donderdag 4 juli 2013

Nam Phi muốn bán kho sừng tê một tỷ USD

Thứ năm, 4/7/2013 14:57 GMT+7

Nam Phi muốn bán kho sừng tê một tỷ USD

Nam Phi hy vọng sẽ được bán một phần kho sừng tê giác trị giá một tỷ USD để tài trợ cho việc bảo tồn và làm bão hòa những thị trường chợ đen lớn như Trung Quốc hay Việt Nam.
Tuy nhiên các nhóm bảo tồn thiên nhiên lo ngại kế hoạch này có thể chỉ làm tăng nhu cầu ở các thị trường lớn như Trung Quốc và Việt Nam. Tại các quốc gia này, sừng tê giác được săn lùng để làm thuốc truyền thống, giúp các thương lái chợ đen kiếm bộn tiền.
Bộ trưởng Môi trường Nam Phi - bà Edna Molewa cho biết Nam Phi sẽ xin phép bán một số sừng tê giác trong Hội nghị quốc tế về Buôn bán Động vật đang gặp nguy hiểm (CITES), được tổ chức năm 2016. Bà cho biết: "Nam Phi không thể tiếp tục bị uy hiếp bởi những kẻ săn lùng tê giác được nữa".
sung-te-crop-1372922758_500x0.jpg
Lô sừng tê lậu bị bắt khi đang chuyển qua Hong Kong (Trung Quốc). Ảnh: AFP
Nam Phi hiện là quê hương của trên 20.000 con tê giác, chiếm 73% cả thế giới. Nhưng chỉ riêng năm nay, số tê giác bị săn trộm lấy sừng ước tính lên tới 800 con. Với tốc độ đó, đến khi CITES diễn ra, số tê giác bị giết hoặc chết hàng năm sẽ vượt quá số con được sinh ra. Nam Phi cho biết sẽ kéo thêm một số nước khác trong khu vực vào kế hoạch bán sừng tê giác, nhưng không nói rõ ai là bên mua.
Trong những năm gần đây, một trong những thị trường lớn nhất cho buôn lậu sừng tê được các tổ chức quốc tế thống kê là Việt Nam. Sản phẩm này được bán tại các hiệu thuốc và trên Internet với giá khoảng 65.000 USD mỗi kg, đắt hơn cả vàng. Với giá này, kho sừng 16.400 kg của Nam Phi sẽ có giá trên một tỷ USD.
Sừng tê giác đã được người châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, Việt Nam dùng làm thuốc từ nhiều thế kỷ nay. Nó được nghiền nát thành bột và đựa cho là có thể chữa một loạt bệnh, như thấp khớp, gút và thậm chí là... chống quỷ ám.
Cho đến năm 2010, mới có một số ít sừng tê giác bị buôn lậu. Nhưng con số này đã tăng vọt khi có tin đồn sừng tê giác đã chữa khỏi cho một bệnh nhân ung thư ở Việt Nam.
Alona Rivord, nhân viên thuộc nhóm bảo tồn WWE International nhận định: "Nghiên cứu gần đây về hành vi khách hàng cho thấy người Việt Nam có nhu cầu tiềm ẩn về sừng tê. Chúng tôi vẫn chưa rõ liệu một nguồn cung hợp pháp và ổn định có thể thỏa mãn được nhu cầu đó hay không".
Phạm Ngọc Uyển
 
