donderdag 18 juli 2013

Tình yêu từ đâu tới ?

Thứ tư 17 Tháng Bẩy 2013
Tình yêu từ đâu tới ?
DR
Trọng Thành
Tình yêu là tình cảm của con người. Hầu như tất cả chúng ta đều có lúc mạo hiểm để yêu và để được yêu ? Tình yêu rất phổ biến, lại không hề dễ hiểu bởi nó hết sức riêng tư và khác biệt ở mỗi cá thể. Tình yêu từ đâu tới ? Đây là chủ đề chính trong nghiên cứu của chuyên gia về ứng xử động vật Claude Béata. Nhân cuốn "Au risque d'aimer" (Mạo hiểm để yêu) của Claude Béata vừa ra đời, RFI có cuộc trò chuyện với tác giả.
Trong quan niệm thông thường của nhiều người, của một thời, tình yêu chỉ có ở con người, tuy nhiên ngày càng có nhiều nghiên cứu cho thấy để hiểu được hơn về tình yêu con người, cần trở về với cội nguồn, cội nguồn của sự gắn bó ở các động vật, của tình mẫu tử giữa mèo mẹ và mèo con, sự tiếc thương ở loài voi đối với những cá thể qua đời, tình bạn bền chặt ở loài cá heo, sự ân cần ở loài vẹt…
DR

Claude Béata, vị khách mời của RFI trong tạp chí « Autour de la question », kể rằng nghề thú y cho phép ông thường xuyên được chứng kiến những quan hệ con người với vật nuôi, mà theo ông thường mang lại tình cảm tích cực, sự hài hòa và mang lại sự hài lòng cho đôi bên. Có thể nói đấy là mối quan hệ của tình yêu. Khách hàng của ông, những người chủ chó, mèo thường nói « yêu » các con vật của mình vô cùng. Bản thân nhà thú y cũng chia sẻ những câu chuyện về con vẹt Gabon của gia đình ông, có sự gắn bó đặc biệt với vợ ông. Claude Béata cũng là tác giả của một cuốn sách trước đó về tâm lý học loài chó.
Mẹ
Để nói về tình yêu, « Gắn bó » là lý thuyết tâm lý học được dẫn ra nhiều nhất, vì nó bao hàm một loạt các dữ kiện về sinh học, tình cảm, tâm lý, xã hội, văn hóa. Thực thể đầu tiên của mối liên hệ gắn bó, ở người cũng như động vật, không ai khác hơn là « mẹ ».
« Đấy là cái làm nên sự khác biệt, khi chúng ta quan sát hai quần thể động vật có mặt trên khắp hành tinh. Trước hết là các loài các côn trùng, là giống không có mối liên hệ này và một loài động vật khác dành ưu tiên cho mối quan hệ gắn bó giữa mẹ và con.
Chính loài động vật đó có sự tiến hóa rất cao. Mối gắn bó chúng ta có thể thấy qua những câu hỏi : Ai nghe đây ? Điều đó có mang lại hiểm nguy cho không ? Ai chấp nhận mạo hiểm... ?
Mạo hiểm để yêu là điều đồng thời mang lại những thứ tốt lành. Việc này mang lại sự tiến hóa. Và còn một điều thứ hai nữa…, đây là điều còn chưa được nghiên cứu nhiều. Trong cuốn sách này tôi muốn mở ra, đó là điều này đồng thời mang lại cảm giác vui sướng.Vấn đề như vậy không hẳn chỉ là nhu cầu sinh tồn.
Thoạt tiên về mặt bản năng sinh tồn, đứa trẻ cần đến mẹ, cần được mẹ chăm sóc. Jacob (François Jacob, giải Nobel sinh học Pháp) nói đến « sự ráp nối của thực thể sống » (bricolage du vivant), trong đó có một ý tưởng tuyệt vời. Chúng ta thấy, nếu hai bên yêu nhau, thì chắc chắn là mẹ sẽ chăm sóc con rất tốt.
