zondag 14 juli 2013

Việt Nam : 'Nói không với phong bì' để chống tham nhũng

'Nói không với phong bì' để chống tham nhũng



Cập nhật: 16:27 GMT - thứ năm, 11 tháng 7, 2013

Đưa phong bì là hối lộ hay cảm ơn?
Liệu có thể xác định ranh giới giữa quà cảm ơn hay tiền hối lộ khi đưa phong bì trong dịch vụ y tế tại Việt Nam?
Bạn cần mở JavaScript lên và cài phần mềm Flash Player mới nhất để nghe/xem.
Những câu chuyện bệnh nhân và thân nhân họ đưa phong bì cho y bác sĩ tại bệnh viện đã trở thành quá quen thuộc tại Việt Nam.
Một khảo sát mang tên "Tham nhũng từ góc nhìn của người dân, doanh nghiệp và cán bộ, công chức, viên chức" công bố tháng 11 năm 2012 do Ngân hàng thế giới và Thanh tra chính phủ thực hiện cho thấy 76% người dân phải trả tiền ngoài quy định hoặc quà biếu cho dịch vụ y tế là do tự nguyện so với 21% là do bị gợi ý.
Tình trạng bị gợi ý phong bì dường như thường xảy ra ở các tuyến xã, huyện như trường hợp của một phụ nữ 33 tuổi, không muốn nêu tên, cách Hà Nội hơn 100 cây số về phía nam.
Bác sĩ ở tuyến huyện đã từ chối phong bì với 50 ngàn đồng của gia đình phụ nữ này khi họ xin giấy giới thiệu chuyển lên bệnh viện tỉnh, và nói:
"Tôi lấy 50 ngàn của gia đình làm gì cho mang tiếng ra", nhưng khi 50 ngàn đồng nữa được bỏ thêm vào phong bì, vị bác sĩ này lặng lẽ cầm và viết giấy giới thiệu cho cháu bé lên tuyến trên theo chế độ bảo hiểm.
Bà Phin
Bà Phin chỉ có thể đưa phong bì với mức thấp nhất để cảm ơn y bác sĩ
Phụ nữ này kể tiếp khi lên tuyến tỉnh, tuy không bác sĩ hay y tá nào đòi hỏi phong bì nhưng các bệnh nhân bảo nhau trường hợp mổ của cháu thì phải đưa phong bì để cảm ơn y bác sĩ ca mổ. Theo lời chỉ bảo của những bệnh nhân vào viện trước, phụ nữ này đã đưa phong bì với mức 500 ngàn đồng cho bác sĩ vào chiều hôm trước ngày con trai bà được mổ.

Cảm ơn y bác sĩ

Tại các bệnh viện lớn và tuyến trung ương tình trạng bệnh nhân bảo nhau đưa phong bì để cảm ơn bác sĩ và y tá đã trở thành thông lệ.
Bà Phin, một phụ nữ tại Sóc Sơn từng phục vụ trong quân đội, với mức lương hưu hơn ba triệu một tháng kể:
"Ít thì cũng phải 200 ngàn, thế là khi ra viện tôi tạm biệt các bác sĩ, cô chỉ cho vào phong bì 200 ngàn. Đấy là ít đấy, cho mức thấp nhất đấy."
Dường như việc cảm ơn các bác sĩ và y tá như thế này có những mức giá nhất định tùy thuộc bệnh viện và bệnh tình của bệnh nhân và cứ người trước mách với người sau như vậy.
Nhiều người cho rằng tình trạng quá tải tại các bệnh viện tuyến trên là một trong những nguyên nhân chính khiến người bệnh dùng tới phong bì, “vì ai cũng muốn được ưu tiên”, chị Vân, một bệnh nhân chia sẻ với BBC.
"Em đưa phong bì để mong muốn được bác sĩ thực sự quan tâm. Thực ra chuyện đưa phong bì không có sự gợi ý của bác sĩ mà nó gần như là một cái nếp trong suy nghĩ của người bệnh, khi vào đến bệnh viện là đưa phong bì thì sẽ được bác sĩ quan tâm và ưu tiên", chị Vân nói.
Khi được hỏi liệu đưa phong bì có biến một bác sĩ chuyên môn kém thành một bác sĩ giỏi và như vậy bệnh nhân sẽ được chữa trị tốt hơn hay không, câu trả lời chung của bệnh nhân và thân nhân họ là tuy không thay đổi được chuyên môn và tay nghề của y bác sĩ nhưng họ vẫn sẵn sàng đưa phong bì để người thân được quan tâm hơn, được đối xử hòa nhã ân cần và có nhân phẩm hơn khi tới bệnh viện.
"Cháu đã từng đưa phong bì khi mẹ cháu vào bệnh viện huyện. Nếu không đưa phong bì thì mũi tiêm của y tá sẽ "phập phập" còn nếu đưa phong bì thì tiêm sẽ nhẹ tay hơn, đỡ đau hơn cô ạ", một tài xế taxi cười và nói.
Đó chính là điều nhiều bệnh nhân tin rằng phong bì có thể đem lại.