 
Thứ ba, 26/3/2013 13:17 GMT+7

Cơn sốt sừng tê Việt lên báo nước ngoài

Người Việt coi sừng tê giác là thần dược và săn lùng ráo riết, dù việc mua bán là bất hợp pháp. Phóng viên nước ngoài cũng ngạc nhiên khi sừng tê được bày tràn lan với giá hàng chục nghìn USD mỗi kg.
> Sừng tê giác không có tác dụng chữa bệnh
Tại phố Lãn Ông (Hà Nội), sừng tê được bày bán tràn lan. Một chủ hàng thuốc cho biết 100 gr sừng tê có giá dao động 4.300 USD - 6.100 USD (90 triệu - 127 triệu đồng). Phần đầu sừng đắt nhất với 6.100 USD. Ở giữa rẻ hơn với 4.600 USD và phần cuối là 4.300 USD. Giá cả cũng còn tùy thuộc nguồn gốc của loại sừng. Sừng tê giác châu Á đắt hơn châu Phi vì chúng được cho là có chất lượng tốt hơn.
Gần đây, kênh truyền hình ITV của Anh cũng làm hẳn một phóng sự về cơn sốt sừng tê tại Việt Nam. Phóng viên Angus Walker đã được tận mắt chứng kiến công đoạn mài sừng của một người dân. Công cụ là một chiếc đĩa đặc biệt có in hình tê giác. Trong 15 phút, người này mài chiếc sừng vòng quanh đĩa, sau đó trộn với một ít nước cho đến khi hài lòng với dung dịch.
Loại đĩa chuyên dụng để mài sừng tê. Ảnh: ITV
Loại đĩa chuyên dụng để mài sừng tê. Ảnh: ITV
"Anh có muốn nhấp thử một ngụm không", ông ta hỏi. Nhưng Walker đã lịch sự từ chối. Ông này cho biết: "Cứ mỗi lần đau đầu là tôi lại dùng nó. Để thanh lọc cơ thể tốt lắm đấy. Tôi còn cho con uống một ngụm nhỏ khi nó bị sốt nữa".
Việc sử dụng sừng tê như thần dược, chữa từ đau đầu đến ung thư, đã trở thành trào lưu ở Việt Nam trong 5 năm gần đây. Các nhà hoạt động bảo tồn cho biết chính nhu cầu từ Việt Nam đã đẩy tê giác châu Phi đến bờ vực tuyệt chủng. Tính từ đầu năm, 100 con đã bị giết chỉ để lấy sừng.
Tại hội nghị CITES (Công ước về buôn bán quốc tế về các loài Động Thực vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng) ở Bangkok (Thái Lan) đầu tháng 3, Việt Nam đã bị thúc giục áp dụng các chiến lược toàn diện để giảm nhu cầu sừng tê. Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) còn muốn Chủ tịch nước lên tiếng kêu gọi người dân ngừng sử dụng sản phẩm này.
Việt Nam đã thay đổi chính sách để ngăn chặn nạn buôn bán. Tuy nhiên, dường như chẳng có ai quan tâm đến luật pháp. Trong căn phòng phía sau một cửa hàng ở Hà Nội, Walker được chào lấy cả sừng để có giá rẻ hơn. Người bán chụp lại tất cả sừng mình có và cho biết: "Anh mà đến sớm hơn chút nữa thì có cả 60 - 70 kg sừng để chọn. Giờ tôi chỉ còn vài kg thôi".
Buôn bán sừng tê là bất hợp pháp. Tuy nhiên, người bán chẳng tỏ ra sợ hãi: "Ở Việt Nam, anh chỉ cần làm luật là được". Mức giá mà ông đưa ra là 5.000 bảng (158 triệu đồng) cho 100gr.
Một chiếc sừng tê có giá hàng trăm triệu đồng mỗi kg. Ảnh: ITV
Một chiếc sừng tê có giá hàng trăm triệu đồng mỗi kg. Ảnh: ITV
Tuy nhiên, Angus Walker cho biết một viên thuốc lớn làm từ sừng tê cũng có thể rẻ hơn với giá 30 bảng. Tại một cửa hàng tại chợ thuốc truyền thống của Hà Nội, người bán còn hướng dẫn anh trộn bột sừng tê với một ít nước.
Các nhà hoạt động cho biết cách để ngăn chặn săn bắn bừa bãi là ngừng dùng thuốc làm từ động vật bị đe dọa. Tuy nhiên, việc này là rất khó tại một quốc gia mà da hổ còn được dùng làm đồ trang trí trong nhà bác sĩ. Toanh Van Xuan, một bác sĩ đông y, rất tin tưởng vào những tác dụng kỳ diệu của sừng tê.
"Theo kinh nghiệm của tôi, sừng tê đã được chứng minh là rất tuyệt vời. Nó giúp giải độc cơ thể, thanh lọc máu và tăng cường hệ miễn dịch. Tôi cũng từng dùng cho mình và cả bệnh nhân nữa", ông nói.
Tuy nhiên, khi được hỏi ông nghĩ thế nào nếu các đồng nghiệp phương Tây kết luận không có bằng chứng khoa học cho thấy sừng tê có tác dụng chữa mọi loại bệnh, Xuan cho biết: "Kể cả nếu chẳng có nghiên cứu khoa học, thì lịch sử cũng đủ chứng minh điều đó rồi".
Theo ước tính của các nhà khoa học, nếu nhu cầu sừng tê ở Việt Nam vẫn tiếp tục theo tốc độ này, loài động vật đã tồn tại trên Trái Đất suốt 50 triệu năm sẽ bị xóa sổ.
Thùy Linh (tổng hợp)

http://kinhdoanh.vnexpress.net/tin-tuc/vi-mo/con-sot-sung-te-viet-len-bao-nuoc-ngoai-2727198.html

