dinsdag 20 augustus 2013

Trung Quốc : Các thành phố ma thách thức kế hoạch của nhà cầm quyền

Thứ hai 19 Tháng Tám 2013

Các thành phố ma thách thức kế hoạch của nhà cầm quyền

Thành phố Kinh Tân.
Thành phố Kinh Tân.
DR

Thu Hằng
Trong mục quốc tế, nhật báo Le Figaro cho biết hàng chục dự án đô thị hóa khổng lồ không tìm được dân cư tới sống. Dưới tựa đề : «Trung Quốc : các thành phố ma thách thức kế hoạch của nhà cầm quyền », đặc phái viên của báo phản ánh thực tế tại thành phố Kinh Tân.


Minh họa cho bài báo là bức ảnh trung tâm thành phố Kinh Tân hiện đại, hoành tráng nhưng vắng lặng. Được xây dựng năm 2005, Kinh Tân nằm ở vị trí lý tưởng, giữa hai thành phố năng động là Bắc Kinh và Thiên Tân, với mục đích trở thành khu đô thị của tầng lớp trung lưu mới. Với sự ủng hộ của chính quyền địa phương, chủ thầu Trung Quốc Hopson hứa hẹn đây là quần thể villa lớn nhất châu Á, với chất lượng cuộc sống cao, cho khoảng 500 ngàn dân.
Phóng viên miêu tả những công trình đồ sộ được xây tại đây : hơn 8 000 biệt thự được xây theo kiểu vùng Địa Trung Hải xen giữa những sân golf và các khu mua sắm. Thế nhưng, từ sau khi xây xong, Kinh Tân là một thành phố ma cao cấp. Một nhân viên bất động sản tại đây cho biết có rất ít người mua. Niềm hi vọng mong manh của ông là bán nhà làm nhà nghỉ cho các gia đình tại Bắc Kinh, cách Kinh Tân 110 km. Những căn hộ được thiết kế theo kiến trúc châu Âu cũng khó tìm được người mua. Chỉ khoảng 10% tổng số nhà ở đây là có người sống.
Kinh Tân nằm trong danh sách khoảng mười thành phố ma mọc lên tại Trung Quốc, do hậu quả từ cuộc bùng nổ bất động sản và những tham vọng vô mực của nhà cầm quyền địa phương và chủ thầu. Tác giả liệt kê các khu đô thị với các tòa nhà chọc trời trống rỗng, như khu Ordos ở Nội Mông với quy mô cho một triệu dân, hay thành phố vệ tinh Thiết Lĩnh tại tỉnh Liêu Ninh với dự tính đón khoảng 340 000 dân.
Ông chủ của Hopson lên án chính quyền địa phương đã thất hứa. Họ không cho xây dựng đường cao tốc và các cơ quan hành chính. Thực ra, thất bại này hé lộ một thực tế cay đắng cho các nhà cầm quyền Trung Quốc : xây dựng cơ sở hạ tầng không còn đủ sức để thu hút dân cư, thương mại và việc làm như thành công trong thời kỳ tăng trưởng mạnh trong những năm 1990.
Đây là một lời cảnh báo cho bộ máy của Chủ tịch Tập Cận Bình tại thời điểm một chính sách đô thị hóa mới, với quy mô lớn sắp được tung ra. Để xóa bỏ hình ảnh tăng trưởng giảm xuống dưới ngưỡng 8%, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã công bố sách lược đô thị hóa đầy tham vọng nhằm tạo thêm chín thành phố mới và dần chuyển khoảng 250 triệu nông dân tới các khu đô thị này. Bằng cách nâng tỉ lệ đô thị hóa lên 52%, tương đương với 700 triệu người, nhà cầm quyền hi vọng thúc đẩy tiêu thụ và tạo thêm việc làm mới.
Tác giả mượn lời một giáo sư Trung Quốc tại Đại học Nhân dân để kết luận bài báo. Theo ông : « Phải ngừng việc xây dựng các thành phố, trái lại, phải nâng cao mức sống tại nông thôn để ngăn việc di cư của của nông dân. Quá trình đô thị hóa chỉ tạo nên rối loạn xã hội ». Thủ tướng Lý Khắc Cường tỏ ra cẩn trọng và đã đẩy việc công bố chiến lược chi tiết của mình vào mua thu tới.
Các tập đoàn châu Âu nằm trong tầm ngắm của Bắc Kinh
