zondag 4 augustus 2013

Hàn Quốc chấm dứt ưu tiên nền điện ảnh Hàn Quốc ?

Thứ bảy 03 Tháng Tám 2013

Ngoại lệ văn hóa Hàn Quốc chấm dứt ?

Trụ sở cơ quan Korean Film Council (KOFIC) DR
Trụ sở cơ quan Korean Film Council (KOFIC) DR

Thu Hằng
Trong cuộc thương thảo tự do mậu dịch xuyên Đại Tây Dương giữa Liên hiệp châu Âu và Hoa Kỳ diễn ra tháng 6 vừa qua, Pháp đã bảo vệ thành công bản sắc văn hóa, đặc biệt là nền điện ảnh của mình, khỏi tầm ảnh hưởng của Mỹ. Tuy nhiên, ảnh hưởng của Mỹ đang phát triển mạnh tại châu Á xa xôi.


Sau nhiều thập niên phát triển, nền điện ảnh Hàn Quốc cũng không thoát khỏi ảnh hưởng của người khổng lồ Mỹ. Mục « Văn hóa » của nhật báo Le Monde chú ý tới vấn đề này với dòng tựa : « Tại Hàn Quốc, ngoại lệ văn hóa chấm dứt ». Năm 1967, chính phủ Hàn Quốc áp dụng hệ thống quota buộc sản xuất ba phim nội địa để có quyền chiếu một phim nước ngoài.
Hàng năm, các rạp hát phải chiếu các phim do các công ty trong nước tài trợ trong vòng 146 ngày. Thế nhưng, từ năm 1993 tới 1998, Seoul nhanh chóng nhận thấy lợi nhuận khổng lồ mà nền điện ảnh mang lại, đặc biệt là doanh thu tương đương với trị giá 1,5 triệu chiếc ô tô Huyndai của bộ phim tấn Công viên kỷ Jura (Jurassic Park).
Trong những năm từ 1998 tới 2008, các tổng thống Kim Dae-jung và Roh Moo-huyn muốn nâng Hàn Quốc lên thành một trong năm cường quốc văn hóa hàng đầu thế giới và không ngừng hỗ trợ cho nền công nghiệp giải trí này. Nhờ đó, nhiều diễn viên điện ảnh tài năng Hàn Quốc được trọng vọng tại các liên hoan phim quốc tế và phim của nước này được chào đón khắp khu vực Đông và Đông Nam Á.
Từ năm 2012, các nhà sản xuất chủ yếu quan tâm đến các dự án phim lớn. Chính vì thế, ngày càng có ít phim Hàn Quốc tại các liên hoan phim quốc tế. Nhiều ý kiến cho rằng hiệp định tự do trao đổi ký với Hoa Kỳ năm 2007 và có hiệu lực từ năm 2012 đã thay đổi nền công nghiệp của nước này. Theo đó, Seoul đã nhượng bộ trước Mỹ khi giảm số ngày chiếu phim Hàn Quốc xuống còn 73 ngày.
Giám đốc Cơ quan Korean Film Council (Kofic), với sự hỗ trợ của Bộ Văn hóa, cho biết : « Trước khi ký hiệp định song phương, các kênh Hàn Quốc phải chiếu 25% phim do nước này sản xuất. Giờ chỉ còn 20% ». Vào năm 2015, các nhà sản xuất Hoa Kỳ có quyền chiếm 100% các kênh truyền hình tại Hàn Quốc.
Việc giảm quota cũng gây ảnh hưởng đáng ngại tới nền điện ảnh Hàn Quốc. Theo Kofic, tỉ lệ phim nội địa chiếm 63,8% thị trường vào năm 2006, năm 2008, giảm xuống còn 42,1%. Năm 2012, tỉ lệ này đã tăng lên 59,6% nhờ một số phim nổi tiếng với ngân sách khổng lồ cùng với những phim nhỏ do các hãng độc lập sản xuất.
Hiệp định tự do trao đổi cũng gây ảnh hưởng trầm trọng tới các hãng phim nhỏ này. Để tồn tại, các công ty này thầu lại các hợp đồng cho các hãng lớn. Một đạo diễn nhận xét : « Thường có một buổi lễ trước khi quay một bộ phim. Trước đây, người ta cầu để làm được một bộ phim hay, giờ người ta cầu để phim mang lại nhiều lợi nhuận nhất ».
Còn các ngôi sao màn bạc, họ chỉ quan tâm tới các dự án phim lớn và quay lưng với phim của các nhà sản xuất độc lập. Cơ quan Korean Film Council cũng chịu sự cắt giảm ngân sách hỗ trợ khám phá tài năng mới. Tình hình trên cũng khiến nhiều kỹ thuật viên không tìm được việc làm và nhiều nhà làm phim trẻ khó nhọc để thực hiện dự án của mình.
