vrijdag 12 juli 2013

Nỗi thống khổ của du khách Trung Quốc tại Paris

Thứ năm 11 Tháng Bẩy 2013

Nỗi thống khổ của du khách Trung Quốc tại Paris

Những du khách Trung Quốc đến Pháp năm 2004. Đến 2013, đối với nhiều blogger Trung Quốc, nên tránh đi du lịch Pháp (AFP / PIERRE ANDRIEU)
Những du khách Trung Quốc đến Pháp năm 2004. Đến 2013, đối với nhiều blogger Trung Quốc, nên tránh đi du lịch Pháp (AFP / PIERRE ANDRIEU)

Minh Anh
Paris tráng lệ nói riêng và nước Pháp « lãng mạn » nói chung cho đến giờ, vẫn luôn là điểm du lịch lý tưởng cho các cặp uyên ương Trung Quốc hưởng tuần trăng mật. Thế nhưng, từ hai năm gần đây, hiện tượng du khách người Hoa và rộng hơn nữa là du khách Châu Á trở thành đối tượng của bọn trộm cắp, móc túi hay hành hung đang trở nên khá phổ biến, khiến cho hình ảnh nước Pháp « đẹp như mơ » dần bị hoen ố trong con mắt của người Trung Quốc.


Với hình vẽ nhân vật Arsène Lupin, tên trộm đào hoa trong tác phẩm cùng tên của tiểu thuyết gia Maurice Leblanc, chống lại võ sư Trung Hoa, các tác giả bài phóng sự trên báo Le Monde - « Nỗi thống khổ của du khách Hoa tại Paris »- xác định nạn trộm cắp móc túi du khách lộng hành đến mức trở thành một hiện tượng đáng ngại. Thậm chí, vào tháng Tư năm nay, các nhân viên Bảo tàng Louvre đã đình công, do quá mệt mỏi vì phải chạy theo bọn tội phạm tại các sảnh trưng bày bức họa La Joconde và tượng Vệ Nữ Milo nổi tiếng.
Bàn về nguyên nhân các vụ bạo hành hay móc túi du khách, các tác giả cho hay, thói quen mang theo người một lượng lớn tiền mặt của du khách Trung Quốc là một trong những nguyên nhân chính. Việc du khách thường xuyên để lộ cho thấy những xấp tiền mặt đôi khi lên đến hàng ngàn euro chỉ để chi trả những khoản ít ỏi như một tách cà phê 2,5euro đã thu hút sự chú ý của bọn trộm cắp.
Ngoài ra, bọn tội phạm hay chú ý vào khách du lịch Trung Quốc là vì đây cũng là những khách hàng « sộp » nhất tại các cửa hàng trên đại lộ Champs-Elysée, nơi hiện diện của nhiều thương hiệu sang trọng nổi tiếng như Gucci, Vuitton… Du khách Hoa mỗi khi rời các cửa hiệu trên tay cầm đầy túi hàng đã tạo điều kiện cho bọn tội phạm dễ dàng xác định « con mồi ».
Hiện tượng trấn lột du khách đến từ cường quốc kinh tế thứ hai trên thế giới tại các khách sạn ở ngoại ô cũng bắt đầu diễn ra táo bạo. Giữa thanh thiên bạch nhật, chúng dám chặn đứng các đoàn xe buýt đón khách Trung Quốc từ sân bay quốc tế Charles De Gaulles về Paris để cướp bóc tiền bạc, giấy tờ và nhiều vật dụng quý giá.
Nhìn về phía Paris, trước hiện tượng tấn công có mục tiêu ngày càng gia tăng, chính quyền thành phố đã cho tăng cường công tác an ninh tại các điểm du lịch ưa thích của du khách Châu Á.
Tuy nhiên, cảnh sát Paris vẫn tỏ ra khá lúng túng trong công tác chống loại tội phạm này ngày càng trở nên chuyên nghiệp hơn. Theo điều tra của cảnh sát, các băng đảng tội phạm tại Paris thường sử dụng các đối tượng trẻ chưa đến tuổi thành niên đến từ các nước Đông Âu và không có giấy tờ hợp pháp. Do đó, cảnh sát buộc phải thả chúng ra, sau khi bắt.
Thái độ thiếu hợp tác của du khách cũng là một trong những yếu tố gây khó khăn cho việc theo dõi tội phạm của cảnh sát. Hiếm khi du khách Châu Á đệ đơn kiện tại các sở cảnh sát ngay sau khi xảy ra sự cố.
Bên cạnh các nguyên nhân trên, bài điều tra của Le Monde còn cho rằng hiện tượng « bài ngoại » cũng góp phần gây bất an cho du khách. Tờ báo nhắc lại vụ sáu sinh viên Trung Quốc ngành rượu vang bị tấn công tại Bordeaux hồi trung tuần tháng 6 vừa qua.
