vrijdag 26 juli 2013

Kinh tế Ấn bị đe dọa vì người dân mua quá nhiều vàng

Kinh tế Ấn bị đe dọa vì người dân mua quá nhiều vàng
Nhìn sang Ấn Độ, Le Figaro đăng trên trang nhất bài chạy tựa : «Đổ xô mua vàng, một đe dọa cho nền kinh tế quốc gia ». Le Figaro cho hay, Ấn Độ và Trung Quốc là hai nước tiêu thụ vàng lớn nhất hành tinh, chiếm đến 50% tổng lượng cầu thế giới. Riêng Ấn Độ, nước này đông dân không bằng Trung Quốc, nhưng lại xếp trên về việc tiêu thụ vàng.
Mỗi năm, Ấn Độ có thể tự sản xuất được 2,5 tấn vàng, nhưng lại tiêu thụ đến 800 tấn, trong đó 80% dùng để làm trang sức. Chỉ trong quý 2 vừa qua, nước này đã nhập đến trên 300 tấn vàng. Điều này sẽ làm trầm trọng hơn mức thâm hụt ngoại thương quốc gia, làm suy yếu đồng nội tệ và làm gia tăng lạm phát. Chỉ từ tháng 5 đến tháng 7 năm nay, đồng rupi của Ấn Độ đã mất giá đến 11% so với đô la Mỹ.
Chính phủ Ấn Độ, từ đầu năm 2013, đã tiến hành nhiều biện pháp để hạn chế việc người dân mua vàng. Mới tháng rồi, Bộ trưởng Tài chính nước này cũng đã lên tiếng kêu gọi người dân « chống lại sự cám dỗ của việc mua vàng ».
Thế nhưng, theo Le Figaro, rất khó thuyết phục người dân, vì đối với họ, vàng hiện là điểm trú ẩn an toàn trong khi đồng rupi mất giá so với đô la. Bên cạnh đó còn có vấn đề văn hóa : Vàng hiện diện trong mọi ngóc ngách đời sống của người Ấn Độ, dù nghèo hay giàu, dù ít hay nhiều, từ lễ hội tôn giáo đến đám cưới, đám sinh nhật…

"Vòng vây" TPP của Mỹ được mở rộng
Hôm qua 23/07/2013, Nhật Bản chính thức gia nhập đàm phán về Hiệp ước đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP). Như vậy, đến hiện tại, TPP đã được 12 thành viên. Nhật báo kinh tế Les Echos có bài phản ánh sự kiện này.
Chính phủ Nhật Bản đã tuyên bố tham gia TPP hai ngày sau khi đảng cầm quyền LDP của thủ tướng Shinzo Abe chiến thắng trong cuộc bầu cử Thượng viện Nhật Bản vào chủ nhật rồi. Tờ báo nhận định, dù rằng TPP sẽ gây khó khăn cho chính sách bảo hộ kinh tế, nhất là bảo hộ nông nghiệp của Nhật Bản, thế nhưng, TPP sẽ mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế thứ ba thế giới này.
Tờ báo nhấn mạnh, chính sách phục hồi kinh tế của ông Abe (Abenomics) dựa trên tăng trưởng dài hạn, và sự tăng trưởng này sẽ được kích thích khi Nhật Bản gia nhập TPP. Les Echos nhắc lại tầm quan trọng của TPP với 12 thành viên, chiếm 40% GDP toàn cầu.  Đây là một khuôn khổ hợp tác theo sáng kiến của Mỹ.
Trong bối cảnh hiện tại, TPP có một tầm quan trọng chiến lược trong khi Mỹ đang xoay trục về Châu Á-Thái Bình Dương. Ban đầu, TPP chỉ giới hạn cho một số nước như Brunei, Chilê và New Zeland, sau đó TPP dần mở rộng cho các nước khác như Việt Nam, Peru, Malaysia, Singapore…Tờ báo kết luận : « Trung Quốc thì còn trong phòng chờ của TPP ».

Pháp : Hệ thống đường sắt quá cũ kỹ ?
Liên quan đến nước Pháp, nhật báo cánh tả Libération dành trang nhất đăng tựa : « Những chiếc xe lửa đã hết hơi » và một bài xã luận tiêu đề « Cố gắng ». Vụ xe lửa trượt đường ray hôm 12/07/2013 ở ngoại ô phía nam Paris đã làm nóng lên hồ sơ về an toàn đường sắt tại Pháp.
Tờ báo cho biết, ba chục năm qua, Pháp quá ưu tiên phát triển xe lửa cao tốc (TGV), trong khi lại bỏ bê các xe lửa truyền thống. Vì thế, nhà cầm quyền chỉ lo xây dựng cho TGV, còn các đường ray xe lửa truyền thống thì cũ kỹ, thiếu được sửa chữa. Tờ báo kêu gọi các nhà chức trách nhân cơ hội này tiến hành khắc phục thiếu sót nói trên.
Xe lửa là phương tiện được người Pháp sử dụng nhiều nhất trong hiện tại. Theo một thăm dò, có 58% người Pháp cho rằng, xe lửa là « phương tiện chuyên chở an toàn nhất », trong khi con số này đối với máy bay là 33%, đối với xe ô tô chỉ có 7%.

http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20130724-tuong-lai-xan-lan-cho-nganh-ca-phe-viet-nam

Geen opmerkingen:

Een reactie posten