Các liên hoan tại Pháp tìm kiếm ngân sách
Vẫn liên quan tới vấn đề văn hóa, nhưng tại nước Pháp, báo Libération dành năm trang đầu, trong mục « Sự kiện », dưới tiêu đề : « Các festival tìm kiếm ngân sách », để phản ánh thực trạng khó khăn của các nhà tổ chức từ khi nhà nước giảm ngân sách cho các hoạt động này.
Tờ báo cho biết, dù khủng hoảng, các hoạt động văn hóa tại Pháp vẫn thu hút được khán giả nhờ hợp tác với lĩnh vực tư nhân. Mỗi loại hình nghệ thuật, từ âm nhạc tới nghệ thuật sống hay điện ảnh, đều có những cách riêng để tiếp tục tồn tại.
Âm nhạc là lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nhất vì 90% các festival tại Pháp là các sự kiện âm nhạc. Các nhà tổ chức buộc phải bắt tay với các doanh nghiệp địa phương để thu hút khán giả, đồng thời đảm bảo doanh thu cho sự kiện. Với các đại nhạc hội, họ dựng làng festival cho khán giả thuê. Ngoài ra, cho các công ty tư nhân thầu kinh doanh đồ ăn uống cũng là nguồn thu chính cho những sự kiện này.
Điện ảnh là lĩnh vực thứ hai bị ảnh hưởng. Tại Pháp, hàng năm có khoảng 168 liên hoan phim lớn nhỏ. Mục đích của các nhà tổ chức là mời các diễn viên nổi tiếng tham dự để có thể thu hút được nhiều khán giả nhất. Thế nhưng, chi phí cho chuyến đi của các nghệ sĩ này rất tốn kém, trong khi đó ngân sách nhà nước và địa phương cũng giảm dần.
Nhà tổ chức tìm kiếm các nhà tài trợ dưới nhiều hình thức khác nhau, như hợp tác với khách sạn để họ cung cấp phòng đón khách mời, hoặc như trường hợp hãng hàng không Air France cung cấp vé miễn phí. Đổi lại, ban tổ chức quảng cáo logo cho đối tác của mình tại mọi sự kiện. Lĩnh vực nghệ thuật sống tìm cách thu hút và đa dạng hóa khán giả bằng cách giảm giá vé hay tổ chức miễn phí một số sự kiện. Trong lĩnh vực này, đối tác tư nhân vẫn còn khá khiêm tốn.
Libération phỏng vấn nhà nghiên cứu Kévin Matz để có thể hiểu rõ hơn quá trình thay đổi của các đại nhạc hội. Trong thập niên 80 và 90, các festival có tham vọng thay đổi thế giới với sự chuyên nghiệp hóa và quy mô hoành tráng. Hiện nay, tồn tại ba hình thức festival : hình thức thứ nhất, quy mô nhỏ, hoạt động độc lập và không cần hỗ trợ tài chính của nhà nước hay các nhà tài trợ. Hình thức thứ hai hoàn toàn mang tính thương mại. Hình thức cuối cùng là các liên hoan được ngân sách nhà nước tài trợ một phần nhưng cũng nhận tài trợ của tư nhân.
Nhà nghiên cứu cho biết thêm, cũng trong những năm 80-90, việc quảng bá cho các nhãn hiệu là điều không tưởng. Song hiện nay, khán giả ít phản ứng về vấn đề logo của các nhà tài trợ có mặt khắp nơi, hay tính chất của festival, như trường hợp « Ngày lễ báo L’Humanité » (Fête de L’Humanité). Họ tới tham dự festival vì quan tâm tới chương trình và chủ yếu với mục đích giải trí.
Làn sóng Trung Hoa
Với tựa đề này, phóng viên báo Le Monde phản ánh làn sóng khách du lịch Trung Quốc ngày một lớn. Tại đây, đi nghỉ ngày càng đồng nghĩa với du lịch nước ngoài. Dưới thời chủ tịch Mao Trạch Đông, đây bị coi là "trái cấm", năm 2012, 83 triệu người Trung Quốc nếm được mùi vị của nó.
Tác giả bài báo nêu lên những cột mốc lớn đánh dấu sự thay đổi quan điểm về kỳ nghỉ và du lịch tại quốc gia đông dân nhất thế giới. Trong ba thập kỷ gần đây, người Trung Quốc mới bắt đầu làm quen với khái niệm « kỳ nghỉ ».