Chính ở đó, người ta đã tìm ra một cơ chế rất chung, ta nói đến những cảm giác nhục dục, đến các chất dẫn truyền thần kinh (neurotransmetteur) xuất hiện trong bộ não vào những thời điểm đầu tiên mà tình cảm xuất hiện giữa mẹ và con. Đây cũng chính là những gì xuất hiện ở (trong não của) những người bắt đầu yêu nhau. 
« Khi người ta làm thực nghiệm mang đứa trẻ lại cho người mẹ, thì những quan sát về hoạt động của não cho thấy những điều đáng ngạc nhiên. Cụ thể là thí nghiệm của Barthel so sánh các hoạt động của não người phụ nữ, khi đưa hình ảnh đứa con và hình ảnh người yêu cho người ấy xem. Người ta thấy cùng các khu vực trong não người này phát sáng, noyau accumbens, vùng hạnh nhân (amygdal)… Đây là các mạch mang lại sự ''đền bù'', tức mang lại cảm giác sung sướng, mà amygdal cũng đồng thời là mạch của cảm xúc sợ hãi. Chúng ta sẽ trở lại trong phần ‘‘Giữa sợ hãi và sung sướng’’, về mối quan hệ giữa sự sung sướng và sự sợ hãi thông qua mối liên hệ gắn bó ».

Sự gắn bó chưa đến ngay lập tức khi đứa trẻ vừa ra đời. Ở đây có một giai đoạn tiềm ẩn. Điều chúng ta thấy ở nhiều người mẹ là sau thời gian ví dụ khoảng hai ngày, tự nhiên một tình cảm đặc biệt xuất hiện qua mọi giác quan, từ mùi, vị, từ xúc giác, hình ảnh đến âm thanh. Tất cả các giác quan cùng tham gia vào việc khiến đứa bé trở thành một thứ mà không gì có thể thay thế được (đối với người mẹ). »
Theo Claude Béata, có một cuốn sách rất hay của Darwin xuất bản năm 1851 : « Về nguồn gốc của sự gắn bó. Các chăm sóc của mẹ dành cho con », về các cộng đồng sinh vật có được sự đoàn kết đối mặt với những thất thường của môi trường tự nhiên. Các cộng đồng có đời sống bền chặt nhờ ở sự gắn bó đặc biệt này. Đây cũng là điều đạt được trong quá trình chọn lọc tự nhiên. Điều này giải thích không chỉ người mới gắn bó với đồng loại, mà sự gắn bó này còn tồn tại ở nhiều loài khác.
Sống bầy đàn chưa phải là gắn bó
Nhà sinh học Hervé Le Guyader, tác giả cuốn « Penser l’évolution » (Nghĩ về sự tiến hóa) (2012), nói đến hai loại quan hệ rất khác nhau giữa các loài sinh vật có một số lượng hậu sinh hạn chế, có quan hệ gắn bó mẹ-con, và các loài như cá, mà hậu sinh vô số và không hề có quan hệ gắn bó như vậy. Sự gắn bó mẹ-con là yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến sự tiến hóa của giống loài.