Không những sự việc xảy ra làm cho mối bang giao hai nước trở nên khá căng thẳng, mà còn tạo ra cảm giác « phản cảm » ở Trung Quốc. Trong con mắt của người dân ở đây, nước Pháp ngày càng được cảm nhận như là một nơi « nguy hiểm ». Đến mức mà nhân chuyến viếng thăm Paris hồi cuối tháng Sáu rồi, các đại doanh nhân Trung Quốc được hưởng một quy chế bảo vệ đặc biệt « dành cho cấp Nhà nước » từ phủ tổng thống Pháp.
Theo các tác giả, đối với người Trung Quốc, các hiện tượng tấn công lặp đi lặp lại đó là bằng chứng cho thấy có sự « bài ngoại » tại Pháp. Và hiện tượng này được nuôi dưỡng bởi chính sự bất lực của chính quyền Paris trong việc tạo ra việc làm cho một bộ phận dân chúng trong nước.
Cuối cùng, các tác giả khuyên rằng về lâu dài, du khách Trung Quốc và Châu Á nói chung cần phải thay đổi thói quen giữ nhiều tiền mặt bên mình. Công tác đánh động dư luận đã được thực hiện tại các đại sứ quán Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc cũng như tại hãng du lịch hay Công ty quản lý giao thông công cộng Paris (RATP).
Khi các sắc tộc thiểu số thách thức người khổng lồ Trung Quốc
Nhìn sang Trung Quốc, thời gian gần đây, tại hai khu tự trị lớn nhất là Tây Tạng và Tân Cương, thường xuyên xảy ra các vụ tự thiêu hay xung đột giữa cảnh sát và tộc người Duy Ngô Nhĩ. Chuyên mục Địa-Chính trị của báo Le Monde dành hẳn ba trang báo, phân tích rằng , các chính sách « sắc tộc thiểu số » của Bắc Kinh trong suốt 30 năm qua rõ ràng đã thất bại.
Với bài viết đề tựa « Trung Quốc : Các sắc tộc thiểu số dưới sự kiểm soát », Brice Pedroletti, thông tín viên báo Le Monde tại Bắc Kinh nhận thấy các vụ tự thiêu hàng loạt tại Tây Tạng, xung đột giữa cảnh sát với dân bản xứ tại Tân Cương gia tăng, việc tìm lại cội nguồn tôn giáo và bản sắc của một số trí thức và giới trẻ Tây Tạng và Duy Ngô Nhĩ tăng vọt, cũng như sự gắn bó vào một ngôn ngữ có nguy cơ mai một đang là những tín hiệu báo động « đỏ » tại hai khu vực tự trị « ảo » này.
Theo tác giả, chính sách đàn áp kèm theo chính sách phát triển kinh tế theo kiểu « thực dân » áp dụng từ những năm 1970, dưới thời Đặng Tiểu Bình, đang đi vào ngõ cụt.
Dù mang danh là « mở cửa » từ hơn 30 năm qua, nhưng hai khu vực trên vẫn luôn nằm trong vòng kềm tỏa của Bắc Kinh về chính trị, tôn giáo và văn hóa.
Hệ quả là một loạt các vụ biểu tình đã xảy ra tại Tây Tạng trong khoảng thời gian 1987-1989, phong trào Thánh chiến Hồi giáo trong vùng Barin năm 1990 tại Tân Cương. Nhất là đợt khủng hoảng cuối cùng trong hai năm 2008-2009 ghi đậm dấu ấn bởi hai cú sốc : Cuộc nổi dậy tại các khu vực có đông người Tây Tạng sinh sống và vụ bạo động đẫm máu tại Urumqi, thủ phủ Tân Cương làm thiệt mạng 200 người.
Thế nhưng, thay vì lắng nghe tiếng nói của họ, Bắc Kinh thời gian đầu đã đáp lại bằng một chính sách gieo rắc « khiếp sợ ». Hàng loạt các vụ bắt bớ diễn ra. Hàng trăm sinh viên, blogger, nhà báo, ca sĩ bị bắt giữ, tra tấn và bị kết án tù nặng.
Song song với chính sách hà khắc về tôn giáo và văn hóa, chính quyền trung ương còn cho triển khai chính sách hiện đại hóa khu vực thông qua các chính sách hỗ trợ kinh tế hay đầu tư. Vấn đề là các chính sách đó chỉ mang lại nhiều lợi cho đại đa số người Hán hay tầng lớp cán bộ quản lý địa phương.
