zondag 14 juli 2013

Phong thánh Hồng y Thuận gây 'chia rẽ'?

Phong thánh Hồng y Thuận gây 'chia rẽ'?


Cập nhật: 16:05 GMT - thứ năm, 11 tháng 7, 2013

Cố Hồng y Nguyễn Văn Thuận và Cố Giáo hoàng John Paul II
Cố Hồng y Thuận từng là Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình
Tiến trình phong Á Thánh cho cố Hồng y Francis Xavier Nguyễn Văn Thuận có thể khiến Vatican - Hà Nội khó bình thường hóa quan hệ, theo một tờ báo Công giáo bằng tiếng Anh.
Cùng lúc có ý kiến từ giới trí thức Công giáo người Việt ở nước ngoài cho rằng chính án tù kéo dài mà Hồng y Thuận phải chịu sau năm 1975 ở Việt Nam là một vấn đề.
Còn một ý kiến từ giới nghiên cứu tôn giáo của Nhà nước ở Việt Nam nêu quan điểm rằng Vatican và Giáo hội Công giáo và Nhà nước cần cố gắng "tránh các khác biệt, hay xung đột không cần thiết trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau".
Hôm 10/7, mạng Bấm UCA.com cho rằng việc cố Hồng y Thuận, cựu Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình được thừa nhận chân phước trong lộ trình để được phong Thánh có thể "gây bùng nổ" (explosive) cho quan hệ Tòa Thánh và chính quyền Việt Nam.
Giới thiệu cố Hồng y Thuận từng bị tù biệt giam 9 năm trong suốt thời gian 13 năm trong chế độ nhà tù cộng sản ở Việt Nam sau 1975, bài của tác giả Alessandro Sociale mô tả chi tiết về một cuộc họp giữa Giáo hoàng Francis với một tiểu ban điều tra và thẩm định hồ sơ xét phong Á Thánh cho cố Hồng y người Việt.
"Tại một buổi lễ đặc biệt hôm thứ Bảy (tuần trước), Giáo Hoàng Francis đã gặp gỡ các giáo sĩ và quan chức Vatican, những người trong hai năm qua, tham gia vào quá trình xét hồ sơ phong chân phước cho Đức Hồng Y người Việt Nam Francis Xavier Nguyễn Văn Thuận."
Tờ báo cho biết thêm, tại buổi lễ đánh dấu khép lại quá trình thẩm định hồ sơ này, "Giáo Hoàng Francis đã bày tỏ niềm vui mừng" về hồ sơ của cố Hồng y Thuận và tin rằng "danh tiếng" cũng như "phẩm chất của một vị Thánh" ở cố Hồng y người Việt đã được biết đến rộng rãi nhờ sự làm chứng và xác quyết của rất nhiều người từng gần gũi ngài.
Tuy nhiên tờ báo nhận xét: "Trong một diễn văn ngắn gọn, theo văn phòng báo chí của Vatican, Giáo hoàng người Argentina đã không đề cập đến từ "Việt Nam" một lần nào.
"Giáo Hoàng Francis chỉ ca ngợi cố Hồng y Nguyễn Văn Thuận như một 'người con của phương Đông."

Đức Giáo hoàng Francis

Niềm nhớ về Hồng y Văn Thuận, nhân chứng cho hy vọng vẫn còn sống mãi và lớn hơn cả một niềm nhớ bình thường là sự hiện diện tâm linh của Ngài vẫn đang ban phước cho chúng ta.

Nhiều người đúng là đã có thể làm chứng rằng họ được khích lệ bởi Kẻ tôi tớ của Chúa, Francis Xavier Nguyễn Văn Thuận, vào nhiều thời điểm trong cuộc đời của Ngài.

Các trải nghiệm cho thấy Tính Thánh thiện của Ngài được tỏ ra chính xác và đầy đủ qua chứng tích mà nhiều người từng gặp Ngài vẫn giữ trong tim họ, về nụ cười thân ái, về sự vĩ đại của tâm hồn Ngài...

