maandag 15 juli 2013

Người Việt sống trên biển Hồ Campuchia

Người Việt sống trên biển Hồ Campuchia

Quốc Việt, thông tín viên RFA, Campuchia
2013-07-12
Email
Ý kiến của Bạn
Chia sẻ
In trang này

P-14-305.jpg
Cộng đồng người Việt tại ấp Kandal, xã Phsa Chhnang, huyện Kampong Chhnang, tỉnh Kampong Chhnang.
Photos: Quốc Việt/RFA



Hầu hết người Việt đang sống trên khu vực biển Hồ tại Campuchia là chủ yếu bằng nghề đánh bắt thủy sản và buôn bán trên sông. Số này bị cơ quan chức năng cho là sống bất hợp pháp, chịu nhiều thiệt thòi; nhưng đến mỗi kỳ bầu cử họ lại được các đảng chính trị tranh thủ ủng hộ.

Không giấy tờ tùy thân

Có một số gia đình đã sống trên biển Hồ từ năm 1993 nhưng họ chỉ có thể nhận được giấy tạm trú, tạm vắng; không thể hòa nhập trong xã hội Campuchia vì không được chính phủ nước sở tại cấp giấy tùy thân, sổ hộ khẩu, giấy khai sanh hoặc những giấy tờ hợp pháp khác. Lý do này, đã đẩy cuộc sống của họ lênh đênh không bến bờ, không thể định hướng về tương lai.
Riêng thống kê của chính quyền tỉnh Kampong Chhnang, đã có gần 60 ngàn người Việt sống rải rác tại tỉnh này. Chúng tôi đã tiếp xúc với hàng chục gia đình người Việt đang sống trên làng nổi thuộc xã Phsa Chhnang, nơi có đến 4,760 người Việt đang sinh sống. Họ cho biết cuộc sống chủ yếu là dựa vào hai mùa cá, mùa được đánh bắt và mùa sinh sản. Hiện là mùa sinh sản, chính quyền cấm đánh bắt khiến cuộc sống của họ khó khăn hơn.
Ông Lê Thành Danh, 82 tuổi, sống ở tỉnh Kampong Chhnang cho biết: “Gia đình tôi sống 2, 3 đời nhưng giấy tờ không có. Người ta không làm cho mình chứ không phải mình không đi làm. Tôi biết tiếng Khmer rất rõ. Gia đình có 8 người. Nghề chủ yếu là lưới. Năm nay cũng thấy đỡ, bên thủy sản không bắt bớ, kiểm gì. Người ta cũng cho mình làm ăn, nhưng năm ngoái bắt phạt tiền nhiều lắm. Đi chài lưới bị bắt thì đóng tiền 50.000 đồng hoặc 100.000 đồng mới cho đi. Nếu không thì bị lấy lưới.”

Gia đình tôi sống 2, 3 đời nhưng giấy tờ không có. Người ta không làm cho mình chứ không phải mình không đi làm.
- ng Lê Thành Danh
Các gia đình người Việt sống theo bờ sông, trên biển Hồ đều không có điện, không nước sạch, trạm y tế và thiếu trường học. Đa phần người Việt sống tại Campuchia là không biết chữ.
Ông Trần Văn Hết, Phân Hội trưởng thuộc Hội người Việt Nam tại tỉnh Kampong Chhnang nói chính phủ Campuchia có quan hệ tốt với chính phủ Việt Nam nhưng không có nghĩa cộng đồng người Việt ở đây không bị kỳ thị, xem nhẹ, thậm chí bị bán vào các đường dây tệ nạn xã hội.
Ông Trần Văn Hết: “Mới biết tổ chức bầu cử ngày 28 tới, cũng thấy các đảng phái vận động biết đảng nào là đảng nào. Chỉ nghe là có người Việt Nam bỏ mà tại tỉnh Kampong Chhnang từ bắt đầu bầu cử tới giờ thì không có. Người Việt Nam ở đây là không được quyền bầu cử. Còn như tôi, từ thời ông cố tôi tới đời tôi mấy trăm năm mà vẫn không được quyền đi bầu cử.
Tôi thấy ở đây, nếu ai có vợ chồng Miên thì dựa vào đó nhập quốc tịch. Con có giấy đi học, có giấy đó mới ra làm công ty được. Còn người Việt Nam chúng tôi không đi làm công ty được tại vì không có quốc tịch. Còn bên Campuchia thì không giúp được gì. Cái chết, cái đau ốm cũng chúng tôi lăn lộn lo nhau.”
Thế nhưng, cứ đến mùa bầu cử đảng đang cầm quyền lại vận động và cấp thẻ bầu cử hướng dẫn chọn Thủ tướng đương thời. Còn đảng đối lập lại bới móc vấn đề người Việt sống bất hợp pháp mà có thể tham gia bầu cử làm lớn chuyện lên.
Tại xã Kampong Luong, huyện Ponhea Lueu, tỉnh Kandal đã có gần 1.000 người Việt đang sống bất hợp pháp trên làng nổi và theo bờ sông. Ông Hồ Văn Kiêm, từ xã Kampong Luong cho chúng tôi biết: “Tôi ở Campuchia chưa có giấy chứng minh. Đi làm mà chính quyền không làm cho vì lý do không có chủ trương của hai nhà nước. Làm tắt thì được mà sợ nó làm giấy giả. Từ năm 1993 tới giờ, lần nào cũng đi bầu cử. Nó làm giấy bầu cử cho mình mà giấy chứng minh không làm cho mới ác chứ.
Người Việt ở đây nhiều lắm, tới tuổi cũng được bầu cử mà nó làm giấy chứng minh. Không có giấy chứng minh mà có giấy bầu cử mới lạ. Tôi có họp với Hội Việt Kiều, tôi hỏi vấn đề này nhiều mà Hội và Đại sứ quán cứ kêu chờ. Đại sứ quán cho chờ hai nhà nước đàm phán nhau, thì phải chờ không biết làm sao.”
Còn ông Nguyễn Thành Nam từ biển Hồ tỉnh Siêm Reạp chia sẻ:“Ở đây làm nghề cá không. Mùa nào cũng bắt được, nếu không thuế là bị bắt. Bây giờ chỗ nào cũng người thả cho dân ăn hết, mà chỗ này cứ bắt đóng tiền vì có lệnh cấm. Bây giờ qua mùa cá, dân thất nghiệp.
Người dân Việt Nam sống ở đây lâu rồi như người Campuchia mà mình không có giấy tờ, rất khó sống. Tôi từng bầu cử ở Neak Loeung mà qua đây không bầu được vì không ai cho hay. Không ai chỉ hướng, đi tốn tiền rất nhiều. Còn giấy chứng minh, người dân tộc ở đây làm không được.”

