnh cấm đánh cá ba tháng rưỡi.

Ngoài những tàu đánh cá của đảo Hải Nam, tàu dánh cá của tỉnh Quảng Đông và khu tự trị Quảng Tây Choang cũng tràn xuống vịnh Bắc Bộ và Biển Đông đánh cá, nhiều khi xâm nhập sâu vào các vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Theo bản tin này, 80% các tàu đánh cá Trung quốc tràn xuống Biển Đông là từ thị trấn Đàm Môn thành phố cảng Quỳnh Hải, phía đông đảo Hải Nam.
Lệnh cấm đánh cá hàng năm do Trung quốc ngang nhiên áp đặt bất chấp quyền tự do đánh cá trên biển của ngư dân Việt Nam, bao trùm trên cả những vùng biển Việt Nam khẳng định chủ quyền. Nhà cầm quyền CSVN chỉ phản đối suông và không có các biện pháp bảo vệ ngư dân đầy đủ nên ngư dân Việt hay bị tàu tuần Trung quốc bắt giữ, đâm chìm hay đốt cháy.
Vụ mới đây, trang mạng GDVN.net nói rằng ngày 20/5/2013 chiếc tàu cá Việt Nam mang số hiệu QNG 90917 của tỉnh Quảng Ngãi, đang hoạt động bình thường trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam thì bị tàu tuần Trung Quốc mang số hiệu 264 đâm vào, làm hỏng mạn tàu, đe dọa tính mạng của ngư dân trên tàu.
Trong khi đó, lực lượng Biên Phòng CSVN nhiều lần họp báo than phiền hàng đoàn tàu đánh cá Trung quốc xâm nhập sâu vào các vùng biển miền Trung Việt Nam, đánh cá hay khai thác hải sản.
“Trong vòng nửa năm qua, lực lượng BĐBP Đà Nẵng phát hiện và đẩy đuổi trên 480 lượt tàu cá nước ngoài, trong đó chủ yếu tàu thuyền Trung Quốc xâm phạm lãnh hải, khai thác trái phép trên khu vực đông bắc Đà Nẵng, chỉ cách bờ khoảng 20-45 hải lý; tăng gần 300 trường hợp so với cùng kỳ năm 2012.”
Báo Tiền Phong ngày 25/6/2013 cho hay như vậy khi tường thuật “ Hội nghị sơ kết thực hiện Nghị định 77/CP của Chính phủ về công tác phối hợp giữa các lực lượng Công an, quân sự, phòng cháy chữa cháy” của lực lượng Bộ đội Biên phòng thành phố Đà Nẵng.
Trong bản tin vừa nói, tờ Tiền Phong cho biết “Tàu thuyền nước ngoài, Trung Quốc đánh bắt trộm hải sản gia tăng, với mật độ dày, sử dụng thủ đoạn đi thành từng tốp đông có sự phối hợp của tàu vũ trang giả dạng, tàu vận tải, tàu cung ứng cho hoạt động đánh bắt hải sản...”
Sự vi phạm trắng trợn khu vực đặc quyền kinh tế của Việt Nam và vào rất gần với bờ biển Việt Nam như thế, những năm qua, người ta không thấy tàu tuần, cảnh sát biển bắt giữ đám tàu ngang ngược của Trung Quốc.
Tháng Ba vừa qua, tờ Tuổi Trẻ ngày 28 tháng 3, 2012 cùng nhiều tờ báo khác đưa tin “năm 2012 Bộ đội biên phòng Đà Nẵng đã phát hiện 717 lượt tàu cá xâm phạm trái phép trên khu vực đông bắc Đà Nẵng từ 25-45 hải lý, tăng hơn 550 lượt vi phạm so với năm 2011.”
Điều này chứng tỏ ngày càng diễn ra nhiều hơn sự xâm phạm chủ quyền lãnh thổ, ngang nhiên đánh cá, khai thác thủy sản trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Bản tin này của tờ Tuổi Trẻ cũng mô tả “Những tàu cá này đi thành từng tốp có số lượng đông, những tàu có công suất lớn hoặc trang bị vỏ sắt đi phía trước, bảo vệ, hỗ trợ cụm 4-10 tàu ngang nhiên lấn chiếm ngư trường, xua đuổi tàu cá của ngư dân Việt Nam. Điều này gây nhiều khó khăn cho hoạt động đánh bắt hải sản của ngư dân cũng như công tác kiểm tra, bảo vệ chủ quyền của lực lượng chức năng”. (TN)


http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=170467&zoneid=2#.UgEIEfnCS70

Bắc Kinh không muốn có sớm 'Quy Tắc Ứng Xử trên Biển Đông' Monday, August 05, 2013 3:46:38 PM