Tinh thần hay vật chất

Nhà văn hóa Nguyễn Hữu Ngọc
Nếp cho quà là rất phổ biển tại các nước ảnh hưởng của đạo Khổng, theo ông Hữu Ngọc
Tuy nhiên việc đưa và nhận phong bì này lại thường được giải thích là để cảm ơn y bác sĩ vì biếu quà cảm ơn người đã giúp đỡ mình là một nét văn hóa của người Việt mà từ rất nhiều năm nay quà cáp luôn dưới dạng phong bì như tiền mừng đám cưới, phúng viếng, thăm người ốm v.v.
Theo nhà văn hóa Nguyễn Hữu Ngọc, gốc rễ của vấn đề là ở cái nếp cho quà cáp, vốn rất phát triển ở các nước theo Khổng học, tức các nước Đông Á như Nhật Bản, Nam - Bắc Hàn, Việt Nam và Trung Quốc, và nó xuất phát từ quan niệm về chữ Nghĩa.
"Cái Nghĩa nó vừa kết hợp tình cảm và trí óc, và chữ Nghĩa đó nó được diễn tả sang thành quà. Vậy quà đó là đền bù tinh thần là chính và trong xã hội Việt Nam và Trung Quốc, quà là do cái nghĩa.
"Thế nhưng rồi trong đời sống thực tế, cái nghĩa tinh thần mờ dần đi và thay bằng cái thực dụng. Quà tinh thần trở thành quà vật chất, thậm chí nó không phải để đền bù cái nghĩa mà để mua cái mình cần mua," nhà văn hóa nói.

Kinh tế và văn hóa

Trong bối cảnh một nền kinh tế thị trường và vẫn còn ảnh hưởng bởi những giá trị văn hóa của Khổng giáo, tình trạng đưa phong bì trở nên ngày càng phổ biến.
Con số người sử dụng phong bì trong dịch vụ y tế tăng gấp đôi trong ba năm, theo số liệu từ nghiên cứu quốc tế Phong vũ biểu tham nhũng toàn cầu 2010 của tổ chức Minh Bạch Quốc Tế, từ 13% vào năm 2007 lên 29% vào năm 2010.
"Khi cám ơn người ta bao giờ cũng muốn tạo lập mối quan hệ, ngồi lại trò chuyện, thể hiện tình cảm. Nhưng khi đưa phong bì thật nhanh và cố gắng để không ai bắt gặp thì không phải là cảm ơn. Không ai sợ cảm ơn cả mà người ta chỉ sợ bị hối lộ."
Trần Thu Hà, Phó GĐ RTCCD
Trong một nỗ lực chống tham nhũng, tháng 10 năm 2011, năm bệnh viện lớn tại Hà Nội đã phát động phong trào "Qui tắc ứng xử nâng cao y đức" trong bệnh viện, mà một phần của nó là "Nói không với phong bì".
Cũng vào thời điểm này Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng (RTCCD) thực hiện dự án "Nói không với phong bì trong dịch vụ y tế” một trong số các dự án được Ngân hàng thế giới và Thanh tra chính phủ tặng giải thưởng Chương trình Sáng kiến chống tham nhũng Việt Nam, VACI 2011.
Đối với nhiều người dân tại Việt Nam phân biệt làn ranh giới giữa đâu là hối lộ và đâu là thể hiện sự biết ơn vẫn là một điều không dễ, “thậm chí một số người dùng nó làm cái cớ để đưa phong bì," bà Trần Thu Hà, Phó Giám đốc RTCCD nói.
Và ranh giới này với những người vận động nói Không với phong bì là rất dễ phân biệt.
“Đồng tiền đưa cho bác sĩ sẽ là đồng tiền biết ơn nếu được bỏ vào một cái hộp chung cho cả khoa và sau đó được chia chung cho y bác sĩ trong cả khoa hoặc để giúp bệnh nhân nghèo thì đó là đồng tiền biết ơn.
“Và ngoài ra chúng ta có thể định nghĩa cám ơn theo một cách nữa là có bao giờ cám ơn mà chỉ đến để đưa một cái phong bì và đi ngay luôn không? Không bao giờ. Khi cám ơn người ta bao giờ cũng muốn tạo lập mối quan hệ, người ta ngồi lại trò chuyện, thể hiện tình cảm thì đó mới là cám ơn.
“Nhưng đây, khi đưa phong bì người ta đưa rất nhanh và nói dăm câu ba điều, chỉ một phút hai phút và sau đó đi ngay và cố gắng nhanh chóng để không ai bắt gặp. Không ai sợ cảm ơn cả mà người ta chỉ sợ bị hối lộ. Đó là một ranh giới rất dễ nhìn thấy,” bà Hà nói.

