donderdag 18 juli 2013

Mẹ của 30 người con, Sơ Trần Thị Hiện

Thứ năm, 18/7/2013 17:07 GMT+7

Mẹ của 30 người con

Tốt nghiệp Đại học Y khoa Huế, từng khoác chiếc áo blouse trắng, sơ Trần Thị Hiện hiểu "Không thứ thuốc nào có tác dụng bằng tình thương". Đó là động lực thôi thúc sơ ngày đêm gieo mầm thiện.

Sơ Trần Thị Hiện (58 tuổi, trú tại TP Đông Hà, tỉnh Quảng Trị) đón chúng tôi bằng nụ cười thân thiện như cố giấu đi sự mệt mỏi. Sơ vừa đón đứa con thứ 30 vào mái ấm tình thương. Cháu bị bỏ rơi và được phát hiện trong tình trạng nguy kịch. Không ai can đảm nhận nuôi bởi cháu bị khuyết tật nặng. Âu yếm ôm đứa trẻ sơ sinh vào lòng, sơ Hiện chia sẻ: "Cháu bị liệt cả tay lẫn chân. Mỗi lần đặt xuống nôi, cháu lại khóc ré lên. Mấy hôm nay, các sơ phải thay phiên nhau bế và ru cháu ngủ". Đây không phải là lần đầu sơ  thức trắng để trông nom trẻ. Sơ thường đùa, cháu nào vào mái ấm cũng "khuyến mãi" cho các sơ vài đêm như vậy.
Hura-1-1374142745_500x0.jpg
Các sơ tại mái ấm tình thương chăm sóc những em bé sơ sinh.
Đối với sơ Hiện, mỗi em nhỏ là một "đứa con số phận". Mới đây, trong lúc sửa soạn bữa cơm chiều, sơ nghe tiếng khóc đâu đó vọng lại. Vội bước ra hiên, sơ thấy một em bé kháu khỉnh nằm trong chiếc làn nhựa. Mẹ đã để em lại cùng bức thư lấm tấm nước mắt. Thấy sơ, đứa trẻ chợt mĩm cười. Ôm cháu vào lòng, sơ nghĩ đến cái tên Lâm Bích Phương Duyên. Hiện Duyên đã 11 tháng tuổi, kháu khỉnh và khỏe mạnh. Nhiều người xin cháu làm con. Song, sơ từ chối. Sơ biết rằng, đâu đó ngoài kia có một người mẹ đang khắc khoải nỗi đau xa con, rồi chị sẽ trở về.
Có những em nhỏ khiến các sơ không khỏi ngập ngừng khi nhận nuôi. Trường hợp Lâm Bích Thiên Ân là ví dụ. Chính mẹ mang cháu đến đây, cậy nhờ giúp đỡ. Lúc ấy, Thiên Ân bị suy dinh dưỡng nặng. Cháu quắt queo như thân cây cạn nhựa sống. Ân luôn thét lên mỗi khi ai đó chạm vào. Thấy thế, sơ động viên mẹ nuôi cháu thêm ít lâu. Song, cô gái trẻ từ chối. Không còn cách nào khác, sơ nhận nuôi và yêu cầu gia đình làm giấy cam đoan. Lạ thay, khi người mẹ đặt bút viết chữ cuối cùng, Thiên Ân lại đồng ý cho sơ ẵm. Từ hôm đó, sơ gần như "cột mình" bên chiếc nôi, chăm Ân từng tí. Sau một tháng, cháu bắt đầu thích ăn. 2 tháng sau, người mẹ ruột đến thăm, Ân không chịu rời sơ.
30 đứa con là 30 câu chuyện mà mỗi lần nhắc đến sơ đều rưng rưng xúc động. Với sơ, các em là thiên thần mà ơn trên gửi xuống. Nhiệm vụ của sơ là nuôi nấng, dạy dỗ để chúng tiếp bước con đường hành thiện.
Hura-2-1374142746_500x0.jpg
Sơ Trần Thị Hiện hướng dẫn các con làm đồ lưu niệm.
Ngôi nhà của mẹ con sơ Trần Thị Hiện chưa bao giờ vắng tiếng cười. Sơ hiểu, mọi sự vui buồn của bản thân đều tác động đến con. Thế nên, sơ gạt bỏ tất cả muộn phiền trước khi bước qua cổng mái ấm. Ngày ngày, sơ cùng các sơ khác luôn "miệng cười, đầu nghĩ, chân đi và tay làm". Cứ thế, nụ cười trở thành "phản ứng dây chuyền".