Vì thế nhiều người đã viết lại để kể về ân phước họ nhận được, và về cả dấu hiệu cho thấy sự linh hiển của Kẻ Tôi tớ của Chúa, Hồng y Văn Thuận.

Chúng ta tạ ơn Đức Cha trên trời đã cử xuống người anh em, người con của Phương Đông, người đã kết thúc cuộc hành trình nơi trần thế để phụng sự Kẻ nối ngôi Thánh Peter.

"Điều này báo hiệu rằng quá trình phong chân phước cho cố Hồng y Văn Thuận hiện nay đang bước vào giai đoạn nhạy cảm nhất của nó giữa lúc thế cân bằng là mong manh trong ngoại giao giữa Tòa Thánh và Việt Nam," tờ báo viết.

'Quá khứ tù đày'

Bình luận với BBC về động thái mới của Vatican trong quá trình xét phong chân phước cho cố Hồng y Thuận, Giáo sư thần học Nguyễn Đăng Trúc từ Strasbourg, Pháp đặt vấn đề quá khứ bị tù đày của Ngài còn là một điều gợn trong quan hệ giữa hai nước.
Ông nói: "Trong sự liên tục của chế độ Cộng sản, trước đây chế độ Cộng sản đã vì lý do chính trị, hay vì lý do gì mà sau này lịch sử sẽ nói, nhưng chắc chắn đã bắt giữ ngài, đã bắt tù ngài và đã biệt giam ngài 9 năm, và tổng số những ngày bị tù đầy và quản chế còn nhiều hơn nữa, đến mười mấy năm.
"Thế thì ngài phạm tội gì? Cho đến bây giờ chắc chắn, như chính phủ cũng như người dân, cũng như mọi người (cũng biết), chả vì vấn đề gì hết. Đó là ý muốn riêng của chế độ đó mà thôi."
Tuy nhiên, Giáo sư Trúc cho rằng nhà nước Việt Nam cũng đã có những điều chỉnh chính sách liên quan tới cố Hồng Y, trong đó có việc một buổi lễ tôn vinh cố Hồng y Thuận được phép diễn ra sau Hồng Y qua đời và được tôn vinh.
Về trở ngại, hay điều kiện hoặc nhân nhượng lẫn nhau trong quan hệ giữa Vatican và Hà Nội, Giáo sư Trúc cho rằng hai bên còn gặp một số vấn đề như tranh chấp đất đai giữa giáo hội và chính quyền, làn sóng bắt bớ tín đồ Công giáo ở Việt Nam, bênh cạnh việc xét phong chân phước cho cố Hồng y Thuận.
Đặc biệt về thái độ được cho là "câu giờ" trong thiết lập quan hệ ở cấp đại sứ thường trực giữa hai quốc gia, Giáo sư Trúc nói:
"Tòa thánh là một trong những quốc gia có nhiều kinh nghiệm ngoại giao, mỗi vấn đề đưa ra có nhiều sắc thái và điều kiện riêng. Cho đến bây giờ hai bên vẫn giữ bí mật, Hà Nội vẫn chưa đưa ra một thông cáo nào cho biết rằng Tòa thánh phải làm A, B, C, D, như thế này thì chúng tôi mới (đồng ý) tòa đại sứ...
"Thế thì ngài phạm tội gì? Cho đến bây giờ chắc chắn, như chính phủ cũng như người dân, cũng như mọi người (cũng biết), chả vì vấn đề gì hết. Đó là ý muốn riêng của chế độ đó mà thôi"
GS Nguyễn Đăng Trúc
"Ở bên ngoài quan sát ai cũng thấy như vậy, không có gì mà sau 35 năm đất nước đã hòa bình rồi, mà lập bang giao với Tòa thánh, lại kéo dài từ năm này qua năm khác, không có lợi cho ai cả.
"Thì chắc chắn đây kết luận là một hình thức câu giờ..., nhưng Tòa thánh đã có kinh nghiệm về vấn đề, không phải chỉ có Việt Nam như vậy mà trong quá khứ đã có những trường hợp y như vậy, thành thử cố gắng làm sao tìm được giải pháp nào hay nhất thì cứ làm."