Theo một nhà côn trùng học, ở các loài côn trùng, loài rệp hay một số loài côn trùng khác cũng có sự gắn bó như vậy. Tuy nhiên, nhà thú y không đồng ý về điểm này :
« Theo tôi có thể có một sự nhẫm lẫn giữa ‘‘bản tính sống thành xã hội’’ (socialité) và những mối liên hệ mang tính xúc cảm. Tức là không phải cứ là một con kiến trong đàn mà đã có sự gắn bó với đàn. Sự gắn bó như vậy về cơ bản có thể chỉ mang tính hóa học. Tôi không hiểu rõ về kiến, nhưng câu hỏi đặt ra là : Liệu chúng có tính cá nhân hay không ? Tôi không dám chắc. Trong khi đó, điều mà tôi biết rõ là trong sự gắn bó ở các loài động vật có vú và một số loài chim, quan hệ ở đây mang tính cá nhân rất rõ. Về điều này, nhà tập tính học động vật nổi tiếng về loài chó Adam Miklosi đưa ra nhận xét rất hay, theo đó, đối tượng của sự gắn bó trong mối quan hệ xã hội (ở động vật bậc cao) là cái không thể nào thay thể được. »
Đồng cảm nhờ gắn bó
Trong các « gia đình » thuộc nhóm các loài linh trưởng không kể người, chỉ có vượn mẹ chăm sóc con (chứ không có vượn bố - Vì sao cá thể bố của tuyệt đại đa số các loài có vú không tham gia chăm con chúng ta sẽ trở lại ngay trong phần tiếp). Một ví dụ là, khi có các cuộc vui, vượn mẹ orang-outan có con không tham gia vì sợ nguy hiểm cho con. Vượn chăm sóc con rất nhiều và đặc biệt ở chúng có sự đồng cảm. Có một câu chuyện cho thấy tình cảm rất đặc biệt ở loài vượn, qua ví dụ về Washoe là một hắc tinh tinh mẹ (sinh 9/1965 – mất 30/10/2007), tham gia thực nghiệm học cách sử dụng « ngôn ngữ ký hiệu cho người câm điếc (của Mỹ) ». Washoe được coi là cá thể linh trưởng đầu tiên, không thuộc giống người, biết sử dụng một ngôn ngữ của con người.
« Vượn mẹ Washoe rất muốn có người đến hàng ngày, đặc biệt là một nhân viên nữ. Nếu cô ta không tới thì Washoe giận dỗi, vì rất gắn bó với người này trong quan hệ hàng ngày. Nhưng có lần người này vắng mặt hai, ba ngày liền, vì bị sẩy thai.
DR

Khi gặp lại Washoe, nói với Washoe bằng ngôn ngữ ký hiệu, người phụ trách giải thích là cô ấy vừa vì bị mất con. Washoe cũng từng bị mất một con. … Vượn mẹ nhìn người đó và nói bằng ngôn ngữ ký hiệu : ''Như vậy, thì chị đã khóc phải không ?''. 
Lúc đó, người phụ nữ rất xúc động, con vượn đã hiểu hoàn toàn cảm xúc của chính cô. Cô quay lại, đuổi kịp và làm dấu hiệu với Washoe, hướng đến con vượn để nói : ‘‘Hãy ở lại, ta nói chuyện với nhau một chút !’’
Thật là không thể tưởng tượng nổi. Tôi phải thú nhận là khi tôi kể lại chuyện này, tôi vẫn còn cảm thấy phần nào trạng thái xúc động run lên, khi tôi được biết chuyện này.
Ở trung tâm của câu chuyện này là khả năng đồng cảm, mà điều này có được là nhờ có sự gắn bó. »
Chăm sóc con, cha được rất nhiều
Dù tình cảm gắn bó mẹ con tồn tại ở tất cả các loại linh trưởng (vượn bonobo, hắc tinh tinh, đười ươi, người và khỉ orang-outan), nhưng chỉ có ở loài người mới có sự gắn bó giữa bố và con. Chỉ có ở người mới có một cấu trúc gia đình như chúng ta biết. Tuy nhiên, không chỉ có người, mà ở nhiều loài chim chóc, mối quan hệ cha – con cũng rất gắn bó.
« Chúng ta nói nhiều đến tình cha con ở loài chim. Có nhiều loài chim nổi tiếng vì cuộc sống thành đôi. Chúng tạo thành các cặp sống ổn định và dành nhiều thời gian chăm sóc con. Chim bố tham gia vào việc ấp trứng, tất nhiên là cả việc kiếm mồi và cho con ăn. Đối với chim bố, chim con là một thực thể rất rõ ràng, quan trọng, hơn cả là cuộc sống từng ngày, điều này diễn ra liên tục.
Mà ở động vật có vú, việc sinh sản diễn ra theo con đường khác. Sự thụ thai diễn ra ở bên trong cơ thể mẹ, quá trình mang thai diễn ra không cần có cha, việc đẻ con cũng vậy. Như vậy về nguyên tắc, con không cần có bố chăm sóc. Vì thế quan hệ của cha với con là một cái thêm vào, không nằm trong cơ tầng sinh học (của động vật có vú). Trong các động vật có vú, chỉ có khoảng 3 đến 5% giống loài là có sự tham gia của cha vào việc nuôi dạy con.
