donderdag 25 juli 2013

Nhân quyền Việt Nam và chuyến đi Mỹ của Chủ tịch Trương Tấn Sang

Thứ năm, 25/07/2013



Tin tức / Việt Nam

Nhân quyền Việt Nam và chuyến đi Mỹ của Chủ tịch Trương Tấn Sang

Các nhà lập pháp Hoa Kỳ tổ chức hai buổi họp báo trong hai ngày liên tiếp 23 và 24/7 lên án các vi phạm của Việt Nam và kêu gọi Tổng thống Obama phải đặt vấn đề nhân quyền làm trọng tâm hàng đầu.
Các nhà lập pháp Hoa Kỳ tổ chức hai buổi họp báo trong hai ngày liên tiếp 23 và 24/7 lên án các vi phạm của Việt Nam và kêu gọi Tổng thống Obama phải đặt vấn đề nhân quyền làm trọng tâm hàng đầu.
CỠ CHỮ- +
Các nỗ lực vận động Hoa Kỳ thúc đẩy Việt Nam cải thiện nhân quyền được thực hiện dồn dập và ráo riết tại thủ đô nước Mỹ trước khi Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gặp Tổng thống Barack Obama tại Tòa Bạch Ốc vào ngày mai 25/7.

Phía lập pháp Hoa Kỳ tổ chức hai buổi họp báo trong hai ngày liên tiếp 23 và 24/7 lên án các vi phạm của Việt Nam và mạnh mẽ kêu gọi Tổng thống Obama phải đặt vấn đề nhân quyền làm trọng tâm hàng đầu trong cuộc họp thượng đỉnh sắp tới.

Sau cuộc họp báo hôm 24/7, dân biểu Loretta Sanchez, Đồng Chủ tịch Nhóm Nhân Quyền Việt Nam tại Quốc hội Mỹ và cũng là người chủ trì cuộc họp báo, đã dành cho Trà Mi VOA Việt ngữ cuộc trao đổi về đề tài này.
Phỏng vấn dân biểu Loretta Sanchez về nhân quyền Việt Nam và chuyến đi Mỹ của ông Trương Tấn Sang
VOA: Nhân quyền Việt Nam tiếp tục bị lên án là xuống dốc trầm trọng bất chấp những lời kêu gọi cải thiện từ quốc tế. Có ý kiến cho rằng các nỗ lực vận động để thúc đẩy Hà Nội chưa đủ mạnh. Quan điểm bà ra sao?

Ba đời Tổng thống từ thời ông Bill Clinton, George W. Bush, và Obama, đều muốn gặt hái các thành quả kinh tế với Việt Nam, nhưng lại để cho vấn đề nhân quyền bị gạt ra bên lề...điều hết sức quan trọng là chúng ta phải đứng lên buộc Hà Nội phải dừng ngay việc giam cầm các công dân của họ...
Dân biểu Loretta Sanchez: Sau ba nhiệm kỳ chính quyền theo dõi các lợi ích thương mại gia tăng với Việt Nam nhưng vấn đề nhân quyền của Hà Nội vẫn cứ ngày càng tồi đi. Đã đến lúc chính quyền đương nhiệm của Tổng thống Obama và Bộ Ngoại giao Mỹ hiện nay phải làm theo đúng những luật lệ của họ cũng như những bản phúc trình của họ vốn đã chỉ rõ nhân quyền, đặc biệt là tự do tôn giáo, đang bị nhà cầm quyền Hà Nội bóp nghẹt và nhấn mạnh rằng thực trạng này sẽ được giải quyết trước khi Hoa Kỳ có thêm bất kỳ thỏa thuận mậu dịch nào với Việt Nam.

VOA: Bà nhận xét chính quyền của Tổng thống Obama hiện nay đặt ưu tiên cho vấn đề nhân quyền Việt Nam tới mức nào trong nghị trình của họ so với các đời Tổng thống trước đây?

Dân biểu Loretta Sanchez: Ba đời Tổng thống từ thời ông Bill Clinton, George W. Bush, và Obama, theo tôi, đều muốn gặt hái các thành quả kinh tế với Việt Nam, nhưng lại để cho vấn đề nhân quyền bị gạt ra bên lề. Tôi cho rằng điều hết sức quan trọng là chúng ta phải đứng lên buộc Hà Nội phải dừng ngay việc giam cầm công dân của họ, phải cho phép dân chúng được thực hành quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tôn giáo, cho phép các đảng phái chính trị được hoạt động, cho phép người dân được tiến lên phía trước và được hưởng các quyền căn bản của con người mà tất cả loài người trên toàn thế giới đều phải được hưởng.

VOA: Có thể nào Hoa Kỳ rốt cuộc sẽ phải gác qua một bên hoặc nhượng bộ vấn đề nhân quyền Việt Nam giữa rất nhiều các lợi ích đang gia tăng khác không?