'Không phải câu giờ'

Trao đổi với BBC hôm thứ Năm từ Hà Nội, một nhà nghiên cứu từ Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam không muốn tiết lộ danh tính cho rằng, trái với quan điểm ở trên, Việt Nam hiện đang có những cởi mở hơn trong quan hệ với Vatican.
Nhà nghiên cứu nói: "Nhà nước ngày càng cởi mở hơn trong các vấn đề tôn giáo, trong đó có các quan hệ ngoại giao với Vatican.
"Nhiều vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã trực tiếp thăm viếng, tiếp xúc với lãnh đạo cao cấp nhất của Vatican, như chuyến thăm gần nhất của Tổng Bí thư Phú Trọng gặp Giáo hoàng tiền nhiệm Benedict XVI, trước đó, Chủ tịch Nguyễn Minh Triết (2007) và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (2009) cũng tới thăm Vatican và tiếp xúc với Giáo hoàng.
"Việt Nam có chính sách thống nhất về các vấn đề quan hệ với Vatican, tất cả đang trong một lộ trình có sự chuẩn bị từng bước giữa cả hai bên, việc cho rằng Việt Nam 'câu giờ' là không có căn cứ."
Về vấn đề Vatican xét phong chân phước cho cố Hồng y Thuận, chuyên gia này nói:
"Việt Nam cũng có quan điểm rõ ràng và thống nhất trong vấn đề này, cũng như qua kinh nghiệm trước đây với việc Vatican phong các 'thánh tử đạo' người Việt trong lịch sử.
"Hai bên cần tăng cường đối thoại cởi mở, thẳng thắn hơn, tránh các khác biệt, hay xung đột không cần thiết trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau và xây dựng mà không chỉ hạn chế trong vấn đề này"
Nhà nghiên cứu từ Hà Nội
"Chúng tôi nghĩ rằng cả hai bên nên cần tăng cường các đối thoại cởi mở, thẳng thắn hơn, để tránh các khác biệt, hay xung đột không cần thiết trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau và xây dựng mà không chỉ hạn chế riêng trong vấn đề này."
Đây không phải là lần đầu tiên Việt Nam và Vatican có thể có những trở ngại cho quan hệ trong việc Tòa thánh phong chân phước hay phong thánh cho các giáo sỹ gốc Việt.
Năm 1988, Hà Nội từng có phản ứng được cho là mạnh mẽ nhằm phản đối Vatican khi Tòa thánh công bố danh Sách 117 Thánh Tử Ðạo Việt Nam, được Đức Giáo hoàng khi đó, John Paul II tuyên phong Thánh tại Rome hôm 19/06 cùng năm này.
Gần đây, Hà Nội và Vatican đã có các vòng trao đổi cấp Thứ trưởng giữa các nhóm công tác chung bàn thảo việc đẩy mạnh các quan hệ song phương, trong đó đáng chú ý có việc Vatican đề xuất Việt Nam cho phép Tòa thánh mở Tòa đại sứ tại Hà Nội.
Trước đó, hồi tháng Giêng, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Nguyễn Phú Trọng đã thăm Vatican và có hội đàm với Đức Giáo hoàng tiền nhiệm Benedict XVI.
Cùng lúc, trong nửa năm trở lại đây, công an Việt Nam tăng cường nhiều vụ bắt bớ với giới bất đồng chính kiến, gồm cả một số bloggers và nhà hoạt động vì nhân quyền, tự do tôn giáo theo Công giáo.


Thêm về tin này

Geen opmerkingen:

Een reactie posten