Thay đổi nhận thức

Ông Ngô Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng, Cục Chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ
Ông Ngô Mạnh Hùng cho biết thay đổi hành vi và nhận thức cần có thời gian
Thế nhưng để thay đổi hành vi của người dân có lẽ là một việc không chỉ ngày một ngày hai mà làm được, như theo lời ông Ngô Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng, Cục Chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ.
“Khó khăn lớn chính là thay đổi nhận thức, từ thay đổi nhận thức mới có thay đổi hành vi được. Nhưng thay đổi nhận thức là cả một quá trình.
“Không thể nói là cứ ban hành một văn bản, xong tổ chức phổ biến quán triệt, hay đưa vào chương trình giảng dạy, tuyên truyền một vài buổi thậm chí một vài tháng mà có thể thay đổi được nhận thức.
“Thay đổi nhận thức của người dân phải có một lộ trình, một quá trình tác động dần, chứ không thể thay đổi trong một chốc một lát được,” ông Ngô Mạnh Hùng nói.
Đã có nhiều tranh luận về việc làm sao có thể chấm dứt tình trạng đưa phong bì trong ngành y và một trong những giải pháp được cho là cần nâng cao mức lương của nhân viên y tế để họ kiên quyết không nhận phong bì.
Nhưng có lẽ chỉ làm như vậy chưa đủ vì có không ít bác sĩ nói rằng dù không muốn nhận phong bì và từ chối nhiều lần, họ vẫn luôn bị người nhà bệnh nhân tìm mọi cách đưa bằng được, tới mức đôi khi họ cảm thấy bị xúc phạm và làm phiền.
"Nó không phải là một việc dễ dàng bởi vì tham nhũng liên quan tới tiền bạc, con người và quyền lực và nó không phải là chuyện có thể làm qua một đêm."
Soren Davidsen, Chuyên gia Ngân hàng Thế giới
Ông Hữu Ngọc kể chuyện một bác sĩ cho biết đã buộc lòng phải cầm phong bì của một cụ già nông thôn, nghèo lắm, phong bì chỉ có 20-30 ngàn đồng, nhưng cứ cúi xuống lạy bác sĩ xin ông cầm vì “người ta bảo phải đưa phong bì”, mặc dù bác sĩ cố giải thích rằng không cần phong bì ông vẫn chăm sóc người nhà của bà chu đáo.

Thách thức

Theo Phó Giáo sư Tạ Văn Bình, Viện trưởng Viện Đái tháo đường và Rối loạn chuyển hóa, muốn chấm dứt tình trạng đưa phong bì, sẽ phải cần tới nỗ lực của cả chính phủ lẫn người dân.
“Về phía quản lý nhà nước cần phải có những chế tài và quy định rõ rệt để xử lý cán bộ y tế có vi phạm, đồng thời phải làm sao cho người bệnh hiểu rằng đưa phong bì là sai, không ai bắt buộc phải đưa phong bì cả và như vậy cũng có nghĩa là đồng lõa với những việc làm sai trái,” ông Bình nói.
Thậm chí nhà văn hóa Nguyễn Hữu Ngọc còn cho rằng cần có các biện pháp xử phạt đối với cả những bệnh nhân đưa phong bì nếu thực sự muốn làm trong sạch ngành y.
Chắc chắn sẽ cần tới sự phối hợp và nỗ lực của tất cả các bên, từ bệnh nhân tới nhân viên y tế và giới chức trách nếu muốn chấm dứt tình trạng đưa và nhận phong bì như hiện nay. Và đây vẫn đang là một thách thức lớn của Việt Nam, theo ông Soren Davidsen, chuyên gia cao cấp về quản trị nhà nước của Ngân hàng Thế giới tại Hà Nội.
“Nó không phải là một việc dễ dàng bởi vì tham nhũng liên quan tới tiền bạc, con người và quyền lực và nó không phải là chuyện có thể làm qua một đêm.
"Chúng tôi biết rằng quà cáp là một phần quan trọng của văn hóa. Nhưng chúng tôi cũng biết rằng văn hóa không phải là bất biến mà nó rất năng động. Một vài nước ở Đông Á như Singapore, Nam Hàn và Nhật Bản cũng có văn hóa tham nhũng nhưng họ đã tìm ra cách rất có hiệu quả để ngăn chặn tham nhũng.
“Do vậy mặc dù thường có quan niệm văn hóa là một phần của tham nhũng nhưng chúng tôi cho rằng đó là cách nhìn không đúng và chúng ta có thể cùng với người dân, chính phủ và các doanh nghiệp thay đổi văn hóa đó," ông Davidsen nói.
Đây là một phần của 'Mùa chống tham nhũng' với các loạt bài của BBC Global News tiếng Anh và các ngôn ngữ quốc tế bắt đầu hôm 9/7 và kéo dài đến 11/7/2013.


Thêm về tin này

Geen opmerkingen:

Een reactie posten