Chính sách nào cho người Việt

P-2-250.jpg
Ông Trần Văn Hết, Phân Hội trưởng thuộc Hội người Việt Nam tại tỉnh Kampong Chhnang trả lời phỏng vấn RFA ngày 10/7/2013.

Hầu hết người Việt sống trên làng nổi, theo bờ sông đều không có đất đai sản xuất nên họ bắt buộc lăn lộn lén lút đi đánh bắt cá. Các gia đình đều muốn cho con em có nơi chỗ ăn học để vươn lên trong xã hội và đóng góp cho đất nước tuy nhiên tất cả đều không có khả năng.
Ông Khieu Sopheak, phát ngôn viên Bộ Nội vụ Campuchia nói với RFA rằng Campuchia không phân biệt đối xử đối với người Việt. Campuchia cũng không có chính sách đặc biệt nào cho người Việt Nam. Tất cả người Việt sống tại xứ chùa Tháp phải tôn trọng pháp luật, luật xuất nhập cảnh.
Ông Khieu Sopheak:“Người Việt không thể nào tham gia bầu cử ở Campuchia. Công dân Việt Nam hay người nước ngoài có thể nhập tịch khi họ lập gia đình với người Campuchia, hoặc được Quốc vương phê chuẩn. Campuchia có quan hệ tốt với Việt Nam nhưng không có chính sách ưu đãi cho người Việt.
Người Việt không thể có giấy chứng minh, đi bầu cử. Không giống đảng đối lập cáo buộc trước đó.”

Campuchia có quan hệ tốt với Việt Nam nhưng không có chính sách ưu đãi cho người Việt. Người Việt không thể có giấy chứng minh, đi bầu cử.
- Ông Khieu Sopheak
Theo ông Trần Văn Hết, chính phủ Việt Nam cũng không có chính sách giúp người Việt sống tại đây. Còn Đại sứ quán hay Hội người Việt Nam thì cũng không có ngân quỹ giúp cộng đồng người Việt.
Ông Trần Văn Hết cho biết những điều giúp được: “Những trường hợp bị oan trái, bắt không đúng luật, bị đàn áp thì Hội giúp can thiệp được. Nhưng vụ nghiêm trọng hơn thì không giúp được. Hiện cũng có một số đang bị giam cầm. Năm 2011 đến giờ thấy Hội Phật giáo Việt Nam, người hảo tâm nước ngoài đến tỉnh Kampong Chhnang giúp đỡ cũng nhiều. Còn bên Campuchia không có giúp gì.”
Nhiều ý kiến cho rằng cộng đồng người Việt sống rải rác ở Campuchia là người nghèo, thiếu đoàn kết, thiếu học và khó hồi nhập với dân địa phương. Người Việt đang bị kỳ thị, bị chính quyền địa phương lạm quyền vì chính phủ Việt Nam không có một chính sách để tạo điều kiện, bảo vệ và nâng cao đời sống của người Việt.

Geen opmerkingen:

Een reactie posten