zaterdag 3 augustus 2013

Công giáo Việt Nam tại Pháp : 25 năm phong thánh tử đạo tại Việt Nam

Thứ sáu 02 Tháng Tám 2013

Tấm gương các thánh tử đạo tại Việt Nam

Phê-rô Lục Hà Quang Minh, cha xứ giáo phận Poitiers (DR)
Phê-rô Lục Hà Quang Minh, cha xứ giáo phận Poitiers (DR)

Lê Vy
Báo Công giáo La Croix hôm nay đặc biệt quan tâm đến cộng đồng Công giáo Việt Nam tại Pháp nhân dịp kỷ niệm 25 năm phong thánh cho các vị tử vì đạo tại Việt Nam (1988-2013) qua bài viết : « Sự chứng giám của các thánh tử đạo Việt Nam : một chỗ dựa và một lời kêu gọi ». Theo tờ báo, cho đến chủ nhật này, cả nghìn giáo dân Việt Nam sẽ tề tựu về Lộ Đức để tham dự lễ kỷ niệm này.


Báo La Croix phỏng vấn Linh mục Phê-rô Lục (Pierre Luc) Hà Quang Minh, cha xứ giáo phận Poitiers, cha tuyên úy cho các giáo dân Việt Nam. Cha Quang Minh cho biết, hiện nay, có gần 300 000 người Việt Nam tại Pháp, trong đó 30% là người Công giáo. Phần đông là dân vượt biên, đến Pháp trong những thập niên 1980-1990.
Cha Quang Minh chia sẻ rằng mình cũng từng vượt biên. Đến Pháp năm 17 tuổi, với sự giúp đỡ của các linh mục và tu sĩ cũng từng đi vượt biên, họ đã thành lập những cộng đoàn giáo dân Việt Nam và được các giám mục công nhận. Ngày nay, có tổng cộng 47 cộng đoàn.
Kỳ hành hương lần này theo cha Minh, rất đặc biệt là vì để kỷ niệm 25 năm ngày Đức Giáo Hoàng Gioan PhaoLô Đệ nhị phong thánh cho 117 vị tử vì đạo tại Việt Nam, trong đó có 10 nhà truyền giáo Pháp. Cha Minh cho biết, theo ước tính, có gần 100.000 người Công giáo Việt Nam đã ngã xuống vì đức tin từ thế kỷ XVII-XIX. Gần như mỗi gia đình sống tại Pháp hiện nay có một ông tổ tử vì đạo.
Với tư cách là linh mục của giáo phận Poitiers, cha Quang Minh đặc biệt xúc động trước sự hy sinh của các thánh tử vì đạo, đặc biệt là cha Théophane Venard (1829-1861). Cha Théophane bị hành hình vào năm 1861 tại Hà Nội khi cha đang là linh mục truyền giáo tại Bắc bộ. Cha đã để lại những bức thư cho hậu thế với phong cách mang đầy chất thơ. Theo cha Minh, khi đọc những lá thư này, người ta bị cuốn hút bởi lòng nhiệt tình, đức tin và niềm hy vọng của cha Venard
Báo La Croix đã đặt câu hỏi : Liệu sự kế thừa này có còn là chỗ dựa cho thế hệ trẻ ngày nay hay không ? Theo cha Quang Minh thì giáo dân Việt Nam đã hội nhập tốt vào giáo xứ địa phương. Tuy nhiên, họ cũng cần tập hợp lại với nhau để cùng tham dự một thánh lễ bằng tiếng Việt, nhân dịp Tết hay để cùng nhau chia sẻ những giây phút trọng đại trong lịch sử.
Sự làm chứng của các thánh tử đạo chính là một chỗ dựa, đồng thời là một lời kêu gọi sống trung thành với Chúa. Tại Lộ Đức, có các buổi thuyết trình về lịch sử Giáo hội và các thánh tử đạo tại Việt Nam …
Đối với giới trẻ, điều cốt yếu là lưu truyền và kế thừa các giá trị. Thành phần này sinh ra tại Pháp, họ không hoàn toàn cảm thấy mình là người Pháp nhưng cũng không hoàn toàn là người Việt. Họ nói ngày càng ít tiếng Việt, không biết lịch sử và văn hóa đất nước, cội nguồn của cha mẹ mình, cho dù đôi khi họ cũng muốn khám phá lại nền văn hóa ấy. Do đó, các linh mục cố gắng đồng hành với họ trong việc tìm kiếm bản ngã và luôn chú tâm đến văn hóa của họ, cách thức họ hỏi về đức tin và nhu cầu được trao đổi.
Kỳ hành hương này là dấu hiệu cho thấy sự hiệp thông với Giáo hội Việt Nam. Tuy người Công giáo tại Việt Nam chỉ là thiểu số, - 8% dân số - và chịu sự kiểm soát của chế độ Cộng sản, nhưng cộng đoàn Công giáo tại rất sống động.
