donderdag 22 augustus 2013

Anh và Pháp thắt chặt nhập cư

Thứ tư 21 Tháng Tám 2013

Anh và Pháp thắt chặt nhập cư

Biểu tình chống phân biệt sắc tộc và chính sách nhập cư của chính phủ Pháp, ngày 28/05/2011, tại Paris.
Biểu tình chống phân biệt sắc tộc và chính sách nhập cư của chính phủ Pháp, ngày 28/05/2011, tại Paris.
AFP/Bertrand Guay

Thu Hằng
Vương quốc Anh là bãi đỗ lý tưởng của người nhập cư, bất hợp pháp hay hợp pháp, để thực hiện ước mơ có việc làm và thu nhập cao. Nhật báo La Croix quan tâm tới chính sách chống nhập cư bất hợp pháp tại quốc gia này dưới tựa đề : « Tại Anh, các chiến dịch cổ động người nhập cư hồi hương ».


Tác giả bài phóng sự có mặt tại Wembley, thuộc khu Brent ở ngoại ô Luân Đôn. Khu vực này nổi tiếng vì sự pha trộn sắc tộc. Theo thống kê năm 2011, chỉ 18% dân số của khu Brent là người Anh da trắng. Con số này là nguyên nhân khiến chính phủ của thủ tướng Đảng Bảo thủ David Cameron tung chiến dịch cổ động người nhập cư bất hợp pháp hồi hương.
Không chỉ ở Brent, mà ở các khu vực khác của vùng ngoại ô Luân Đôn, người ta nhìn thấy nhiều xe tải nhỏ diễu khắp phố, trên thùng xe ghi : « Sống bất hợp pháp tại Anh ? Hãy về nước hay bị bắt », hoặc « 106 người đã bị bắt trong khu phố của bạn ». Con số này hẳn khiến nhiều người chùn bước. Bắt đầu từ ngày 22/07, chiến dịch bị ngừng do có quá nhiều đơn phản đối. Mặc dù nhằm vào người nhập cư bất hợp pháp, song tại một khu toàn người Anh gốc nước ngoài và người lao động hợp pháp ngoại quốc như Wembley, mọi người đều có cảm giác bị liên quan.
Một giáo sư xã hội học tại London School of Economics, trong buổi phỏng vấn với báo La Croix, nhận định về thực tế lao động của người nhập cư và ảnh hưởng đối với nền kinh tế Anh. Ông cho biết cấu trúc xã hội Anh đã thay đổi và tầng lớp trung lưu ngày càng đông hơn. Công việc lao động phổ thông không được người gốc Anh quan tâm tới. Người nhập cư thường đảm nhận những vị trí này. Chính vì thế, không hề có sự cạnh tranh việc làm với người Anh chính gốc. Thậm chí, nếu có làm chung trong cùng một địa điểm thì cũng có sự phân biệt rõ ràng, như trong lĩnh vực nhà hàng, người Anh chính gốc làm ngoài phòng ăn còn người nhập cư nước ngoài làm trong bếp. Người Anh bản địa không muốn làm những công việc thấp kém vì, ngoài vấn đề lương ít và nặng nhọc, còn là vấn đề danh dự.
Theo nhận định của giáo sư xã hội học, « đơn thương độc mã » tới Anh hoặc có gánh nặng gia đình, người nhập cư buộc chấp nhận mọi công việc và thời gian làm việc để kiếm sống. Nhiều người có học sẵn sàng làm những công việc trái ngành nghề. Về những ý kiến cho rằng người nhập cư lạm dụng chính sách xã hội tại Anh, giáo sư đánh giá là sai. Vì những người này lao động và đóng thuế. Trong số những người nhập cư, có rất nhiều thanh niên và họ thường ít sử dụng hệ thống y tế.
Báo La Croix quay sang so sánh với tình hình nhập cư tại Pháp trong bài : « Tại Pháp, vấn đề hội nhập đứng hàng đầu ». Người nhập cư là một trong những mối bận tâm của chính phủ, vì có nhiều ý kiến cho rằng người nhập cư cạnh tranh việc làm với người Pháp. Theo một thăm dò do viện CSA thực hiện, 70% người Pháp cho rằng vấn đề nhập cư khiến họ khó tìm được việc làm. Dù không có làn sóng nhập cư ồ ạt từ Đông Âu sang như các nước Anh và Đức, Pháp cũng đón nhận một số lượng lớn người Ba Lan, Hung-ga-ri và Ru-ma-ni, khi các quốc gia này gia nhập Liên hiệp châu Âu. Một mặt, chính phủ Pháp tỏ ra nới lỏng vấn đề người nhập cư Đông Âu có tay nghề, mặt khác, xiết chặt với nạn người du mục Roms chuyên hành nghề móc túi và mại dâm.
