zaterdag 27 juli 2013

Ông Trương Tấn Sang Ði Mỹ về... tay không !

Ði Mỹ về... tay không
Nguyễn Ngọc Bích (Danlambao) - Thế là xong! Ông Trương Tấn Sang xin... và cũng được Tổng Thống Obama cho gặp hôm Thứ Năm, 25 tháng 7, 2013 ở Tòa Bạch Ốc. Nhưng tính cách lụp chụp của chuyến đi này đã làm cho mọi sự vỡ lở.

Theo kịch bản cũ đã được dự tính từ lâu thì ông Sang nhắm sang Mỹ tháng 9 để ký tắt Hiệp định Ðối tác Xuyên Thái bình dương, rồi Hiệp định sẽ thành hình (nghĩa là được Quốc hội Mỹ phê chuẩn vào tháng 10 nếu mọi sự xảy ra tốt đẹp), và Tổng thống Obama sẽ sang VN vào tháng 11 đánh dấu một đỉnh thành công trong sự nghiệp hòa giải của cá nhân ông cũng như của Hoa kỳ đối với Việt Nam (Cộng sản).

Khổ nỗi, ông Sang đi sang Trung Quốc gặp ông Tập, bị thuốc cho câu “16 chữ vàng, 4 chữ tốt” (như ông thầy xoa đầu con trẻ... rồi cho ăn cứt gà), mang về 10 hiệp định mà cựu Ðại Tá Bùi Tín gọi là các “văn kiện đầu hàng” hay cựu Ðại sứ Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh gọi là “hoàn toàn lợi cho Trung Quốc.” Còn Khối 8406 thì than: “60 chữ 'hợp tác,' 29 chữ 'nhất trí' và 7 chữ 'toàn diện'” trong một bản Tuyên bố chung mấy trang thì không thể khá được!

Về nước bị mắng nhiếc quá nên Tư Sang mới vội vã xin sang hội kiến với ông Mỹ, mong để đối trọng với ông Tàu. Nhưng vì cập rập nên đã không có đoàn tiền trạm (“advance party”) đi sang nghiên cứu trước đủ các khía cạnh của chuyến viếng thăm, không có tiếp đón rềnh rang (không thảm đỏ, không duyệt binh, không đại bác, không viên chức nào cao cấp từ phía Mỹ ra nghênh đón ngoại trừ ông đại sứ Mỹ ở Hà nội, không ở nhà khách quốc gia, không có khoản đãi bằng một bữa tiệc linh đình (“state dinner”), không trưng cờ hai nước trên đường, phải ở khách sạn thuê gần sứ quán Trung Cộng, v.v... trong khi chỉ cần so với sự tiếp đón long trọng dành cho bà Aung San Suu Kyi cách đây ít tháng là thấy hết cả sự bẽ bàng của chuyến đi. Dù như là một lãnh tụ đối lập ở trong tù ra chưa được bao lâu, bà Suu Kyi đã được mời đến nói chuyện cả với lưỡng viện Quốc Hội (ngày 8 tháng 9, 2012), không khác gì Tổng Thống Ngô Ðình Diệm của miền Nam năm xưa sau khi Tổng Thống Eisenhower ra tận phi trường đón.

Một cuộc bày binh bố trận tuyệt vời

Dù được tin khá muộn (2 tuần trước), cộng đồng VN vùng DC Maryland Virginia (tức vùng thủ đô Hoa kỳ) đã cấp kỳ liên lạc với cộng đồng khắp nước để tổ chức biểu tình nói lên tiếng nói của người Mỹ gốc Việt.

Cùng lúc, tổ chức Boat People S.O.S. (Ủy ban Cứu Người Vượt Biển) của Tiến Sĩ Nguyễn Ðình Thắng đã lập tức làm việc với cựu Dân Biểu Liên Bang Cao Quang Ánh để phối hợp một trận tuyến chung với các nhà lập pháp Hoa Kỳ. Chưa bao giờ trong đời hoạt động ở Mỹ của tôi, tôi được chứng kiến một sự làm việc chặt chẽ như vừa rồi giữa cộng đồng người Mỹ gốc Việt và các dân biểu nghị sĩ ủng hộ cho tiếng nói của chúng ta:

Thứ Hai, 22 tháng 7, Tiến Sĩ Nguyễn Ðình Thắng hướng dẫn một phái đoàn các tôn giáo VN vào gặp Ủy Hội Hoa Kỳ về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế rồi sang Bộ Ngoại Giao gặp Trợ Lý Thứ Trưởng Daniel Baer (lo Văn phòng Dân chủ, Nhân quyền và Lao động).

