dinsdag 2 juli 2013

Mỹ tiếp tục khẳng định 'quyền lợi quốc gia' trên Biển Đông

Mỹ tiếp tục khẳng định 'quyền lợi quốc gia' trên Biển Đông Monday, July 01, 2013 5:05:33 PM






BANDAR SERI BEGAWAN (NV) - Ngoại trưởng Mỹ John Kerry kêu gọi các nước tranh chấp chủ quyền Biển Đông đạt tiến bộ về một 'Bộ Quy Tắc Ứng Xử' hầu tránh xung đột võ trang.
Bản đồ Biển Đông với 9 đoạn hình “Lưỡi Bò” do Trung Quốc ngang nhiên vẽ và tuyên bố là của nước mình, bất chấp quyền lợi và vùng đặc quyền kinh tế của của các nước khác. (Hình: UNCLOS & CIA)
Lên tiếng trong cuộc họp ASEAN và các đối tác tại thủ đô Brunei,  nước đương kim chủ tịch luân phiên tổ chức ASEAN, ông Kerry lập lại những điều mà các ngoại trưởng, tướng lãnh, Bộ trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ phát biểu những năm gần đây.

Ông phát biểu là Hoa Kỳ có lợi ích quốc gia khi cùng duy trì ổn định ở khu vực.

“Chúng tôi quan tâm rất lớn về cách mà các tranh chấp trên Biển Đông được giải quyết và sự ứng xử của các bên liên quan.” Ngoại trưởng Kerry nói.

“Là một quốc gia Thái Bình Dương, và là một cường quốc của khu vực, Hoa Kỳ có quyền lợi quốc gia trong việc duy trì hòa bình và ổn định, sự tôn trọng luật lệ quốc tế, không cản trở thương mại hợp pháp cũng như tự do đi lại trên Biển Đông.” Ông phát biểu.

Lời ông Kerry không có gì mới lạ so với các lần lên tiếng của các viên chức Hoa Kỳ trước đây. Tuy nhiên, những lời này xác nhận lại lập trường không thay đổi của Hoa Thịnh Đốn đối với cuộc tranh chấp giữa Trung quốc và một số nước ASEAN, đặc biệt là Việt Nam và Philippines.

Trong cuộc họp đầu tiên hôm Thứ Bảy 30 tháng Sáu, 2013, tin cho hay Bắc Kinh và ASEAN đồng ý về một kế hoạch nhằm giảm bớt căng thẳng. Hai bên thỏa thuận họp vào Tháng 9 tới đây, xúc tiến những cuộc thảo luận cho một Bộ Quy Tắc Ứng Xử (Code of Conduct) được nói tới từ nhiều năm qua đến nay vẫn không thành hình nổi.

Cũng trong phiên họp hôm Thứ Bảy, Philippines đã cáo buộc Trung quốc là gia tăng quân sự hóa ở Biển Đông và là đầu mối của mọi sự gia tăng căng thẳng.

“Sự hiện diện dầy dẫy các tàu Trung quốc, gồm cả các chiến hạm và tàu bán quân sự, đi kèm với những lời đe dọa là sự thử thách nghiêm trọng cho toàn thể khu vực”. Ngoại trưởng Philippines, ông Albert Del Rosario tố cáo Trung Quốc trong phiên họp.

Trước đó mấy ngày, báo chí chính thống của Bắc Kinh dọa tấn công Philippines vì tranh chấp biển đảo. Bắc Kinh cũng từng đe dọa Việt Nam tương tự, không phải một lần, dù lãnh tụ hai nước khi gặp nhau đều đưa “16 chữ vàng” và “tinh thần 4 tốt” ra ca ngợi.

Ngoại trưởng CSVN Phạm Bình Minh, lần đầu tiên tại một phiên họp quốc tế ở thủ đô Brunei, cũng thấy gián tiếp tố cáo Bắc Kinh đã bắn, đâm tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam.

Việc Trung quốc chịu thảo luận để xúc tiến một Bộ Quy Tắc Ứng Xử Trên Biển Đông được nhìn nhận như một tiến bộ khởi
đầu dù không ai tin sẽ có nổi thỏa hiệp trong tương lai gần. Bản Tuyên Bố Ứng Xử (Declaration of Conduct) trên Biển Đông đã được ASEAN và Trung Quốc ký kết từ năm 2002 nhưng tới nay vẫn chỉ là tuyên bố suông. Các tranh chấp có vẻ ngày một căng thẳng hơn.

Tháng Bảy năm ngoái, khi còn là nghị sĩ chủ tịch Ủy Ban Đối Ngoại của Thượng Viện Hoa Kỳ, ông John Kerry đã cùng các nghị sĩ John McCain, Richard Lugar, Jim Webb, James Inhofe và Joe Lieberman đỡ đầu một bản nghị quyết kêu gọi Trung quốc và các nước ASEAN duy trì hòa bình và ổn định.

Thời gian này, Bắc Kinh loan báo thành lập thành phố cấp huyện “Tam Sa” bao gồm các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam cũng như khu vực Scarborough và Bãi Cỏ Mây. Rồi sau đó, Bắc Kinh loan báo đổ nhiều tỉ đô la biến đảo Phú Lâm trong quần đảo Hoàng Sa cướp của Việt Nam thành một trung tâm quân sự, và thương mại quan trọng.
(TN)

Geen opmerkingen:

Een reactie posten