Có hai điều đáng ngạc nhiên ở đây. Điều thứ nhất : Khi mẹ phải mang thai, cho con bú, nuôi con một mình, bảo vệ con. Nếu thuần túy về mặt năng lượng, ta nghĩ rằng chi phí nhiều năng lượng như vậy thì con cái phải chết sớm hơn con đực. Tuy nhiên, trong tất cả các loài mà con cái nuôi con một mình không có con đực, con cái bao giờ cũng sống lâu hơn. Dường như là có một sự ban thưởng của tự nhiên, cho những ai yêu và chăm sóc con nhỏ. Ở những loài mà con đực tham gia vào nuôi con, chủ yếu là hoạt động ôm con hay chơi với con, cho mẹ ăn…, càng tham gia vào việc chăm sóc con, thì sự khác biệt về tuổi thọ giữa hai bên càng giảm đi.
Điểm lạ lùng thứ hai là, về mặt năng lực nhận thức, trí thông minh, đặc biệt là trí thông minh xúc cảm, như sự đồng cảm với người khác. Thường thì để hiểu về con, cha thường phải hỏi mẹ. Nếu như người cha tham gia vào việc nuôi dạy con, chính ông ta cũng được hưởng lợi trong việc phát triển các khả năng của mình.
Đây cũng là một cái nháy mắt của tôi đối với các đồng nghiệp, các ông bố : Hãy chăm sóc con mình, chúng ta không có gì để mất cả ! ».
Gắn bó, chia ly và tự lập
Trong mối quan hệ giữa người với vật nuôi, sự gắn bó có thể đạt đến chỗ mà ta gọi là tình yêu, không những thế, sự gắn bó đôi khi còn đưa con vật vào một trạng thái kỳ lạ, sau khi người chủ mất tích hay qua đời.
« Chúng ta thường quan sát thấy điều này trong cuộc sống hàng ngày. Khi một con chó mất chủ, hay mất một bạn chó khác. Có một thời kỳ chó sống trong cảm giác chia ly buồn khổ, thời kỳ này bao gồm các giai đoạn đã trở thành kinh điển. Thoạt tiên là sự tìm kiếm điên cuồng, sau đó là một giai đoạn tuyệt vọng, trải qua trạng thái này, tiếp đến là một giai đoạn tìm kiếm mới. Đây là những chia ly đau khổ, nhưng bình thường.
Ngược lại, chúng ta cũng thấy những trường hợp gọi là ‘‘bệnh lý’’ như, khi con chó không thể vượt qua được nỗi đau chia ly đó. Có những con chó nổi tiếng, mà mọi người từng biết qua truyện hay phim ảnh, những con chó đợi chủ nhiều năm sau khi mất chủ. Đó là những con chó quá đỗi gắn bó với chủ, người chủ đã trở thành một đối tượng không thể thay thế được. Trong bộ phim Mỹ kể về câu chuyện chó Nhật Achiko, có Richard Gere đóng vai, chó con đã đợi chủ suốt sáu năm trời. »
Nhà thú y kể tiếp rằng trong công việc, ông thường phải điều trị « chứng rối loạn về gắn bó » (trouble de l’attachement). Một nguyên nhân đầu tiên dẫn đến việc người chủ bỏ rơi hay phải chấm dứt cuộc sống của nhiều con chó dưới 2 năm tuổi, về mặt hình thức là khỏe mạnh, bởi vì chúng quá quấn quít với chủ, cụ thể là chúng không thể ở mình một trong nhà. Việc không thể ở được một mình là điều mà chúng tôi gọi là « hyperattachement », gắn bó thái quá, gắn bó với sự lo hãi, gắn bó một cách bệnh hoạn với người chủ.
