maandag 5 augustus 2013

Fobes Billionaires : Người siêu giàu sống như thế nào ?

Chủ nhật 04 Tháng Tám 2013

Người siêu giàu sống như thế nào ?


Thu Hằng
Lâu đài, biệt thự, du thuyền hay tác phẩm của những họa sĩ nổi tiếng, giới siêu giàu không biết họ xài tiền như nào nữa. Phóng viên tuần báo Le Nouvel Observateur dõi theo thế giới bí mật và xa xỉ của những tỉ phú này, từ Luân Đôn tới Bắc Kinh, từ Paris tới New York, trong mục « Hồ sơ » dưới tựa đề : « Người siêu giàu sống như thế nào ? »


Cuộc sống bí mật của giới tỷ phú
QLB   - Tuần báo Le Nouvel Observateur đăng bài viết về thế giới bí mật và xa hoa của các tỷ phú từ Luân Đôn tới Bắc Kinh, từ Paris tới New York.

Tỷ phú Bill Gates, người giàu nhất thế giới.

Hồi tháng Ba vừa qua, tạp chí Forbes thống kê toàn thế giới có 1.426 tỷ phú với giá trị tài sản lên tới 5.000 tỷ USD, gấp 2,5 lần GDP của Pháp.
Nếu như Châu Mỹ vẫn giữ kỷ lục số lượng tỷ phú, Châu Á-Thái Bình Dương vượt Châu Âu đứng hàng thứ 2. Cuối cùng, tỷ phú châu Phi cũng bắt đầu góp mặt vào bảng xếp hạng. Sơ đồ phân chia số lượng tỉ phú tại các châu lục cho thấy : Châu Mỹ có 571 tỷ phú, trong đó Mỹ chiếm 442 người. Châu Á-Thái Bình Dương có 386 tỷ phú, trong đó 122 là người Trung Quốc. Châu Âu có 366 tỉ phú, trong đó nước Đức chiếm 58 người. Cuối cùng, Châu Phi và Trung Đông có 103 tỷ phú, với 17 tỷ phú là người Isarel.
Giới siêu giàu làm gì với khối tài sản khổng lồ của mình? Tuy cuộc sống kiểu thích phô trương vẫn được ưa chuộng, nhưng không còn thu hút nhiều tỷ phú như trước. Một nhà xã hội học nhận định: “Tiền của họ là vô hình: 95% tài sản được phân chia đầu tư để được hưởng đặc quyền miễn thuế. Họ không thể có hàng trăm lâu đài hay du thuyền nữa”. Tuy nhiên, một số người vẫn thích thế giới biết mình giàu đến mức nào.
Đầu tư bất động sản
Giàu có đồng nghĩa với sở hữu bất động sản. Họ có thể đầu tư rất nhiều vào các biệt thự lâu đài mà mỗi năm họ chỉ tới vài ba ngày. Các thành phố lớn như New York, Luân Đôn và Paris là những nơi được giới giàu ưa thích, đặc biệt là tỉ phú mới nổi. Vì thế, giá bất động sản hạng sang tại đây tăng một cách chóng mặt.

Một khu biệt thự của tỷ phú.

Ở khu nhà giàu Chelsea tại Luân Đôn, 4 trên 6 biệt thự, với giá từ 3 đến 6 triệu bảng Anh, không thuộc sở hữu của người bản địa. Năm 2012, khoản đầu tư 500 triệu bảng Anh của các tỷ phú Hy Lạp và Italy đã đẩy giá bất động sản ở một số khu vực của thủ đô nước Anh đắt ngang với giá ở Công quốc Monaco. Để con có thể theo học tại các trường danh tiếng như Westminster hay St Paul’s, các bậc phụ huynh sẵn sàng đóng khoảng 30.000 euros học phí hàng năm.
Paris là thủ đô được các hoàng thân vùng Trung Đông ưu thích. Bài báo cho biết những chủ sở hữu mới thích sự hiện đại và tiện nghi. Thế nhưng, các biệt thự họ mua thường là những tòa nhà cổ và một số đã được xếp hạng. Họ sẵn sàng thay đổi đồ đạc hoặc trùng tu khiến kiến trúc và cách bài trí nội thất ban đầu của tòa nhà bị thay đổi. Một số người bảo vệ di sản, kể cả Bộ Văn hóa Pháp, đã lên tiếng phản đối, song dường như tiếng kêu của họ không tới tai những chủ nhà người Arập.