Người Mỹ đã bắt đầu nhận rõ Việt Nam là một trong những quốc gia vi phạm nhân quyền tồi tệ nhất thế giới. Tất cả những thực tế đó phải được chấm dứt...
Dân biểu Loretta Sanchez: Hạ viện chúng tôi tiếp tục nỗ lực thông qua Luật Nhân quyền Việt Nam. Đây là lần thứ bảy đạo luật như thế này được đưa ra Hạ Viện. Luật này do dân biểu Chris Smith là tác giả, tôi và Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Hoa Kỳ Ed Royce đồng bảo trợ, tôi chắc chắn là nó sẽ được thông qua tại Hạ viện lần này nữa. Và chúng tôi vẫn đang tiếp tục nỗ lực vận động ở Thượng viện để luật cuối cùng sẽ được đưa tới bàn làm việc của Tổng thống để ông hiểu rõ tầm quan trọng của vấn đề này như thế nào.

VOA: Hà Nội hiểu Washington không thể để vấn đề nhân quyền làm tổn hại bang giao song phương và vì thế họ chậm chạp đáp ứng những lời kêu gọi cải thiện nhân quyền. Ý kiến của bà ra sao?

Dân biểu Loretta Sanchez: Tôi cho rằng họ không nên tự suy diễn bất cứ điều gì. Người Mỹ đã bắt đầu thấy rõ những gì đang thực sự diễn ra tại Việt Nam từ vấn đề nô lệ tình dục đến đàn áp chính trị. Người Mỹ đã bắt đầu nhận diện rõ Việt Nam là một trong những quốc gia vi phạm nhân quyền tồi tệ nhất thế giới. Tất cả những thực tế đó phải được chấm dứt. Càng ngày càng có nhiều người Mỹ thấy rõ những tệ hại của nhà cầm quyền Việt Nam trong lĩnh vực quyền căn bản của con người.

VOA: Có những phương cách gì hiệu quả hơn để thúc đẩy Hà Nội phải cải thiện nhân quyền chăng?

Dân biểu Loretta Sanchez: Tôi tiếp tục kêu gọi cộng đồng người Việt tại Mỹ tăng cường vận động các thượng nghị sĩ để Luật Nhân quyền Việt Nam nhanh chóng được thông qua tại Thượng viện, gửi thỉnh nguyện thư tới Tổng thống để bày tỏ cho ông biết tầm quan trọng của việc này. Tất cả chúng ta có thể hợp lực làm tất cả những việc này để cùng nhau đòi hỏi nhân quyền cho người dân tại Việt Nam.

VOA: Bà kỳ vọng gì sau chuyến thăm Mỹ lần này của Chủ tịch nước Việt Nam?

Dân biểu Loretta Sanchez: Tôi hy vọng Chủ tịch nước Việt Nam hiểu rằng chúng tôi sẽ tiếp tục tranh đấu cho nhân quyền Việt Nam, rằng đây là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi, và rằng lịch sử luôn đứng về phía những người bênh vực cho các nhân quyền căn bản.

VOA: Xin chân thành cảm ơn dân biểu Loretta Sanchez đã dành cho chúng tôi cuộc trao đổi này.


Trà Mi-VOA

 
 
Thứ năm, 25/07/2013

Chuyên mục / Chủ tịch nước Việt Nam thăm Mỹ

Chủ tịch nước VN tới Mỹ: Một chuyến viếng thăm gây nhiều tranh cãi

CỠ CHỮ- +
Chuyến đi lịch sử của Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang tới thăm thủ đô Washington của Hoa Kỳ, khởi sự vào ngày hôm nay, vẫn là tin hàng đầu được báo chí truyền thông quốc tế triệt để khai thác trong ngày hôm nay.

Chuyến đi hiếm hoi này là nhằm đẩy mạnh các quan hệ thương mại và an ninh giữa hai nước cựu thù, tuy nhiên giới hoạt động cũng nhân dịp này, đẩy mạnh các sinh hoạt nhằm tăng sức ép với ông Trương Tấn Sang để đòi cải thiện tình trạng nhân quyền tệ hại trong nước.

Pháp Tấn Xã tường thuật rằng một thế hệ sau khi bình thường hóa quan hệ bang giao, hai nước cựu thù đã tăng cường đều đặn các quan hệ hợp tác quân sự, trong bối cảnh Việt Nam đang lo ngại về thái độ quyết liệt của Trung Quốc trong việc đòi chủ quyền tại Biển Đông.

Trong khi đó, Tổng Thống Obama khẳng định chính sách của chính phủ Mỹ xoay trục sang Đông Nam Á, một khu vực mà theo ông, có nhiều triển vọng kinh tế và về chủ yếu là thân thiện với Hoa Kỳ, mặc dù đã bị các chính phủ Mỹ tiền nhiệm lơ là.

Trong bối cảnh đó, chuyến đi của ông Trương Tấn Sang là chuyến viếng thăm thứ Tư của một nhà lãnh đạo Đông Nam Á tới Tòa Bạch Ốc trong năm nay.

Nhà ngoại giao Mỹ hàng đầu đặc trách các vấn đề Đông Á, ông Danny Russel, nhận định vùng Đông Nam Á “có lẽ là khu vực năng động nhất” tại Á Châu, và ngày cả thế giới, và ông mô tả chuyến đi thăm của ông Sang là “một dấu mốc lịch sử.”

