zondag 4 augustus 2013

Báo Le Monde (Pháp) : làn sóng khách du lịch Trung Quốc ngày một lớn

Làn sóng Trung Hoa
Với tựa đề này, phóng viên báo Le Monde phản ánh làn sóng khách du lịch Trung Quốc ngày một lớn. Tại đây, đi nghỉ ngày càng đồng nghĩa với du lịch nước ngoài. Dưới thời chủ tịch Mao Trạch Đông, đây bị coi là "trái cấm", năm 2012, 83 triệu người Trung Quốc nếm được mùi vị của nó.
Tác giả bài báo nêu lên những cột mốc lớn đánh dấu sự thay đổi quan điểm về kỳ nghỉ và du lịch tại quốc gia đông dân nhất thế giới. Trong ba thập kỷ gần đây, người Trung Quốc mới bắt đầu làm quen với khái niệm « kỳ nghỉ ».
Vào năm 1995, họ mới biết tới tuần làm việc năm ngày, với hai ngày nghỉ cuối tuần. Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Trung Quốc về Giải trí cho biết : « Khái niệm thời gian rảnh hay kỳ nghỉ hoàn toàn không có dưới thời chủ tịch Mao Trạch Đông. Mọi thứ đều tập trung xung quanh nhà máy và đơn vị lao động. Người ta làm việc sáu ngày mỗi tuần ».
Trong giai đoạn mở cửa và cải cách do Đặng Tiểu Bình khởi xướng vào năm 1978, người Trung Quốc dần quan tâm tới lĩnh vực giải trí và du lịch. Cuộc khủng hoảng kinh tế châu Á năm 1997 đã khơi thức nhu cầu khẩn cấp thúc đẩy tiêu thụ, mà lĩnh vực vui chơi giải trí đóng một phần quan trọng.
Năm 1999, người Trung Quốc cũng được hưởng nhiều ngày nghỉ hơn nhờ « ba tuần vàng », thực tế là ba ngày nghỉ lễ của các dịp Quốc tế Lao động, Quốc khánh Trung Quốc và Tết nguyên đán. Sau này, ba ngày nghỉ dịp Quốc tế Lao động bị hủy vì lượng người đi lại trong các dịp này tăng quá cao.
Thời gian nghỉ này là cơ hội cho người dân đi mua sắm và du lịch. Thế nhưng, chỉ bộ phận công chức, nhân viên các doanh nghiệp lớn mới được hưởng trọn vẹn nhịp độ lao động hiện đại và các thú vui giải trí. Người dân ở khu vực nông thôn, hoặc người từ nông thôn lên thành thị lao động, chiếm khoảng 50% dân số, ngậm ngùi về quê mỗi năm một lần vào dịp Tết nguyên đán.
Với những người may mắn được đi nghỉ, tác giả ghi nhận những sinh hoạt đa dạng của họ tùy theo lứa tuổi. Họ không thích tắm biển bằng các môn thể thao mùa đông hay đi cắm trại hoàn toàn không được quan tâm. Giới trẻ thích du lịch một mình, thử các môn thể thao mạo hiểm hay đi xe đạp xuyên đất nước. Ngoài ra, còn có du lịch « đỏ », đi theo bước chân của chủ tịch Mao. Loại hình này chủ yếu thu hút thế hệ ngoài 60 tuổi hoặc các cơ quan hành chính còn quan tâm tới ảnh hưởng của chủ nghĩa cộng sản.
Kỳ nghỉ cũng đồng nghĩa với du lịch nước ngoài. Tác giả hài hước nhận xét, nhiều khách du lịch Trung Quốc trong giai đoạn đầu khám phá, hay đúng hơn chỉ đứng chụp ảnh trước những công trình hay phong cảnh. Họ cố gắng tham quan hoặc chụp hình càng nhiều càng tốt trong khoảng thời gian ngắn nhất.
Làn sóng khách du lịch tràn sang châu Âu theo một hình thức chung : khách du lịch ngủ tại các khách sạn bình dân (thường ở ngoại ô), di chuyển bằng xe ca (thường vào ban đêm) từ thủ đô này sang thủ đô khác và chỉ ăn uống tại các nhà hàng Tàu được chọn trước đó. Những khách du lịch này hạn chế tối đa các khoản chi phí cho đi lại, khách sạn hay ăn uống và chỉ dành tiền để mua hàng hiệu, mục đích của chuyến đi.
Tuy nhiên, phản hồi về khách du lịch Trung Quốc gây sốc. Cho dù chi bộn tiền cho mua sắm, họ vẫn thường bị gắn với hình ảnh mất lịch sự, nhà quê, ồn ào, khạc nhổ và vẽ bừa bãi lên các di tích văn hóa lịch sử. Đây là vấn đề thể diện quốc gia : chính phủ vừa công bố những quy định về thái độ của người đi du lịch ngoài biên giới đất nước. Thêm vài biện pháp kỷ luật và khách du lịch Trung Quốc sẽ… giống như những khách du lịch khác.

http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20130803-ngoai-le-van-hoa-han-quoc-cham-dut

Geen opmerkingen:

Een reactie posten