Đầu tư vào khu vực nông thôn, như ở vùng trồng nho Bordeaux là chiến lược của các tỷ phú Trung Quốc.
Đầu tư vào khu vực nông thôn, như ở vùng trồng nho Bordeaux là chiến lược của các tỷ phú Trung Quốc. Thời gian gần đây, rượu vang trở nên thịnh hành và đắt giá tại nước này. Các lâu đài rao bán ở vùng Bordeaux được mua rất nhanh và các ông chủ Trung Quốc chỉ lui tới hai, ba lần một năm vào lúc đi nghỉ hay đón khách.
Ngoài ra, sở hữu đảo cũng là sở thích của giới siêu giàu, trong đó có tỷ phú giàu nhất thế giới Bill Gates hay người giàu thứ ba nước Mỹ Larry Ellison.
Ngược lại với những tỷ phú thích khoe giàu, một số tỷ phú mới nổi nhờ công nghệ thong tin không thích phô trương và duy trì lối sống khiêm tốn trước đây. Đó là trường hợp của người sáng lập mạng xã hội Facebook. Dù mới mua biệt thự trị giá hơn 7 triệu USD, Mark Zuckerberg vẫn giản dị áo phông, dép tông và đi xe máy. Hay người sáng lập mạng LinkedIn vẫn sống trong căn hộ hai phòng. Tuy nhiên, theo ý kiến một số chuyên gia, một tỷ phú cũng nên thể hiện địa vị xã hội của mình để trấn an thị trường vì người tiêu dùng nhìn vào đó mà đánh giá việc kinh doanh phát đạt của công ty.
Tỷ phú Nga là những người thích phô trương nhất. Với họ, sự giàu có thể hiện qua áo choàng lông thú, thảm da gấu, món trứng cá muối với giá 1.000 euro một thìa, rượu vang đắt tiền, chơi golf trên du thuyền. Họ cũng thích sở hữu các căn hộ tại Monaco hoặc lâu đài tại Toscane.
Nghệ thuật, thú vui mới của tỉ phú
Người siêu giàu cũng được cố vấn đầu tư vào tác phẩm nghệ thuật. Tờ báo đăng một bài chi tiết trình bày niềm đam mê của giới giàu vào lĩnh vực này dưới tựa đề “Những người sưu tập nghệ thuật trúng số”.

Các tỷ phú sẵn sàng đặt cược hàng chục triệu USD vào các danh họa như Picasso, Warhol hay Basquiat.
Thị trường nghệ thuật tăng vọt dưới ảnh hưởng của một thế hệ người mua mới. Họ sẵn sàng đặt hàng chục triệu USD vào các danh họa như Picasso, Warhol hay Basquiat.
Một thú vui khác của giới siêu giàu là thuê những họa sĩ đương đại vẽ chân dung. Còn với tỷ phú Trung Quốc, nghệ thuật chỉ là một cách đầu tư. Họ mua để bán lại. Ngoài ra, họ chỉ mua tác phẩm của những nghệ sĩ nổi tiếng và tạo cho mình một bảo tàng cá nhân.
Vượt trùng dương
Ngoài du thuyền hạng sang, các tỷ phú - chủ yếu là tỷ phú phương Tây - có thêm thú vui rong ruổi trên biển. Thế nhưng, mốt mới nhất của họ là sở hữu tàu ngầm kích thước nhỏ.

Du thuyền "khủng" nhất thế giới của tỷ phú người Nga Roman Abramovich.

Tỷ phú người Nga Roman Abramovich là người đi tiên phong. Tầu ngầm của ông có mười phòng ngủ với trữ lượng năng lượng 20 ngày.

Một thú vui có một không hai khác là đi câu cá hồi ở vùng Siberia. Cá câu xong lại được thả ra. Còn những người tham gia phải ngủ trong lều, xung quanh toàn côn trùng, dưới thời tiết lạnh giá. Phải chăng nhàm chán cuộc sống xa hoa, họ muốn nếm mùi cực khổ?

