maandag 15 juli 2013

Trung Quốc và những mối quan hệ tại Trung Á

Chủ nhật 14 Tháng Bẩy 2013

Trung Quốc và những mối quan hệ tại Trung Á

(Nguồn : Le Courrier International)
(Nguồn : Le Courrier International)

Thu Hằng
Các tuần báo Pháp quan tâm tới Trung Quốc ở nhiều khía cạnh khác nhau. Tờ Le Courrier International đăng lại ý kiến của đồng nghiệp Matxcơva về chiến lược bành trướng của Bắc Kinh tại khu vực Trung Á. Tiếp theo là nhận định của một tờ báo nổi tiếng của Hồng Kông về tình hình bạo động ở Tân Cương diễn ra thời gian vừa qua. Về vấn đề xã hội, tạp chí cuối tuần Le Monde phản ánh thực tế quan hệ giữa con cái với bố mẹ trong xã hội Trung Quốc hiện đại.


Người láng giềng Trung Quốc phiền toái
Dưới tiêu đề : « Người láng giềng Trung Quốc phiền toái », tuần báo nổi tiếng tại Nga, Argoumenty i Fakty, quan tâm tới việc Trung Quốc háu ăn một cách đáng sợ tại khu vực Trung Á.
Từ khi Liên bang Xô Viết sụp đổ, các nước thành viên đã lần lượt trao cho Trung Quốc một phần lớn đất đai lãnh thổ của mình, ví dụ : Tadjikistan giao cho Trung Quốc 1 358 km2, Kirghizistan 1 160 km2 và Kazakhstan 407 km2. Tác giả bài báo đặt câu hỏi liệu Trung Quốc có dừng lại ở đây hay sẽ nuốt hết các nước Cộng hòa thuộc Liên Xô cũ ?
Câu hỏi trên cũng hàm ý việc Trung Quốc ngày càng bành trướng tại các nước trên. Quốc gia lớn nhất thế giới này là chủ nợ quan trọng số một tại Tadjikistan, chiếm 40% các khoản vay và đầu tư vào cơ sở hạ tầng hay nhà máy điện. Ngoài ra, từ năm 2009, 30% lượng dầu mỏ khai thác tại nước láng giềng Kazakhstan thuộc về các tập đoàn Trung Quốc và hàng chục nghìn chủ trang trại Trung Quốc được nhận đất để làm nông nghiệp tại đây. Còn người Kirghizistan cho người Trung Quốc thuê các mỏ sắt khổng lồ ở Jetim-Too với thời hạn 50 năm.
Một doanh nhân ở thủ đô Astana ví mối quan hệ Trung Quốc với các quốc gia Trung Á như con rồng và những con chuột đồng. Dù mọi trao đổi có thoải mái đến mấy thì tất cả đều kết thúc trong miệng con rồng. Còn một nhà phân tích ở Hồng Kông nhận xét : « Hiện nay, Trung Quốc không cần đất đai mà chỉ kiếm các nguồn tài nguyên ». Quả thực, từ sáu năm trở lại đây, đất nước đông dân nhất thế giới không còn khả năng tự cung cấp nguồn than. Chính vì thế mà người Trung Quốc quay sang ve vãn các nước láng giềng. Ở thế kỷ XXI, không nhất thiết phải có quân đội hùng hậu để chiếm một quốc gia : Tiền là giải pháp chắc chắn nhất và ít nguy hiểm nhất.
Tại Tân Cương, Bắc Kinh mất bình tĩnh
Cũng tại khu vực Trung Á, tờ Shun Po (Hồng Kông) quan tâm tới mối quan hệ giữa trung ương và các dân tộc thiểu số, sau vụ bạo động xảy ra ngày 26/06 vừa qua. Với tựa đề : « Tại Tân Cương, Bắc Kinh mất bình tĩnh », le Courrier International đăng quan điểm của tờ báo trên, cho rằng những hành động trấn áp của chính quyền Trung Quốc sẽ không giải quyết được vấn đề một cách sâu sắc.
Từ lâu, Bắc Kinh coi những người ly khai tại Tân Cương là những kẻ khủng bố miền đông Turkistan. Điều nguy hiểm hơn là lần này, phiến quân giết hại cả dân thường. Họ có một quá trình luyện tập kỹ lưỡng cả về tinh thần lẫn thể chất trước khi ra tay hành động tại Tân Cương. Theo thông tin từ chính quyền Trung Quốc, những kẻ ly khai đã tham gia đào tạo với phiến quân Taliban và thậm chí, đứng trong hàng ngũ quân đội nổi dậy tại Syria.