Những điểm yếu của nền kinh tế Đức
Trước kỳ bầu cử bảy tuần lễ, báo Le Monde hôm nay chú ý đến những điểm bấp bênh của nền kinh tế Đức qua bài viết : « Những điểm yếu của mô hình kinh tế Đức ». Bài báo cho biết cường quốc kinh tế số một châu Âu đang bị đe dọa bởi một dân số già và xuất khẩu giảm.
Tờ báo nhận định, trong một châu Âu đang bị khủng hoảng, bị nợ nần và nạn thất nghiệp tàn phá, thì Đức được xem là có một nền kinh tế vững chắc, một miền đất đầy hứa hẹn cho thanh niên không nghề nghiệp tại Nam Âu. Tờ báo đặt câu hỏi liệu điều đó sẽ còn tồn tại được bao lâu ?
Báo Le Monde nhận định Đức cũng bắt đầu lộ ra những điểm yếu như dân số già, bất công ngày càng cao giữa công nhân trong lĩnh vực công nghiệp được trả lương cao với người lao động trong lĩnh vực dịch vụ với đồng lương thấp. Tình hình này gây nên căng thẳng xã hội và buộc giới chính trị phải hành động.
Về phía giới chủ, nhà nước đã định ra mức lương tối thiểu và theo nhận định của Alexander Schumann, thuộc phòng công nghiệp Đức thì nên để cho những người gần với thị trường việc làm có quyền quyết định, để tránh tình trạng trả lương không phù hợp với năng suất.
Đối với giới chủ, nếu thời kỳ khắc khổ đã qua rồi, nhà nước cần đầu tư tiền của nhiều hơn vào việc bảo trì cơ sở hạ tầng đang trong tình cảnh thê thảm. Việc Đức lựa chọn sẽ ra khỏi hạt nhân vào 2022 gây lo ngại vì quyết định này sẽ nâng giá điện và gây hại đến tính cạnh tranh. Thế nhưng, mối lo ngại lớn nhất của các chủ doanh nghiệp là thấy ngành xuất khẩu chựng lại, kể cả đối với máy công cụ, biểu tượng của sức mạnh công nghiệp Đức.
Đồng thời, việc dân số già đi cũng là một điểm yếu của nền kinh tế Đức. Từ nay đến năm 2030, Đức có thể mất đi 12% dân số lao động. Giải pháp cho tình hình này là có thể cho lui tuổi về hưu, cho phụ nữ làm việc nhiều hơn và đưa ra chính sách nhập cư lao động tích cực.
Theo báo Le Monde thì cánh tả, đảng đối lập của thủ tướng Đức Angela Merkel trách bà đã « đánh cắp » những ý tưởng của đảng đối lập. Ngoài ra, báo Le Monde đặc biệt chú ý đến phụ nữ tại Đức và nhận định rằng chính sách gia đình không cho phép phụ nữ dung hòa giữa việc sinh con và cuộc sống nghề nghiệp. Tình trạng nghề nghiệp của người phụ nữ ít được cải thiện.
Người phụ nữ là nạn nhân hàng đầu của sự bấp bênh ngày càng gia tăng của thị trường lao động. Do thiếu chỗ tại các nhà trẻ, các bà mẹ phải ở nhà chăm con. Theo tổ chức phụ trách về việc làm Đức, trong số 600 000 bà mẹ neo đơn, phải nuôi con một mình, phân nửa bị thất nghiệp là do không có chỗ gửi con. Còn đối với phụ nữ có bằng cấp thì 31% không muốn sinh con, theo viện nghiên cứu dân số Đức.
Mỹ, tăng trưởng kinh tế còn mong manh
« Èo uột, mong manh, uể oải » : Le Monde nhắc lại những cụm từ đã được các chuyên gia sử dụng khi bình luận về tăng trưởng của Hoa Kỳ trong quý 2/2013. Thống kê của bộ Thương mại Mỹ cho biết từ tháng 4 đến tháng 6, tổng sản phẩm nội địa của Hoa Kỳ chỉ tăng 1,7 % thấp hơn so với thành quả đã đạt được trong quý 1.
Le Monde cho biết đây là quý thứ ba liên tiếp tăng trưởng của Hoa Kỳ dưới ngưỡng 2 %. Trong hoàn cảnh mà tăng trưởng còn đang èo uột như vậy Cục Dự trữ Liên bang không có ý định thay đổi chính sách tiền tệ, tức là sẽ không tăng lãi suất và vẫn duy trì chính sách bơm thêm tiền vào nền kinh tế số 1 thế giới.
Thế nhưng, có một điều lạ là dù kinh tế chưa hẳn được bình phục nhưng người Mỹ bắt đầu lạc quan trở lại và có rất nhiều dự báo cho rằng tình hình sẽ được cải thiện trong quý 3 năm nay, GDP tính theo nhịp độ hàng năm sẽ tăng 2,5 %.