Ở một số loài động vật bậc cao việc chia tay với những tồn tại thân thiết là một chuyện hệ trọng. Loài voi chẳng hạn có những nghi thức như là để giảm bớt nỗi đau của chúng trước việc đồng loại qua đời. Ở con người, một trong những chức năng của nghi thức đưa tang, cũng chính là để giảm bớt nỗi đau ấy. Nhiều người chúng ta khi bất ngờ rơi vào tình trạng tuyệt vọng thường kêu lên : « Mẹ ơi ! », bởi sự gắn bó đầu đời là một cái gì đó vô cùng sâu xa.

Theo nhà động vật học, mối quan hệ gắn bó có bản chất phức tạp. Mối quan hệ này có hai vai trò gần như đối lập nhau. Thứ nhất là mẹ phải là cơ sở an toàn của con. Đứa con hiểu rằng, ngay khi có một vấn đề gì đó, nó có thể tìm chỗ dựa an toàn nơi mẹ mình. Chúng ta có rất nhiều ví dụ về mối quan hệ mẹ-con ở loài chó, gọi là mô hình ứng xử ngôi sao, với mẹ ở vị trí trung tâm. Con có thể đi xa khỏi mẹ, nhưng mỗi khi có vấn đề gì, đứa con lại trở lại với mẹ nó. Nếu người mẹ làm tốt công việc của mình, thì sẽ cho phép con trở nên độc lập. Sự gắn bó nếu làm tốt cho phép sự rời xa, việc tự lập trở nên dễ dàng.
« Ba tháng đầu, mèo con sơ sinh hoàn toàn trong ‘‘vòng tay’’ của mẹ mèo. Sau đó, mẹ mèo bắt đầu đưa con ra ngoài xa mình một cách từ từ. Trong cuốn sách này tôi mô tả cách mẹ mèo dùng những tiếng kêu để điều chỉnh mối quan hệ trong khoảng cách với con mình. Tiếng kêu của mẹ được đáp lại bằng tiếng kêu của con. Tiếng kêu của mẹ thoạt tiên to sau nhỏ dần khi con chuyển động tới gần mẹ. Đấy là khởi đầu cho việc luyện tập sự xa cách, với việc giảm dần mức độ gắn bó. Như thể mèo mẹ nói với mèo con : Mẹ ở đây, con có thể đến với mẹ, hay rời xa mẹ. »
Giữa sợ hãi và sung sướng
Trả lời cho câu hỏi của phóng viên về tính chất lưỡng hợp của sự gắn bó, chiếc cầu nối giữa một bên là cảm giác sung sướng và bên kia là nỗi sợ, nhà nghiên cứu động vật giải thích. Nỗi sợ là cảm giác nguyên ủy cần cho sự sống. Để sống cần phải biết sợ. Sợ các loài thú dữ chẳng hạn. Nếu không biết sợ, cuộc sống sẽ rất ngắn ngủi. Tuy nhiên, nỗi sợ lại làm tê liệt các hoạt động thần kinh khác. Chính vì thế việc điều tiết tình cảm sợ hãi và cảm giác sung sướng là điều rất hệ trọng, giúp cho việc các năng lực thần kinh căn bản có thể phát triển. Nhà thú y Claude Béata lấy ra ví dụ chuột sơ sinh để cho thấy vai trò của oxytocine - chất dẫn truyền thần kinh đi liền với mối quan hệ gắn bó - trong mối liên hệ giữa cảm giác sợ hãi và quá trình học tập.
« Chúng ta biết, ở loài chuột, 12 ngày đầu tiên hết sức quan trọng để chuột sơ sinh phát triển, đặc biệt là phát triển cơ quan khứu giác. Chuột con phải học đủ các loại mùi khác nhau, đặc biệt là các mùi ‘‘mang tính xã hội’’. Các nghiên cứu cho thấy, vào thời điểm đó, hormon của sự gắn bó – chất oxytocine - được tiết ra để hãm lại quá trình gây sợ, để cho phép chuột nhỏ học phát triển khứu giác.