Văn Bình (theo Le Nouvel Observateur) - Theo Kiến thức

http://quanlambao.blogspot.nl/2013/08/cuoc-song-bi-mat-cua-gioi-ty-phu.html#more

Giấc mơ Trung Quốc ? Thịnh vượng và quyền lực
Từ khi lên nắm quyền Đảng Cộng sản vào tháng 11 năm 2012 và trở thành Chủ tịch Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vào tháng 3 vừa qua, ông Tập Cận Bình đảm bảo sẽ không loại trừ một con ruồi hay con hổ nào trong chiến dịch chống tham nhũng. Giáo sư khoa học chính trị Willy Lam, tại Đại học Akita (Nhật Bản), đánh giá đường đi nước bước của vị chủ tịch mới của Trung Quốc trong cuộc phỏng vấn với tuần báo L’Express.
Theo giáo sư, trước tiên, giấc mơ Trung Hoa của chủ tịch Tập Cận Bình là kêu gọi tinh thần dân tộc. Giáo dục tinh thần yêu nước được triển khai ngay sau sự kiện Thiên An Môn, xảy ra ngày 04/06/1989. Quan điểm của phương Tây cho rằng đây là một cách tẩy não và chiến dịch này đã thành công. Kết quả của giấc mơ « một Trung Hoa hùng mạnh » liên quan trực tiếp tới các nước láng giềng. Nhật Bản, Ấn Độ, Việt Nam, Philippine, thậm chí cả Úc, có thể cảm thấy mối đe dọa một cách rõ ràng khi tàu chiến Trung Quốc liên tục đi lại gần lãnh hải của họ.
Ngoài tinh thần quốc gia, chế độ còn nêu lên một giấc mơ cho tầng lớp trung lưu. Ông Tập Cận Bình đã hứa tới năm 2021, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, cần phải đạt được mục tiêu một xã hội tiểu thịnh vượng. Trước mốc đó, Trung Quốc sẽ trở thành cường quốc kinh tế số một thế giới. Ngày trọng đại thứ hai là kỷ niệm 100 năm thành lập nước, vào năm 2049. Vào ngày này, hố ngăn cách giữa tiềm lực quân đội Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ được san lấp. Như vậy, giấc mơ của Trung Quốc là một nền kinh tế phồn thịnh và quân đội hùng mạnh.
Tuy nhiên, theo giáo sư, trong viễn cảnh tương lai tươi sáng như vậy, người Trung Quốc sẽ không hưởng nhiều quyền tự do cá nhân hơn. Vì theo các văn bản chính thức của chủ tịch nước và cơ quan tuyên truyền, giấc mơ của cá nhân phải gắn liền với giấc mơ của quốc gia. Người dân có thể xây nhà cao, mua xe hơi, đi du lịch châu Âu, thậm chí cho con đi học ở Mỹ. Một số trí thức độc lập Trung Quốc yêu cầu tự do chính trị. Họ mơ có một tấm phiếu bầu cho mỗi cá nhân. Song, điều này sẽ không xảy ra.
Liên quan tới chủ đề tham nhũng nóng bỏng, giáo sư đại học so sánh rằng có nhiều sấm sét nhưng rất ít mưa. Một vài vụ bị đưa ra ánh sáng trước khi bộ máy mới lên nắm quyền. Phải chờ xem liệu chủ tịch Tập Cận Bình có cho điều tra các bộ trưởng hay không ? Việc công bố tài sản của những nhà lãnh đạo chủ chốt, cũng như của vợ chồng và con cái họ, hay sở hữu bất động sản ở nước ngoài cũng là một kiểu trắc nghiệm.
Ông nhận xét, Đảng Cộng sản Trung Quốc khó mất quyền lực vì cơ quan này kiểm soát được mọi việc. Trên lĩnh vực kinh tế, miếng bánh tiếp tục nở to. Mặc dù tăng trưởng kinh tế chững lại ở mức 7 hay 8%, đa số người Trung Quốc có cảm giác là thu nhập của họ sẽ tăng hơn. Bộ máy duy trì ổn định chính trị vẫn rất vững mạnh. Ngân sách dành cho an ninh trong nước còn lớn hơn cho quân đội. Giáo sư kết luận, trong vòng mười năm tới, ông không nghĩ là Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ sụp đổ theo một số ý kiến. Tuy nhiên, hệ thống sẽ bị lên án trong tương lai xa.
Kẻ lừa đảo rượu vang cao cấp
Rudy Kurniawan, người Indonesia, gây xáo trộn thế giới sưu tập rượu vang khi biến những chế biến của mình thành rượu hảo hạng. Bị truy tố tại Mỹ, anh ta có thể bị kết án 24 năm tù. Tạp chí Le Monde cuối tuần giúp độc giả hiểu rõ vụ việc này trong bài : « Rudy Kurniawan. Lừa đảo rượu vang cao cấp ».
Năm 2000, những người trong nghề chỉ biết sự giàu sang của chàng trai 24 tuổi qua lời kể của anh ta mà không thể kiểm chứng. Theo đó, gia tài kếch sù của gia đình anh có được là nhờ việc phân phối bia ở Indonesia và Trung Quốc. Công việc kinh doanh mang lại từ 1 đến 2 triệu đô la hàng tháng.