Thái độ lạc quan đó được giải thích vì những yếu tố như sau : một là tiềm năng vươn lên của khu vực kinh tế tư nhân. Trong 6 tháng đầu năm nay, khu vực này đã tạo thêm 1,2 triệu việc làm cho người dân Hoa Kỳ. Thứ hai là chi tiêu của các hộ gia đình Mỹ cũng đang khởi sắc trở lại. Chẳng hạn như số xe hơi bán ra trên thị trường nội địa đạt kỷ lục cao nhất từ sáu năm qua. Chỉ số địa ốc cũng tăng mạnh.
Duy chỉ có thống kê về lao động trên nguyên tắc phải được công bố vào hôm nay, có lẽ sẽ không được như mong muốn, nói cách khác, đà tăng trưởng của kinh tế Hoa Kỳ chưa cho phép đẩy lùi nạn thất nghiệp. Le Monde kết luận có lẽ đây là lý do khiến Ngân hàng trung ương Mỹ tiếp tục giữ lãi suất ở mức gần như số không.
Uruguay : hợp pháp hóa cần sa
Nhìn sang thời sự tại châu Mỹ, các báo Pháp hôm nay đều quan tâm đến việc Hạ viện Uruguay bỏ phiếu thông qua luật hợp pháp hóa việc sản xuất và buôn bán cần sa. Báo Le Monde đăng bài : « Tại Uruguay, Hạ viện thông qua việc hợp pháp hóa cần sa ». Báo La Croix có bài viết mang tựa : « Uruguay sẽ sớm sản xuất cần sa quốc doanh ».
Báo Libération cho biết đạo luật này đã được thông qua vào thứ 4 vừa rồi tại Hạ viện. Nếu Thượng viện cũng thông qua dự luật này thì Uruguay sẽ trở thành quốc gia đầu tiên đứng ra quản lý việc sản xuất, phân phối và bán cần sa.
Đạo luật này được sự hậu thuẫn của chính quyền Tổng Thống Jose Mujica nhằm ngăn chặn các hoạt động phạm pháp liên quan đến ma túy, chống các hệ thống mafia. Luật này ra đời sẽ lấy mất nguồn lợi của các tay buôn ma túy, đồng thời cũng giúp giới nghiện ngập tránh sử dụng các loại ma túy nặng hơn.
Luật này nói rõ : chỉ chính quyền mới được phép bán cần sa. Chính phủ Uruguay là nơi duy nhất mới có quyền “kiểm soát và quản lý việc xuất nhập cảng, trồng tỉa, thu hoạch, sản xuất, thu lợi nhuận, tích trữ, thương mãi hóa và phân phối cần sa, cùng với các sản phẩm chế biến từ cần sa.” Người mua phải ghi danh và phải đủ tuổi thành niên. Họ được phép mua tối đa 40g mỗi tháng tại những hiệu dược phẩm có giấy phép, hoặc cũng có thể trồng tối đa sáu cây ở nhà, hoặc 480g/năm
Pháp : nắng nóng kích thích tiêu thụ các sản phẩm mùa hè
Trên hồ sơ kinh tế, báo Les Echos có bài viết cho biết tại Pháp, từ đầu tháng bảy, các sản phẩm mùa hè được bán đắt như tôm tươi. Với nhiệt độ 35° tại Paris, 37-39° tại miền Nam nước Pháp vào hôm qua và hôm nay, Pháp rơi vào tình trạng nóng bức. Cái nóng có thể gây nguy hiểm đến một số người yếu ớt. Do đó, chính quyền đã huy động để tránh lập lại thảm kịch nhiều người chết vì cái nóng đã xảy ra vào thời kỳ oi bức năm 2003.
Tờ báo cho biết, tiêu thụ kem, bia, nước ngọt, các thức uống lạnh gia tăng trong mùa hè. Ngoài ra, kem chống nắng cũng bán rất chạy tại các siêu thị. Ví dụ tại các đại siêu thị, lượng bán ra tăng 10% trong nửa đầu tháng Bảy. Tại một dây chuyền cửa hiệu, lượng bia bán ra tăng 45%, kem +60%, nước +15%, rau và hoa quả +15%.
Ngoài ra, thời tiết đẹp cũng làm cho người dân hài lòng và kích thích tiêu thụ. Đặc biệt, các nhà sản xuất kem cũng hài lòng trước thời tiết đẹp vì sau một mùa đông u ám, giờ đây họ tận dụng cái nóng để xuất kho lượng kem dự trữ.
tags: Tôn giáo - Việt Nam - Điểm báo
 
http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20130802-tam-guong-cac-thanh-tu-dao-tai-viet-nam

Geen opmerkingen:

Een reactie posten