Vẫn liên quan tới Trung Quốc, nhưng chuyên về kinh tế, báo Le Monde quan tâm tới mối quan hệ giữa Bắc Kinh và các doanh nghiệp châu Âu có mặt tại quốc gia lớn nhất thế giới này. Từ sau vụ xì-căng-đan của tập đoàn dược phẩm Anh quốc GSK, « Các tập đoàn châu Âu nằm trong vòng ngắm của Bắc Kinh ». Đây cũng là tiêu đề của bài phóng sự của phóng viên tờ Le Monde tại chỗ.
Sau vụ phát giác GSK, Bắc Kinh sờ gáy một loạt các nhà sản xuất dược phẩm khác : giữa tháng 7 là công ty Sanofi của Pháp, cuối tháng 7 là Novartis của Thụy Sĩ. Hai tập đoàn lớn này đang bị tố cáo chi 200 000 euros vào năm 2007 cho các bác sĩ của 79 bệnh viện công tại Trung Quốc. Những tên tuổi lớn khác trong lĩnh vực này cũng bị thanh tra Trung Quốc thăm viếng trong khuôn khổ một cuộc điều tra lớn về giá thuốc của 60 công ty nội địa và ngoại quốc.
Một nhà phân tích cho biết : « Đây là một lĩnh vực mà mọi người đều biết là rất tham nhũng… Những công ty nước ngoài có lợi thế, trong khi đó người Trung Quốc lại muốn ưu ái các nhà vô địch quốc gia của mình ». Cuộc phản công vào các nhà sản xuất dược phẩm không phải là trường hợp ngoại lệ. Nó nằm trong chiến dịch chống tham nhũng do chính quyền khởi xướng từ sau Đại hội Đảng Trung Quốc lần thứ 18. Cho tới nay, chiến dịch này chủ yếu rờ tới những nhà lãnh đạo trong bộ máy hành chính và các công ty nhà nước. Tuy nhiên, nó bắt đầu lan tới lĩnh vực kinh doanh.
Ngoài dược phẩm, bài báo liệt kê thêm các lĩnh vực và công ty bị Ủy ban quốc gia Phát triển và Cải cách trừng phạt do thông đồng giá, trong đó có các công ty sản xuất sữa bột cho trẻ em và sáu công ty đồ trang sức Trung Quốc. Còn hồi tháng giêng vừa qua, sáu nhà sản xuất màn hình phẳng, trong đó có Samsung và LG cũng bị nộp phạt.
Người dân Trung Quốc luôn có cảm giác bị « móc túi ». Trận chiến nhằm vào các tập đoàn lớn với mục đích giảm giá thuốc và tạo nhiều khả năng cạnh tranh hơn. Lĩnh vực y tế là thách thức lớn đối với chính phủ và là trung tâm của nhiều xì-căng-đan lớn. Theo giáo sư khoa học kinh tế Willy Lam của Đại học Hồng Kông, nhắm vào các công ty dược phẩm đa quốc gia là phục vụ cho nguyện vọng quốc gia của bộ máy nhà nước hiện nay. Thế nhưng, ông cho rằng Bắc Kinh cũng sẽ dễ bị kết tội là quy trách nhiệm cho những công ty nước ngoài những vấn đề mà mình không giải quyết được.
Với các tập đoàn nước ngoài, thị trường Trung Quốc tăng trưởng một cách ấn tượng. Họ có trong tay bản quyền thuốc, trong khi đó các công ty Trung Quốc bán thuốc cùng hoạt chất (generic) và độc quyền thuốc cổ truyền. Các tập đoàn quốc tế này phàn nàn thời gian chờ đợi quá trình phê chuẩn quá lâu và tốn kém để nhập thuốc vào Trung Quốc và họ thường phải thông qua các nhà phân phối địa phương để bán thuốc cho bệnh viện. Ngoài ra, các công ty này cũng được chính quyền nhiệt tình khuyến khích sản xuất thuốc và chuyển một phần bộ phận nghiên cứu và phát triển của họ sang Trung Quốc. Dĩ nhiên, điều này sẽ làm suy yếu thành quả công nghệ của họ.
Năm 2010, Ủy ban quốc gia Phát triển và Cải cách đã khởi xướng dự án thử nghiệm đấu thầu danh mục 300 loại thuốc chủ yếu cho các bệnh viện tại nông thôn. Thế nhưng, dự định phổ cập dự án này tới các khu vực đô thị vào năm 2012 của cơ quan này đã khiến các tập đoàn nước ngoài và các công ty nội địa phẫn nộ. Hiện giờ, Bắc Kinh đang tìm giải pháp khác.

http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20130819-cac-thanh-pho-ma-thach-thuc-ke-hoach-cua-nha-cam-quyen

Geen opmerkingen:

Een reactie posten