Thế nhưng cùng lúc, theo AFP, các nhà lập pháp Mỹ và các nhóm hoạt động nhân cơ hội hiếm có này, đã lên tiếng đòi Tổng Thống Obama đặt vấn đề nhân quyền lên hàng đầu, và tố cáo nhà lãnh đạo Mỹ là gửi đi những dấu hiệu mơ hồ khi nghênh tiếp ông Trương Tấn Sang vào một thời điểm mà chính các giới chức trong chính phủ Mỹ cũng công nhận rằng Việt Nam đã leo thang chiến dịch đàn áp bất đồng ở trong nước.

Bài báo đăng trên US News đặt nghi vấn về sự thành thực của Tổng Thống Obama, một mặt cổ vũ cho các giá trị dân chủ tự do, trong khi hành động của ông không đi đôi với những lời phát biểu của ông.
Mới tháng trước, khi ra điều trần trước quốc hội, các giới chức Bộ Ngoại giao Mỹ đã nói rằng Việt Nam đang giam cầm hơn 120 tù nhân chính trị, và tăng cường các hạn chế trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là quyền tự do internet.

AFP tường thuật rằng trong một lá thư chung gửi đến Tổng Thống Obama, thân nhân của 35 nhà hoạt động và blogger bị cầm tù kêu gọi ông hãy “sát cánh với nhân dân Việt Nam”, bằng cách tăng sức ép với ông Trương Tấn Sang để trả tự do cho tất cả các tù nhân chính trị.

Các thân nhân của các tù nhân chính trị Việt Nam đơn cử trường hợp Miến Điện, nước đã thực hiện các biện pháp cải cách dân chủ ngoạn mục trong thời gian ngắn kỷ lục.

Họ nêu ra điểm Tổng Thống Obama chỉ mời Tổng Thống Miến Ðiện Thien Sein tới thăm Hoa Kỳ, sau khi ông đã hành động, kể cả phóng thích một số đáng kể các tù nhân chính trị.

Lá thư lập luận rằng “một nước Việt Nam độc lập, dân chủ không những có thể đẩy mạnh các quan hệ song phương, mà còn là điều kiện cần thiết đóng góp cho sự ổn định và thịnh vượng của khu vực Á Châu -Thái Bình Dương”.

Lá thư gửi cho Tổng Thống Obama có chữ ký của gia đình Luật sư Lê Quốc Quân, blogger Điếu Cày, và Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ.

Trong khi đó, một bài báo đăng trên nhật báo US News đặt nghi vấn về sự thành thực của Tổng Thống Obama, một mặt cổ vũ cho các giá trị dân chủ tự do, trong khi hành động của ông không đi đôi với những lời phát biểu của ông.

Tác giả bài báo, bà Ellen Bork, đặt câu hỏi làm thế nào để Tổng Thống Obama đưa ra một chính sách đối ngoại phù hợp với những lời phát biểu cổ vũ cho dân chủ tự do. Nhà báo nói rằng trong trường hợp Việt Nam, những động thái như những chuyến đi thăm chính thức, những tiến bộ trong các quan hệ thương mại và quân sự phải diễn ra sau, chứ không nên diễn ra trước những cải cách chính trị và nhân quyền của Đảng Cộng Sản cầm quyền tại Việt Nam.

Bà Bork, Giám Đốc của tổ chức Dân Chủ và Nhân quyền tại Sáng kiến Chính sách đối ngoại ở Washington, kết luận rằng:

“Mời chủ tịch nước Việt Nam đi thăm Hoa Kỳ là một hành động không hợp lý, xét những gì đang xảy ra tại Việt Nam. Trong khi chuyến đi đang được xúc tiến, điều quan trọng là ông Obama phải công khai lên tiếng, một cách rõ ràng, nói với ông Sang về vai trò của dân chủ trong chính sách Á Châu của Hoa Kỳ. Và Tổng Thống Obama phải đưa ra hành động tương ứng với những phát biểu của ông.”

Nguồn: AFP, WSJ, USNews.

  • Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đến dự buổi ăn trưa với Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang tại Bộ Ngoại giao Hoa K ở Washington, ngày 24 tháng 7 năm 2013.
  • Ngoại trưởng MJohn Kerry giới thiệu Chủ tịch Trương Tấn Sang của Việt Nam với Mỹ Đại diện Thương mại Hoa KMike Froman (phải). Bên trái là dân biểu đảng Dân chủ Sander Levin tại Bộ Ngoại giao ở Washington, ngày 24/7/2013.
  • Ngoại trưởng Hoa KJohn Kerry lắng nghe Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang phát biểu trong bữa tiệc trưa tại Bộ Ngoại giao ở Washington, ngày 24/7/2013.
  • Ngoại trưởng Mỹ John Kerry Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang vẫy chào tại Bộ Ngoại giao ở Washington, ngày 24/7/2013.
  • Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nâng ly cùng Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang tại Bộ Ngoại giao ở Washington, ngày 24/7/2013.

 
 

Geen opmerkingen:

Een reactie posten