Sau 12 ngày, quá trình này ngưng lại, và chuột con bắt đầu biết sợ các yếu tố xa lạ. Oxytocine là hormon của sự gắn bó xã hội, của niềm sung sướng… Đây cũng là chất xuất hiện vào thời điểm hoan lạc trong các hoạt động giao hợp. Thoạt tiên, người ta chỉ biết rằng chất này tham gia hỗ trợ cho việc chửa đẻ, nhưng sau đó các nhà khoa học phát hiện ra rằng đây là cả một thế giới kỳ diệu. »
Những dấu ấn đầu đời và mối tình khi trưởng thành
Cuốn sách « Mạo hiểm để yêu » vừa ra đời của Claude Béata cho thấy, việc con người và các động vật bậc cao đánh liều trong quan hệ tình yêu không phải là điều ngẫu nhiên, mà xuất phát từ nhu cầu sâu xa của giống loài, của các sinh vật bậc cao nói chung. Nhiều ví dụ cho thấy, một đứa trẻ không có mối quan hệ gắn bó với mẹ, thì mặc dù có đầy đủ các điều kiện vật chất, thì không những rơi vào trạng thái bệnh tật và thậm chí bị chết. Con người không những cần đến bánh mì và nước uống, mà cũng rất cần sự gắn bó. Theo nhà thú y, thì những gì gắn bó với người mẹ thời thơ ấu sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến quan hệ tình yêu của người con sau này, cụ thể trong trường hợp này là người con trai.
« Có nhiều nghiên cứu về điều này, tôi dẫn lại các nghiên cứu của Boris Cyrulnyck cho thấy mối liên hệ giữa cách thức yêu đương của người ở tuổi trưởng thành sau này với, cái mà ta gọi là ‘‘mô hình gắn bó thời thơ ấu’’. Khi nghĩ đến chuyện này, tôi lại nhớ đến Romain Gary (nhà văn Pháp nổi tiếng, hai lần đoạt giải Goncourt). Không có người đàn bà nào trong đời ông sánh được tình cảm của ông với mẹ mình. Đối với ông ấy, đó là một tình yêu tuyệt đối, chính tình yêu ấy cản trở ông ấy (yêu hoàn toàn một ai khác).
Bởi vì có một dấu vết sinh học, một sự thấm mình hoàn toàn… Boris Cyrulnick có làm một thí dụ thú vị với những chiếc vú giả có mùi tỏi hoặc không. Ở Marseilles, các vú có mùi tỏi được trẻ con rất thích, còn ở Lyon thì chúng tránh xa. Ta có thể thấy tình yêu, sự gắn bó là cái gì đó mà đứa trẻ tắm mình trong đó từ rất, rất sớm. Điều này khiến cho đứa trẻ khi lớn lên sẽ đi tìm…, nếu là một người đàn ông, thì tìm một phụ nữ giống mẹ mình, và ngược lại có thể là một người không giống mẹ mình.
Người mà ta tìm có thể là rất khác, cũng có thể là rất giống, nhưng nhìn chung đều trên cơ sở so sánh với con người đầu tiên mình đã gắn bó, những dấu vết cảm giác, tình cảm – hồi ức mà người mẹ để lại trong ta. »
Yêu là mạo hiểm
Yêu thương là một tình cảm phổ biến và là một di sản của giống nòi. Tuy nhiên, đây là một tình cảm rất không chắc chắn, bởi vì khi người ta yêu, người ta có nguy cơ mất nó, khi đối tượng của tình yêu thay đổi. Khi ta sáng tạo nên một mối tình yêu mới, thì đồng thời ta cũng đứng trước nguy cơ bị mất. Tuy nhiên, mạo hiểm để có được những đền bù như vậy thì cũng là rất xứng đáng. Trong cuộc hành trình phiêu lưu đầy trắc trở của tình yêu con người ta đã tạo nên bao nhiêu điều rất đẹp.