Theo quan sát của một nhà nghiên cứu Pháp, đây chính là một chính sách « thực dân hóa bằng nhân khẩu », tức cho di dân Hán ồ ạt lên các khu tự trị. Nhà nghiên cứu Pháp này cho rằng « thay vì phải đàm phán, Bắc Kinh lại đi theo hướng áp đặt. Mỗi một sắc tộc có một bản sắc văn hóa, tôn giáo và quan niệm thế giới riêng biệt. Do đó, họ muốn tự mình quyết định mô hình hiện đại hóa tuân theo những nét đặc trưng của từng vùng và từng nhu cầu của mỗi sắc tộc. Và chính phủ Bắc Kinh nói riêng và người Hán nói chung sẽ là một đối tác kinh tế. Đằng này, trong con mắt của người bản xứ, chính phủ lại cho thực hiện mô hình hiện đại hóa tai hại bằng cách dựa vào sự bó buộc và gieo rắc nỗi sợ ».
Không những thế, chính quyền Trung Quốc cho tăng cường và hoàn thiện hơn nữa công tác giám sát. Theo tiết lộ của tổ chức Quan sát Nhân quyền Human Right Watch vào năm 2012, chính quyền địa phương tại hai khu tự trị thông báo thành lập một hệ thống « lưới » kiểm soát. Nghĩa là, thiết lập cấp độ kiểm soát bán hành chính, một dạng mạng « lưới » có khả năng thu thập mọi kiểu thông tin (thông qua gián tiếp, giữa người này với người khác, caméra, nghe lén điện thoại và xem lén thư điện tử…). Nhân sự cho hệ thống lưới kiểm soát đó bao gồm từ thường dân và công chức. Đồng thời, hệ thống này vận hành được nhờ vào cả một mạng lưới đồn cảnh sát khu vực (theo số thống kê của HRW đưa ra vào tháng 12/2012 là 676).
Nhưng theo nhận định của tác giả thì các biện pháp đó dường như không còn mấy hiệu quả. Trên thực tế, Bắc Kinh có thể phòng ngừa trước các vụ biểu tình rầm rộ hay các vụ xung đột đẫm máu như trong quá khứ, nhưng không thể tránh được các vụ bạo động hay tự thiêu lẻ tẻ trong thời gian gần đây.
Các vụ ám sát và tấn công đồn cảnh sát đã xảy ra liên tục. Và lẽ đương nhiên là những hành động đó đều bị chính quyền Bắc Kinh cũng như người Hán tại hai khu vực đó lên án là « cực đoan, ly khai và khủng bố ».
Tại Fukushima, xử lý nước nhiễm xạ - bài toán nan giải
Đến với Nhật Bản, hôm qua thứ Tư 10/07/2013, Tập đoàn khai thác điện hạt nhân Tepco thông báo nồng độ chất phóng xạ trong nước ngầm tại một giếng khoan thăm dò nằm giữa các lò phản ứng và bờ biển tăng vọt bất thường. Nồng độ chất césium 137 trong mạch nước ngầm đã đạt đến mức 22000 becquerel/lít nước và 11000Bq/l cho chất césium 134, cao gấp gần 90 lần so với lần lấy mẫu trước đó ba ngày. Chủ đề này được ba tờ nhật báo Le Monde, Les Echos và La Croix quan tâm đến qua các hàng tựa « Tại Fukushima, bài toán hóc búa nước nhiễm xạ », « Nước nhiễm xạ của Fukushima đổ ra ra biển » và « Tại Fukushima, e ngại nước biển nhiễm chất phóng xạ ».
Nhìn chung, cả ba tờ báo đều cho rằng dù hai năm rưỡi đã trôi qua, nhưng tập đoàn khai thác điện hạt nhân Tepco vẫn còn vất vả trong việc làm chủ tình hình. Thông báo hôm qua rõ ràng cho thấy giờ đây Tepco khó có thể mà tiếp tục phủ nhận nước nhiễm xạ tràn ra biển.
Theo các báo, giờ đây, việc xử lý nước nhiễm xạ đối với Tepco quả thật là bài toán hóc búa. Từ hai năm nay, ba lò phản ứng các tâm lò phản ứng số 1, 2 và 3 đã tan chảy hoàn toàn và chìm ngập trong biển nước. Bởi vì, để làm nguội chúng, Tepco phải bơm liên tục vào đó 5m3 nước ngọt mỗi giờ cho mỗi lò phản ứng. Tính đến nay, số lượng nước bơm bơm vào trong các bể chứa đã lên đến 300 ngàn m3 nước. Con số này sẽ còn nhân đôi vào năm 2015.
Như vậy, mỗi ngày có hàng trăm tấn nước chảy trong các tầng hầm của tòa nhà, các hành lang và rãnh nước của toàn bộ Trung tâm điện hạt nhân. Bình thường, các khối lượng nước khổng lồ đó phải được xử lý trước khi được đổ lại vào hệ thống làm nguội.
