zaterdag 17 augustus 2013

Bán đảo Triều Tiên : Nam-Bắc cách chia ngôn ngữ

Bán đảo Triều Tiên : Nam-Bắc cách chia ngôn ngữ
Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên không chỉ chia cách về ý thức hệ, mà ngôn ngữ cũng ngày càng xa cách. Đó là nhận định của tờ nhật báo Công Giáo La Croix trong bài : «Giữa hai miền Triều Tiên, ngôn ngữ cũng bất đồng ».
Tờ báo cho hay, sau 60 năm chia cắt lãnh thổ, ngôn ngữ ở hai miền nam Bắc đã phát triển theo cách thức riêng của mình, và kết quả là ngày càng không nhận ra nhau. Cả hai miền xưa nay vẫn xài chung ngôn ngữ là tiếng Triều Tiên (tức tiếng Hàn Quốc). Thế nhưng, tại Hàn Quốc, tiếng Triều Tiên tiến triển cùng với sự phát triển năng động và cởi mở của kinh tế và xã hội. Bởi thế, tiếng Triều Tiên ở Hàn Quốc du nhập rất nhiều từ có gốc tiếng Anh, nhiều từ trên Internet, nhiều từ mới trong công nghệ, trong tin học, trong xây dựng...
Trong khi đó, chế độ miền Bắc muốn ngăn ngừa sự ảnh hưởng của bên ngoài mà họ cho là không tốt. Hậu quả là, tiếng Triều Tiên tại miền Bắc không theo kịp hơi thở thời đại, ngày càng trở nên nghèo nàn về từ vựng.
Để minh chứng cho sự chia cách ngôn ngữ đó, La Croix dẫn ra một số minh chứng điển hình. Như trường hợp một người miền Bắc trốn xuống sống ở Miền Nam đã ba năm, nhưng vẫn còn e ngại đi quán cà phê hay tiệm quần áo thời trang, vì có rất nhiều từ ngữ hiện đại mà người này chưa biết.
Hay như một thanh niên miền Nam làm việc cho một công trình xây dựng ở miền Bắc khi quan hệ liên Triều bớt căng thẳng hồi năm 2002-2003. Thanh niên này cho biết, trong những từ ngữ liên quan đến lĩnh vực xây dựng hiện đại, người này đôi khi phải vẽ tranh vì khi nói thì các công nhân miền Bắc không hiểu.
Để khắc phục sự phân cách ngôn ngữ này, hồi năm 2005, hai bên đã dự định cùng nhau soạn một quyển tự điển 330 000 từ. Thế nhưng, từ sau khi miền Bắc nã pháo và đánh chìm tàu miền Nam hồi năm 2010 đến nay, các nhà ngôn ngữ hai bên vẫn chưa có dịp gặp nhau.

Nhật Bản và Trung Quốc cố tránh căng thẳng
Hôm qua, ngày 15/8/2013, thế giới kỉ niệm 68 năm ngày phát xít Nhật đầu hàng, kết thúc Đệ nhị thế chiến. Báo chí Pháp hôm nay đổ dồn chú ý về Nhật Bản và chính phủ theo đường lối dân tộc chủ nghĩa của ông Shinzo Abe.
Nhật báo cộng sản Pháp L’Humanité đăng bài : « Nhật Bản : sự bùng lên của dân tộc chủ nghĩa », nhật báo Công Giáo La Croix chạy tựa : «Năm nay, Nhật Bản không bày tỏ hối hận », Le Monde cũng cho biết : « Shinzo Abe tưởng niệm, nhưng không bày tỏ ăn năn », nhật báo cánh tả Libération có bài : « Abe không hối lỗi », nhật báo cánh hữu Le Figaro chọn dòng tít : « Tokyo và Bắc Kinh tránh leo thang ».
Tất cả các tờ báo đều lấy làm tiếc về việc thủ tướng Nhật Bản đã không bày tỏ sự ăn năn về những tội ác của quân phiệt Nhật trước kia, trong bài diễn văn 15/8 hôm qua. Các tờ báo đồng loạt nhắc lại từ 20 năm qua, việc bày tỏ ăn năn trong bài diễn văn kỉ niệm ngày 15/8 như đã trở thành một truyền thống ở Nhật Bản. Khi làm thủ tướng hồi năm 2006-2007, ông Abe cũng đã làm như vậy. Thế nhưng, hôm qua ông đã làm khác. Và ông còn để cho một số thành viên chính phủ tháp tùng với 90 dân biểu đến thăm ngôi đền Yasukuni. Hành động này cho thấy, ông Abe đã khẳng định mạnh mẽ lập trường dân tộc chủ nghĩa của mình. Để khẳng định lập trường đó, ông Abe cũng đang xúc tiến việc sửa đổi bản hiến pháp hòa hiếu, và đang tăng cường sức mạnh quân đội.
Ngay lập tức Hàn Quốc và Trung Quốc đã có phản ứng. Tuy nhiên, phản ứng phía Hàn Quốc có vẻ nhẹ hơn Trung Quốc, vì nữ tổng thống Park Guen Hye chỉ chỉ trích việc đó trong diễn văn, còn Bắc Kinh thì đã cho gọi đại sứ Nhật lên để phản đối.
Tuy vậy, hai tờ báo cảnh hữu và cánh tả của Pháp, Le Figaro và Libération, có đồng nhận định rằng, Bắc Kinh và Tokyo đã cố gắng tránh để leo thang vì tranh chấp lãnh thổ đã khiến cho quan hệ song phương đã và đang trong cơn sóng gió.
Về phía Nhật Bản, thủ tướng Abe năm nay đã tránh không đi thăm ngôi đền Yasukuni. Động thái này được một chuyên gia tại Tokyo đánh giá là, ông Abe không dám đi quá xa trong câu chuyện Yasukuni vì ngại sự phản đối của Mỹ, bởi lẽ Mỹ rất ngại căng thẳng sẽ leo thang giữa hai nền kinh tế thứ hai và thứ ba thế giới. Về phần Trung Quốc, Bắc Kinh đã cấm một nhóm người Hồng Kông đổ bộ lên khu vực đảo tranh chấp. Trong các thành phố lớn ở Trung Quốc, không có cuộc biểu tình phản đối Nhật nào nổ ra cả. Một chuyên gia tại Tokyo nhận định : Bắc Kinh tránh căng thẳng để ưu tiên cho tăng trưởng kinh tế.

http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20130816-tham-nhung-lam-ton-hai-tham-vong-hai-quan-an-do

Geen opmerkingen:

Een reactie posten