Thế nhưng, không phải một sớm một chiều sẽ tìm ra giải pháp cho các vấn đề nảy sinh từ lâu đời. Từ năm 2009, bạo động bắt đầu bùng phát tại Tân Cương do mâu thuẫn giữa hai tộc người Hán và Duy Ngô Nhĩ. Bí thư tỉnh ủy Trương Xuân Hiền thực hiện rất nhiều chính sách ôn hòa nhằm đảm bảo công bằng và an ninh tại đây : Bảo đảm việc làm cho người Duy Ngô Nhĩ, cử giáo viên, bác sĩ và kĩ sư từ các thành phố lớn kết nghĩa với Tân Cương tới đây công tác, hay ủng hộ các doanh nghiệp tới đầu tư. Cũng năm này, cuộc họp của Ủy ban thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản đã đưa ra ba ý kiến nhằm làm dịu tình hình tại đây : Thứ nhất, nhất thiết phải phát triển kinh tế ; thứ hai, nâng cao tầm quan trọng các vấn đề đời sống hàng ngày và nâng cao hiệu quả của các hoạt động giáo dục và việc làm, cuối cùng, ổn định trật tự công cộng và bắt buộc phải kiềm chế một cách hiệu quả các lực lượng cực đoan.
Vụ bạo động ngày 26/06 vừa qua làm Bắc Kinh thay đổi hoàn toàn ý kiến. Một cán bộ cao cấp tuyên bố phải thẳng tay đàn áp không thương tiếc các hành động bạo loạn để loại trừ tận gốc các phe phái đòi ly khai. Tờ báo quan ngại liệu các cuộc bạo động xảy ra vừa qua có khiến Bắc Kinh xem xét lại chính sách áp dụng tại khu vực này trong thời gian vừa qua hay không ? Liệu các biện pháp cương quyết, quay ngoắt 180 độ, mà Trung ương đang thực hiện chỉ là giải pháp tạm thời trong lúc chờ đợi các cuộc đụng độ bớt đi ? Tác giả bài báo nhận định rất khó có thể lạc quan về hiệu quả của các giải pháp đưa ra khi mà người ta thay đổi nó cứ như thay áo…
Vì bị phạt tiền nên buộc phải phụng dưỡng cha mẹ
Với tiêu đề khá mỉa mai như trên, phóng viên tạp chí cuối tuần Le Monde phản ánh một thực trạng đáng buồn tại Trung Quốc do xã hội thay đổi một cách chóng mặt.
Tác giả nêu một ví dụ hi hữu tại Trung Quốc. Ngày 01/07, một cụ bà 77 tuổi thắng kiện dựa vào « luật về quyền lợi và lợi ích của người cao tuổi », buộc con gái và con rể phải phụng dưỡng mình.
Sự phát triển kinh tế đã làm mất những giá trị của xã hội Trung Quốc truyền thống. Các thành phố lớn và các khu công nghiệp thu hút giới trẻ các vùng nông thôn tới làm việc. Khoảng 194 triệu người già trên 60 tuổi, chiếm 14% dân số, sống cô đơn tại các vùng nông thôn, miền núi. Con cái họ chỉ về nhà một năm một lần vào dịp Tết. Thậm chí, một số người còn không muốn về vì quá quen với cuộc sống tiện nghi ở thành thị.
Người Trung Quốc lấy làm tiếc giá trị truyền thống này ngày một phai nhạt. Còn một số nhà quan sát thì cho rằng chính phủ đang cố lấy lại uy tín vì không thực hiện được hệ thống hưu trí theo đúng nghĩa. Trên tờ New York Times, nhà văn Dư Hoa trách chính phủ Trung Quốc đang ra sức kêu gọi lòng hiếu thảo của con cái mà chính họ đã xóa bỏ trong quá khứ. Ông tố cáo : « Đó là một điều khoản nực cười », nhằm « che dấu trách nhiệm của mình với tư cách là đảng cầm quyền từ 60 năm nay ».

http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20130714-trung-quoc-va-nhung-moi-quan-he-tai-trung-a

Geen opmerkingen:

Een reactie posten