Vào năm 1995, họ mới biết tới tuần làm việc năm ngày, với hai ngày nghỉ cuối tuần. Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Trung Quốc về Giải trí cho biết : « Khái niệm thời gian rảnh hay kỳ nghỉ hoàn toàn không có dưới thời chủ tịch Mao Trạch Đông. Mọi thứ đều tập trung xung quanh nhà máy và đơn vị lao động. Người ta làm việc sáu ngày mỗi tuần ».
Trong giai đoạn mở cửa và cải cách do Đặng Tiểu Bình khởi xướng vào năm 1978, người Trung Quốc dần quan tâm tới lĩnh vực giải trí và du lịch. Cuộc khủng hoảng kinh tế châu Á năm 1997 đã khơi thức nhu cầu khẩn cấp thúc đẩy tiêu thụ, mà lĩnh vực vui chơi giải trí đóng một phần quan trọng.
Năm 1999, người Trung Quốc cũng được hưởng nhiều ngày nghỉ hơn nhờ « ba tuần vàng », thực tế là ba ngày nghỉ lễ của các dịp Quốc tế Lao động, Quốc khánh Trung Quốc và Tết nguyên đán. Sau này, ba ngày nghỉ dịp Quốc tế Lao động bị hủy vì lượng người đi lại trong các dịp này tăng quá cao.
Thời gian nghỉ này là cơ hội cho người dân đi mua sắm và du lịch. Thế nhưng, chỉ bộ phận công chức, nhân viên các doanh nghiệp lớn mới được hưởng trọn vẹn nhịp độ lao động hiện đại và các thú vui giải trí. Người dân ở khu vực nông thôn, hoặc người từ nông thôn lên thành thị lao động, chiếm khoảng 50% dân số, ngậm ngùi về quê mỗi năm một lần vào dịp Tết nguyên đán.
Với những người may mắn được đi nghỉ, tác giả ghi nhận những sinh hoạt đa dạng của họ tùy theo lứa tuổi. Họ không thích tắm biển bằng các môn thể thao mùa đông hay đi cắm trại hoàn toàn không được quan tâm. Giới trẻ thích du lịch một mình, thử các môn thể thao mạo hiểm hay đi xe đạp xuyên đất nước. Ngoài ra, còn có du lịch « đỏ », đi theo bước chân của chủ tịch Mao. Loại hình này chủ yếu thu hút thế hệ ngoài 60 tuổi hoặc các cơ quan hành chính còn quan tâm tới ảnh hưởng của chủ nghĩa cộng sản.
Kỳ nghỉ cũng đồng nghĩa với du lịch nước ngoài. Tác giả hài hước nhận xét, nhiều khách du lịch Trung Quốc trong giai đoạn đầu khám phá, hay đúng hơn chỉ đứng chụp ảnh trước những công trình hay phong cảnh. Họ cố gắng tham quan hoặc chụp hình càng nhiều càng tốt trong khoảng thời gian ngắn nhất.
Làn sóng khách du lịch tràn sang châu Âu theo một hình thức chung : khách du lịch ngủ tại các khách sạn bình dân (thường ở ngoại ô), di chuyển bằng xe ca (thường vào ban đêm) từ thủ đô này sang thủ đô khác và chỉ ăn uống tại các nhà hàng Tàu được chọn trước đó. Những khách du lịch này hạn chế tối đa các khoản chi phí cho đi lại, khách sạn hay ăn uống và chỉ dành tiền để mua hàng hiệu, mục đích của chuyến đi.
Tuy nhiên, phản hồi về khách du lịch Trung Quốc gây sốc. Cho dù chi bộn tiền cho mua sắm, họ vẫn thường bị gắn với hình ảnh mất lịch sự, nhà quê, ồn ào, khạc nhổ và vẽ bừa bãi lên các di tích văn hóa lịch sử. Đây là vấn đề thể diện quốc gia : chính phủ vừa công bố những quy định về thái độ của người đi du lịch ngoài biên giới đất nước. Thêm vài biện pháp kỷ luật và khách du lịch Trung Quốc sẽ… giống như những khách du lịch khác.
Điện Biên Phủ : tiếng chuông báo tử cho đế chế thuộc địa Pháp