Thứ Ba, 23 tháng 7, Dân Biểu Loretta Sanchez gọi họp báo trước tiền đình Quốc Hội cùng với bốn dân biểu khác (Ed Royce, Chris Smith, Alan Lowenthal, Susan Davis) và đại diện của các NGO (tổ chức phi chính phủ Freedom House, Reporters sans Frontières...) và các tổ chức nhân quyền hay đoàn thể lớn của VN (như phần tôi lên đọc Tuyên bố của 12 tổ chức quần chúng VN).

Cùng ngày, 23 tháng 7, bà Dân Biểu Zoe Lofgren đã cùng với 3 dân biểu khác (Alan Lowenthal, Susan Davis, Peter Scott) lấy được lời cam kết của chính TT Obama là ông sẽ đặt vấn đề nhân quyền ra ngày hôm sau với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.

Thứ Tư, 24 tháng 7, Dân Biểu Chris Smith, một nhà vô địch về nhân quyền VN trong Hạ viện Hoa kỳ, đã tổ chức một cuộc họp báo ngay trong tòa nhà chính của Quốc Hội, Phòng 309 của Capitol Building (một chuyện rất hãn hữu), để đưa ra những bằng chứng tệ hại về vi phạm nhân quyền của Hà Nội. Tham dự cuộc họp báo này (do cựu DB Cao Quang Ánh phối hợp) có các dân biểu: Ileana Ros Lehtinen, Bill Cassidy, Ed Royce, Frank Wolf, và đứng đằng sau các dân biểu là một dàn các đại diện cộng đồng và tôn giáo về để nói lên tình trạng bị bức bách của các tôn giáo VN.

Cùng ngày, năm thượng nghị sĩ (John Cornyn của Texas, Richard J. Durbin của Illinois, John Boozman của Arkansas, Barbara Boxer của California, Marc Rubio của Florida) cũng đã có thư cho TT Obama khuyến cáo phải đặt nặng vấn đề nhân quyền khi gặp ông Trương Tấn Sang để đảo ngược tình hình nhân quyền ngày càng tồi tệ.

Thứ Năm, 25 tháng 7, khoảng 1,000 đồng bào, đến từ khắp các tiểu bang trên đất Mỹ và đến từ cả Canada (Toronto, Montreal, Vancouver...), thậm chí cả Pháp, có mặt ở Lafayette Park ngay trước Tòa Bạch Ốc để trương cờ vàng ba sọc đỏ và biểu ngữ, hô những khẩu hiệu đả đảo ông Trương Tấn Sang và phái đoàn, cùng đòi hỏi phải thả ngay những tù nhân lương tâm nổi tiếng ở trong nước (Ðiếu Cày, Lê Quốc Quân, Nguyễn Văn Lý, Việt Khang, Nguyễn Phương Uyên, Ðinh Nguyên Kha, Tạ Phong Tần, Ðỗ Thị Minh Hạnh v.v...).

Khác với kỳ Nguyễn Minh Triết sang năm 2007 phải đi vào bằng cửa hông, kỳ này Mỹ cho phái đoàn ông Sang đi vòng trước mặt đoàn biểu tình có lẽ với dụng ý để cho ông Sang và tùy tùng của ông thấy sức mạnh chính trị của cộng đồng người Mỹ gốc Việt. Ðộc nhất chỉ có một mình xe chở ông Sang là được lái vào đến tận thềm tòa nhà bên trong của dinh tổng thống Mỹ còn phái đoàn tùy tùng thì phải xuống xe ở ngoài cổng chính để đi bộ vào. Ði bộ vào như vậy phải mất 4-5 phút là ít và trong thời gian này, phái đoàn phải nghe đầy tai nhức óc những tiếng đả đảo, lên án của đoàn biểu tình. (Về sau, chúng tôi được biết là ngay vào bên trong Tòa Bạch Ốc, các tiếng hô vang của đồng bào ở ngoài nghe cũng vẫn rất rõ.)

