maandag 15 juli 2013

Trung Quốc: Dư luận vẫn hoài nghi quyết tâm chống tham nhũng

Chủ nhật 14 Tháng Bẩy 2013

Trung Quốc: Dư luận vẫn hoài nghi quyết tâm chống tham nhũng

Cựu Bộ trưởng Đường sắt Trung Quốc Lưu Chí Quân ra tòa tại Bắc Kinh vì tội tham nhũng. Ảnh chụp qua truyền hình ngày 09/06/2013.
Cựu Bộ trưởng Đường sắt Trung Quốc Lưu Chí Quân ra tòa tại Bắc Kinh vì tội tham nhũng. Ảnh chụp qua truyền hình ngày 09/06/2013.
REUTERS/CCTV via Reuters TV

Trọng Nghĩa
Khi đưa ra bản án tử hình treo nhắm vào một cựu Bộ trưởng hôm 08/07/2013, chính quyền Trung Quốc muốn chứng tỏ quyết tâm bài trừ tham nhũng của mình. Thế nhưng, theo nhận xét của giới chuyên gia phân tích cũng như cư dân mạng thì chế độ Cộng sản Trung Quốc đã hoài công vô ích.


Vào đầu tuần này, phiên tòa xét xử tham nhũng lớn đầu tiên thời Tập Cận Bình, khởi sự từ tháng Ba vừa qua, đã kết thúc với một bản án được cho là nghiêm khắc : Cựu Bộ trưởng Bộ Đường sắt Trung Quốc Lưu Chí Quân (Liu Zhijun) đã bị kết án tử hình « treo », một bản án thường được giảm xuống thành tù chung thân.
Được bổ nhiệm lãnh đạo cơ quan đầy uy lực tại Trung Quốc này vào năm 2003, ông Lưu Chí Quân đã bị buộc tội nhận hối lộ đến 64,6 triệu nhân dân tệ tiền trong khoảng thời gian từ năm 1986 đến năm 2011 để thăng cấp hay cung cấp hợp đồng cho những người đút lót.
Theo luật pháp Trung Quốc, những ai phạm tội nhận hối lộ từ 100.000 nhân dân tệ trở lên đều có thể bị án tử hình, nhưng trong trường hợp vị cựu Bộ trưởng Bộ Đường sắt, Tòa án Bắc Kinh cho rằng họ đã « khoan hồng » vì bị cáo đã « thú nhận tội ác của mình » và hợp tác với các nhà điều tra.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia được hãng tin Pháp AFP trích dẫn, bản án được mạnh danh là mẫu mực đó lại thất bại trong việc đánh dấu bước khởi đầu của một tiến trình trong sạch hóa chế độ. Chủ trương bài trừ tham nhũng đã được lãnh đạo mới lên tại Trung Quốc Tập Cận Bình hô hào trong những tháng gần đây, kêu gọi mọi người đấu tranh « không thương tiếc » chống tệ nạn này.
Giáo sư Trịnh Vũ Thạc (Joseph Cheng), một chuyên gia về chính trị Trung Quốc tại Đại học Thành phố Hồng Kông (City University of Hong Kong) giải thích : « Những gì mà người dân mong đợi là việc thiết lập các rào cản tham nhũng thực thụ, các cơ chế bền vững, thay vì một chiến dịch mới » phù du, chỉ làm cho giới tham nhũng « im hơi lặng tiếng một thời gian » mà thôi.
Phải nói là người dân Trung Quốc càng lúc càng bất bình trước tệ nạn tham nhũng đang hoành hành ở tất cả các cấp chính quyền. Nhằm xoa dịu công luận, chính quyền Bắc Kinh trong thời gian qua đã không ngớt phô trương các thành tích trong cuộc chiến chống lại các cán bộ tham nhũng.
Truyền thông trong tay Nhà nước đã liên tục nêu lên những cuộc điều tra nhắm vào một số quan chức cao cấp, trong đó có ông Lưu Thiết Nam (Liu Tienan) - cựu Phó Giám đốc cơ quan giám sát kinh tế cao nhất của Trung Quốc, cũng như nhiều lãnh đạo địa phương. Nhiều viên chức cấp thấp hơn cũng đã bị sa thải sau khi các hành vi tham ô của họ bị vạch trần trên mạng Vi Bác.
Liên quân đến bản án đối với ông Lưu Chí Quân, Tân Hoa Xã đã mau mắn ca ngợi quyết tâm « của các cấp lãnh đạo cao nhất », muốn trừng trị cả những « con hổ » ở thượng tầng Nhà nước, lẫn những « con muỗi » ở tận cùng bậc thang xã hội.
Thế nhưng, trên một đất nước mà hàng ngàn người bị hành quyết mỗi năm, nhiều người Trung Quốc lại thấy rằng chính quyền vẫn khoan dung cho giới quyền thế.
Các phương tiện truyền thông Trung Quốc tiết lộ rằng nhà tù Tần Thành (Qincheng) gần Bắc Kinh, dành riêng cho việc giam giữ các những kẻ quyền thế, lại có buồng giam tiện nghi hơn rất nhiều so với các nhà giam khác, trong lúc các tù nhân được đối đãi tử tế hơn.
Nhìn chung, theo ông Jean-Pierre Cabestan, chuyên gia chính trị học người Pháp, hiện làm việc tại Đại học Hong Kong Baptist University, vụ án Lưu Chí Quân đã được xét xử một cách « bình thường », và việc đánh giá chiến dịch chống tham nhũng hiện nay sẽ tùy thuộc vào số « con hổ » khác bị bắt giữ và mức độ các bản án dành cho họ.
Đối với giới lãnh đạo Trung Quốc, theo ông Cabestan, vấn đề đặt ra hiện nay là làm sao đạt được một « sự cân bằng tế nhị" trong chiến dịch chống tham nhũng, sao cho « không làm chế độ mất ổn định, đồng thời không tạo ra sự hoài nghi quá mức ».
Riêng ông Kerry Brown, giáo sư Chính trị Trung Quốc tại Đại học Sydney (Úc) thì có quan điểm khác bi quan, cho rằng chính quyền Bắc Kinh khó hoàn thành được tốt chiến dịch chống tham nhũng, cho dù đã hứa đi hứa lại nhiều lần.
Trả lời AFP, chuyên gia này ghi nhận : « Các tân lãnh đạo Trung Quốc đã phải hao công tổn sức hô hào chống tham nhũng đến mức mà khó có thể xẩy ra tình trạng thiếu kết quả ». Cho dù vậy, giáo sư Brown vẫn hoài nghi : « Trái tim tôi muốn tin vào điều đó, nhưng lý trí của tôi lại bảo rằng đó vẫn chỉ là một chiến dịch chính trị ».

http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20130714-trung-quoc-du-luan-van-hoai-nghi-quyet-tam-chong-tham-nhung-cua-chinh-quyen

Geen opmerkingen:

Een reactie posten