zaterdag 27 juli 2013

Tệ nạn kỳ thị người Hàn Quốc tại Nhật Bản

Tệ nạn kỳ thị người Hàn Quốc tại Nhật Bản
Trong vùng Châu Á, Le Monde cũng chú ý đến Ấn Độ, nhân sự kiện hôm qua, một trong những kẻ cưỡng hiếp cô sinh viên hồi tháng 12 năm ngoái phải ra trước tòa. Cái chết của cô sinh viên 3 ngày sau khi bị hãm hiếp đã khiến hàng chuc ngàn người xuống đường. Tác giả bài báo nhận thấy là đến nay, tranh luận về hành vi cưỡng hiếp vẫn gây bức xúc ở Ấn Độ.
Ngoài Ấn Độ, tờ báo Pháp cũng nhìn sang Nhật, nơi mà tinh thần kỳ thị dâng cao đang làm cho cộng đồng Hàn Quốc tại đây lo ngại.
Tác giả bài báo đưa độc giả đến khu phố Shin-Okubo của người Hàn Quốc tại Tokyo, lẽ ra là một nơi hòa hợp các dân tộc, nhưng lại trở thành một nơi xung đột, người Hàn Quốc đã công nhận là họ rất lo sợ.
Nguyên do là một tổ chức bài người Hàn Quốc, mang tên Zaitokukai - tức « Hiệp hội công dân chống đặc quyền của người Hàn Quốc tại Nhật » - đã hoạt động rất năng nổ và tới khu phố này với những khẩu hiệu như « hãy giết người Hàn Quốc », « Người Hàn Quốc tự treo cổ đi »...
Nhóm này, theo người sáng lập, bao gồm hơn 13.500 thành viên. Họ tự nhận không phải những phần tử quá khích, mà chỉ là những người dân bình thường, bao gồm cả những bà nội trợ.
Theo bài báo, hoạt động của nhóm Zaitokukai đang làm toàn thể giới chinh khách Nhật quan ngại. Trước đây thì chỉ là những lời khích động trên internet, hay qua các ấn phẩm, nhưng giờ đây thì họ đã hành động ở những nơi công cộng, tại các khu vực có người Hàn Quốc cư ngụ - 600 000 nguời ở Nhật. Họ tố cáo người Hàn Quốc được hưởng quy chế đặc biệt về thuế, về trợ cấp xã hội.
Tại khu phố Shin-Okubo, giờ đây đã xẩy ra các vụ xung đột giữa nhóm này với những người chống kỳ thị, cảnh sát đã đến câu lưu người gây rối. Theo bài báo, ngay cả những nhóm cực hữu truyền thống tại Nhật cũng phải lo ngại. Các thành phần quá khích mới này được cho là sẽ có những hành động táo bạo hơn để có nhiều tiếng vang hơn.
Theo phân tích của bài báo, phong trào bài ngoại lại càng có ảnh hưởng vào lúc đất nước đang lo âu vì phải đối mặt với khó khăn kinh tế và chính trị dai dẳng. Quan hệ ngoại giao căng thẳng với Seoul và Bắc Kinh cũng làm tăng nỗi bức xúc của người Nhật.