Cuộc gặp kéo dài hơn dự tính
Cuộc gặp giữa TT Obama và ông Sang diễn ra dài hơn thời gian dự định dù như ngay sau đó, TT Obama đã phải lên đường đi Florida diễn thuyết. Những điều trao đổi có được ghi lại khá đầy đủ trong 3 trang chữ nhỏ của bản “Tuyên bố chung” giữa hai ông do Tòa Bạch Ốc đưa ra sau đó. Bản Tuyên bố này cũng được tờ Nhân Dân in lại đầy đủ trong bản dịch tiếng Việt ngày hôm nay, tuy nhiên đến đoạn này thì cũng phải cho phép tôi ngờ vực một chút: “Hai nhà lãnh đạo hoan nghênh việc thiết lập cơ chế đối thoại thường kỳ” (NNB gạch dưới). Hai đảng nào? Phía VN thì ta biết tờ báo định nói đảng nào rồi nhưng phía Mỹ? Hay tờ Nhân Dân tính cho Ðảng Dân Chủ của ông Obama cũng cùng một giuộc với đảng CS của Hà Nội?

Ở đây không phải là chỗ để đi vào chi tiết bản Tuyên bố chung của hai bên Mỹ-Việt. Chuyện này thì tôi cho sẽ có nhiều bình luận gia làm dài dài trong những ngày tới. Tôi chỉ muốn nêu ra một hai điểm.

Trước hết là sự đánh giá của một tiếng nói ở trong nước. Nguyên Anh trên Danlambao viết:

“Chuyến công du Mỹ của người đứng đầu nhà nước CSVN Trương Tấn Sang đã hoàn toàn thất bại! Ngoài nhận được một lời hứa từ nguyên thủ cường quốc Hoa Kỳ sẽ xem xét cho VN gia nhập TPP vào cuối năm nay Trương chủ tịch không còn cái gì đem về VN khi Mỹ đã nắm hết thóp tình hình chính trị VN hiện nay.

“Về quân sự Mỹ không bán khí tài và các quân cụ.

“Về kinh tế chỉ là một hứa hẹn.

“Về quốc phòng Mỹ không ký kết bất cứ văn kiện nào cam kết sẽ hỗ trợ VN khi anh Tư mong muốn họ sẽ đảm bảo an ninh khu vực bao gồm Biển Ðông & Hoa Ðông.

“Cuối cùng anh Tư sẽ về với hai bàn tay trắng!”

Và Nguyên Anh cho là ông Tư Sang đã lỡ một cơ hội ngàn đời để gỡ bí cho Việt nam. Ðó cũng là kết luận của tôi khi tôi được thông tấn xã của Dòng Chúa Cứu Thế phỏng vấn tôi từ trong nước. So với chuyến đi sang Trung Cộng ông Sang đem 10 hiệp định bất bình đẳng về, kỳ này ông Sang không đem được bất cứ cái gì cụ thể về chỉ trừ những lời chia sẻ rất thẳng thắn của ông Obama về vấn đề nhân quyền:

“Chúng tôi đã thảo luận những thách thức mà tất cả chúng ta đối mặt trong các vấn đề nhân quyền. Chúng tôi nhấn mạnh Hoa Kỳ tiếp tục tin rằng tất cả chúng ta phải tôn trọng các vấn đề như tự do bày tỏ, tự do tôn giáo, tự do hội họp. Và chúng tôi đã có đối thoại rất thẳng thắn cả về tiến bộ mà Việt Nam đang đạt được và những thách thức còn tồn tại.”

Vì VN (CS) không có những nhượng bộ về mặt này nên ông Sang đã phải về... tay không.

Ðạo đức giả của ông Sang còn có thể thấy ngay được cả trong hai lần ông cám ơn TT Obama đã giúp cho người Mỹ gốc Việt ổn định cuộc sống, thành đạt và đóng góp vào xứ này, kể cả về mặt “hoạt động chính trị” (“political activities”) mà người thông dịch của ông quên dịch. Chứ không thì khá buồn cười! Khi nghĩ lại là ông Sang qua câu đó, cám ơn các biểu tình viên đang la ó phái đoàn của ông ngay ở ngoài cổng Tòa Bạch Ốc!