Anh ta hay lui tới các phòng bán đấu giá rượu và dần dần làm quen được với những nhà sưu tập nổi tiếng. Năm 2002, anh ta học cách thử rượu Bourgogne (Pháp) với Paul Wasserman. Với khả năng học hỏi và tiếp thu nhanh, nhiều người gọi anh ta là « Docteur Conti ». Sau đó, anh ta bắt đầu chi tiền không tiếc cho bộ sưu tập các loại rượu nổi tiếng của mình. Bước tiếp theo sẽ là bán lại chúng.
Trong thời gian sưu tập, chàng trai trẻ không ngừng đấu giá khiến giá của rượu Bourgogne tăng không tưởng. Ví dụ chai La Tâche 1962 được bán với giá 400 đô la năm 1996, 10 năm sau lên tới 13.000 đô la. Cùng với người cộng tác, Rudy Kurniawan tổ chức một cuộc đấu giá vào năm 2006 mà doanh thu lên tới 24,7 triệu đô la và phá vỡ kỷ lục thế giới cũ, 14,4 triệu đô la, của Sotheby’s.
Thành công này bắt đầu thu hút sự ngờ vực của những người trong ngành, đặc biệt là Douglas Barzelay, luật sư đồng thời là nhà sưu tập rượu. Ông nghi ngờ số lượng rượu hiếm trong cuộc đấu giá của Rudy Kurniawan. Ông là người đầu tiên phát hiện ra rượu giả do « Docteur Conti » tổ chức đấu giá, sau khi tổ chức nhiều cuộc thử rượu bí mật với sự tham gia của một số nhà sản xuất rượu nổi tiếng của vùng Bourgogne.
Năm 2009, nhà tỉ phú Mỹ Bille Koch tố cáo Rudy Kurniawan. Ông chắc chắn rằng người này tên thật là Zhen Wang Huang và đã bán rượu giả cho ông. FBI bắt tay điều tra và tìm ra được dấu vết của chàng thanh niên Indonesia. Thực tế, ngay năm 2003, đơn xin tị nạn của người này bị từ chối và anh ta bị buộc dời nước Mỹ. Tháng 02 năm 2012, hồ sơ của Zhen Wang Huang, tức Rudy Kurniawan, khép lại. Anh ta bị bắt vào ngày 08/03/2012 tại ngôi biệt thự Arcadia của mình ở ngoại ô Los Angeles. Các nhân viên phát hiện một xưởng sản xuất rượu giả. Ngoài hàng trăm nhãn giả, có khoảng 12 con dấu bằng cao su ghi tên các vùng trồng nho hay năm sản xuất, một dụng cụ để đóng nắp và nhiều chai rỗng... Kẻ mạo danh Rudy Kurniawan pha chế thành các loại rượu cực hiếm mà ít người có thể biết được vị thật của chúng. Khi bán đấu giá, anh ta qua mắt được người mua, một mặt vì tính hào phóng mà mọi người đều biết và mặt khác, trên thực tế, anh ta đã từng mua những loại rượu đó. Tuy nhiên, anh ta vẫn không thể lừa được những nhà sưu tập lớn. Những người này sẵn sàng chi tiền để có được một loại rượu quý và họ biết cách thưởng thức.
Ngày 9/5/2013, trước tòa án New York, chàng trai 36 tuổi đối mặt với án tù 24 năm. Số phận của anh ta sẽ được định đoạt vào ngày 09/09 tới. Nạn làm rượu giả liên quan tới khoảng 80% rượu Bourgogne trước năm 1980 trên thị trường. Vụ Rudy Kurniawan chưa phải là vụ cuối cùng trong lịch sử.
Thành công của đạo lý châu Á
Đây là tiêu đề của một loạt bài mà tuần báo L’Express đề cập tới ảnh hưởng của các đạo lý phương đông tới xã hội Pháp. Một nước Pháp ít hiện hữu, mất dần giá trị và điểm mốc, luôn căng thẳng thần kinh, đang tìm kiếm sự thanh thản, cân bằng và hài hòa trong các đạo lý này.
Bài đầu tiên tập trung vào tìm hiểu nguồn gốc của các đạo lý Á đông và các thánh thần. Tác giả tổng hợp năm đạo chính ở phương Đông là Thần đạo, Khổng giáo, Phật giáo, Đạo giáo và Ấn Độ giáo.
Trong cuộc phỏng vấn với L’Express, nhà văn và nhà triết học chuyên về tôn giáo, Frédéric Lenoir, cho rằng tất cả các đạo lý cổ, phương đông hay phương tây đều có chung một câu hỏi là làm thế nào đạt được hạnh phúc thật sự và lâu dài. Và ông cho rằng, dù các đạo lý phương đông giúp sống tốt hơn, nhưng không dễ để một người phương Tây trở thành tín đồ Phật giáo.
Các trang tiếp theo dành cho truyền thuyết về Khổng Tử, các hoạt động văn hóa và thể thao của phương đông đang thịnh hành tại Pháp, như các môn khí công, tai-chi, yoga, thiền hay các môn võ karate, thiếu lâm, đặc biệt là bấm huyệt ngày càng được ưa chuộng tại đây. Trang cuối của mục dành cho những câu nói bất hủ của các bậc thánh Á đông.

 
tags: Xã hội - Điểm báo
 
http://www.viet.rfi.fr/diem-bao/20130804-nguoi-sieu-giau-song-nhu-the-nao

Geen opmerkingen:

Een reactie posten