Báo Le Figaro cũng quan tâm tới vấn đề nhập cư mà bộ trưởng Manuel Valls nêu lên ngày hôm qua, trong bài : « Vấn đề đoàn tụ gia đình, cửa vào của người nước ngoài ». Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết phải xem lại chính sách nhập cư và chính sách đoàn tụ gia đình của Pháp. Chính phủ sẽ thắt chặt điều kiện để người nhập cư muốn đón vợ hoặc chồng và con cái tới đoàn tụ. Họ buộc phải sống tại Pháp tối thiểu 18 tháng (với người Algeria là 12 tháng). Theo số liệu thống kê mà tờ báo đưa ra, năm 2012, Pháp cho phép 193 655 người nhập cư, trong đó 86 777 người tới đoàn tụ gia đình và 59 152 sinh viên.
Vụ Snowden : chính quyền Anh hủy dữ liệu mật của báo Guardian
Việc báo Guardian tiếp tục đăng những tài liệu mà « kẻ thù » Snowden của Mỹ cung cấp khiến dinh thủ tướng Anh không hài lòng. Cú điện thoại của một quan chức cấp cao trong chính phủ yêu cầu và hù dọa tổng biên tập, Alan Rusbridger, phải hủy những thông tin mà tờ Guardian có trong tay đã khiến nhà báo này quyết định công bố rộng rãi những lời đe dọa trên. Báo chí Pháp ra ngày hôm nay rất quan tâm tới sự kiện này.
Các báo Le Monde, Le Figaro, Libération và L’Humanité đồng loạt tóm tắt sự việc dẫn tới vụ bắt giam bạn trai của nhà báo Glenn Greenwald, tác giả của những bài báo gây chấn động tình báo Anh. Cách đây hai tháng, tổng biên tập báo Guardian, Alan Rusbridger, nhận được điện thoại yêu cầu trao lại cho nhà cầm quyền hoặc phải hủy hết các tài liệu mà Edward Snowden gửi cho báo, với lý do họ « đùa đủ rồi ». Một tháng sau, tờ báo nhận được lời dọa của chính phủ sẽ đưa ra truy tố. Ban lãnh đạo tờ Guardian cuối cùng đã nhượng bộ, chấp nhận hủy các đĩa cứng lưu tài liệu tối mật nêu trên.
Trong bài báo của mình, tổng biên tập cho biết : « Hai chuyên gia an ninh của GCHQ (tương đương với cơ quan NSA của Mỹ) theo dõi quá trình phá hủy các đĩa mềm dưới tầng hầm của Guardian, để chắc chắn rằng không còn mảnh nhỏ nào có thể được lắp lại và lọt vào tay tình báo Trung Quốc ». Điều nực cười là ở thời đại tin học như hiện nay, tình báo Anh vẫn ngây thơ nghĩ rằng hủy đĩa mềm như thế là xong. Guardian đã sao chụp và gửi chúng cho cộng tác viên ở ngoài lãnh thổ Anh quốc. Tổng biên tập Guardian cho biết : « Chúng tôi sẽ tiếp tục một cách chậm rãi và cẩn trọng cuộc điều tra của mình về những tài liệu của Snowden, nhưng đơn giản là không phải từ Luân Đôn ».
Tờ Le Figaro hài hước nhận xét rằng đọc diễn đàn của tổng biên tập tờ Guardian như đọc truyện chinh thám hay tương tự các đặc vụ của James Bond. Còn tờ Les Echos, trong bài « Tranh cãi về sức ép đối với báo Guardian », cho biết phe đối lập yêu cầu chính phủ phải giải trình về vấn đề này. Sau những công bố trên của mình, tờ Guardian nhanh chóng bị chính phủ trả đũa. Ngày 18/08 vừa qua, bạn trai của nhà báo Glenn Greenwald, tác giả của những bài công bố tin mật, đã bị bắt tại sân bay Heathrow khi từ Berlin về.
Vụ việc này đã gây nên sự phẫn nộ bên kia bờ biển Manche và khẳng định sự hợp tác giữa Luân Đôn và Washington về vấn đề nghe lén. Cảnh sát lấy lý do chống khủng bố để bắt giữ David Miranda. Thế nhưng, trong quá trình thẩm vấn, anh này phải trả lời những câu hỏi liên quan tới công việc của nhà báo Glenn Greenwald. Brazil cũng lên tiếng phản đối vụ bắt bớ vô cớ công dân nước mình.
Hội « Phóng viên không biên giới » phản ứng gay gắt : « Các nước trấn áp nhất trên thế giới thường gắn báo chí với khủng bố, và bây giờ, chính quyền Anh đã vượt qua ranh giới đỏ bằng việc làm như thế ». Tức giận vì vụ bắt giữ trên, chủ nhân của những bài báo khẳng định quyết liệt : « Tôi sẽ xuất bản rất nhiều tài liệu. (…) Tôi có trong tay rất nhiều tài liệu liên quan tới hệ thống gián điệp của Anh ».
Thái độ dè dặt của phương Tây đối với căng thẳng tại Ai Cập