Nguyễn Ngọc Bích 
 
http://danlambaovn.blogspot.nl/2013/07/i-my-ve-tay-khong.html#more

Phe hữu Mỹ bực vì Obama và Hồ Chí Minh


Cập nhật: 09:45 GMT - thứ bảy, 27 tháng 7, 2013


Lãnh đạo hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ gặp nhau ở Nhà Trắng ngày 25/7
Chia rẽ trong chính trị Hoa Kỳ lại được khơi dậy sau câu nói của Tổng thống Barack Obama về lãnh tụ cộng sản Hồ Chí Minh.
Khi tiếp Chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang ở Nhà Trắng hôm 25/7, ông Obama cho biết phía Việt Nam tặng ông bản sao lá thư Hồ Chí Minh gửi tổng thống Mỹ Harry Truman năm 1946 bày tỏ mong muốn có quan hệ “hợp tác đầy đủ” .
“Hồ Chí Minh thực sự có cảm hứng nhờ Tuyên ngôn Độc lập và Hiến pháp Hoa Kỳ, và những lời nói của Thomas Jefferson.”
“Hồ Chí Minh đã nói ông muốn hợp tác với Hoa Kỳ. Và Chủ tịch Sang bày tỏ rằng ngay cả nếu 67 năm đã trôi qua, thì cũng là điều tốt khi chúng ta còn đang có tiến bộ,” ông Obama nói.
‘Thiếu hiểu biết’
Ngay lập tức kênh truyền hữu cánh hữu Fox News gọi bình luận của ông Obama là “ngu dốt”, đặt câu hỏi phải chăng ông xúc phạm giới cựu binh Mỹ tham chiến ở Việt Nam.
Chris Stirewalt, biên tập viên chính trị của Fox News, cho rằng ngụ ý của ông Obama, tổng thống thuộc đảng Dân chủ, là “giá như ông Hồ và Truman có thể làm những gì mà Obama và ông Sang làm tuần này, thì đã tránh được biết bao hiểu lầm”.
Ông này nói “thật khó hiểu làm sao” Người Cha Lập Quốc như Jefferson lại “gây cảm hứng cho sự nghiệp giết chóc của nhà độc tài Việt Nam”.
“Việc liên hệ giữa những nhà sáng lập Hoa Kỳ và ông Hồ cho thấy hoặc tổng thống vô cùng thiếu hiểu biết lịch sử hoặc chứng tỏ sự mềm dẻo đạo đức đáng ngạc nhiên.”
Viết trên tờ Wall Street Journal, cây bút Ronald Radosh lại nói Hồ Chí Minh “không phải là Washington hay Jefferson; ông ta là tay Marxist-Leninist trung thành”.
“Hãy gạt đi ý tưởng là Hồ Chí Minh có chút gì quan tâm đến Tuyên ngôn Độc lập, ngoại trừ đó chỉ là công cụ mà có lúc ông ta dùng đến để hy vọng đạt được các mục tiêu cộng sản,” người này viết.

Ông Hồ Chí Minh đã trích dẫn Bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của Mỹ
Một số chính khách đảng Cộng hòa cũng ra tuyên bố phản đối.
Dân biểu Texas, Sam Johnson, từng bị giam bảy năm tại nhà tù Hỏa Lò ở Hà Nội trong thời chiến, nói ông Obama “xúc phạm” các tù nhân chiến tranh.
“Đây là cú tát vào mặt những người từng phục vụ - và đặc biệt những ai phải trả cao nhất cho tự do trong thời kỳ đen tối đó,” ông này ra thông cáo.
Từ Florida, dân biểu Ileana Ros-Lehtinen tuyên bố "đánh đồng Hồ Chí Minh với Thomas Jefferson là xúc phạm cống hiến và hy sinh của những người từng phục vụ ở Việt Nam".
"Dám nói một tay đồ tể tàn sát đối thủ và giết những người chống lại ách chuyên chế lại có cảm hứng từ những lý tưởng đã đưa quốc gia này trở thành đất nước tự do và dân chủ nhất thế giới, là coi thường những Người Cha Lập Quốc và những người đổ máu để bảo vệ viễn kiến của họ," bà giận dữ.
Nhưng cũng có người bênh vực tổng thống Mỹ, như cây bút Asawin Suebsaeng trên trang Mother Jones.
“Bình luận của Obama không phải là nói hớ hay xúc phạm các cựu binh Mỹ,” ông này viết.
“Điều Obama nói là sự thật lịch sử. Tháng Chín 1945, Hồ Chí Minh đã đọc Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa tại Hà Nội.”
“Lá cờ ánh sao chói lọi [quốc ca Mỹ ] được một ban nhạc người Việt chơi lúc ông ta đọc diễn văn, nhưng ông ta còn mở đầu tuyên ngôn bằng trích dẫn Thomas Jefferson,” cây bút này nhắc lại.

