donderdag 18 juli 2013

Việt Nam : Hộ khẩu, nỗi ám ảnh của người dân

Hộ khẩu, nỗi ám ảnh của người dân

An Nhiên, thông tín viên RFA
2013-07-13
Email
Ý kiến của Bạn
Chia sẻ
In trang này

hokhau-305.jpg
Sổ Hộ khẩu và sổ Tạm trú.
Courtesy tracuupl.info



Hạn chế quyền công dân

Quốc hội Việt Nam vừa thông qua sửa đổi, bổ sung Luật cư trú theo đó vẫn qui định chặt việc nhập khẩu vào các Thành phố Trung ương. Điều này càng gây khó khăn cho những người dân tỉnh tìm kế mưu sinh tại những nơi đó, và hạn chế quyền của công dân.
Điều 68 của Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 sửa đổi bổ sung năm 2001 quy định: “Công dân có quyền tự do đi lại và cư trú ở trong nước, có quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước theo quy định của pháp luật.”
Tuy nhiên, Bộ công an đã đề xuất sửa đổi một số điều luật trong luật di trú được Quốc hội thông qua vào ngày 20/6/2013, và sẽ có hiệu lực từ đầu năm tới. Ông Phan Trung Lý, chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật phát biểu, mục đích việc sửa đổi vài điều trong Luật di trú là chủ yếu tập trung vào một số vấn đề nổi cộm, vướng mắc như tình trạng di dân tự phát vào nội thành của các thành phố lớn, gây quá tải về hạ tầng, an sinh xã hội, quản lý trật tự an toàn xã hội.
Vấn đề hộ khẩu nhà nước thích quản lý bây giờ như kiểu ngăn sông cấm chợ như thời bao cấp, nó làm cho bất tiện đủ thứ.
-Anh Mẫn
Ủy ban thường vụ Quốc hội thấy rằng, quy định thời gian tạm trú là hai năm đối với trường hợp đăng ký thường trú vào địa bàn quận thuộc thành phố trực thuộc trung ương là phù hợp. Theo quan điểm cá nhân của Luật sư Hà Huy Sơn cho chúng tôi biết vì sao chính quyền Việt Nam vẫn bắt buộc quản lý công dân Việt Nam theo chế độ hộ khẩu và hạn chế quyền mưu sinh đi lại trên lãnh thổ Việt Nam của công dân:
“Nhà nước quản lý người dân chặt chẽ vì nhà nước không muốn bỏ vấn đề hộ khẩu, ván đề hộ khẩu hạn chế một số các quyền của công dân, quyền tự do đi lại, quyền tự do sinh sống, vì giữa các vùng miền ở Việt Nam giữa nông thôn và thành thị còn nhiều bất bình đẳng, về điều kịên văn hóa y tế, giáo dục, công ăn việc làm. Người dân có nhu cầu muốn di chuyển đến nơi, địa phương có điều kiện tốt hơn nơi người ta đang ở, vì sự di chuyển ấy nhà nước sợ không quản lý được, làm xáo trộn xã hội, nhà nước vẫn đặt ra vấn đề hội khẩu để duy trì sự ổn định đạt được mục tiêu quản lý của nhà nước, không tính đến việc đề cao lợi ích của người dân.”
luat-cu-tru-va-ho-tich-ho-khau-200.jpg
Bìa sách Luật cư trú, Hộ tịch và Hộ khẩu. Photo courtesy of XBLĐ.

Trong khi các nước phát triển và nhiều nước trong khu vực họ chỉ quản lý người dân bằng một cái thẻ chứng minh thư, những quốc gia như Việt Nam vẫn quản lý công dân bằng hộ khẩu gây nên biết bao phiền toái, khổ sở cho người dân. Những người ở tỉnh muốn ở, tìm việc làm tại Sài Gòn, Hà Nội… thì phải đi đăng ký tạm trú tại công an phường, hết hạn phải đi đổi, muốn sử dụng các dịch vụ như điện thoại trả sau thì không được, trả tiền điện thì cao gấp đôi người thành phố. ..mọi thứ đều rất khó khăn, Anh Mẫn, người Quảng Nam vào Sài Gòn hơn 10 năm, cho chúng tôi biết trong tâm trang bức xúc:

