woensdag 7 augustus 2013

Hóa đơn giả hoành hành Trung Quốc

Thứ hai, 5/8/2013 14:34 GMT+7

Hóa đơn giả hoành hành Trung Quốc

Quảng cáo bán hóa đơn có ở khắp nơi, từ hóa đơn công tác, cho thuê tài sản, quản lý rác thải cho đến thuế giá trị gia tăng. Chúng được gửi qua máy fax, tin nhắn, thậm chí trên website với khuyến mãi đặc biệt và cam kết giao hàng trong ngày.
Để tìm hiểu hệ thống kinh tế ngầm khổng lồ tại Trung Quốc, người ta cần phải tới các bến xe trung tâm để chứng kiến cảnh những người bán rong công khai rao hóa đơn giả. "Hóa đơn, hóa đơn đây! Chúng tôi bán tất cả các loại", một phụ nữ khoảng hơn 30 tuổi vừa cất tiếng rao, vừa trông chừng hai đứa con đang chơi ở ga tàu cạnh đó.
Những người mua sử dụng chúng để trốn thuế và lừa cấp trên. Đây cũng là cách họ lập quỹ đen để hối lộ quan chức và đối tác kinh doanh. Sản xuất và sử dụng hóa đơn giả là phạm pháp. Nhiều người Trung Quốc cũng từng bị xét xử vì việc này. Tuy nhiên, nhu cầu quá lớn đã khiến việc bán hóa đơn giả vẫn tràn lan nơi công cộng.
Tình trạng này phổ biến đến nỗi chính các kiểm toán viên tại các tập đoàn đa quốc gia cũng bị qua mặt. Hãng dược phẩm Anh – GlaxoSmithKline vẫn đang nỗ lực điều tra bằng cách nào bốn lãnh đạo cấp cao của họ tại Trung Quốc có thể nộp hóa đơn giả để tham ô hàng triệu USD trong 6 năm. Cảnh sát nước này cũng cho biết một phần số tiền được dùng để lập quỹ hối lộ các bác sĩ, bệnh viện và quan chức chính phủ.
hoa-don-gia-1375681209_500x0.jpg
Bộ Công An Trung Quốc đang kiểm tra hóa đơn giả từ Bắc Kinh và Hà Bắc. Ảnh: NYT
Các quảng cáo bán hóa đơn lan tràn khắp nơi, từ hóa đơn công tác, cho thuê tài sản, quản lý rác thải cho đến thuế giá trị gia tăng. Những quảng cáo này được gửi qua máy fax và tin nhắn trên điện thoại. Thậm chí, trên website thương mại điện tử Taobao của Trung Quốc, những người bán còn có khuyến mãi đặc biệt và giao trong ngày với các đơn đặt hàng. Một người tiết lộ: "Chúng tôi tính tiền theo % nếu khách hàng muốn ghi hóa đơn giá trị lớn. Tôi còn từng in số hóa đơn 16 triệu USD cho một dự án xây dựng".
Phát hiện hóa đơn giả và hóa đơn bị chỉnh sửa là thách thức với các cơ quan thuế, doanh nghiệp nhỏ và công ty nhà nước. Nền kinh tế Trung Quốc đang ngày càng phức tạp, và công nghệ làm giả hóa đơn cũng được nâng cấp theo.
Những năm gần đây, Chính phủ Trung Quốc đã tấn công mạnh mẽ vào hoạt động tội phạm này. Năm 2009, họ bắt giữ hơn 5.000 người và đóng cửa hơn 1.000 điểm sản xuất hóa đơn giả. Một năm sau, Trung Quốc lại phát hiện gần 1.600 nhóm tội phạm và 74.833 doanh nghiệp nộp hóa đơn giả lên chính quyền.
Tuy nhiên, giới chuyên gia lại cho biết chiến dịch này rất ít khi có tác dụng. Đó là vì ngay cả quan chức chính phủ cũng tham gia vào đây. Giới công chức, dù làm cho chính quyền hay công ty nhà nước, cũng rất hào hứng nộp hóa đơn giả để tăng thu nhập. Wang Yuhua, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Pennsylvania (Mỹ) cho biết: "Đồng lương của họ quá ít ỏi. Họ có nhu cầu bổ sung túi tiền cho mình. Vì vậy, việc này rất khó kiểm soát".
Hệ thống hóa đơn giả ở Trung Quốc bắt đầu xuất hiện từ cuối thập niên 80, khi ChÍnh phủ đề nghị các công ty chỉ sử dụng hóa đơn được phát hành bởi cơ quan thuế trong mỗi giao dịch. Các hóa đơn này được đánh số và đóng dấu của chính quyền.
Việc này đã nhanh chóng bị lợi dụng khi các nhóm tội phạm bắt đầu sản xuất hóa đơn giả tinh vi với những loại máy in đặc biệt. Trong trường hợp của Glaxo, cơ quan điều tra Trung Quốc cho biết các lãnh đạo cấp cao của hãng tại Trung Quốc đã cấu kết với một đại lý du lịch ở Thượng Hải để làm giả giấy tờ. Ví dụ, hóa đơn mua vé máy bay được xuất cho những chuyến đi chưa bao giờ diễn ra. Và khi các lãnh đạo liệt kê tới 100 khách cho một cuộc họp, thực tế có lẽ chỉ khoảng 80 người tham dự. Những hóa đơn giả này đã được nộp lên để tham ô số tiền khổng lồ từ trụ sở Glaxo ở London (Anh).
Trong báo cáo năm 2013 có tên "Làm kinh doanh và đầu tư ở Trung Quốc", hãng kiểm toán PwC nhận xét: "Sử dụng hóa đơn giả là cơ chế phổ biến nhất ở Trung Quốc để rút ruột tiền từ công ty. Đó có thể là hành vi làm giàu cá nhân, hoặc lập quỹ để hối lộ".
Dù rất phổ biến, hoạt động này lại rất khó phát hiện. Các nhà phân tích cho biết chi phí giám sát rất cao. Họ sẽ phải rà soát hàng triệu hóa đơn bằng cách gọi điện cho các khách sạn, hãng hàng không và cửa hàng cung cấp thiết bị để kiểm tra các giao dịch lừa đảo. Một thách thức nữa là rất nhiều hóa đơn là thật, nhưng lại là hàng thừa được tuồn ra thị trường chợ đen.
Tại Thượng Hải, nhiều công ty còn công khai quảng cáo mua lại hóa đơn không dùng hết qua fax. "Để cung cấp dịch vụ kế toán đa dạng cho các công ty khác, chúng tôi hiện cần hóa đơn thuế giá trị gia tăng từ nhiều lĩnh vực khác nhau. Nếu công ty anh, chị còn hóa đơn chưa sử dụng, chúng tôi sẽ mua lại với giá tốt", mẩu quảng cáo của Trung tâm dịch vụ kế toán Fangyuan Thượng Hải cho hay.
Thùy Linh (theo NYT)
 

Geen opmerkingen:

Een reactie posten