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2013/07/130727_obama_ho_chi_minh_controversy.shtml

Nhìn lại chuyến đi Mỹ của Chủ tịch Sang


Cập nhật: 14:19 GMT - thứ bảy, 27 tháng 7, 2013

Ông Trương Tấn Sang thăm Mỹ
Việt Nam và Hoa Kỳ nâng cấp quan hệ lên hợp tác toàn diện

Tôi rất mừng là thấy hai bên rõ ràng có những bước tiến mạnh mẽ về sự hiểu biết lẫn nhau, cũng như cam kết về quan hệ hợp tác giữa hai nước. Thực sự là kết quả này tốt đẹp hơn sự mong đợi của tôi.
Bởi vì trước đó tôi cũng có một đôi chút lo lắng là có thể có những điều chưa thực thống nhất giữa hai bên, hoặc có thể tạm gọi là bất đồng, vì có thể nó làm ảnh hưởng tới kết quả của chuyến đi.
Nhưng rút cuộc với tuyên bố chung đó, cũng như với những lời lẽ mà các vị lãnh đạo đã phát biểu ra trước công chúng thì phải nói là đấy là những điều thực sự rất tốt.
… Tôi nghĩ thỏa thuận hợp tác toàn diện cũng đã là một thỏa thuận rất tốt rồi. Và tùy theo cách gọi thôi, gọi là chiến lược hay gọi là hợp tác toàn diện, hay dùng những từ ngữ đi chăng nữa thì cái cốt lõi là nội dung, nội hàm của những hợp tác sẽ là mở rộng ra như thế nào. Thì lần này hợp tác toàn diện đã nói rõ là mở rộng ra hợp tác trên nhiều mặt khác nhau.
… Lâu nay sự hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ có lẽ được nhấn mạnh rất nhiều về góc độ thương mại, kinh tế, một phần nào đó về văn hóa, giáo dục, nhưng về các lĩnh vực khác chưa được nhấn mạnh nhiều.
… Tôi quan tâm hơn tới việc thực tâm tiến hành với nhau, những công việc cụ thể để thực hiện sự hợp tác đó, hơn là những ngôn ngữ có thể là đẹp, có thể là cao siêu, nhưng mà trên thực tế không mang lại hành động đáng kể.
Ví dụ như ở Việt Nam, người Việt Nam thường hay nhạy cảm và không hài lòng với những cách như là đưa ra những phương châm bốn tốt, hoặc là 16 chữ chẳng hạn, đối với ông láng giềng lớn.
Trong khi trên thực tế thì không thực hiện bao nhiêu những cái gì là tốt hoặc những cam kết về hợp tác mà là chỉ thấy gây khó từ phía ông láng giềng lớn cho Việt Nam nhiều thôi.
Nhân quyền
"Tôi nghĩ nhà nước hoàn toàn có được một cách giải quyết khác, thỏa đáng hơn mà không gây ra những bức xúc, hoặc là bất bình trong xã hội, nhưng đồng thời cũng không làm cho những nước khác hiểu nặng nề về tình hình nhân quyền ở Việt Nam"
Bà Phạm Chi Lan
… Về phía Mỹ tôi nghĩ là đã hiểu hơn về tình hình của Việt Nam, cho nên cách đặt vấn đề của phía Mỹ cũng không quá căng thẳng đối với câu chuyện về nhân quyền ở Việt Nam. Thế còn phía Việt Nam, tôi mong là thông qua tất cả những gì đã trao đổi ở bên Mỹ thì các vị lãnh đạo Việt Nam cũng hiểu được là khi bên phía Mỹ không làm quá căng về chuyện nhân quyền, thì không có nghĩa là Việt Nam không cần cải thiện.
Và qua thái độ đó cũng chứng tỏ phía Mỹ có niềm tin nhất định, đồng thời có mong muốn là Việt Nam sẽ cải thiện được tình hình nhân quyền ở Việt Nam.
Tình hình nhân quyền ở Việt Nam có một số vấn đề mà ngay cả những người sống ở Việt Nam, những công dân Việt Nam, như cá nhân tôi chẳng hạn cũng không đồng tình đối với việc bắt bớ một số những người trẻ như là trường hợp của cô Phương Uyên, chẳng hạn, hay là đối với một số blogger.
