dinsdag 16 juli 2013

Vietnam : 'Con quan' đưa quặng sắt Việt Nam ào ạt sang Trung Quốc

'Con quan' đưa quặng sắt Việt Nam ào ạt sang Trung Quốc Monday, July 15, 2013 4:34:01 PM






HÀ NỘI  (NV) .- Quặng sắt vẫn chảy sang Trung Quốc. Nhiều nhà máy đóng cửa vì thiếu nguyên liệu. Gian lận xuất cảng làm thất thu hàng ngàn tỉ đồng tiền thuế. Rất khó chặn vì phía sau là con các quan.
Cấm xuất cảng nhưng xe chở quặng sắt vẫn nối đuôi nhau, lũ lượt đưa quặng sắt sang Trung Quốc. (Hình: Sài Gòn Tiếp thị)
Đó là những nhận định mới nhất của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) về tình trạng khai thác quặng sắt bừa bãi và xuất cảng ồ ạt sang Trung Quốc.

Năm 2011, Hải quan Trung Quốc loan báo, Trung Quốc nhập cảng 2.9 triệu tấn quặng sắt từ Việt Nam với giá 106 USD/tấn. Trong khi theo Hải quan Việt Nam, trong năm này, Việt Nam chỉ xuất cảng 1.3 triệu tấn quặng sắt sang Trung Quốc với giá 52 USD/tấn.
Chênh lệch giữa số lượng quặng sắt nhập cảng do Hải quan Trung Quốc tiết lộ và quặng sắt xuất cảng do Hải quan Việt Nam công bố là 1.6 triệu tấn. Tương tự, chênh lệch về gía nhập cảng của Trung Quốc với giá xuất cảng của Việt Nam lên tới 54 USD/tấn.
Đây là lý do khiến VSA khẳng định, việc xuất cảng quặng sắt từ Việt Nam sang Trung Quốc có gian lận. Sự gian lận này có sự tiếp tay của Hải quan Việt Nam cả về số lượng quặng xuất cảng lẫn giá xuất cảng và làm thất thu hàng ngàn tỷ đồng tiền thuế.
Bất chấp các cảnh báo từ VSA, năm 2012, tình trạng vừa kể tiếp tục tái diễn. Trong khi Hải quan Trung Quốc loan báo, Trung Quốc nhập cảng 1,7 triệu tấn quặng sắt từ Việt Nam với giá 92 USD/tấn thì theo Hải quan Việt Nam, trong cả năm 2012, Việt Nam chỉ xuất cảng… 24 ngàn tấn quặng sắt sang Trung Quốc, với giá 46 USD/tấn.
Do quặng sắt ồ ãt chảy sang Trung Quốc, tại Việt Nam, hiện chỉ còn nhà máy thép Thái Nguyên và nhà máy thép Hòa Phát đang hoạt động. Những nhà máy, lò luyện gang thép khác đã đóng cửa vì thiếu nguyên liệu.
Trước lời kêu cứu về tình trạng bi đát của các nhà máy, cơ sở luyện gang thép, nhà cầm quyền Hà Nội đã ra lệnh quản lý chặt chẽ quặng sắt và cấm xuất quặng thô sang Trung Quốc nhưng mới đây, một viên chức của VSA cả quyết, điều này bất khả thi bởi đứng sau các nhóm khai thác – xuất cảng quặng sắt sang Trung Quốc là con cháu nhiều cán bộ lãnh đạo các tỉnh.
Viên chức này bảo rằng, VSA đã cử người đến các cửa khẩu ở biên giới phía Bắc để quan sát thực tế và theo ghi nhận của họ thì trong những đoàn xe tải nối đuôi nhau chở quặng sắt từ Việt Nam sang Trung Quốc, luôn luôn có “chục chiếc là của con ông lãnh đạo tỉnh này, chục chiếc khác là cháu ông lãnh đạo tỉnh kia”.
Cũng theo lời của viên chức vừa kể, không phải là con cháu lãnh đạo các tỉnh thì khó mà được cấp phép khai thác quặng. Các doanh nghiệp khai thác quặng thường khai thác vô tội vạ, sau đó đẩy giá bán quặng lên cao để các nhà máy, lò luyện gang thép trong nước không thể mua được, rồi xin xuất cảng để giải phóng quặng tồn kho, lợi dụng giấy phép cho một, xuất mười, trốn thuế.
Khai thác quặng kiểu này vừa lãng phí tài nguyên, vì phía khai thác chỉ chọn loại có hàm lượng quặng cao, vứt bỏ loại có hàm lượng quặng thấp, vừa tàn phá môi trường, ngân sách lại thất thu bởi các doanh nghiệp khai thác quặng được miễn nhiều thứ thuế, phí. Giới khoa học tại Việt Nam đã nhiều lần cảnh báo song các doanh nghiệp khai thác quặng vẫn thản nhiên vì không có ai đụng tới.
Mới đây, sau tố cáo của VSA, một viên phó thủ tướng tên là Hoàng Trung Hải đã yêu cầu kiểm tra thực trạng khai thác – xuất cảng quặng.
Phía Bộ Công Thương thừa nhận, có sự khác biệt về số lượng cũng như giá xuất cảng quặng sắt giữa Hải quan Việt Nam và Hải quan Trung Quốc. Tuy nhiên, bộ này biện bạch sự khác biệt đó là do Trung Quốc quy định quặng sắt bao gồm cả xỉ lò, đuôi quặng có chứa sắt, chưa kể một số trường hợp xuất cảng từ Việt Nam sang Trung Quốc là xuất cảng lậu. Bộ này cũng thừa nhận, chênh lệch giá xuất cảng quá lớn giữa Hải quan Việt Nam và Hải quan Trung Quốc, có thể là do doanh nghiệp Việt Nam khai giá thấp hơn thực tế để trốn thuế.

Bộ Công Thương còn thừa nhận, một số tỉnh đã tính thêm cả số lượng khoáng sản… dự kiến sẽ khai thác để cộng vào… số lượng quặng tồn kho và đề nghị cấp giấy phép xuất cảng.
Tuy chế độ Hà Nội hứa hẹn sẽ có biện pháp để giúp các nhà máy, lò luyện gang thép tại Việt Nam có nguyên liệu hoạt động nhưng tâm tình với báo giới, đại diện VSA vẫn tỏ vẻ hoài nghi về những lời hứa đó. Theo ông này, đó là “lợi ích nhóm”. Khi tại Việt Nam, cứ làm rồi hết nhiệm kỳ thì nghỉ, vi phạm mà không phải chịu trách nhiệm thì người này sẽ đua với người kia để làm. (G.Đ)


http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=169387&zoneid=433#.UeXWSPnCTL8

Geen opmerkingen:

Een reactie posten