Bộ Nội vụ Ai Cập đã công bố trên truyền hình rằng Mohamed Badie, người lãnh đạo tối cao của phe Huynh đệ Hồi giáo, đã bị bắt đêm ngày 19 rạng sáng ngày 20/08 vì đã « xúi giục bạo động ». Dưới các tựa đề : « Ai Cập : quân đội chặt đầu phe Huynh đệ » trên báo Le Figaro, « Phe Huynh đệ Hồi giáo bị mất đầu tại Ai Cập » trên tờ Libération, báo chí Pháp tiếp tục quan tâm theo dõi diễn biến các cuộc bạo động tại Ai Cập và phản ánh thái độ của các nhà cầm quyền phương Tây.
Tờ L’Humanité thông tin thêm phe Huynh đệ Hồi giáo nhanh chóng chỉ định Mahmoud Ezzat tạm thời kế nhiệm Mohamed Badie. Ông này khẳng định người tiền nhiệm của mình « chỉ là một cá thể trong hàng triệu người chống lại cuộc đảo chính ». Những ngày gần đây, phong trào phản đối bị xẹp đi. Trong vòng hơn một tuần lễ, đã có khoảng 1 000 người biểu tình và quan chức của phe Huynh đệ Hồi giáo bị bắt. Quá trình chuyển giao và bầu cử tổng thống sẽ theo đúng lộ trình được chính phủ lâm thời đưa ra và sẽ diễn ra trước tháng 2/2014.
Quay sang thái độ của các nước phương tây trước tình hình trên, báo Le Monde đăng bài : « Ngoại giao châu Âu mắc bẫy vào cuộc khủng hoảng tại Ai Cập ». Trước căng thẳng tại Ai Cập, Liên hiệp châu Âu muốn gây sức ép tới Cairo nhưng không muốn đẩy nước này vào tay Ả Rập Xê Út. Bruxelles tránh dùng từ « trừng phạt » mà chỉ nói tới « các biện pháp thích hợp ».
Cả Mỹ và Liên hiệp châu Âu đều tỏ thái độ dè chừng. Mỹ sẽ tự mắc bẫy mình, vì nếu trừng phạt Ai Cập sẽ quay lại làm đảo lộn tiến trình hòa bình Israel-Palestine vừa mới được nối lại, nếu không hành động gì đồng nghĩa với bất lực. Bộ trưởng Bộ ngoại giao Ả Rập Xê Út thẳng thắn tuyên bố với Tổng thống Pháp, cũng ngầm thông tin cho các quốc gia liên quan, rằng : « Với những nước đã công bố ngừng viện trợ (…) hay dọa làm thế sẽ phải hiểu rằng quốc gia Ả Rập và Hồi giáo, với trữ lượng thiên nhiên của mình, sẽ không ngần ngại giúp đỡ Ai Cập ». Được biết, tháng 7 vừa qua, Ả Rập Xê Út đã hứa giúp đỡ Cairo 5 tỉ đô la.
Điều tra vũ khí hóa học tại Syria
Tháng 6 vừa qua, Paris và Luân Đôn công bố bằng chứng chính phủ Syria sử dụng vụ khí hóa học trong cuộc nội chiến. Một ban điều tra của Liên Hiệp Quốc đã được cử tới quốc gia này và có 14 ngày để nắm bắt tình hình. Nhật báo Le Monde thông tin rõ hơn quá trình làm việc của nhóm trong bài : « Điều tra của Liên Hiệp Quốc về việc sử dụng vũ khí hóa học gây ngờ vực ».
Tờ báo khẳng định ngay tính tin cậy của nhiệm vụ này cũng đáng bị nghi ngờ vì Syria cố tình kéo dài thời gian. Sau nhiều tuần thương thảo, nhóm thanh tra đã đặt chân tới đất nước này, nhưng chỉ được phép tới 3 trên tổng số 13 địa điểm mà Liên Hiệp Quốc nghi ngờ, trong đó một điểm thuộc quyền kiểm soát của các nhóm thánh chiến. Các nhà điều tra lấy mẫu, thu thập chứng cứ từ các nạn nhân và nhân viên y tế.
Thế nhưng, đã 5 tháng trôi qua từ khi sự việc bị phát giác, nhiều chứng cứ chắc chắn đã biến mất, còn dấu vết của chất hóa học ít khi giữ lại được trên 100 ngày. Trưởng đoàn điều tra cho biết : « Chúng tôi rất quan ngại. Một cuộc điều tra sau thời hạn quá lâu, dưới sự kiểm tra chặt chẽ của người Syria, điều đó chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới tính xác thực ».
Bản báo cáo cuối cùng của Liên Hiệp Quốc có lẽ sẽ gây thất vọng. Văn bản này cũng chỉ nêu lên có vũ khí hóa học hay không tại các địa điểm được điều tra mà không quy tội cho ai hết. Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, ông Ban Ki-moon, cho biết « sử dụng vũ khí hóa học trong bất kì hoàn cảnh nào đều được coi là tội ác quốc tế và sẽ bị trừng phạt ». Trong khi chờ đợi, tổ chức quốc tế này hy vọng sự có mặt của ban điều tra tại Syria ít ra cũng sẽ gây được ảnh hưởng tới việc sử dụng loại vũ khí này trong tương lai.
tags: Châu Âu - Nhập cư - Quốc tế - Điểm báo
 
http://www.viet.rfi.fr/quoc-te/20130821-anh-va-phap-that-chat-nhap-cu

Geen opmerkingen:

Een reactie posten