Nhưng mà những cái đó, tôi nghĩ nhà nước hoàn toàn có được một cách giải quyết khác, thỏa đáng hơn mà không gây ra những bức xúc, hoặc là bất bình trong xã hội, nhưng đồng thời cũng không làm cho những nước khác hiểu nặng nề về tình hình nhân quyền ở Việt Nam. Tôi mong là qua đây, Việt Nam cũng có nỗ lực của mình để cải thiện về phía nhà nước Việt Nam, thế và các nước cũng góp thêm phần vào thúc đẩy quá trình đó.
Bấm Trả lời phỏng vấn BBC, ngày 26/7/2013
Đối với Việt Nam, cán cân mậu dịch có chênh lệch nhưng so với Trung Quốc thì không có là bao nhiêu hết. Hoa Kỳ đồng ý nâng cấp “chiến lược toàn phương diện” với Việt Nam cho thấy vai trò quan trọng của Việt Nam ở Đông Nam Á để cân bằng thế lực của Trung Quốc. Sự cân bằng thế lực của Trung Quốc quan trọng hơn nhiều với cán cân mậu dịch vài trăm triệu USD một năm. Hoa Kỳ chẳng có thua thiệt gì về vấn đề này cả vì Hoa Kỳ dùng sự cân bằng này để đạt nhiều lợi nhuận ở những nơi khác.
Thời đại này là thời đại của sự liên đới nương tựa lẫn nhau nên “interdependence” quan trọng hơn “independence” rất nhiều. Trung Quốc là đối thủ của Hoa Kỳ trên nhiều phương diện, nhưng chính Trung Quốc lại là “sự nương tựa lẫn nhau” (interdependence) cho sự phát triển của Hoa Kỳ, và ngược lại, Hoa Kỳ chính là chất xúc tác cho phát triển của Trung Quốc.
Nhiều người nghĩ rằng Hoa Kỳ dùng Việt Nam như một người tiền phong chống sự bành trướng của Trung Quốc xuống phía nam. Điều đó đúng một phần. Phần khác có lẽ cũng quan trọng không thua kém gì khác lại quan trọng hơn đó là Hoa Kỳ dùng Việt Nam như đầu cầu để khai thác tài nguyên và đầu tư của Khối Asean.
VÁN CỜ, QUÂN CỜ
"Kinh nghiệm của tôi ở Thành phố Houston, các doanh nhân e ngại luật pháp của Việt Nam còn rất bấp bênh. Họ e ngại Ngành Tư pháp không được độc lập hơn là e ngại vấn đề tham nhũng"
Ông Hoàng Duy Hùng
Cục diện của Việt Nam không thể nào chỉ được đánh giá dễ dàng hay không dễ dàng dựa trên tiểu chuẩn giữa Việt Nam và Hoa Kỳ mà phải nói dựa trên tiêu chuẩn “con cờ Việt Nam” như thế nào trong ván cờ quốc tế.
Trong ván cờ quốc tế hiện nay, Việt Nam đang từ từ trỗi dậy ở phía nam, là đầu tàu quan trọng của Asean nên Hoa Kỳ đối xử rất “rộng tay” với Việt Nam cho dầu còn có nhiều vấn đề lấn cấn như vấn đề đàn áp nhân quyền hay không có đối lập ở Việt Nam. Đó là lý do tại sao Tổng Thống Barack Obama đã tiếp đón rất long trọng với Chủ Tịch Trương Tấn Sang và đã rộng tay trong vấn đề mậu dịch với Việt Nam dẫu rằng rất nhiều người Việt biểu tình ở ngoài Tòa Bạch Ốc cũng như nhiều Thượng Nghị Sĩ và Dân Biểu của Hoa Kỳ đã viết thư yêu cầu Tổng Thống Barack Obama làm áp lực với Chủ Tịch Trương Tấn Sang nhiều hơn nữa trong vấn đề nhân quyền.
... Kinh nghiệm của tôi ở Thành phố Houston, các doanh nhân e ngại luật pháp của Việt Nam còn rất bấp bênh. Họ e ngại Ngành Tư pháp không được độc lập hơn là e ngại vấn đề tham nhũng. Vấn đề tham nhũng là một vấn nạn nhưng cũng còn có thể giải quyết bằng luật pháp. Hệ thống luật pháp không có vững và ngành tư pháp không độc lập thì không còn cách gì để cứu vãn. Do đó, triệt hạ tham nhũng là một cấp bách, nhưng Việt Nam cần xây dựng hệ thống luật pháp vững vàng và ngành tư pháp phải được độc lập lại càng cấp bách hơn.
Nghị viên thành phố Houston, tiểu bang Texas Hoa Kỳ, Bấm trả lời phỏng vấn BBC ngày 27/7/2013


Thêm về tin này

Chủ đề liên quan

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2013/07/130726_us_viet_visit_reviews.shtml

Rớt mất 'đối tác toàn diện' vì dịch thuật?