Tác hại của hạt nhân trên sức khỏe chưa được đánh giá đúng mức
Mới đây, tập đoàn Tepco - điều hành nhà máy hạt nhân Fukushima tại Nhật Bản - loan báo đã có 1.973 nhân viên của họ bị nhiễm xạ nặng nề sau tai nạn ngày 11/03/2011. Nhật báo Pháp Le Monde đã trích lời một chuyên gia nghiên cứu Pháp phê phán cách đánh giá rủi ro hạt nhân đối với con người, vốn vẫn chưa kể đến tác động của việc bị nhiễm xạ một cách lặp đi lặp lại và các yếu tố cá nhân của mỗi người.
Trả lời phỏng vấn báo Le Monde, nhà nghiên cứu Nicolas Foray, chuyên gia sinh vật học phóng xạ tại Viện Quốc gia Y tế và Nghiên cứu Y khoa INSERM và Trung tâm Nghiên cứu Ung thư ở Lyon (miền nam nước Pháp), trước hết ghi nhận là con số gần 2.000 công nhân tại Fukushima bị nhiễm xạ vượt quá mức 100 millisieverts (mSv) đã được tính toán căn cứ vào liều lượng phóng xạ ghi nhận ở tuyến giáp (thyroide) chứ không phải là liều lượng tính trên toàn cơ thể, được gọi là liều lượng « hiệu quả », cơ sở dùng để đánh giá độ rủi ro cho sức khỏe con người.
Theo ông Foray, nếu xem xét kỹ số liệu do Tepco cung cấp về 28 000 nhân viên của họ và của các nhà thầu làm việc cho họ, thì từ tháng 3/2011 đến tháng 5/2013, chỉ khoảng 170 công nhân bị nhiễm một liều lượng hiệu quả trên 100mSv, với người bị nặng nhất đã phải chịu mức 679 mSv.
Đối với chuyên gia Foray, mức 100mSv thường được chọn là mức cần báo động là vì khi theo dõi tình trạng các nạn nhân của hai quả bom nguyên tử thả xuống Hiroshima và Nagasaki, và sau đó là kiểm nghiệm nơi nạn nhân vụ nổ Chernobyl, giới nghiên cứu đã thấy rằng nguy cơ của bệnh bạch cầu tăng đáng kể khi con người bị liều hiệu quả từ 100mSv trở lên, còn các chứng ung thư khác thì tăng mạnh khi liều lượng vượt ngưỡng 200mSv.
Vấn đề, theo ông Foray, là các ngưỡng nói trên chỉ có giá trị trong trường hợp nạn nhân bị bức xạ một lần duy nhất, trong một vài giây hay vài phút, trong khi thực tế thì không phải lúc nào cũng như vậy. Chuyên gia Foray thẩm định rằng, cách đánh giá rủi ro cho người lao động trong lãnh vực hạt nhân hiện nay vẫn chưa thỏa đáng.
Ngày nay, người ta thường dựa trên việc tính toán liều lượng có hiệu quả được tích lũy, có nghĩa là cộng tất cả các mức bức xạ mà một nhân viên phải chịu, và cho người này thôi việc khi mức nhiễm xạ tổng cộng lên đến ngưỡng cho phép trong một năm.
Có điều là phương pháp đó có thể không tính đến tác động của việc bị nhiễm xạ ở mức thấp, nhưng rất nhiều lần. Bị nhiễm 100mSv một lần có thể làm tăng nguy cơ bị bệnh bạch cầu. Nhưng khi bị nhiễm 1mSv mỗi ngày trong thời hạn một trăm ngày, người lao động có thể bị một số rủi ro khác.
Ông Foray dẫn chứng các nghiên cứu thực hiện năm 2011, theo đó, khi bị hai liều phóng xạ liên tiếp, cách nhau khoảng vài phút đồng hồ, ADN/DNA của một người có nguy cơ bị phá hoại nhiều hơn là khi họ bị hai liều đó tác động một lần duy nhất.
Một nhân tố khác cũng được chuyên gia Pháp nêu bật : Con người không bình đẳng trước hiện tượng nhiễm xạ. Vì nhiều lý do, đặc biệt là lý do di truyền, có một số người dễ bị ung thư hơn những người khác. Yếu tố cá nhân này hiện không được chú ý trong cách đánh giá rủi ro hạt nhân đối với sức khỏe con người.

Cam Bốt : Hun Sen vững như bàn thạch
Báo Le Figaro hôm nay, nhìn về Châu Á, đã quan tâm đến cuộc bầu cử Quốc hội Cam Bốt sắp tới đây, trong bài viết tựa đề : « Hun Sen chủ nhân bất di bất dịch của Cam Bốt ». Theo tờ báo, sau cuộc bầu cử Chủ nhật này, Thủ tướng Cam Bốt sẽ nắm chắc một nhiệm kỳ thứ 5.
Tác giả bài báo, Jack Thomson, từ Phnom Penh, nhắc lại một cách khó chịu lập luận của ông Hun Sen, cho rằng « chiến tranh sẽ bùng lên nếu họ (phe đối lập) được bầu ». Tóm lại, ông cảnh báo về nội chiến nếu ông và đảng của ông không được chọn.
Bài báo công nhận nỗ lực của ông Hun Sen trong cuộc vận động tranh cử lần này : Cho đến tận những vùng nông thôn xa xôi, đi đâu cũng thấy bức ảnh to lớn của Thủ tướng Hun Sen, Chủ tịch Quốc hội Heng Samrin và Chủ tịch Thượng viện Chea Sim.
Tác giả cũng có phần mỉa mai và tội nghiệp cho lãnh đạo đối lập Sam Rainsy, về nước rốt cuộc chỉ là để chứng kiến lễ đăng quang mới của Hun Sen.
Bài báo nhắc lại rằng ông Hun Sen - năm nay 60 tuổi - đã từng nói là sẽ cầm cương Cam Bốt cho đến năm 74 tuổi. Đối với tác giả bài viết : Khó mà nghĩ đó chỉ là câu nói đùa.

http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20130726-du-khach-chau-a-tai-paris-moi-ngon-cua-gioi-trom-cap

Geen opmerkingen:

Een reactie posten