Bài liên quan



HÀ NỘI (NV) .- Bắc Kinh không chủ trương vội vã ký kết thỏa thuận về một bộ Quy Tắc Ứng Xử trên Biển Đông nên bắn tiếng khuyến cáo các nước ASEAN đừng có quá trông đợi, không thực tế.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (trái) tới chào xã giao tổng bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng (phải) hôm Thứ Hai 5/8/2013 sau khi đã thảo luận với ngoại trưởng Phạm Bình Minh về mối quan hệ giữa hai nước. (Hình: KHAM/AFP/Getty Images)

Đấy là  lời Vương Nghị, ngoại trưởng Trung Quốc tuyên bố ở Hà Nội hôm Thứ Hai 5/8/2013 khi ông này đi một vòng mấy nước Đông Nam Á trong đó có Việt Nam.

Sau nhiều năm tránh né thảo luận về một Bộ Quy Tắc Ứng Xử (Code of Conduct), Trung quốc đồng ý đứng ra tổ chức một cuộc họp ở Bắc Kinh vào Tháng 9 tới đây nhưng chỉ để “tham khảo” nhau giữa các nước ASEAN và Trung quốc về COC chứ không phải là đưa ra các điều khoản đề nghị để biểu quyết.

Các viên chức cao cấp Hoa Kỳ nhiều lần đã thúc giục ASEAN và Trung quốc hoàn thành sớm một bộ COC để tránh xung đột võ trang trên biển Đông, khu vực có lượng hàng hóa vận chuyển trên biển bận rộn nhất thế giới.

Nhưng tại thủ đô Hà Nội, ông Vương Nghị lấy cớ còn nhiều việc phải làm để có một bộ COC để đưa ra quan điểm trì hoãn của Bắc Kinh.

“Trung quốc tin rằng không thể vội vã. Một vài nước đang hy vọng rằng bộ COC có thể thỏa thuận chỉ trong một đêm. Những nước đó đang có những mong muốn không thực tế.” Tân Hoa Xã thuật lời Vương Nghị nói ở Hà Nội. “Bộ Ứng Xử COC liên quan đến lợi ích của nhiều bên nên sự xây dựng một khuôn mẫu đòi hỏi rất nhiều công việc phối hợp”.

 Vương Nghị nói thêm là “không nước nào có thể áp đặt ý muốn của mình lên nước khác.”

Ông ta đổ tội thất bại của các lần thảo luận về COC trước đây là “do sự phá rối của một vài phía” mà không nói rõ là những nước nào.
“Thay vì phá rối, các bên liên quan nên nỗ lực dẫn đến tiến trình có thể tạo ra các điều kiện cần thiết và bầu khí thích hợp”.

Bắc Kinh luôn luôn đổ lỗi cho các nước khác dù chính họ là kẻ gây ra các rắc rối. Chính Bắc Kinh đã cản trở nhiều lần các đề nghị thảo luận về một bộ COC. Cũng không ít lần các chức sắc ngoại giao Bắc Kinh bắn tiếng chỉ thảo luận khi có các điều kiện “chín mùi”, hiểu theo nghĩa họ muốn chiều hướng nào được phép xảy ra.
Tàu chiến Trung Quốc thuộc hạm đội Nam Hải thường xuyên tập trận bắn đạn thật và tuần tiễu dương oai với các nước tranh chấp Biển Đông, đặc biệt Việt Nam và Phi Luật Tân (Hình: Navy81.cn).
Bắc Kinh đã lập đi lập lại nhiều lần là chỉ muốn đàm phán tranh chấp chủ quyền Biển Đông trực tiếp với từng nước chứ không muốn đối diện với các nước ASEAN như một khối. Họ cũng bác bỏ sự tham dự của các cường quốc khác, đặc biệt là Hoa Kỳ.

Mới đây nhất, trước khi tới Việt Nam, Vương Nghị lập lại lập trường khi tuyên bố ở thủ đô Thái Lan là “Chỉ có một cách duy nhất có thể dẫn đến giải pháp cuối cùng (giải quyết tranh chấp chủ quyền) là xuyên qua đàm phán trực tiếp giữa các bên liên quan.” Đây là cái cửa duy nhất mà Bắc Kinh mở ra và sẵn sàng.

Nhiều nhà phân tích thời sự cho rằng mục đích Trung Quốc trì hoãn thảo luận COC vì họ muốn củng cố thêm sự kiểm soát toàn thể vùng Biển Đông bằng quân sự khi gấp rút xây dựng lực lượng hải quân, gồm cả hàng không mẫu hạm. Gần đây, Tập Cận Bình, chủ tịch Trung Quốc tuyên bố nước này sẽ tiến lên thành cường quốc biển. (TN)

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=170600&zoneid=2#.UgEIdfnCS71

 

 

Geen opmerkingen:

Een reactie posten