Cập nhật: 14:43 GMT - thứ sáu, 26 tháng 7, 2013


Người phiên dịch của Tổng thống Obama đã bỏ qua ý quan trọng của ông về quan hệ 'đối tác toàn diện' với Việt Nam khi dịch lời Tổng thống phát biểu với báo chí sau hội đàm với Chủ tịch Trương Tấn Sang.
Nguyên văn lời ông Obama nói là: "Nhưng từng bước một, chúng ta đã có thể thiết lập một mức độ tôn trọng và tin tưởng nhau, cho phép chúng ta giờ đây loan báo quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước.
"Điều này sẽ cho phép có hợp tác lớn hơn nữa về một loạt vấn đề từ thương mại đến hợp tác quân sự, công tác đa phương về các vấn đề như trợ giúp thiên tai, trao đổi khoa học và giáo dục."
Trong khi đó người phiên dịch (tiếng Việt giọng Nam) thuật lại: "Và do đó chúng tôi thấy có những bước mà chúng ta cần có sự tương kính lẫn nhau và tin tưởng lẫn nhau để có thể tiếp tục tìm một đối tác giữa hai nước.
"Điều đó sẽ giúp mở rộng những cái hợp tác trong những lĩnh vực khác ví dụ như là quân sự, về hậu quả thiên tai, khoa học và những cái vấn đề khác, lĩnh vực khác."
"[T]ừng bước một, chúng ta đã có thể thiết lập một mức độ tôn trọng và tin tưởng nhau, cho phép chúng ta giờ đây loan báo quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước."
Tổng thống Barack Obama
Những lời dịch này đã xuất hiện trong video chính thức của Nhà Trắng trên Bấm YouTube.
Ngay từ hai câu đầu tiên người phiên dịch cũng đã có biểu hiện luống cuống và bỏ sót ý cho dù không nghiêm trọng như trong hai câu trên.
Mở đầu cuộc gặp ông Obama nói: "Tôi hân hạnh được chào đón Chủ tịch Trương Tấn Sang đến Toà Bạch Ốc và Phòng Bầu dục cho cuộc gặp song phương đầu tiên với tôi. Sự kiện này thể hiện tiến bộ vững chắc và củng cố quan hệ giữa hai nước chúng ta.
Lời người phiên dịch tương ứng là: "Tôi rất hân hạnh chào đón Chủ tịch Sang đến đây trong cuộc họp đối thoại song phương. Điều này đã biểu tượng [ấp úng] biểu tượng cho cái sự hợp tác càng ngày càng mạnh mẽ giữa hai và những tiến bộ giữa hai nước.

'Vấn đề hàng hải'