Thế nhưng, với toàn bộ chiều dài gần 4 km nằm nổi hay ngầm dưới đất, việc phát hiện các điểm rò rỉ là một điều hết sức khó khăn. Mặt khác, do trung tâm được xây dựng phía trên tầng nước ngầm, do đó, rất có thể mạch nước này cũng đã bị nhiễm xạ vào thời điểm xảy ra tsunami. Chính vì thế mà mẫu nước trong giếng khoan mà Tepco lấy những ngày gần đây có chứa hàm lượng chất phóng xạ cao đến thế.
Mục tiêu hiện nay của chính quyền Nhật Bản và nhà khai thác điện là làm sao không cho nước nhiễm xạ đổ ra biển. Dù là nước biển có khả năng hòa tan nhiều yếu tố hạt nhân, nhưng nguy cơ nồng độ các hạt phóng xạ cao có thể ảnh hưởng đến dây chuyền sản xuất thực phẩm như cá hay các loài sò biển.
Hiện tại, nhằm ngăn chặn nước biển bị ô nhiễm chất phóng xạ, Tepco đã cho xây dựng bức tường chống thấm. Thế nhưng, công trình này chỉ hoàn thành vào giữa năm 2014. Trong lúc chờ đợi, tập đoàn này tập trung bơm vào lòng đất một loại hóa chất giống như xi-măng để ngăn chặn sự lan tràn ra biển.
Cuối cùng, các báo còn cho nhận định rằng không chỉ có vấn đề xử lý nước nhiễm chất phóng xạ, Tepco còn phải đối đầu với việc xử lý các bể chứa các thanh nhiên liệu, hay thu hồi các thanh đã nóng chảy và cuối cùng là việc tháo dỡ. Để hoàn tất các công việc đó, Tepco cũng phải mất đến 40 năm nữa. Không biết là Việt Nam có hình dung hết những khó khăn này chưa khi quyết định hợp tác với Nhật Bản xây dựng Nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận. Cuối tuần này, một bộ phim tài liệu nói về tác hại tiềm tàng của nhà máy điện hạt nhân trên một ngôi làng nhỏ ở miền Trung Việt Nam sẽ được trình chiếu tại Liên hoan phim Châu Á Fukuoka, Nhật Bản, diễn ra từ 04/07 đến 14/07/2013.
Mont-Saint-Michel nổi giận
Nhiệt độ tại Pháp những ngày gần đây có khi lên đến gần 30°C. Thế nhưng, tại hòn đảo Mont-Saint-Michel, một xã tỉnh Manche, thuộc vùng hành chính Basse-Normandie, được UNESCO xếp hạng di sản thế giới vào năm 1979 có lẽ nhiệt độ còn cao hơn nữa. Bởi vì, một cuộc đình công, với sự tham gia của người dân, các doanh nghiệp cũng như các dân biểu đã diễn từ đầu tháng Sáu rồi. Lối vào chủng viện trên đảo bị cấm vào các ngày thứ Ba và thứ Tư trong tuần.
Theo nhật báo Công giáo La Croix, từ ngày 03/06 đến giờ, cổng vào chủng viện hoàn toàn miễn phí cho hầu như tất cả các ngày trong tuần, ngoại trừ hai ngày thứ Ba và thứ Tư. Nguyên nhân 45 nhân viên làm việc tại chủng viện thay phiên nhau đình công.
Người dân cũng như các nhân viên làm việc trên đảo tỏ ra bất bình do chính quyền hủy bỏ chuyến xe buýt dành riêng cho những người sinh sống và làm việc nơi đây. Kể từ giờ, họ phải dùng chung xe buýt dành cho khách du lịch, và phải xuống tại một điểm cách chân thành đến 300m.
Ngoài ra, những người đình công còn phản đối việc công ty Transdev tăng giá vé bãi đỗ xe tại Le Mont từ 8,5€ lên 12€ cho một phương tiện. Người dân ở đây nhận thấy là kể từ khi đưa vào hoạt động hai bãi đỗ xe mới cách đảo 2 km, lượng du khách đã giảm đến 25% so với năm rồi. Theo địa phương ở đây, mức tăng từ 40% đến 70% tùy theo từng mức giá, là không thỏa đáng.
Dù gì đi nữa, vào lúc xảy ra đình công, chỉ có du khách là những « ngư ông đắc lợi ».

http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20130711-noi-thong-kho-cua-du-khach-trung-quoc-tai-paris

Geen opmerkingen:

Een reactie posten