Thứ sáu, 27/5/2011 14:44 GMT+7

Sừng tê giác không có tác dụng chữa bệnh

Việc nhiều người bỏ hàng nghìn USD mua sừng tê giác để mài thành bột chữa bệnh là sai lầm, tổ chức Bảo vệ các loài hoang dã quốc tế (CWI) khuyến cáo.

j
Cặp sừng tê giác. Ảnh: Photostuff.
Theo CWI, sừng tê chủ yếu được cấu tạo bởi chất sừng, cũng như thành phần của tóc và móng tay con người. Tuy nhiên lâu nay nhiều người châu Á vẫn tin sừng tê giác dạng bột có thể chữa bất cứ bệnh gì từ đau đầu tới bệnh gút. Thậm chí ở Việt Nam còn có tin đồn rằng sừng tê giác chữa khỏi bệnh ung thư. Vì thế, nhu cầu sử dụng sừng tê giác như một loại thuốc đông y ngày càng tăng.
Ông Mark Jones, giám đốc tổ CWI cho biết, giá 1kg sừng tê giác dạng bột ở Việt Nam là 60.000 USD, mức giá này không phải cố định mà liên tục thay đổi. So về trọng lượng thì nó còn đắt đỏ hơn cả vàng và giá bán cocaine trên thị trường chợ đen châu Âu.
Đa số sừng tê giác đều có nguồn gốc từ Nam Phi. Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan là thị trường chủ yếu buôn bán sừng tê giác dạng bột. Nhưng thông thường, những kẻ buôn lậu thường vận chuyển gián tiếp sừng tê giác qua các nước ở châu Á, hoặc châu Âu để lách luật trước khi đến nơi tiêu thụ chính.
Trong nhiều năm trở lại đây, dù có rất nhiều nỗ lực bảo vệ tê giác khỏi tay những kẻ săn trộm, loài này trên thế giới vẫn suy giảm nghiêm trọng về số lượng do vấn nạn săn trộm tê giác lấy sừng đang diễn biến ngày một phức tạp.
Theo số liệu thống kê của CWI, trong tự nhiên chỉ còn lại 5 loài tê giác với tổng số khoảng 26.000 con đang sống ở châu Phi và châu Á. Còn tê giác Sumatra và Java ở Đông Nam Á, cũng đang bị đe dọa tuyệt chủng, với khoảng 300 con tê giác Sumatra và 45 con tê giác Java hiện còn sống sót.
"Cần có cơ chế ban hành luật, thi hành pháp luật kiên quyết hơn và các hình phạt nghiêm khắc hơn đối với nạn săn trộm và buôn bán sừng tê giác. Quan trọng hơn cả là cung cấp kiến thức, tuyên truyền cho những người sử dụng các sản phẩm sừng tê giác, giúp họ hiểu tại sao điều này không hề tốt cho cả họ và loài tê giác. Nếu không, những loài động vật quý hiếm sẽ vĩnh viễn biến mất", ông Mark Jones nói.
Ngày 1/6 tới, tổ chức Bảo vệ Động vật hoang dã ở Việt Nam (WAR) sẽ tổ chức lễ trao giải cuộc thi vẽ tranh chủ đề “Bảo vệ Tê giác một sừng và các loài động vật hoang dã quý hiếm”. Hoạt động này để tưởng nhớ sự kiện con tê giác một sừng chết tại vườn quốc gia Cát Tiên tháng 5/2010, đối tượng là các em thiếu nhi.
Năm mươi bức tranh đẹp nhất trong số hơn 1000 tác phẩm dự thi sẽ được trưng bày trong suốt thời gian diễn ra Ngày hội sản phẩm dịch vụ văn hóa nói trên. Những tác phẩm ấn tượng nhất cũng sẽ được sử dụng trong các ấn phẩm giáo dục truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của học sinh và công chúng đối với việc bảo vệ động vật hoang dã.
Hương Thu

http://vnexpress.net/tin-tuc/khoa-hoc/sung-te-giac-khong-co-tac-dung-chua-benh-2196092.html