Một ý quan trọng khác của ông Obama là giải quyết hòa bình các tranh chấp trên Biển Đông mà ông gọi là Biển Nam Trung Hoa và người dịch hoàn toàn bỏ qua.
Ông Barack Obama và Trương Tấn Sang ở Nhà Trắng hôm 25/7
Hai ông Barack Obama và Trương Tấn Sang đã hội đàm kín trước khi gặp báo chí
Ông nói: "Chúng tôi đã thảo luận nhu cầu tiếp tục các nỗ lực giải quyết trong hòa bình những vấn đề trên biển phát sinh ra thời gian qua ở Biển Nam Trung Hoa và các nơi khác ở châu Á - Thái Bình Dương. Và chúng tôi đánh giá rất cao quyết tâm của Việt Nam làm việc với ASEAN và Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á để chúng ta đạt được các Quy tắc Ứng xử mà sẽ giúp giải quyết các vấn đề này trong hòa bình và công bằng.
Trong khi đó người phiên dịch rút gọn lại thành: "Chúng tôi đã xác định là sẽ tiếp tục hợp tác để giải quyết một số vấn đề hàng hải ở trong vùng châu Á Thái Bình Dương. Tôi hết sức tán thưởng những nỗ lực của Việt Nam làm việc với ASEAN để tiến tới một cái bản nguyên tắc COC để mà giải quyết vấn đề một cách ôn hòa và hòa bình."
Một vấn đề tế nhị khác giữa hai bên là nhân quyền mà ông Obama nói: "Chúng tôi đã thảo luận những thách thức mà tất cả chúng ta đối mặt trong các vấn đề nhân quyền. Chúng tôi nhấn mạnh Hoa Kỳ tiếp tục tin rằng tất cả chúng ta phải tôn trọng các vấn đề như tự do biểu đạt, tự do tôn giáo, tự do hội họp. Và chúng tôi đã có đối thoại rất thẳng thắn cả về tiến bộ mà Việt Nam đang đạt được và những thách thức còn tồn tại.
Người phiên dịch thuật lại: "Cả hai hai bên chúng tôi đã có đã đặc biệt đề cập đến vấn đề nhân quyền và chúng tôi hiểu là trong tinh thần tương kính đó chúng tôi đã có nhắc đến cái vấn đề tự do về phát biểu, tự do ngôn luận, tự do tôn giáo, và tự do lập hội. Và đôi bên đã cam kết sẽ có những tiến bộ để giải quyết những thách thức đó."
"Chúng tôi nhấn mạnh Hoa Kỳ tiếp tục tin rằng tất cả chúng ta phải tôn trọng các vấn đề như tự do bày tỏ, tự do tôn giáo, tự do hội họp. Và chúng tôi đã có đối thoại rất thẳng thắn cả về tiến bộ mà Việt Nam đang đạt được và những thách thức còn tồn tại."
Tổng thống Barack Obama
So với phiên dịch của ông Obama, phiên dịch của ông Trương Tấn Sang (tiếng Việt giọng Bắc) truyền đạt sát ý hơn khi dịch sang tiếng Anh.
Mặc dù chỉ dịch sót chút ít nhưng người phiên dịch này đã nói 'I am sorry', 'Tôi xin lỗi' khi dịch nốt ý để sót vào lúc ông Sang đã bắt đầu nói sang câu mới.
Có lẽ ý duy nhất mà phiên dịch của ông Sang chuyển tải không hoàn toàn đúng là khi ông nói về nhân quyền, khiến người nghe bằng tiếng Anh có cảm giác ông Sang coi nhân quyền là hậu quả của chiến tranh để lại.
Người phiên dịch nói: "Chúng tôi cũng bàn về vấn đề hậu quả chiến tranh bao gồm cả vấn đề nhân quyền mà chúng tôi vẫn còn khác biệt về vấn đề này."
Nguyên văn của ông Sang là: "Về lãnh vực khắc phục hậu quả chiến tranh chúng tôi cũng đã bàn bạc kỹ, kể cả vấn đề về con người mà ý kiến của hai nước chúng ta còn có những điểm khác biệt.
Nhưng khi ông Sang nói (nhầm?) rằng "phần lớn, người Việt gốc Mỹ hết sức thành đạt, kể cả hoạt động chính trị" thì người phiên dịch vẫn nói đúng ý ông định nói là "người Mỹ gốc Việt".
BBC đã dịch lại và có phụ đề cho những gì ông Obama phát biểu trong video có ở đầu bài này.
Trong lịch sử ngoại giao không thiếu những chuyện 'dịch là diệt' hoặc 'dịch sai ý lãnh đạo' gây hậu quả hoặc nghiêm trọng, hoặc đơn giản là gây cười.
Khác với giới lãnh đạo Âu - Mỹ thường xuyên trao đổi và hiểu nhau nhiều, các lãnh đạo châu Á như Việt Nam và Trung Quốc hiếm khi gặp trực tiếp hoặc điện đàm với lãnh đạo Hoa Kỳ nên việc dịch thuật lại càng quan trọng.
Tuy nhiên, cũng phải hiểu một thực tế rằng trong giao tiếp quốc tế, lãnh đạo Hoa Kỳ ngày càng ít khi cần phiên dịch vì đa số các khách nước ngoài đến Mỹ đều trực tiếp trao đổi bằng tiếng Anh.

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2013/07/130726_video_cuoc_gap_obama_sang.shtml

Geen opmerkingen:

Een reactie posten