Điện Biên Phủ là chủ đề cuối cùng trong loạt bài « Các trận chiến » của chuyên mục « Mùa hè của Le Figaro ». Đặc phái viên của nhật báo tại Điện Biên Phủ giúp độc giả hồi tưởng lại sự kiện này trong bài : « Điện Biên Phủ rung tiếng chuông báo tử cho đế chế thuộc địa Pháp ».
170 ngày chiến đấu, trong đó là 57 ngày sống trong địa ngục, đó là con số tác giả nêu lên để đánh dấu giai đoạn khốc liệt bắt đầu từ ngày 20 tháng 11 năm 1953 và kết thúc ngày 7 tháng 5 năm 1954. Tác giả bài phóng sự ngỡ ngàng khi quan sát lòng chảo, dài 16 km và rộng 6 km, và tự hỏi làm thế nào mà tướng Giáp có thể cho kéo được xe bọc thép và đạn dược lên tới đây.
Tướng Henri Navarre sử dụng chiến lược « con nhím » bằng cách chiếm lòng chảo Điện Biên và xây dựng một căn cứ quân sự để chặn đường từ Lào tới Việt Minh. Trong khi đó, tướng Giáp, người chiến thắng, so sánh « lòng chảo » Điện Biên như bát cơm, Việt Minh chiếm phần miệng và người Pháp ở đáy bát. Cuộc chiến khiến ít nhất 2 300 người chết bên phía Pháp và hơn 8 000 người bên phía Việt Minh. Trong số khoảng 10 863 tù binh, chỉ có 3 290 người quay lại. Kết cục bi thảm của cuộc chiến đã thúc đẩy nhanh hơn quá trình đàm phán tại Hội nghị Genève.
Ngày nay, mọi thứ đều xanh ở lòng chảo Điện Biên Phủ. Lúa gạo của vùng này nổi tiếng là một trong những loại ngon nhất Việt Nam. Thành phố đón nhận nhiều dân tộc thiểu số khác nhau với dân số lên tới 35 000 người, sống trong những tòa nhà cao tầng và xây dựng chắc chắn. Điện Biên Phủ còn được biết đến nhiều hơn nhờ loại hình du lịch « yêu nước ». Bảo tàng đầu tiên được xây dựng tại đây năm 1984 nhân kỷ niệm 30 năm chiến thắng. Một bảo tàng mới đang trong quá trình xây dựng.
Cựu thủ tướng Ý Berlusconi bị kết án
Điểm qua tình hình chính trị nước Ý, thông tin cựu thủ tướng nước này bị kết án tù vẫn nhận được sự quan tâm của báo chí Pháp. Số cuối tuần báo Le Monde đăng bài « Berlusconi bị kết án, nhưng vẫn trên đài chính trị ». Tờ báo nhận định, sau hai mươi năm rơi vào vòng lao lý, cựu thủ tướng ngã ngựa vì tội trốn thuế. Song có lẽ ông sẽ thoát khỏi án tù và vẫn giữ được ảnh hưởng của mình.
Nhật báo kinh tế Les Echos đăng tin : « Ý : số phận của Berlusconi làm lung lay tầng lớp chính trị ». Các nghị sĩ Đảng PDL của Berlusconi dọa từ chức để phản đối phán xét. Theo luật pháp Ý, những người bị kết án tù sẽ không được phép ứng cử vào nghị viện trước thời hạn sáu năm. Ngoài ra, ông phải trả lại hai hộ chiếu : một do bộ Nội vụ cấp và một hộ chiếu ngoại giao do Bộ ngoại giao cấp khi ông còn điều hành chính phủ. Đảng Dân chủ và Đảng M5S có lẽ là những người hài lòng nhất vì loại được Berlusconi khỏi Thượng nghị viện.
Tuần báo Aujourd’hui en France đưa tin « Tương lai chính trị của Berlusconi bị treo ». Cùng ý kiến với đồng nghiệp Les Echos, tờ báo nhận định việc cựu thủ tướng bị kết án đã gây nên sóng gió chính trị tại Ý. Tờ báo cũng chia sẽ ý kiến với Le Monde cho rằng dù có giã từ sự nghiệp chính trị, ảnh hưởng của ông vẫn còn lớn. Dù tòa án có kết tội và cấm ông ứng cử, song ông vẫn có thể kết thúc nhiệm kỳ nghị viên của mình vào năm 2018. Việc buộc ông từ chức nghị viên sẽ phụ thuộc vào Thượng nghị viện.
 
tags: Châu Á - Hàn Quốc - Hoa Kỳ - Điểm báo
 
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20130803-ngoai-le-van-hoa-han-quoc-cham-dut

Geen opmerkingen:

Een reactie posten