“Vấn đề hộ khẩu nhà nước thích quản lý bây giờ như kiểu ngăn sông cấm chợ như thời bao cấp, nó làm cho bất tiện đủ thứ, ví dụ như đăng ký kinh doanh tại thành phố, thì sở kế hoạch đầu tư đòi hộ khẩu này nọ, mình không có hộ khẩu thành phố nên rất phiền đủ thứ hết, điều này nó như cái xích, xiềng không cho mình có thể phát huy xa hơn được, không thể tự do được, mình không có thể làm hết khả năng mình được, đây là một bước lùi, sự khuyết điểm, kìm hãm hầu hết các nước trên thế giới người ta đã bỏ chính sách hộ khẩu rồi, trong khi đó Việt Nam vẫn còn giữa lại. Về vấn đề y tế nữa, mình không thể nào sử dụng bảo hiểm y tế được, vì nếu mình ở tỉnh thì phải khám bệnh ở đó. Còn nếu có công ty làm bảo hiểm cho mình thì mình mới được khám bệnh ở thành phố được, điều này bất công và thiệt thòi cho người ở tỉnh rất là nhiều.”

Không đem lại lợi ích cho dân

Những quy định bổ sung luật di trú mới đã trái với Hiến Pháp, trái với quyền cơ bản của công dân, đã không đem lại những lợi ích cho người dân, mà nó giống như sợi dây thòng lọng siết vào cổ dân kìm hãm sự phát triển của đất nước, Luật sư Hà Huy Sơn cho chúng tôi biết:
Theo Hiến pháp năm 1992, người VN được phép tự do đi lại, tự do sinh sống mọi nơi trên lãnh thổ VN, nên các điều luật nào hạn chế quyền của công dân thì nó đều trái hiến pháp.
-LS Hà Huy Sơn
“Theo Hiến pháp năm 1992, người Việt nam được phép tự do đi lại, tự do sinh sống mọi nơi trên lãnh thổ Việt Nam, nên các điều luật pháp nào mà hạn chế quyền của công dân thì nó đều trái hiến pháp. Tất cả những điều gì của pháp luật mà trái với Hiến pháp năm 1992, và trái với những điều công ước quốc tế về quyền dân sự chính trị và tuyên ngôn nhân quyền của liên hiệp quốc thì những điều luật nó trái, hay thực tế, nhà nước thực hiện không đúng luật thì tôi xem đây tất cả là một hình thức cũng có thể gọi những cái thòng lọng mức độ khác nhau đối với người dân.”
Các nước Asean đang thảo luận việc cho các công dân trong khu vực được đi lại, tìm việc làm vào năm 2015. Hiện tại thì Việt Nam đang gia tăng phát triển kinh tế, trên đà hội nhập văn hóa với các nước láng giềng và quốc tế, cùng với sự dịch chuyển lao động sang các quốc gia Asean, thế nhưng vẫn sử dụng hộ khẩu để kiểm sóat quyền tự do đi lại của người dân, như vậy sẽ hạn chế việc hội nhập. Tuy nhiên, Luật sư Hà Huy Sơn lạc quan cho chúng tôi biết:
“Tôi nghĩ quá trình hội nhập khu vực, quốc tế nó sẽ thúc đẩy tiến bộ trong nước, những gì cản trở sẽ phải xóa bỏ, có điều nhà nước nhận thức được những điều đó thì xã hội sẽ thu được nhiều lợi ích hơn, còn nếu đi ngược lại với xu hướng của cuộc sống, thì sau nó sẽ sụp đổ thôi, nhưng cái giá mà xã hội, người dân phải trả thì sự tiến bộ xã hội sẽ chậm.”
Hộ khẩu là hệ quả của thời bao cấp, thời kỳ mà mọi thứ chính quyền ban xuống cho người dân, có hộ khẩu mới có sổ gạo, mới có miếng ăn, nhưng nay đã hơn 38 năm mà nhà nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam vẫn siết chặt người dân bằng hộ khẩu.

Geen opmerkingen:

Een reactie posten