Thứ ba, 11/12/2012 08:36 GMT+7

70% sừng tê giác ở Việt Nam là giả

Việt Nam không là thị trường chính tiêu thụ sừng tê giác, nhưng bị mang tiếng vì là nơi trung chuyển cho Trung Quốc.
Có đến 70% số sừng tê giác ở Việt Nam được kiểm tra là giả. Đó là những thông tin được đưa ra sau buổi làm việc giữa Bộ trưởng Bộ Môi trường và nguồn nước Nam Phi và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam.
Tại cuộc làm việc, Bộ trưởng Môi trường và nguồn nước Nam Phi, bà Bomo Edna Molewa và Bộ trưởng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam Cao Đức Phát đại diện Chính phủ 2 nước ký Thỏa thuận hợp tác về bảo tồn và bảo vệ đa dạng sinh học và trao đổi các biện pháp tăng cường hợp tác giữa 2 nước. Một trong những nội dung hợp tác quan trọng nhất được thảo luận chính là việc ngăn chặn tình trạng buôn bán mẫu vật, sừng tê giác từ Nam Phi về Việt Nam.
CITES Việt Nam - cơ quan quản lý Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp cho biết, trước năm 2012, có khoảng 30-50 người Việt sinh sống tại Nam Phi, trong đó có một số nhóm chuyên xin giấy phép bắn tê giác hợp pháp.
Tuy nhiên, từ đầu năm 2012, phía Nam Phi cấm người Việt Nam săn bắn tê giác hợp pháp. Bà Bomo Edna Molewa cho biết, năm 2009 có 85 giấy phép săn tê giác được cấp cho người Việt Nam, 2010 có 91 giấy phép, 2011 lên đến 140 giấy phép; năm 2012 chỉ có 8 giấy phép được cấp.
Tuy không được phép săn bắn nhưng lượng sừng tê giác nhập khẩu về Việt Nam đang gia tăng, năm 2009 là 14 sừng, 2010 là 16 sừng, 2011 là 32 và 8 tháng đầu năm 2012 là 36 chiếc.

sung-te-giac-1355188962_500x0.jpg
Việt Nam được xem là điểm đến quan trọng của nạn buôn lậu sừng tê giác.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng là quốc gia có nhiều người buôn bán sừng tê giác trái phép. Tới nay, có 20 người Việt bị bắt giữ, 11 người đang bị giam giữ, 4 người bị kết án 7-12 năm tù tại Nam Phi. Vụ việc cán bộ đại sứ quán bị bắt tại sân bay Mozambic vì vận chuyển trái phép tê giác; năm 2008, một cán bộ ngoại giao bị ghi hình khi đang mua sừng tê giác ngay trước cửa đại sứ quán Việt Nam ở Nam Phi càng làm xấu hình ảnh của Việt Nam trong công tác bảo tồn loài tê giác.
Tuy nhiên, đại diện Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho rằng, Việt Nam không phải là địa bàn tiêu thụ chính mà chỉ là nơi trung chuyển sang Trung Quốc. “Thị trường sử dụng sử dụng sừng tê giác chủ yếu là Trung Quốc, nhưng Việt Nam cũng là nước bị mang tiếng” – báo cáo của CITES Việt Nam nêu. CITES Việt Nam cũng cho rằng, chỉ một bộ phận rất nhỏ ở Việt Nam sử dụng sừng tê giác để mài uống theo phương thức thủ công nên sức tiêu thụ không lớn; trong khi đó, Trung Quốc đang có công nghệ bào chế thuốc từ sừng tê giác.
Cơ quan này dẫn số liệu của Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật, cơ quan chuyên giám định mẫu vật thì 70% mẫu vật sừng tê giác ở Việt Nam là giả. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Hà Công Tuấn cho biết, Việt Nam đang tiến hành nhiều biện pháp ngăn chặn tình trạng sử dụng sừng tê giác như tăng cường tuyên truyền, đề xuất Chính phủ quy định cấm nhập khẩu sừng tê giác, tăng cường điều tra, xử lý các vụ vi phạm… Tại buổi làm việc, bà Bomo Edna Molewa bày tỏ sự hài lòng về sự quyết liệt của Việt Nam nhằm bảo vệ loài tê giác ở Nam Phi.
Theo Dân Việt

http://kinhdoanh.vnexpress.net/tin-tuc/thi-truong/70-sung-te-giac-o-viet-nam-la-gia-2740060.html


 

Geen opmerkingen:

Een reactie posten