Gắn bó và chia ly là tấn kịch không chỉ của con người mà cả của các loài động vật bậc cao. [Hiển nhiên, con người có nhiều cái hơn so với các loài động vật, thêm vào sự gắn bó (đơn thuần giữa các cá thể), con người có thế giới biểu tượng, văn hóa, ngôn ngữ, sự phóng chiếu rất xa vào tương lai hay quá khứ… (Và chính điều này đã mang lại cho tình yêu con người một ý nghĩa rất khác. Nhưng như chúng ta biết những ‘‘thành tựu’’ văn hóa như vậy không phải lúc nào cũng đồng nghĩa với những điều tốt đẹp, tích cực – NDR)].
Cân nhắc giữa những nguy cơ và những lợi ích được hưởng từ sự yêu thương, từ bao đời nay, nhiều giống loài, từ người, đến voi hay chó… đều thiên về « lựa chọn » sự mạo hiểm cho tình yêu. Dù thật ra, theo nhà thú y, người ta cũng không còn có sự lựa chọn khác, vì điều này đã được khẳng định về mặt tâm - sinh học, qua suốt quá trình tiến hóa rất lâu dài. « Bà mẹ thiên nhiên » hết sức tiết kiệm và hiệu quả. Những gì hình thành và hoạt động tốt, sẽ tiếp tục được phát triển. Trong phần kết cuộc trò chuyện, nhà thú y nghiên cứu về tập tính động vật có đưa ra một suy nghĩ đầy lạc quan :
« Người ta vẫn nghĩ là trong thế giới tự nhiên, ngự trị quy luật của đấu tranh sinh tồn, kẻ nào mạnh thì thắng, nhưng trên thực tế, trong đời sống con người cũng như tự nhiên, có nhiều sự đoàn kết, sự gắn bó, quan hệ tích cực hơn là những cạnh tranh, độc ác, hay hung hãn, những điều này tồn tại, không có gì phải nghi ngờ, nhưng có rất nhiều tình yêu.»
***
Thính độc giả cũng có thể đặt câu hỏi : Liệu có chắc chắn như vậy không ? Liệu những điều tốt lành có thực sự là nhiều hơn so với những gì độc ác hay hung bạo trong các xã hội con người ? Mới đây, theo Unicef, có đến 85% trẻ em từ 2 đến 14 tuổi trên thế giới là nạn nhân của « bạo lực giáo dục » ở các mức độ khác nhau trong gia đình. « Bạo lực gia đình : một lỗ đen trong các khoa học về con người » (La violence éducative : un trou noir dans les sciences humaines) là tựa đề cuốn sách mới xuất bản của nhà nghiên cứu Olivier Maurel (L’Instant présent, 2012). Và trong xã hội loài người, còn có rất nhiều hình thức bạo lực khác. Chúng ta cũng biết, việc người ta ngược đãi các loài vật nuôi chắn chắn cũng không hiếm xảy ra.
Gia đình không hẳn khi nào cũng là nơi ngự trị của tình thương yêu như ta thường mong ước. Thực tế phũ phàng của đời sống khiến con người khó cả tin. Có rất nhiều câu hỏi từ đây về những cội rễ của bạo lực, về tình yêu đích thực, bên cạnh đó là những tình cảm bệnh hoạn và những gì mang tính giả tạo.
Nhưng dù có trăn trở, dằn vặt hay hoài nghi, khao khát hướng đến một tình yêu đích thực vẫn là thứ bao người vươn tới, và chính nhờ nó mà người ta sống hạnh phúc, sống có ý nghĩa. Dẫu biết rằng yêu là mạo hiểm.
Các bài liên quan
Historia de un Amor : Muôn thuở nguồn cội, tình yêu tuyệt đối
Paris : Khóa tình yêu nặng trĩu cầu Nghệ thuật
Giai thoại tình ca : 40 năm nhạc phẩm Love Story
"Sách đen về bạo lực tình dục" và cuộc chiến chống nạn hãm hiếp
Bạo lực phổ biến tại Việt Nam : tìm hiểu cội rễ

http://www.viet.rfi.fr/khoa-hoc/20130717-tinh-yeu-tu-dau-toi

Geen opmerkingen:

Een reactie posten