Sinh ra trong gia đình nghèo, với lòng "Kính chúa, yêu người", năm 11 tuổi, cô bé Trần Thị Hiện bước vào nhà dòng. Năm 1976, cô chính thức trở thành nữ tu. Nặng lòng với đất và người Quảng Trị, sơ quyết định ra miền quê gió Lào, cát trắng khởi sự. Trải thăng trầm, sơ nghĩ: "Ngoài thực hiện nhiệm vụ bàn thờ, mình nên hướng đến những mảnh đời bất hạnh". Buổi đầu, sẵn vốn kiến thức y học, sơ bươn bả khắp nơi giúp đỡ người khiếm thị. Rồi, sơ nhận ra: "Cách tốt nhất để giúp đỡ mọi người là hỗ trợ con cái họ. Sau này, các em sẽ lo liệu cho bố mẹ". Thế là, năm 2008, sơ lập mái ấm tình thương.
Phần đông các con của sơ đều được bố mẹ dắt đến, xin cho ở lại. Một số em khác lại vô tình gặp sơ khi đang nằm co ro dưới gầm cầu, xó chợ. Mỗi lần như vậy, sơ đều hỏi: "Con thích điều gì?". Và, sơ mang các em về khi nghe câu trả lời: "Con thích đi học", "Con ước có một mái nhà"... Con càng đông, vất vả càng đặt nặng trên bờ vai xuôi gầy của sơ. Không chỉ là mẹ, cô giáo, sơ còn kiêm vai trò thầy thuốc, bếp trưởng, thậm chí là... quan tòa. Sơ luôn lấy tình thương làm "cán cân" và đứng ra giải quyết mọi việc.
So với buổi đầu thành lập, cuộc sống mẹ con sơ giờ không còn "thiếu trước, hụt sau". 5 người con của sơ đã bước chân vào giảng đường. Các em khác đều được ăn học tử tế. Ngoài thời gian đèn sách, các em còn đảm đương một số việc nhà, làm đồ lưu niệm... Nhờ thế, sơ có thêm thời gian để nấu cháo tình thương cho bệnh nhân nghèo, cấp phát thuốc tận tay người mù, giúp các cháu nhỏ bị bại não, tặng gạo cho hộ neo đơn... Những việc làm ấy đều được các em nhỏ dõi theo và học tập. Em Trần Thị Thanh Nga khẳng định: "Chính sơ là tấm gương sáng để chúng em phấn đấu".
Hura-3-1374142746_500x0.jpg
Niềm hạnh phúc lớn nhất của các sơ là thấy các con vui vẻ, khỏe mạnh.
Chiều về, ngôi nhà nhỏ của mẹ con sơ Hiện thêm rộn rã tiếng cười. Em bé mới nhận nuôi vẫn thiêm thiếp ngủ. Trong giấc say nồng, bỗng em nhoẻn miệng cười. Sơ Hiện trìu mến ngắm con, rồi nhìn sang các sơ khác. Hình ảnh ấy khiến tôi trào dâng xúc cảm. Tôi tin, ngày mình trở lại, ngôi nhà nhỏ này sẽ có thêm nhiều gương mặt mới và những nụ cười trong sáng tựa thiên thần.
* Độc giả gửi bài dự thi tại đây.
Cuộc thi "Viết nên điều kỳ diệu" do Báo điện tử VnExpress phối hợp với nhãn hàng Hura Deli - Công ty cổ phần Bibica tổ chức dành cho các công dân sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam. Nhân vật trong bài viết dự thi có cơ hội trở thành người Thụ hưởng Gameshow Vì bạn xứng đáng phát sóng vào 17-18h chủ nhật hàng tuần trên VTV3.
Trương Quang Hiệp
 

Geen opmerkingen:

Een reactie posten